Hotline 24/7
08983-08983

Thuốc điều trị đái tháo đường có gì mới, phẫu thuật chữa khỏi bệnh không?

Nhiều phương pháp điều trị đái tháo đường được nghiên cứu hàng năm, có những loại thuốc mới tiện dụng hơn cho người bệnh. TS.BS Trần Viết Thắng - Phó Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM sẽ thông tin về vấn đề này.

1. Đái tháo đường vẫn là bệnh mạn tính, điều trị lâu dài

Hiện nay, trên thế giới đã có những bước tiến bộ ra sao trong điều trị, kiểm soát bệnh đái tháo đường thưa BS? Tại Việt Nam, chúng ta đã cập nhật được những tiến bộ này chưa, thưa BS? 

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Có một số phân loại về tiến bộ trong phương pháp điều trị đái tháo đường. 

Thứ nhất, tiến bộ trong kiểm soát đường huyết bằng công nghệ. Trước đây, thử đường huyết bằng mao mạch, còn hiện nay, có thể theo dõi đường máu liên tục hoặc các phương pháp không cần đến bấm máu đầu ngón tay. 

Thứ hai, tiến bộ trong điều trị, những loại thuốc mới làm giảm tác dụng phụ so với các loại thuốc trước đó, hoặc cải thiện những biến cố liên quan đến tử vong do bệnh lý tim mạch, bệnh thận.

Thứ ba, điều trị khỏi bệnh đái tháo đường. Hiện nay có các phương pháp như phẫu thuật chuyển hóa đối với những bệnh nhân bị đái tháo đường do thừa cân, béo phì. Hoặc một số bệnh nhân bị đái tháo đường có xem xét đến phương pháp ghép tụy hay thay thế tụy cho người bệnh. 

Tuy nhiên, ở một số khía cạnh, đến nay, đa số bệnh nhân mắc đái tháo đường vẫn được xem là bệnh mạn tính. Việc chữa khỏi hoàn toàn vẫn chưa có điều trị thông dụng, đa số phải kiểm soát trong thời gian dài.

2. Bệnh nhân đái tháo đường dễ chán nản sau một thời gian điều trị

Trong thực tế thăm khám, điều trị, cá nhân BS thấy đâu là những khó khăn, thách thức trong kiểm soát bệnh tiểu đường mà người thầy thuốc, bệnh nhân cần đối diện? 

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài. Khó khăn bác sĩ thường gặp đa số ở phía người bệnh, sau một thời gian điều trị, bệnh nhân có tâm lý chán nản.

Hoặc việc kiểm soát đường không tốt khiến bệnh nhân chạy theo những lời khuyên uống các loại thuốc, các loại thực phẩm không được chứng minh có hiệu quả. Khi xuất hiện biến chứng, việc điều trị đái tháo đường cho người bệnh khó khăn hơn.

Đối với bác sĩ, trong việc điều trị, bên cạnh sử dụng thuốc còn phải hướng dẫn, tư vấn để người bệnh hiểu hơn về bệnh đái tháo đường. Hướng dẫn người bệnh cách sử dụng thuốc phù hợp.

Tuy nhiên, trên thực tế theo dõi quá trình điều trị, thời gian tư vấn của người thầy thuốc hoặc bác sĩ chưa được như mong muốn. Từ đó, người bệnh không đủ thông tin để hiểu về bệnh lý này, việc điều trị trở nên khó khăn.

TS.BS Trần Viết Thắng - Phó Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

3. Biến chứng bệnh đái tháo đường xuất hiện ở giai đoạn muộn, diễn tiến nặng

Với một người mới được phát hiện bệnh đái tháo đường sẽ được lập kế hoạch theo dõi, điều trị ra sao, thưa BS? 

- Và với người bệnh điều trị lâu năm, việc lập kế hoạch theo dõi, phát hiện và ngăn chặn các biến chứng sẽ như thế nào ạ? 

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Về biến chứng của bệnh đái tháo đường, người bệnh có thể gặp các biến chứng cấp hoặc biến chứng mạn trong quá trình mắc bệnh. 

Trong đó, biến chứng cấp như hôm mê hạ đường huyết do dùng thuốc quá mức; hôn mê tăng đường, bởi vì kiểm soát đường không tốt. Biến chứng mạn gồm các biến chứng liên quan đến tim mạch, biến chứng liên quan đến thận, biến chứng thần kinh,… 

Đặc biệt, những biến chứng mạn của bệnh đái tháo đường đôi khi không xuất hiện ở giai đoạn đầu. Nhưng khi đã xuất hiện, thường có diễn tiến ở giai đoạn sau và là diễn tiến nặng. Vì vậy, việc lập kế hoạch theo dõi, điều trị bệnh nhân đái tháo đường vô cùng quan trọng, không những ở giai đoạn mới, chẩn đoán bệnh, mà còn hỗ trợ cho việc theo dõi sau này. 

Ví dụ, đối với một người bệnh đái tháo đường mới đến gặp bác sĩ, thông thường, sẽ được tầm soát các biến chứng của bệnh đái tháo đường như biến chứng võng mạc, biến chứng thận. Ngay cả người bình thường cũng cần tầm soát định kỳ mỗi năm 1 lần. 

Bên cạnh đó, cần kiểm tra các yếu tố nguy cơ và bệnh lý đi kèm. Ví dụ, ở bệnh nhân đái tháo đường, bệnh lý đi kèm khá thường gặp, do đó, bệnh nhân đái tháo đường tử vong do bệnh lý tim mạch chiếm từ 70-80%. 

Vì vậy, ngoài kiểm soát đường huyết, bác sĩ còn kiểm tra các yếu tố nguy cơ khác như cao huyết áp, mỡ máu cao, cân nặng, chất lượng luyện tập của người bệnh, hút thuốc lá,… để lên kế hoạch tư vấn và hướng dẫn thay đổi lối sống phù hợp với người bệnh. 

Người bệnh chỉ có thói quen kiểm soát đường huyết nhưng với các bác sĩ, bên cạnh chỉ số đường huyết còn phải đánh giá mỡ máu, chức năng gan, thận, tầm soát những biến chứng khác. Do đó, thông thường sẽ có kế hoạch điều trị để kiểm soát đường huyết và thời điểm nên thực hiện tầm soát các loại xét nghiệm đó về sau.

4. Cá thể hóa bệnh nhân đái tháo đường trong lựa chọn thuốc điều trị 

Hiện nay, ở nước ta có những giải pháp điều trị đái tháo đường nào? Về thuốc, hiện nay loại nào là tối ưu nhất, mới nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường, thưa BS?

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Các loại thuốc mới điều trị đái tháo đường ra đời giúp giải quyết hoặc hạn chế những nhược điểm của những loại thuốc cũ. Ví dụ, nhóm thuốc làm giảm nguy cơ hạ đường huyết, giảm tác dụng phụ của các nhóm thuốc cũ. 

Tuy nhiên, đối với bệnh nhân đái tháo đường, đến thời điểm này vẫn chưa có khuyến cáo về một loại thuốc nào đặc biệt nổi trội so với tất cả các nhóm thuốc còn lại. Tùy thuộc vào đặc điểm của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn nhóm thuốc phù hợp với bệnh nhân nhất. 

Ví dụ, đối với người bệnh có thừa cân, béo phì, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc không làm tăng cân hoặc có thể giảm cân cho người bệnh. Những bệnh nhân có vấn đề bệnh lý tim mạch hay bệnh thận đi kèm, bác sĩ sẽ ưu tiên sử dụng loại thuốc làm giảm tử vong liên quan đến tim mạch hoặc tử vong liên quan bệnh lý thận cho người bệnh. Người bệnh lớn tuổi có nguy cơ hạ đường cao, bác sĩ sẽ ưu tiên nhóm thuốc ít nguy cơ hạ đường cho người bệnh.

Mỗi loại thuốc khác nhau sẽ tùy thuộc vào đặc điểm của người bệnh, bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn cho phù hợp. 

- Và đâu là những giải pháp (thuốc) điều trị đái tháo đường có triển vọng trong tương lai gần, thưa BS? 

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Trong tương lai gần, đang có khuynh hướng làm sao để việc sử dụng thuốc cho người bệnh trở nên dễ dàng. Những loại thuốc đánh vào cơ chế bệnh sinh của người bệnh đái tháo đường, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Ví dụ, đối với thuốc tiêm insulin, hướng tới những loại insulin có tác dụng kéo dài hơn, giúp giảm vấn đề người bệnh phải tiêm thuốc mỗi ngày. Cho tới tương lai xa, đang có những nghiên cứu về các loại thuốc hướng tới đánh vào cơ chế bệnh, hy vọng có thể điều trị hoặc ổn định được đường trong khoảng thời gian dài. 

5. Tối giản trong điều trị đái tháo đường có được không?

Hiện nay có khái niệm “tối giản trong điều trị” giúp bệnh nhân sử dụng ít loại thuốc hơn, tăng khả năng tuân trị. Đối với đái tháo đường liệu có “tối giản” cho bệnh nhân được không?

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Đái tháo đường là bệnh mạn tính, có nhiều bệnh đồng mắc đi kèm. Do đó, một người bệnh cần dùng rất nhiều loại thuốc khác nhau để kiểm soát đường huyết và các bệnh khác như huyết áp và mỡ máu.

Để tối giản vấn đề này, hiện đã có những viên thuốc phối hợp 2 - 3 hoạt chất khác nhau vào 1 viên thuốc. Như vậy sẽ giảm số lượng thuốc người bệnh phải sử dụng. 

Hoặc có thể sử dụng những loại thuốc có tác dụng kéo dài như thuốc có tác dụng 24 tiếng, giúp người bệnh chỉ cần sử dụng 1 lần/ngày. Hoặc có những loại thuốc sau này như loại thuốc tiêm 1 tuần 1 lần, giảm được số lần và số viên thuốc cần dùng cho người bệnh. 

6. Nắm vững cách sử dụng và tác dụng phụ của thuốc điều trị tiểu đường

Theo BS, điều gì quan trọng nhất mà bệnh nhân cần nhớ khi sử dụng thuốc trong điều trị bệnh đái tháo đường ạ? 

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Có nhiều loại thuốc đái tháo đường khác nhau, mỗi loại thuốc có cách sử dụng và tác dụng phụ khác nhau. Vì vậy, khi có một loại thuốc đái tháo đường hoặc bác sĩ kê toa, cần biết cách sử dụng thuốc, tác dụng phụ có thể xảy ra của nhóm thuốc này. 

Khi xảy ra tác dụng phụ, bệnh nhân biết đó có thể liên quan đến việc dùng thuốc và báo lại cho bác sĩ, cân nhắc, giảm liều, đổi những loại thuốc khác phù hợp với người bệnh.

7. Bệnh nhân cần tái khám đúng hẹn, không bỏ bữa, không dùng toa thuốc của người khác

Trong quá trình thăm khám, BS nhận thấy, đâu là những sai lầm bệnh nhân cần tránh khi sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường ạ? 

TS.BS Trần Viết Thắng trả lời: Một trong những sai lầm thường gặp nhất khi sử dụng thuốc ở người bệnh là nghĩ rằng việc uống thuốc đã tốt cho đường huyết nên tiếp tục sử dụng liều trong khoảng thời gian dài, không đi kiểm tra, tái khám. 

Người bệnh cần biết, thuốc có thể phù hợp với một giai đoạn bệnh nhưng với những giai đoạn khác, sẽ không còn phù hợp. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường có thói quen truyền miệng, thấy người bệnh khác sử dụng loại thuốc tốt, hiệu quả, kiểm soát đường tốt nên đã mua theo liều thuốc của người đó về dùng, hy vọng sẽ đạt kết quả tương tự.

Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân có những đặc điểm khác nhau, thuốc có thể tốt với bệnh nhân này nhưng không mang lại hiệu quả cho bệnh nhân khác. 

Về vấn đề sử dụng thuốc, một số thuốc uống trước bữa ăn, một số uống sau bữa ăn, vấn đề quan trọng là khi uống, bệnh nhân không nên bỏ bữa. Nhiều trường hợp bệnh nhân uống không theo hướng dẫn dùng thuốc, hiệu quả của thuốc sẽ giảm đi. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X