Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh gout khi tập luyện thể dục cần lưu ý gì?

Những người bị bệnh gout và tăng axit uric máu được khuyên nên tập thể dục. Tuy nhiên, để tránh tình trạng khởi phát đợt gout cấp khi tập luyện, người bệnh cần khởi động kỹ và tránh tập ở các thời điểm quá lạnh.

1. Người bệnh gout có nên tập luyện không và bài tập nào phù hợp?

Thưa BS, người mắc bệnh gout thường bị đau các khớp. Vậy, họ có nên tập luyện không và nên tập luyện những môn thể thao nào ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Gout là bị viêm khớp nhưng trong bệnh gout thường viêm khớp từng đợt, ngoài những đợt đó sẽ bình thường. Như vậy, khi nhắc đến gout mọi người thường quan tâm đến ăn uống nhiều hơn là tập thể dục.

Nhìn chung, tập thể dục không trực tiếp ảnh hưởng đến bệnh gout. Trong một số nghiên cứu cho thấy, tập thể dục có thể làm giảm tình trạng tăng axit uric máu nhưng không nhiều.

Thông thường, những người mắc axit uric máu tăng (cụ thể là bệnh gout) sẽ đi kèm các bệnh lý khác liên quan đến tim mạch. Việc tập thể dục mặc dù không hạ nồng độ axit uric máu nhiều nhưng có thể làm giảm các biến cố tim mạch. Vì vậy, những người bị bệnh gout và tăng axit uric máu được khuyên nên tập thể dục.

Tuy nhiên, những trường hợp bệnh nhân tập thể dục như chạy bộ, chơi tennis, cầu lông… và bị đau khớp, sưng chân thì phải xem xét nguyên nhân. Người bệnh gout có tình trạng lắng đọng axit uric, giống như tủ lạnh có những mảng băng. Khi chạy nhảy, vận động giống với việc dùng lực tác động lên mảng băng dẫn đến bị vỡ, khi đó sẽ gây phản ứng viêm.

Đây là lý do một số trường hợp khi tập bị sưng lên và khởi phát đợt gout cấp. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên tập thể dục vì về mặt tổng thể sẽ tốt hơn cho sức khỏe.

2. Tập luyện tại chỗ/tại nhà mang lại lợi ích gì cho người bệnh gout?

Ngoài việc thực hiện các môn tập thể dục, thể thao, tập luyện tại chỗ/tại nhà có mang lại lợi ích cho người bệnh gout?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Thực tế, bất cứ bài tập nào cũng có tác dụng tốt cho bệnh nhân gout. Có 2 nhóm bài tập: Nhóm bài tập chung như aerobic, yoga, chạy bộ,… tác động lên chuyển hóa của cơ thể làm giảm tình trạng rối loạn chuyển hóa và tốt cho hệ tim mạch;

Nhóm bài tập tăng sức cơ (stretching - kéo căng vùng khớp) đặc biệt tốt cho trường hợp những người bị gout lâu năm. Ở những người bàn chân hoặc bàn tay có nốt tophi hoặc viêm gout lâu năm khớp sẽ bị hạn chế. Những bài tập này có tác dụng làm các khớp vận động tốt hơn, hạn chế tình trạng dính cứng khớp do viêm gout lâu năm. Vì vậy, dù tập tại nhà hay bên ngoài thì các bài tập này đều rất tốt cho người bị bệnh gout.

3. Những điều cần tránh và cần lưu ý khi thực hiện các bài tập tại nhà cho người bệnh gout?

Những điều cần tránh khi thực hiện các bài tập tại nhà cho người bệnh gout, thưa BS? Lưu ý gì khi tập luyện để đạt hiệu quả ạ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trường hợp thường bị gout cấp, khi tập luyện cần lưu ý: Thứ nhất, khởi động kỹ; Thứ hai, sử dụng thuốc dự phòng đợt gout cấp đúng chỉ định.

Để tránh tình trạng khi tập luyện bị khởi phát đợt gout cấp người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp: Thứ nhất, khởi động kỹ; Thứ hai, tránh tập ở các thời điểm quá lạnh như không bơi khi thời tiết lạnh. Vì axit uric có xu hướng lắng đọng ở nhiệt độ thấp, nếu không khởi động kỹ, làm ấm kỹ và tập luyện ở thời điểm lạnh axit uric sẽ lắng đọng nhiều hơn và làm khởi phát đợt gout cấp.

Một số trường hợp sau khi tập gây ảnh hưởng đến khớp như chạy bộ, aerobic,… nên chườm lạnh vào các khớp bị viêm như cổ chân hoặc ngón chân vì có thể giúp ngăn ngừa đợt gout cấp khởi phát. Nếu có xu hướng đau, người bệnh có thể sử dụng ngay các thuốc giúp dự phòng đợt gout cấp như dùng 1 viên colchicine.

4. Các thói quen không tốt nào người bệnh gout cần tránh?

Ngoài ra, nhờ BS chia sẻ các thói quen không tốt mà người bệnh gout cần tránh ạ (vd như bẻ khớp các ngón tay/ ngón chân…)?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Về thói quen thường nhắc đến chế độ ăn. Cần lưu ý hạn chế rượu bia, đồ ngọt, đặc biệt là bánh ngọt hoặc nước ngọt; Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều purin như nội tạng, sò hoặc các loại rau đang phát triển như rau mầm, măng, giá,…

Ngoài ra, một số thói quen khác có thể làm tình trạng khớp nặng hơn như xoa dầu nóng, chườm nóng các khớp đang sưng. Ví dụ, sau khi tập thể dục xong bị đau và về bôi dầu nóng thì hôm sau sẽ sưng nặng hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X