Hotline 24/7
08983-08983

Chủ quan và sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớp

Bong gân, trật khớp là những tai nạn thương tích mà bất kỳ ai đều có thể gặp phải. Cả hai chấn thương đều là tổn thương mô mềm, bao khớp. Rất nhiều người coi đó là thương tích đơn giản, có thể tự điều trị và thời gian sẽ tự khỏi, nhưng đây là suy nghĩ sai lầm. Bong gân hay trật khớp đều để lại nững di chứng đáng tiếc nếu không được chữa trị kịp thời và triệt để.

Chủ quan và sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớp. Ảnh minh họa: Internet
Chủ quan và sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớp. Ảnh minh họa: Internet

Bong gân và trật khớp là hai chấn thương khác nhau, chúng ta trước tiên phải phân biệt được chúng, nó cũng hay dễ bị nhầm lẫn.

Phân biệt bong gân và trật khớp

Bong gân

Bong gân là tổn thương dây chằng của bao khớp. Khi chấn thương đột ngột làm cho dây chằng bị kéo dài ra hoặc đứt, nhưng không gây di lệch vĩnh viễn các mặt khớp.

Nguyên nhân: Do sự cố khi chơi thể thao, té ngã, đi bộ hay chạy nhanh.

Đối tượng có nguy cơ bong gân cao là những người béo phì hoặc quá gầy, người cao tuổi, các vận động viên, những người đã có tổn thương bên trong.

Bong gân thường gặp ở mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, vai…và khó phân biệt với gãy xương, do đó sau khi ngã hay bị va chạm, nạn nhân thấy đau, khó cử động ở một khớp nào đó mà không có những dấu hiệu của gãy xương thì phải nghĩ tới bong gân. Sau một ngày thì khớp đó sưng tấy và rất đau.

Trật khớp

Trật khớp là trường hợp có sự di lệch đột ngột hoàn toàn hay không hoàn toàn các mặt khớp với nhau hoặc đầu xương ra khỏi vị trí bình thường của ổ khớp.

Nguyên nhân: Trật khớp thường xảy ra khi cử động mạnh, đột ngột hay làm một động tác lặp đi lặp lại nhiều lần với cường độ cao: Chơi thể thao, bị trượt ngã, tai nạn, phụ nữ đi giày cao gót…

Những khớp xương dễ bị chấn thương bong gân thường gặp ở mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, vai…

Nếu không biết cách chữa trị sẽ để lại các hệ lụy như: Không thể chơi các môn thể thao, đi đứng khó khăn… Đặc biệt, ảnh hưởng lớn hơn là sụn viền và bao khớp sẽ bị hư hại nhiều hơn nếu bị tổn thương lại, có nguy có gây thoái hóa khớp…

Chủ quan và sai lầm khi xử trí bong gân, trật khớp

Nhiều người cho rằng bong gân, trật khớp là những thương tích nhẹ, có thể tự điều trị hoặc dùng một số biện pháp dân gian như xoa dầu nóng, bóp rượu ngâm, đắp thuốc lá vào vùng chi thể bị đau. Tuy nhiên, những phương pháp này đều chưa được kiểm chứng, có thể để lại hậu quả khôn lường như: kéo dài triệu chứng bệnh, teo cơ, cứng khớp hoặc mất chức năng của khớp. Thậm chí, bong gân được điều trị muộn hoặc không đúng dẫn đến tình trạng lỏng khớp và đau khớp mạn tính.

Do đó, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời khi có những triệu chứng sau:

- Bị chấn thương lại vào vùng khớp đã bị bong gân trước đó.

- Đau nhiều vùng khớp bị thương tổn, không thể vận động được khớp hoặc không thể đứng tỳ chân hoặc đi lại được.

- Không thể bước đi được 4 bước mặc dù không thấy đau nhiều hoặc người bệnh cảm thấy lỏng khớp.

Những điều nên làm khi bị bong gân, trật khớp

Bong gân nhẹ có thể tự điều trị tại nhà, bong gân nặng cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán mức độ nặng, điều trị và theo dõi sau điều trị. Xử trí cấp cứu khi bị bong gân cần thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Để chi thể bị tổn thương được nghỉ ngơi. Trong trường hợp bong gân nhẹ, cần hạn chế vận động khớp bị tổn thương. Nếu tổn thương khớp chi dưới, cần hạn chế đi lại hoặc hỗ trợ đi lại bằng nạng. Nếu tổn thương khớp chi trên cần tránh các động tác gây đau cho khớp. Khi người bệnh đỡ đau có thể nhẹ nhàng tập vận động trở lại. Trong trường hợp bong gân nặng, cần phải để khớp bị thương tổn ở tư thế cơ năng - là tư thế mà khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn. Người bệnh thường được bó bột hoặc nẹp bột để hỗ trợ cho khớp được cố định. Sau 4 - 6 tuần, có thể cho người bệnh tập vận động trở lại.

- Nên sử dụng túi chườm để thực hiện chườm lạnh cho vùng khớp bị thương tổn. Chườm lạnh cần được thực hiện càng sớm càng tốt ngay sau khi bị chấn thương, trong khoảng 15 - 30 phút, 4 - 8 lần mỗi ngày trong vòng 48 giờ đầu hoặc cho đến khi thấy đỡ sưng nề. Nếu sử dụng đá để chườm cần tránh chườm một vị trí trong thời gian quá lâu gây bỏng lạnh phần mềm.

- Băng ép vùng khớp bị thương tổn: Sử dụng băng chun để thực hiện băng ép. Băng ép không quá chặt sẽ gây khó chịu cho người bệnh nhưng cũng không quá lỏng thì mới hiệu quả.

- Nâng cao chi thể bị tổn thương: Nâng cao vùng chi thể bị tổn thương bằng cách để vùng ngọn chi (bàn tay, bàn chân) cao hơn vùng gốc chi (khuỷu, gối) hoặc nâng cao vị trí khớp bị thương tổn hơn mức tim khi có thể nhằm hạn chế và phòng ngừa sưng nề cho vùng chi thể bị tổn thương.

Các phương pháp điều trị bong gân, trật khớp

- Dùng thuốc: Đối với bong gân nhẹ và vừa, bác sĩ thường hướng dẫn tự chăm sóc tại nhà theo nguyên tắc trên và dùng thuốc giảm đau chống viêm thông thường như paracetamol, ibuprofen… Tập phục hồi chức năng được thực hiện khi người bệnh cảm thấy đỡ đau. Quá trình tập vận động khớp được thực hiện từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ đến nặng.

- Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được chỉ định khi bong gân nặng, nghĩa là dây chằng bị đứt hoàn toàn và dẫn đến tình trạng lỏng khớp.

Trật khớp là một thương tích nặng, có nhiều biến chứng và di chứng. Điều trị trật khớp phụ thuộc vào vị trí và mức độ nặng của khớp bị trật, do đó cần thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.

- Nắn chỉnh khớp: Bác sĩ sẽ thực hiện nắn chỉnh các đầu xương của diện khớp về đúng vị trí giải phẫu. Tùy thuộc vào tình trạng khớp bị trật, vị trí khớp, mức độ thương tổn của khớp trật mà trong quá trình thủ thuật bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây tê tại chỗ, gây tê vùng hay gây mê cho người bệnh.

- Bất động khớp: Sau khi nắn chỉnh khớp về vị trí giải phẫu, bác sĩ có thể bất động khớp bị trật bằng cách bó bột, dùng dụng cụ trợ đỡ hoặc treo tay. Thời gian bất động khớp phụ thuộc vào độ nặng của trật khớp và các tổn thương phần mềm, mạch máu, thần kinh phối hợp.

- Phẫu thuật được đặt ra nếu bác sĩ không thể nắn chỉnh kín diện khớp về vị trí giải phẫu hoặc khi có tổn thương mạch máu, thần kinh, dây chằng kèm theo. Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định trong trường hợp trật khớp tái diễn, nhất là ở khớp vai.

- Phục hồi chức năng: Ngay sau khi được tháo bỏ dụng cụ bất động khớp, người bệnh sẽ bắt đầu chương trình tập phục hồi chức năng nhằm lấy lại biên độ vận động của khớp và sức mạnh cơ bắp. Quá trình tập phục hồi chức năng là một quá trình lâu dài, với nhiều bài tập từ đơn giản đến phức tạp, từ nhẹ đến nặng và cường độ từ thấp đến cao.

Để phòng ngừa trật khớp cần

- Thận trọng trong các hoạt động để tránh ngã.

- Mang trang bị bảo vệ khi chơi các môn thể thao va chạm.

- Khi đã bị trật một lần, khớp sẽ rất dễ bị trật lại. Để tránh trật khớp tái diễn, nên tập một số bài tập đặc biệt để tăng cường sức mạnh và độ ổn định của khớp theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Cách phòng ngừa chấn thương bong gân

- Cần thực hiện các bài tập massage đầu gối.

- Cách tốt nhất để phòng tránh chấn thương bong gân khớp đầu gối, là cần tăng cường sức chịu đựng bền bỉ và tính dẻo dai của các gân cơ, trước các áp lực vận động bằng việc bổ sung các vitamin và khoáng chất.

- Uống sinh tố có thể nhiều lần trong ngày.

- Nên mang giày dép y khoa hoặc lót giày y khoa chỉnh hình giúp phòng ngừa các chấn thương bàn chân và đầu gối không đáng có, hỗ trợ sự ổn định khớp đầu gối khi bị bong gân.

Nguồn tham khảo:
https://vtv.vn/suc-khoe/bong-gan-va-trat-khop-trong-tai-nan-chan-thuong-20181128065031775.htm
https://thethaovanhoa.vn/ban-can-biet/so-cuu-bong-gan-trat-khop-n20171130103811151.htm

Lê Hoa (Tổng hợp)


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X