Hotline 24/7
08983-08983

6 động tác giảm tê bì cổ tay

Nguyên thường gặp gây tình trạng đau, nhức mỏi, tê ở bàn tay, cổ tay là do thoái hóa khớp bàn tay hoặc ngón tay, hội chứng ống cổ tay, tổn thương dây thần kinh ngoại biên do bệnh đái tháo đường hoặc chèn ép dây thần kinh từ vùng khuỷu tay, vùng cổ do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ,… Để hạn chế tình trạng này ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh đã hướng dẫn các động tác giúp giảm tê bì cổ tay trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân gây tê bì cổ tay

Thưa BS, những nguyên nhân hay yếu tố nào gây ra tình trạng tê bì cổ tay ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Ở bàn tay thường có tình trạng cứng các khớp ngón tay, đặc biệt là khi mới ngủ dậy và phải cử động một lúc mới giảm bớt. Đây là biểu hiện của tình trạng thoái hóa khớp bàn tay hoặc ngón tay. Đối với tình trạng tê bàn tay hoặc ngón tay gọi là hội chứng ống cổ tay.

Tuy nhiên, tình trạng tê bàn tay có thể gặp trong một số bệnh lý khác, mặc dù ít hơn như tổn thương dây thần kinh ngoại biên do bệnh đái tháo đường hoặc chèn ép dây thần kinh từ vùng khuỷu tay, vùng cổ do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Đây là những nguyên thường gặp gây tình trạng đau, nhức mỏi, cũng như tê ở bàn tay, cổ tay.

2. Làm gì để giảm tê bì cổ tay và khi nào cần đi khám?

Chúng ta có thể làm những gì để giảm tình trạng tê bì cổ tay ạ? Trường hợp nào cần đi khám, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đối với tình trạng tê bì cổ tay, tùy vào nguyên nhân mà sẽ có các bài tập khác nhau. Ví dụ, sau một buổi tối vị trí các khớp bị thoái hóa thường có xu hướng dính lại với nhau gây cứng hoặc đau các khớp ngón tay, giống như bản lề cửa lâu ngày rỉ sét sẽ bị cứng. Những động tác này khi tập vào buổi sáng sẽ phá các chỗ bị dính đó (phá gỉ khớp), làm cho các khớp bàn tay trở lại linh hoạt;

Trường hợp do bệnh lý như hội chứng ống cổ tay thì các bài tập sẽ làm giảm tình trạng chèn ép ở cổ tay; Đối với tình trạng thỉnh thoảng bị tê bàn tay khi lái xe, khi vừa ngủ dậy,… có thể tập luyện; Hoặc dư cân sẽ giảm cân để khắc phục.

Tuy nhiên nếu tình trạng đó kéo dài liên tục cả ngày cả đêm và từ ngày này qua ngày khác; bàn tay bị sưng; cơ bị teo; ngón tay yếu hoặc rung người bệnh nên đi khám bác sĩ.

3. Lợi ích từ việc tập luyện khi bị tê bì cổ tay

Việc tập luyện mang lại lợi ích gì khi bị tê bì cổ tay, thưa BS? Những bài tập nào phù hợp với tình trạng này ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Lợi ích của việc tập luyện là làm giảm triệu chứng cứng ngón tay, nếu bị chèn ép hội chứng ống cổ tay sẽ giảm tình trạng tê.

Ngoài ra, còn có 2 tác dụng khác: Thứ nhất, làm các khớp tay tốt hơn, không bị cứng kéo dài; Thứ hai, giúp các khớp và cơ khỏe lên. Từ đó, làm giảm tình trạng thoái hóa hoặc hạn chế tình trạng hội chứng ống cổ tay trở nặng và cơ bị teo do cứng, không vận động tốt sẽ phục hồi.

4. Lưu ý khi tập luyện để giảm tê bì cổ tay

Cần lưu ý những gì khi tập luyện để giảm tê bì cổ tay, thưa BS? Tần suất tập và cường độ tập luyện nên như thế nào ạ? 

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Lưu ý, nên tập luyện thường xuyên (hằng ngày) nhưng đừng tập quá nhiều. Có thể tập buổi sáng 1 lần và buổi tối 1 lần, sau khi làm việc nhà,… bị mỏi tay thì có thể tập.

Đặc biệt, trong các trường hợp khớp bị sưng nhiều người bệnh không nên tập vì có thể gây đau nhiều hơn mà hãy đi khám bác sĩ. Bên cạnh đó, nên chườm lạnh để giảm bớt sưng.

5. TOP các bài tập giúp giảm tê bì cổ tay

Nhờ BS hướng dẫn TOP các bài tập giúp giảm tê bì cổ tay ạ!

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Bài tập 1: Tập trung vào phần cổ tay có tác dụng kéo căng vùng cơ ở cổ tay.

Động tác 1: Duỗi thẳng cánh tay và bàn tay. Dùng tay còn lại nắm bàn tay đã duỗi và kéo căng hết cỡ về phía cơ thể. Giữ và đếm từ 1 - 10, sau đó thả lỏng. Lặp lại 10 lần.

Động tác 2: Duỗi thẳng cánh tay và gập mu bàn tay. Dùng tay còn lại nắm mu bàn tay đã ngập và kéo căng hết cỡ về phía cơ thể. Giữ và đếm từ 1 - 10, sau đó thả lỏng. Lặp lại 10 lần.

Bài tập 2: Tập trung vào các cơ và khớp ở ngón tay.

Động tác 1: Đặt bàn tay lên một mặt phẳng (mặt bàn), các ngón tay chụm lại. Sau đó, mở từng ngón tay ra hết cỡ (ngón cái trước) và chụm lại vào trong. Làm ngược lại. Lặp lại 10 lần.

Động tác 2: Đặt bàn tay lên một mặt phẳng (mặt bàn), nhấc từng ngón tay hết cỡ lên khỏi mặt bàn và hạ xuống (ngón cái trước). Lặp lại 10 lần.

Động tác 3: Nắm bàn tay

- Cách 1 (không có dụng cụ): Nắm chặt bàn tay hết cỡ và đếm từ 1 - 5. Sau đó, xòe ngón tay ra hết cỡ và gồng hết sức, đếm từ 1 - 5. Lặp lại 10 lần.

- Cách 2 (có bóng bằng cao su): Bóp hết cỡ và đếm từ 1 - 10, sau đó thả lỏng. Lặp lại 10 lần.

Động tác 4: Đối ngón

- Duỗi thẳng bàn tay. Đối ngón cái với từng ngón còn lại (ngón út trước), đếm từ 1 - 5 và thả lỏng. Lặp lại 10 lần.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X