Hotline 24/7
08983-08983

Chóng mặt lành tính là gì, chóng mặt thế nào là dấu hiệu bệnh nguy hiểm?

ThS.BS Hồ Hữu Thật, giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ ra chóng mặt lành tính là gì, chóng mặt thế nào là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm, chóng mặt được điều trị ra sao và cách nào giúp giảm bớt cơn chóng mặt.

1. Chóng mặt đúng theo thuật ngữ y khoa là tình trạng gì?

Chóng mặt là một triệu chứng thường gặp, rất phổ biến. Hầu như mỗi người chúng ta bị chóng mặt ít nhất một lần trong đời. Nếu giải thích theo thuật ngữ y khoa, chóng mặt là ảo tưởng về chuyển động giữa bản thân và môi trường xung quanh.

Có 3 chữ cần làm sáng tỏ trong khái niệm này: ảo tưởng là cảm nhận không thực tế. Chuyển động giữa bản thân và môi trường xung quanh tức là bản thân người bệnh và môi trường xung quanh đang đứng im. Bệnh nhân đang nằm nghỉ ngơi trên giường hay trên võng nhưng họ cảm nhận trần nhà xung quanh đang xoay vòng hoặc chao đảo. Như vậy, mình gọi là ảo tưởng về chuyển động.

Môi trường xung quanh đang đứng im nhưng người bệnh cảm thấy mình đang ngồi trên thuyền nhấp nhô sóng và chao đảo hoặc giống như nằm trên võng lắc lư trong khi thực tế người bệnh và mọi thứ xung quanh đang nằm yên. Đó là ảo tưởng giữa chuyển động và bản thân mình.

Đúng thuật ngữ y khoa như vậy, y khoa gọi đó là chóng mặt.

2. Nguyên nhân gây chóng mặt là gì?

Nguyên nhân chóng mặt xuất phát từ dây thần kinh sọ số 8, nó có 2 chức năng, chúng ta nghe được do dây thần kinh sọ số 8 hoạt động bình thường, nó còn giữ thăng bằng cho cơ thể. Đó là chức năng về tiền đình.

Tiền đình giúp cơ thể giữ được thăng bằng và đi lại thoải mái. Chóng mặt xảy ra khi chức năng giữ thăng bằng của dây thần kinh số 8 bị tổn thương. Nó sẽ khiến cơ thể bệnh nhân không còn vững vàng nữa, họ sẽ thấy ảo tưởng về chuyển động. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ gọi đó là triệu chứng chóng mặt.

3. Chóng mặt có đi kèm với các biểu hiện khác không?

Khi cơ thể chúng ta cảm nhận về ảo tưởng chuyển động, ngoài chóng mặt, bệnh nhân có thể có một vài triệu chứng khác đi kèm. Ví dụ như bệnh nhân bị nôn mửa, chông chênh, mất thăng bằng. Bệnh nhân có thể hồi hộp, tim đập nhanh. Lúc đó, bệnh nhân phải nằm trên giường hay một chỗ, giữ yên đầu và họ thường phải nhắm mắt. Nó sẽ làm cho bệnh nhân bớt suy nghĩ về cảm giác chuyển động hay chóng mặt.

4. Đâu là dấu hiệu chóng mặt lành tính và đâu là dấu hiệu của một căn bệnh?

Khi bệnh nhân chóng mặt, tình trạng chóng mặt phần lớn là lành tính. Bệnh nhân sẽ nghỉ ngơi, nếu tình trạng nặng nề sẽ có một số biện pháp dùng thuốc, một vài biện pháp chuyên biệt trong chuyên khoa thần kinh không dùng thuốc cũng làm cho tình trạng được cải thiện và phục hồi hoàn toàn.

Tuy vậy, bên cạnh các nguyên nhân gây chóng mặt lành tính cũng có những tỷ lệ không cao là một số bệnh nhân bị đột quỵ và tai biến mạch máu ở một vài cấu trúc đặc biệt ở trong não.

Biểu hiện của bệnh là bệnh nhân chóng mặt, ngoài ra còn bị đi lại loạng choạng do tổn thương về duy trì chức năng thăng bằng trong cơ thể. Bệnh nhân còn có những tổn thương về chức năng nhìn: nhìn thấy một thành 2 hay 10. Đó là bệnh tai biến mạch máu não có triệu chứng chính là chóng mặt.

5. Chóng mặt xuất hiện tần suất như thế nào là nguy hiểm?

Đối với chóng mặt lành tính, mức độ của nó tương đối ít nguy hiểm hơn. Nếu tần suất xuất hiện quá nhiều, bắt buộc người bệnh phải đi khám, bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác hơn.

Đối với chóng mặt lành tính được gọi là rối loạn tiền đình, dẫu nó lành tính nhưng nó cũng có các nguyên nhân chuyên sâu chuyên biệt về nhóm rối loạn tiền đình, rối loạn tiền đình do nhiễm phải virus. Virus này thích tấn công và gây viêm dây thần kinh tiền đình (số 8), nó khiến bệnh nhân chóng mặt.

Hoặc trường hợp chóng mặt do sỏi trong phần tai. Các viên sỏi trong phần cấu trúc đặc biệt có các chuyển động không còn như bình thường, nói nôm na là mắc kẹt cũng khiến cho bệnh nhân chóng mặt dữ dội. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần đến khám bác sĩ để có một vài biện pháp để chỉnh sửa tư thế đầu, giúp viên sỏi trong tai lưu thông trở lại một cách bình thường. Bệnh nhân sẽ hết cơn chóng mặt của mình.

6. Các phương pháp điều trị chóng mặt phổ biến hiện nay là gì?

Chúng ta cần chia ra 2 nguyên nhân là chóng mặt tỷ lệ nhỏ nhưng rất quan trọng, là biểu hiện của đột quỵ. Trong trường hợp đó, việc điều trị liên quan đến phương pháp điều trị chung của đột quỵ.

Nếu chóng mặt như tỷ lệ đa số, đa phần do rối loạn tiền đình, đó là chóng mặt ngoại biên. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể dùng loại thuốc lành tính và ít tác dụng phụ. Đây là các loại thuốc giúp kiểm soát và phục hồi chức năng thăng bằng. Nếu dùng thuốc đúng liều lượng, chỉ trong một vài ngày, bệnh nhân sẽ phục hồi hoàn toàn.

Trong trường hợp không dùng thuốc, chẳng hạn như bệnh nhân bị sỏi trong tai di chuyển không giống chức năng sinh lý thông thường, bác sĩ cần có biện pháp tái lập sỏi tai. Biện pháp này mang tính thuật ngữ một chút. Y khoa gọi đó là thủ thuật/nghiệm pháp Epley.

7. Bệnh nhân chóng mặt tự mua thuốc uống có nguy hiểm gì?

Chóng mặt đa số là lành tính nhưng có thể là biểu hiện của nguyên nhân nguy hiểm. Muốn có toa thuốc phù hợp, bệnh nhân cần khám với một bác sĩ có trình độ chuyên môn. Bác sĩ sẽ khám chính xác và biết được các loại thuốc để kê đơn.

Hiện nay, bệnh nhân chóng mặt thường ra nhà thuốc để mua thuốc uống. Trong trường hợp như vậy, rủi ro sẽ tương đối cao. Một số viên thuốc không phù hợp với cơ thể bệnh nhân, một số viên thuốc phải được chỉ định, kê đơn bởi bác sĩ thì nhà thuốc mới được bán. Cách tiếp cận thuốc của bệnh nhân như vậy hoàn toàn không phù hợp.

8. Làm sao để tránh tình trạng chóng mặt, hoa mắt?

Để tránh được tình trạng chóng mặt do đột quỵ, người bệnh cần điều trị các bệnh nguyên nhân, nguy cơ gây ra tai biến mạch máu não, điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu. Các thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia quá nhiều…

Nếu chóng mặt lành tính hơn như rối loạn tiền đình, chóng mặt ngoại biên, bác sĩ sẽ có những biện pháp cải thiện giúp bệnh nhân ít bị chóng mặt hơn. Ví dụ như rối loạn chuyển động do sỏi tai, chứng này hay xảy ra ở người lớn tuổi. Trường hợp đó có thể tái đi tái lại, một năm bị một vài đợt.

Biện pháp chữa trị đối với bệnh nhân thuộc nhóm bệnh này là khi chuyển động vùng cổ trong sinh hoạt hằng ngày bệnh nhân không nên quay đầu đột ngột. Khi chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi, đối với người lớn tuổi cũng đừng ngồi dậy đột ngột. Vì các chuyển động đầu quá đột ngột sẽ gây ra sự bất thường của sỏi trong vùng tai, gây ra chóng mặt.

Các biện pháp như vậy giúp giảm bớt tình trạng chóng mặt cho người bệnh.

Một nguyên nhân khác gây chóng mặt dẫu là lành tính nhưng đôi khi nó cũng gây khó chịu cho quá trình sinh hoạt của bệnh nhân là do thoái hóa cột sống cổ. Nguyên nhân này cũng gây chóng mặt.

Để tránh bệnh nhân bị thoái hóa cột sống cổ, chúng ta nên tập thể dục thường xuyên tùy theo lứa tuổi. Người lớn tuổi có thể tập dưỡng sinh, các động tác vừa phải. Như vậy, tình trạng thoái hóa cột sống sẽ ít xảy ra. Người trẻ tuổi cần tập các động tác phù hợp và cường độ phải cao hơn người lớn tuổi. Họ có thể tập chạy bộ, yoga hay tập theo nhạc. Cách làm trên sẽ duy trì cột sống cổ tốt hơn và giảm nguy cơ thoái hóa cột sống cổ. Như vậy, tình trạng chóng mặt ở người bệnh sẽ ít xảy ra hơn.

Trọng Dy (ghi)

Nguồn: Nụ cười ngày mới HTV7 - Tình trạng chóng mặt - ThS.BS Hồ Hữu Thật

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X