Hotline 24/7
08983-08983

“Tự kỷ không chữa khỏi, nhưng các con vẫn có thể tỏa sáng theo cách riêng”

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga - Phó trưởng Khoa Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố chia sẻ, trẻ tự kỷ rất cần được quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ để cảm thấy yên tâm, giúp trẻ sớm hòa nhập với cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn. Mặc dù tình trạng này không thể chữa khỏi, nhưng các con vẫn có thể “vĩ đại”, tỏa sáng theo cách riêng của mình.

Tự kỷ liên quan đến rối loạn chức năng não bộ

Xin hỏi BS, tự kỷ là gì? Tự kỷ được phân thành bao nhiêu cấp độ?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Dạo gần đây, mọi người thường lo lắng và quan tâm nhiều đến sự phát triển của các bé. Nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi liệu con mình có bị tự kỷ hay không.

Tự kỷ hiện tại được gọi là một hội chứng liên quan đến sự phát triển và rối loạn chức năng của não bộ; liên quan đến những kỹ năng và khả năng giao tiếp xã hội; liên quan đến hành vi, sở thích...

Tự kỷ có thể chẩn đoán khi trẻ 12 - 18 tháng

Hội chứng tự kỷ thường khởi phát ở trẻ trong độ tuổi nào? Các chuyên gia đã tìm ra nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ nào dẫn đến tình trạng này chưa, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, trẻ em được tiếp cận sớm với các thiết bị điện tử. Người lớn khi thấy các con tiếp xúc với điện tử, xem phim hoạt hình, chơi máy tính bảng, lướt mạng xã hội khi còn quá nhỏ sẽ thấy lo lắng, liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tự kỷ, dẫn đến chậm nói hay không.

Thật ra, đó không phải nguyên nhân dẫn đến tự kỷ. Đến bây giờ, chưa có một bằng chứng rõ ràng nào chứng minh được các trang thiết bị điện tử là nguyên nhân dẫn đến tự kỷ. Giới khoa học tin rằng, nguyên nhân chính là những sự rối loạn có sẵn trong gen.

Điều này có nghĩa là các bé tự kỷ đã có những gen nằm trong cơ thể từ khi nằm trong bụng mẹ. Những biểu hiện tự kỷ sẽ rõ rệt hơn khi bé bắt đầu bước qua các mốc phát triển và có những kỹ năng liên quan đến giao tiếp xã hội, biểu hiện hành vi, khả năng ngôn ngữ, hành động, khả năng học tập về sau...

Các dấu hiệu tự kỷ bộc lộ dần theo thời gian và những thiếu sót do rối loạn phát triển não bộ cũng dần biểu hiện ra. Do đó, với câu hỏi khi nào tự kỷ bộc lộ ra, thật sự từ những năm tháng đầu đời, nếu bé được khám, đánh giá sẽ phát hiện những thiếu sót về kỹ năng giao tiếp xã hội.

Tuy nhiên, những biểu hiện này quá tinh tế, khó nhận biết và phụ huynh cũng không biết được. Bé chưa biết nói, chưa thể giao tiếp rõ ràng, phụ huynh chưa có kinh nghiệm để nhìn ra được những mốc phát triển về kỹ năng đó nên không nhận thấy được.

Khi các con lớn dần, đến lúc đòi hỏi những kỹ năng giao tiếp rõ rệt hơn: bắt đầu nói, giao tiếp với ba mẹ, bắt đầu chơi với bạn bè đồng trang lứa,... các triệu chứng bắt đầu rõ dần. Thông thường, nếu phụ huynh quan tâm, tự kỷ có thể chẩn đoán từ rất sớm, khoảng 12 - 18 tháng đầu đời.

Nhận biết trẻ tự kỷ qua từng độ tuổi

Những dấu hiệu nào cảnh báo một đứa trẻ có thể đang mắc hội chứng tự kỷ mà phụ huynh cần chú ý để có thể can thiệp, điều trị sớm cho trẻ?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Như đã nói từ đầu, tự kỷ không đến từ môi trường, từ những thiết bị điện tử mà do những bộ gen trong cơ thể quy định.

Ví dụ, 3 tháng đầu đời con đã phải có nụ cười xã giao. Đến 6 tháng, con biết đáp lại những âm thanh và bắt chước được những cử chỉ của ba mẹ. Đó là những mốc phát triển liên quan đến khả năng giao tiếp, phản ánh sự phát triển của não bộ.

Não bộ của những bé tự kỷ có sự thiếu hụt, suy yếu những kỹ năng đó so với những bé khác. Có thể 3 tháng vẫn chưa thấy nụ cười xã giao, 6 tháng bé vẫn không giao tiếp với mẹ, không có những phản hồi về mặt cảm xúc với mẹ. Lớn hơn nữa, đến 12 tháng, bé vẫn không nói, không có những âm thanh đầu tiên. 18 tháng, bé không chỉ tay, huơ tay.

Bé không có khả năng hoặc yếu kém trong việc giao tiếp. Ở 18 tháng, việc chỉ tay là một mức phát triển rất quan trọng. Thứ nhất, chỉ tay là vận động thông tin của các con phát triển, con biết dùng ngón tay chỉ vào những vật mình mong muốn và quan trọng là các con muốn chia sẻ sự quan tâm, sở thích của mình với người thân xung quanh.

Các con nhìn được, nghe được, tư duy được và giao tiếp được thì sẽ chia sẻ bằng cách chỉ tay. Nhưng ở trẻ tự kỷ, do thiếu hụt các kỹ năng đó nên không có nhu cầu, không mong muốn, không quan tâm đến chuyện chia sẻ với ba mẹ, với những người xung quanh. Con sống trong thế giới của mình, chơi trong thế giới của mình với những hành vi, cử chỉ rập khuôn, những trò chơi mà con cực kỳ yêu thích.

Trẻ cứ xoay quanh những thứ đó, không có sự giao tiếp với bên ngoài như chỉ tay, thiếu nụ cười xã giao. Nhiều bé không thích được ba mẹ bế, người ta hay gọi là slippery baby - “em bé trơn tuột”, cứ được bế lên là em bé tuột xuống, trẻ không thích ôm, không gắn kết.

Đó là những dấu hiệu mà cha mẹ có thể xem xét và đánh giá ngay từ những ngày đầu đời.

Trẻ chậm nói có phải bị tự kỷ không?

Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ chậm nói là do trẻ bị tự kỷ. Làm thế nào để phân biệt chậm nói và tự kỷ?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Được nghe những tiếng gọi ba, gọi mẹ đầu tiên của con là niềm hạnh phúc vô bờ của các bậc cha mẹ. Phụ huynh nào cũng mong chờ điều đó. Với những trẻ 18 tháng vẫn chưa bập bẹ những từ đầu tiên, 24 tháng vẫn chưa thể nói, cha mẹ rất lo lắng và sợ con bị tự kỷ.

Phụ huynh hiện nay có rất nhiều phương tiện, nguồn thông tin và kiến thức về tự kỷ. Việc có kiến thức nhưng chưa đầy đủ nên khi con có khiếm khuyết chậm nói, phụ huynh lại sợ con tự kỷ.

Khi trẻ chậm nói, phải xem xét những mốc phát triển của con đang ở thời điểm nào. Ví dụ 12 tháng phải bi bô những từ đầu tiên, 24 tháng phải nói được 2 từ. Khi vốn từ vựng của con nhiều hơn, con phải nói được câu ngắn.

Như đã nói, tự kỷ là sự khiếm khuyết nhiều chức năng não bộ về các khả năng giao tiếp xã hội. Do đó, các con thiếu hụt những kỹ năng về giao tiếp, bày tỏ, biểu hiện cảm xúc, tương tác với mọi người và cả khả năng chăm sóc bản thân. Trong đó, chậm nói là biểu hiện rất thường gặp ở trẻ tự kỷ, nhưng chậm nói không có nghĩa là tự kỷ.

Có rất nhiều bé vì môi trường sống nên có chậm nói đơn thuần. Tất cả kỹ năng về hiểu, tư duy, giao tiếp với ba mẹ vẫn ổn nhưng các con chậm trong việc nói những từ đầu tiên, ghép từ thành câu.

Bé cũng có thể có những khiếm khuyết về thính giác, về bộ phận phát âm nhưng ba mẹ chưa phát hiện được nên khả năng nói, tạo ra âm thanh của bé có vấn đề. Tuy nhiên, tất cả kỹ năng xã hội của bé đều hoàn thiện, vẫn hiểu được ba mẹ nói và vẫn tương tác, tình cảm với ba mẹ.

Do đó, chậm nói thật sự là một biểu hiện thường có ở trẻ tự kỷ nhưng trẻ bị chậm nói không có nghĩa là trẻ bị tự kỷ. Đôi khi đó chỉ là chậm nói đơn thuần, trẻ chị chậm nói hơn so với những trẻ khác.

Khi các con tiếp xúc với quá nhiều ngôn ngữ, các con phải tư duy, kết nối nên có phần chậm hơn. Đây chỉ là quan sát trên lâm sàng, chưa có bằng chứng chứng minh. Khi trẻ nói được bình thường, có thể nói một lúc 2, 3 thứ tiếng.

Trẻ tự kỷ cũng có thể trở thành thiên tài

Tự kỷ có thể được chữa khỏi hoàn toàn không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Rất chia sẻ với những tâm tư của những phụ huynh có con bị tự kỷ. Bản thân chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ, ở họ có sự ưu tư, có những nỗi buồn lớn. Chúng ta hãy nhìn ra thế giới, có rất nhiều những tấm gương, những người nổi tiếng thành công là người tự kỷ.

Một vị tỷ phú người Mỹ tự nhận và cũng được chẩn đoán tự kỷ, hội chứng Asperger. Trẻ tự kỷ có những đam mê và sở thích khác biệt, khi đã thích điều gì thì các con sẽ toàn tâm toàn ý vào đó vì có sự rập khuôn, khuôn mẫu gượng ép trong đó. Vị tỷ phú này có đam mê rất lớn với ngành khoa học máy tính và khoa học vũ trụ. Chính vì đam mê đó, dựa trên nền tảng bản thân bị tự kỷ, ông đã phát triển một đế chế cung cấp hầu hết trang thiết bị cho NASA để phóng tàu con thoi lên vũ trụ. Ông cũng là người sở hữu một thương hiệu về xe điện rất nổi tiếng trên thế giới. Ông đang có một đế chế vĩ đại.

Cũng có vị giáo sư tại Mỹ là người tự kỷ, bị chậm nói rất nặng, 4 tuổi mới biết nói, 7 tuổi mới có thể nói tròn vành rõ chữ. Hiện tại, ông là mọt giáo sư nổi tiếng, là 1 trong 100 người truyền cảm hứng trên toàn thế giới do Tạp chí Times bình chọn. Bà là một chuyên gia đã đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp súc sản của Mỹ và Canada. Gần như 50% thiết bị ngành này là do bà thiết kế, phát minh và nghiên cứu.

Quay lại câu hỏi có thể chữa hết tự kỷ không. Câu trả lời là “Không”. Nhưng nếu các con được đưa vào một môi trường đào tạo, giáo dục đặc biệt chuyên biệt thì hoàn toàn có thể khai phá được những tiềm năng bên trong. Các con vẫn có thể vĩ đại theo cách riêng của mình.

Trẻ tự kỷ có thể hòa nhập cộng đồng nếu được giáo dục chuyên biệt

Xét ở mặt bằng chung, những đứa trẻ tự kỷ có thể phát triển toàn diện như một đứa trẻ bình thường hay còn bị hạn chế ở vấn gì, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Nếu một trẻ tự kỷ được giáo dục trong môi trường chuyên biệt dành cho con, con vẫn có thể nói được và học được, tuy có thể chậm hơn những trẻ khác. Trẻ tự kỷ có thể lớn lên, đi học, làm việc.

Những khiếm khuyết về mặt giao tiếp xã hội như không hiểu được cảm xúc của người khác, khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc của mình, có những hành vi rập khuôn vô cùng kỷ luật,... không thay đổi được. Nhưng những kỹ năng, tương tác cơ bản để sống trong xã hội thì trẻ tự kỷ có thể học được.

Tuy nhiên, với những trẻ tự kỷ quá nặng, phụ huynh phải đồng hành gần như đến trọn đời vì kỹ năng tự chăm sóc của trẻ kém. Nhưng tỷ lệ này không nhiều. Những trẻ tự kỷ khác vẫn có thể hòa nhập cộng đồng.

Trẻ tự kỷ dễ bị sang chấn khi tiếp xúc xã hội nếu không được can thiệp sớm

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ tự kỷ sẽ phải đối diện với những vấn đề như thế nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Khi các con còn nhỏ, nhận thức về xã hội của các con không nhiều, việc chậm phát hiện, chậm can thiệp chỉ đơn thuần làm chậm kỹ năng cần thiết của con.

Tình trạng này kéo dài, khi các con lớn lên, đối diện với cuộc sống xung quanh và không có môi trường giáo dục đặc biệt, không nhận được sự quan tâm phù hợp sẽ dẫn đến con cảm thấy mình bị cá biệt so với cuộc sống. Các con thu mình, không giao tiếp được với xã hội, càng lúc tình trạng càng nặng hơn.

Điều này có thể dẫn đến tình huống không tự chăm sóc được bản thân, không thể tự sống, không thể có một cuộc sống của riêng mình. Với cơ địa nhạy cảm với những kích thích xung quanh, các con không được nuôi dưỡng dinh dưỡng phù hợp, không có sự giáo dục phù hợp, các con sẽ có những sang chấn khi phải tiếp xúc nhiều hơn với xã hội khi lớn lên.

Phụ huynh cần đồng hành cùng con để phát hiện, can thiệp sớm trong trường hợp trẻ mắc tự kỷ (Ảnh minh họa)

Trẻ tự kỷ cần được can thiệp y khoa phù hợp

Hiện nay có những phương pháp nào để điều trị tự kỷ? Trẻ tự kỷ có bắt buộc phải điều trị lâu dài và suốt đời không?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Không phải điều trị, các phương pháp này giúp một người tự kỷ có thể phát huy những kỹ năng của mình, có thể hòa nhập cuộc sống. Đó là những chương trình giáo dục đặc biệt, can thiệp trị liệu hành vi và những can thiệp về mặt y khoa.

Trẻ tự kỷ nhạy cảm với mọi thứ, có những trẻ nhạy cảm với cả thức ăn. Nếu ba mẹ không biết con tự kỷ, chỉ đánh giá như một trẻ thông thường, những can thiệp dinh dưỡng đôi khi là vô ích. Xác định trẻ tự kỷ để có những can thiệp phù hợp về mặt y khoa như dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe,...

Một số trẻ tự kỷ còn có nhiều bệnh lý khác như tăng động. Các con cần được điều trị y khoa bằng thuốc để kiểm soát được tình trạng tăng động, đem đến cho các con cuộc sống tương đối bình thường.

Tự kỷ và tâm thần phân liệt là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau

Trẻ bị tự kỷ có nguy cơ bị tâm thần phân liệt về sau, hoặc mắc các bệnh lý khác về tâm lý không?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Hiện tại chưa có một bằng chứng nào chứng minh người tự kỷ có nguy cơ bị tâm thần phân liệt cao hơn. Đây là hai khái niệm khác nhau, không liên quan. Nếu trong người bình thường có mang những gen thì có thể biểu hiện tâm thần phân liệt vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Những trẻ tự kỷ nếu không được can thiệp sớm, không được đặt trong một môi trường giáo dục phù hợp, các con sẽ không hòa nhập được với xã hội, không đáp ứng được những đòi hỏi cơ bản của xã hội. Các con sẽ thu mình, stress, áp lực vô cùng và phải lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.

Tự kỷ không có nghĩa là trẻ bất thường

Phụ huynh có con bị tự kỷ cần phải làm gì, lưu ý những vấn đề gì khi chăm sóc trẻ?

ThS.BS.CK2 Hồ Tôn Thiên Nga trả lời: Rất chia sẻ với quý phụ huynh có con bị phổ tự kỷ. Tôi biết phụ huynh rất yêu con và sẽ làm mọi thứ vì con. Mong phụ huynh hãy kiên nhẫn, đồng hành cùng con bằng tất cả tình yêu thương trong giai đoạn đầu đời, giai đoạn đặt những nền móng đầu tiên để cùng con phát triển.

Phụ huynh hãy có niềm tin vững vàng rằng con tự kỷ không có nghĩa là con bất thường. Chỉ là con nhìn thế giới với góc nhìn khác kỳ diệu hơn mà thôi. Rất mong phụ huynh sẽ vững tin để cùng con đi hết chặng đường.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X