Hotline 24/7
08983-08983

Có nên bổ sung hormone tăng trưởng (GH) cho trẻ?

Thiếu hormone tăng trưởng chiều cao ở trẻ nhỏ có thể là do nhiều nguyên nhân gây nên, từ đó khiến bé không đạt được mức phát triển như bạn bè cùng độ tuổi.

1. Hormone tăng trưởng (GH) là gì?

Hormone tăng trưởng (GH) đóng một vai trò rất quan trọng trong cấu tạo cơ thể. Tuyến yên sản xuất hormone tăng trưởng GH và giải phóng nó vào máu.

Cơ thể điều chỉnh việc sản xuất hormone GH để đáp ứng với căng thẳng, tập thể dục, dinh dưỡng, giấc ngủ và chính hormone tăng trưởng. Hormone GH tự nhiên rất quan trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên đang lớn. Việc thiếu sản xuất hormone GH có thể dẫn đến một tình trạng được gọi là thiếu hụt hormone tăng trưởng.

Điều này có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm và giảm sự phát triển của xương. Tương tự, sản xuất hormone GH dư thừa có thể dẫn đến một tình trạng được gọi là chứng to cực (bệnh to đầu chi). Tình trạng này có thể dẫn đến một số dấu hiệu và triệu chứng, nổi tiếng nhất là bàn tay và bàn chân lớn.

2. Như thế nào là thiếu hormone tăng trưởng ở trẻ?

Thiếu hormone tăng trưởng là một vấn đề phức tạp có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào từng người.

Hormone tăng trưởng chiều cao là một loại protein được sản xuất bởi tuyến yên, nằm gần đáy não và gắn vào vùng dưới đồi (một phần của não giúp điều chỉnh tuyến yên). Nếu tuyến yên hoặc vùng dưới đồi bị dị dạng hoặc bị tổn thương, tuyến yên sẽ không thể sản xuất hormone tăng trưởng. Khi tuyến yên thiếu quá nhiều nội tiết tố, tình trạng này được gọi là suy tuyến yên.

a. Nguyên nhân trẻ tăng trưởng chiều cao kém

Thiếu hụt hormone tăng trưởng chiều cao bẩm sinh có thể xảy ra nếu có đột biến gen do các yếu tố quan trọng trong sự phát triển của tuyến yên hoặc các thụ thể phát triển bất thường. Đến nay, nguyên nhân của hầu hết các trường hợp trên vẫn chưa được phân loại rõ ràng. Ngoài ra, lý do khiến trẻ tăng trưởng chiều cao kém còn có thể do:

- Khối u não ở dưới vùng đồi hoặc tuyến yên.

- Chấn thương vùng đầu.

- Xạ trị do bệnh ung thư, nếu khu vực cần điều trị bao gồm vùng dưới đồi và tuyến yên.

- Các bệnh thâm nhập vào vùng dưới đồi hoặc ảnh hưởng của bệnh lan tới tuyến yên, chẳng hạn như bệnh mô bào Langerhans.

- Một tình trạng tự miễn dịch (viêm tuyến lympho bào).

Xem thêm: Người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm hormon tăng trưởng (GH) khi nào?

b. Biến chứng khi thiếu hormone tăng trưởng

Một số nghiên cứu cho thấy có những biến chứng do thiếu hụt hormone tăng trưởng, bao gồm:

- Giảm mật độ xương.

- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

- Mức năng lượng giảm.

- Nguyên nhân trẻ tăng trưởng chiều cao kém.

c. Mức độ tăng trưởng bình thường

Tốc độ tăng trưởng sẽ tùy thuộc vào cá nhân của trẻ. Nhưng nếu tính theo chiều cao thì mức độ phát triển trung bình sẽ được mô tả là:

- 0 - 12 tháng: Trẻ tăng khoảng 24,5 cm/năm

- 1 - 2 năm: Trẻ tăng khoảng 12,7 cm/năm

- 2 - 3 năm: Trẻ tăng khoảng 8,9 cm/năm

- 3 tuổi đến tuổi dậy thì: Trẻ tăng khoảng 5,8 – 6,32cm/năm

Nếu trẻ thấp hơn chiều cao ở trên, đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ thiếu hụt hormone tăng trưởng chiều cao.

Một trong những vấn đề cha mẹ nên lưu ý là thiếu hụt hormone tăng trưởng chiều cao chỉ đóng một phần nhỏ trong những điều kiện có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. Nếu trẻ có vóc dáng nhỏ nhắn, có khả năng do các hội chứng khác gây ra, chẳng hạn như suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, các bệnh làm tăng nhu cầu chuyển hóa hoặc suy giáp.

3. Dấu hiệu trẻ thiếu hormone tăng trưởng chiều cao

Vì sự tăng trưởng diễn ra trong nhiều năm và trẻ em lớn lên với tốc độ khác nhau, nên các triệu chứng thiếu hụt hormone tăng trưởng có thể khó xác định. Ngoài việc bé thấp hơn đáng kể, bé còn có các dấu hiệu sau:

- Ngoại hình quá non nớt so với bạn bè đồng trang lứa.

- Cơ thể mũm mĩm.

- Trán nhô lên.

- Sống mũi kém phát triển.

Thiếu hụt hormone tăng trưởng chiều cao không ảnh hưởng đến trí thông minh trẻ em. Những triệu chứng này có thể giống với các loại bệnh khác. Vì vậy, bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được kiểm tra thể chất một cách kỹ càng nhất.

Xem thêm: Vai trò và ý nghĩa của xét nghiệm hormon tăng trưởng (GH)

4. Điều trị bổ sung hormone tăng trưởng cho trẻ

Dù có nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn, đặc biệt là nếu thuốc tăng trưởng chiều cao được sử dụng để điều trị cho những trẻ không bị thiếu hụt hormone thực sự, các nhà nghiên cứu thường đồng ý rằng phương pháp này khá an toàn và hiệu quả.

Quá trình điều trị thiếu hụt hormone tăng trưởng chiều cao sẽ bao gồm việc tiêm hormone cho trẻ theo định kỳ mỗi ngày. Thời gian điều trị thường kéo dài vài năm dù kết quả thường được nhận ra sau 3-4 tháng bắt đầu tiêm hormone tăng trưởng.

Điều trị bệnh càng sớm, trẻ càng có cơ hội đạt được chiều cao trưởng thành như người bình thường hoặc gần với số liệu tiêu chuẩn. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ đều đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc tăng chiều cao.

Ngoài việc dùng thuốc, phụ huynh có thể cho con dùng những thực phẩm giúp tăng chiều cao tự nhiên.

Sự thiếu hụt hormone tăng trưởng chiều cao không ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Tuy thiếu hormone tăng trưởng chiều cao chưa hẳn là vấn đề quá nghiêm trọng nhưng trẻ vẫn cần được quan tâm đúng mức. Nếu để tình trạng thiếu hormone tăng trưởng này quá lâu, trẻ sẽ không đạt được mức phát triển cần thiết và phản ứng không tốt với quá trình trị liệu.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X