Chồng bị HIV, làm sao để sinh con khỏe mạnh?
Em mong có một đứa con cho gia đình vui vẻ nhưng chúng em chưa bao giờ quan hệ mà không dùng bao cao su, bác sĩ ạ!
Một trong những ước muốn của những cặp vợ chồng bình thường nói chung và những cặp vợ chồng bị nhiễm HIV nói riêng là sanh được một đứa con khỏe mạnh. Đây thực sự là ước muốn chính đáng và cũng là quyền được làm cha mẹ của những cặp vợ chồng không may bị nhiễm virus HIV.
Nếu một người trong cặp vợ chồng nhiễm HIV, việc có con sẽ gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là nguy cơ lây nhiễm cho người kia.
Vấn đề ở đây là chỉ người chồng bị nhiễm, nên mục tiêu là làm sao giảm nguy cơ lây nhiễm từ chồng sang vợ, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người vợ khi mang thai và sanh được một đứa con khỏe mạnh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, HIV có thể có trong tinh dịch và các tế bào không phải là tinh trùng ở trong tinh dịch. Hiện cũng chưa tìm thấy HIV tồn tại bên trong tinh trùng. Có thể nói tinh dịch và các tế bào không phải tinh trùng trong tinh dịch là các nguồn chứa HIV. Trong khi những tinh trùng sống và di động tốt không bị nhiễm HIV do bề mặt tinh trùng không có CD4+ và thụ thể CCR5.
Phát hiện trên mở cánh cửa hy vọng sanh được một đứa bé khỏe mạnh cho các các bà mẹ có chồng bị nhiễm HIV.
Để người vợ không bị nhiễm HIV khi mang thai và sanh được em bé mạnh khỏe, tinh trùng sẽ được xử lý bằng các kỹ thuật lọc, rửa (chuẩn bị tinh trùng). Các kỹ thuật chuẩn bị tinh trùng này có thể giúp loại trừ hoặc giảm thiểu số lượng virus để có thể truyền bệnh. Sau đó nhờ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, việc thụ thai của phụ nữ với chồng nhiễm HIV sẽ trở nên an toàn và hiệu quả.
Có hai kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được ứng dụng trong trường hợp này là:
1. Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo:
Trong kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, phần tinh trùng sau khi đã được lọc rửa sẽ được bơm trực tiếp vào buồng tử cung người vợ.
Dù vậy, vẫn có lo ngại là một số virus vẫn còn có thể sót lại trong mẫu tinh trùng sau xử lý.
Việc sử dụng thêm các thuốc kháng virus để giảm số lượng virus trong tinh dịch xuống thấp nhất, và giảm khả năng lây nhiễm cho người vợ được khuyến cáo .
Với các kỹ thuật PCR hiện đại, ta có thể định lượng được số lượng ARN của virus có trong máu, tinh dịch và trong mẫu tinh trùng bơm vào buồng tử cung. Sau khi kiểm tra số lượng virus trong tinh dịch đã giảm, tiếp tục kiểm tra số lượng virus có trong mẫu tinh trùng sau xử lý. Nếu kết quả cho âm tính thấp, nghĩa là không tìm thấy virus trong mẫu tinh trùng sau xử lý, thì có thể thực hiện thụ tinh nhân tạo một cách an toàn.
2. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm:
Việc kết hợp điều trị thuốc kháng virus cho chồng trước khi áp dụng thụ tinh trong ống nghiệm, và kiểm tra số lượng virus trong mẫu tinh dịch để biết số lượng virus trong tinh dịch đã giảm. Sau đó, áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và sử dụng tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương trứng trưởng thành để tạo phôi.
Với phác đồ trên, khả năng lây nhiễm từ chồng sang vợ đã được loại trừ gần như hoàn toàn. Người vợ có thể có thai một cách an toàn, đồng thời em bé cũng không có khả năng bị lây nhiễm.
Tóm lại, cả hai kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng sau xử lý vào buồng tử cung) và thụ tinh trong ống nghiệm (có thể kết hợp với ICSI) nói chung đều an toàn cho người vợ, khả năng lây nhiễm là rất thấp hoặc gần như triệt tiêu. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm với ICSI độ an toàn gần như tuyệt đối nhưng chi phí cao và tỉ lệ thành công cũng cao hơn. Tỉ lệ có thai cao hơn cũng giúp số lần điều trị (hay số lần tiếp xúc với nguy cơ) để có thai giảm đi, nguy cơ lây nhiễm cuối cùng lại càng thấp hơn.
Tuy nhiên, các phương pháp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng bị nhiễm HIV này chưa được thực hiện tại Việt Nam. Bạn có thể liên hệ với đơn vị hỗ trợ sinh sản của BV Từ Dũ, BV Hùng Vương để được tư vấn và biết thêm thông tin về phương pháp này.
AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa. AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình