Công dụng và cách dùng cây cà gai leo
Cà gai leo là thảo dược nổi tiếng với công dụng mát gan, giải độc, chữa xơ gan, hạ men gan giúp gan khỏe mạnh. Ngoài ra, cà gai leo còn có nhiều công dụng khác: kháng nấm, kháng virus, chữa tê thấp, đau lưng, nhức mỏi…
BS Đoàn Quang Nguyên
I. Tổng quan về cây cà gai leo
Tên thường gọi: Cà gai leo
Tên gọi khác: cà gai dây, cà vạnh, cà cườm, cà quánh, cà quýnh, cà lù.
Tên khoa học: Solanum hainanense hoặc Solanum procumbens Lour.
Phân họ: họ Cà (Solanaceae).
1. Nhận biết cây cà gai leo
Cà gai leo là cây nhỏ, sống nhiều năm, dài khoảng 1m, có thể dài đến 6m. Thân hóa gỗ, nhẵn, phân cành nhiều, cành non tỏa rộng, phủ lông hình sao và rất nhiều gai cong màu vàng. Lá mọc so le hình bầu dục hoặc thuôn, xẻ thùy không đều, phiến lá nông, không đều, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới nhạt và phủ đầy lông tơ màu trắng, hai mặt đều có gai ở gân chính, nhất là ở mặt trên, cuống lá cũng có gai. Hoa màu trắng hoặc tím nhạt, mọc thành xim, ở nách lá, gồm 2-5 hoa, nhị vàng. Quả mọng, hình cầu nhẵn, có cuống dài, màu vàng, khi chín có màu đỏ. Hạt hình thận dẹt, màu vàng.
2. Thành phần dược chất của cà gai leo
Thành phần chính của rễ là alkaloid, saponin steroid, diosgenin, tinh bột, flavonoid và các alcoloid solasodin. Ở dây chứa nhiều alkaloid. Toàn cây chứa nhiều dược chất có tác dụng riêng biệt như: Quinovopyranoside (C38H62O13), Torvoside J (C39H64O13), Torvoside K (C39H64O13), salicylic acid.
3. Phân bố, thu hái và chế biến cà gai leo
Cây mọc hoang nhiều nơi trong nước ta, rải rác ven đường, lùm bụi, đồi gò, đất hoang, đồng bằng trung du, từ các tỉnh miền Bắc cho đến Huế, Lào, Campuchia. Đôi khi được trồng làm hàng rào.
Các tỉnh được phát hiện có nhiều cà gai leo (khí hậu thỗ nhưỡng thích hợp để phát triển mạnh: Sơn La, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Gia Lai.
Bộ phận thường dùng làm thuốc là rễ (thích gia căn), hoặc là dây (thích gia đằng). Rễ, cành lá và quả được thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi hoặc sấy khô. Dùng tươi được. Có thể dùng dược liệu nấu cao nước, cao mềm hay cao khô.
II. Công dụng của cà gai leo
1. Công dụng của cà gai leo theo đông y cổ truyền
Cà gai leo có vị hơi the, tính ấm, hơi có độc, tác dụng tán phong thấp, đông y thường dùng trị đau lưng, nhức xương, tiêu độc, tiêu đàm, trừ ho và cầm máu.
Ở các phương trị ít phổ biến hơn, cà gai leo được dùng trị sâu răng, dị ứng, cảm cúm, giải độc rắn cắn, giải độc rượu bia. Khi dùng ngoài thì lấy cây tươi giã nát, chiết nước uống và lấy bã đắp. Cao lỏng cà gai leo dùng ngậm chữa viêm nướu, viêm quanh chân răng.
2. Công dụng của cà gai leo theo đông y hiện đại
Các tác dụng của cà gai leo đã nghiên cứu
Ngày nay, cà gai leo đã được nghiên cứu trên thực nghiệm lẫn minh chứng trên lâm sàng các tác dụng chữa xơ gan, viêm gan siêu vi và hỗ trợ điều trị ung thư gan (các dòng tế bào Hep 3B, Hep G2, PLC/PRF), ung thư cổ tử cung, trong đó đặc biệt nhất là viêm gan siêu vi B mạn tính thể hoạt động, với mức chi phí thấp và ít gặp tác dụng phụ. Cà gai leo giúp kích thích tái sinh tế bào gan, chống thoái hóa tế bào gan và giúp hạ men gan khá nhanh.
Glycoalcaloid và nhiều nhóm chất khác trong cà gai leo có tác dụng chống oxy hóa cao.
Cà gai leo được đánh giá là có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng mệt mỏi, đau tức hạ sườn phải, tiểu vàng, da niêm vàng… trên các bệnh nhân viêm gan, xơ gan.
Kháng nấm là một tác dụng đáng được nhắc đến của cà gai leo, hình thành từ hoạt chất Torvoside K, kháng mạnh nhất là 2 dòng nấm: Aspergillus flavus và Fusarium verticillioides. Vi nấm Aspergillus flavus là dòng nấm thường xuất hiện trong các loại thực phẩm được tích trữ lâu dài (nấm mốc màu xanh vàng), gây bệnh Aspergillosis tại phổi, và đôi khi gây bệnh trên kết mạc, nấm tai, nhiễm trùng mũi hầu, xơ gan, suy giảm miễn dịch, dòng nấm này cũng có thể gây ra độc tính cấp hoặc gây ung thư gan nếu nhiễm phải nhiều lần. Còn Fusarium verticillioides là dòng nấm có thể bị vô tình đưa vào cơ thể qua đường thực phẩm, có thể gây ra ung thư thực quản ở người.
Các Flavonoids, Tannins và Saponins trong cây cà gai leo cũng có tác dụng làm giảm loét miệng do hóa trị, xạ trị ung thư gây ra, tuy nhiên tác dụng này không mạnh bằng cây lu lu đực (thù lù đực).
Cà gai leo có khả năng chống oxy hóa thông qua việc ức chế gốc tự do DPPH, đây là dòng gốc tự do gây ra thoái hóa tế bào gan hoặc ung thư gan, tác dụng chống oxy hóa này có được là nhờ hoạt chất Quinovopyranoside chủ yếu.
Người ta đã phân lập được trong cà gai leo hợp chất solasodine - một loại glycoalkaloid - có tác dụng kháng một số dòng virus như Herpes simplex (virus gây ra mụn rộp vùng sinh dục, niêm mạc miệng, mắt và nhiều vùng niêm mạc khác), H. zoster (virus gây ra bệnh thủy đậu và zona thần kinh/ giời leo) và H. genitalis, ngoài ra hoạt chất này còn giúp giảm hàm lượng cholesterol, ngăn ngừa ung thư da và chữa sốt rét ở người.
Cà gai leo gây ra độc tính chọn lọc đối với dòng tế bào ung thư cổ tử cung (HeLa) và ung thư bạch cầu ở người (U937).
Các tác dụng dùng cà gai leo theo kinh nghiệm
Người đồng bào dân tộc Tây Nguyên có kinh nghiệm dùng cà gai leo để chữa mẩn ngứa, vàng da, chướng bụng, ăn uống khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi và chống say tàu xe.
Ở Quảng Tây (Trung Quốc), lá cà gai leo còn dùng trị viêm tuyến sữa.
III. Cách dùng - liều dùng cà gai leo
1. Liều dùng cà gai leo
Ngày dùng 16-20g dạng sắc uống.
2. Một số bài thuốc có cà gai leo đã nghiên cứu
Trong các nghiên cứu hiện đại, cà gai leo thường được dùng đơn độc để hạ men gan, tuy nhiên cần phối hợp thuốc theo chỉ định của thầy thuốc tùy vào đặc tính, nguyên nhân và phân thể bệnh của từng người.
Chữa viêm gan, xơ gan, hỗ trợ kiềm hãm sự tăng trưởng tế bào ung thư gan: Cà gai leo (thân, rễ, lá) 30g, cây dừa cạn 10g, cây diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) 10g, sao vàng, sắc uống mỗi ngày một thang.
3. Một số bài cổ phương có cà gai leo
Chữa tê thấp, đau lưng, nhức mỏi: Cà gai leo 10g, dây gấm 10g, thổ phục linh 10g, kê huyết đằng 10g, lá lốt 10g. Sao vàng, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Mỗi đợt uống liên tục từ 10 ngày đến không quá 1 tháng.
Chữa viêm gan: Cà gai leo 30g, cây xạ đen 30g, rễ cây mật nhân 30g. Sắc uống hằng ngày, dùng không không quá 6 tháng.
Chữa sưng vùng chân răng: dùng 4g hạt cà gai leo, tán nhỏ, cho vào cái đồ đồng với một ít sáp ong, đốt lấy khói xông vào chân răng.
Chữa ho gà, suyễn: Cà gai leo 10g, thiên môn 10g, mạch môn 10g. Sắc mỗi ngày một thang, chia 3 lần dùng.
Chữa cảm cúm, dị ứng, thấp khớp: Sắc uống 16-20g rễ, thân, lá cà gai leo.
Dùng giải rượu: Dùng cà gai leo xát vào răng khi uống rượu để tránh say rượu. Hoặc dùng 100g cà gai leo khô sắc với 400ml nước còn 150ml, uống trong ngày, lúc còn ấm. Hoặc dùng 50g cà gai leo khô hãm với nước sôi, cho người say rượu uống thay nước cho đến khi tỉnh rượu.
Bài thuốc chữa ho do viêm họng: Rễ, thân, lá cà gai leo 15g, lá chanh 30g, sắc uống 2 lần trong ngày, uống lúc ấm. Dùng không quá 1 tuần.
4. Đối với phụ nữ mang thai và trẻ em
Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú
Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với thai kỳ. Sản phụ không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.
Đối với trẻ nhũ nhi
Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.
IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác của cà gai leo
Cà gai leo là loài thảo dược có độc tính, cần thận trọng khi dùng, không được lạm dụng.
Cà gai leo có khả năng đầu độc tinh trùng, gây mất khả năng sinh sản tạm thời (có thể hồi phục sau hơn 60 ngày ngưng dùng), và ức chế sự phóng thích Testosterone - một hormon sinh dục chính ở nam giới. Hiện chưa ghi nhận sự thay đổi nào về trọng lượng tinh hoàn và các cơ quan sinh dục phụ sau khi dùng cà gai leo 60 ngày.
Lưu ý: Cần kiểm tra kỹ nguồn gốc và chất lượng cà gai leo trước khi sử dụng. Mặt khác, cần tránh nhầm lẫn giữa các loài khác nhau trong cùng một họ Cà, nếu dùng nhầm phải các loài Cà khác như cà độc dược, cà tàu, cà dại… có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
Cà gai leo không phải là thần dược trị bách bệnh, do đó cần hỏi ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi quyết định sử dụng.
V. Bảo quản cà gai leo
Cần làm khô thảo dược bằng máy sấy hoặc ánh nắng mặt trời, sau đó cho vào hủ thủy tinh, đậy kín. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm.
Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá 10 ngày.
Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.
BS Đoàn Quang Nguyên
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình