Hotline 24/7
08983-08983

Cho trẻ ăn dặm: bắt đầu khi nào, ăn món gì, chế biến ra sao?

BS Trương Hữu Khanh hướng dẫn cách cho trẻ ăn dặm: bắt đầu khi nào, ăn món gì, chế biến ra sao? Trẻ quấy khóc, trẻ ngậm không chịu nuốt thì phải làm thế nào? Lượng sữa trong thời gian ăn dặm nên bổ sung ra sao...

1. Khi nào cha mẹ nên cho trẻ ăn dặm?

Thưa bác sĩ, xin cho hỏi khi trẻ được bao nhiêu tháng tuổi thì bắt đầu cho ăn dặm?

BS Trương Hữu Khanh:

Ăn dặm, tức là ăn thêm. Tùy thuộc vào mỗi em bé mà thời gian ăn dặm sẽ khác nhau, đa số là sau 6 tháng tuổi, một số trường hợp đặc biệt sẽ bắt đầu ăn từ 4 tháng tuổi. Đừng cho bé ăn dặm trước 4 tháng tuổi hoặc sau 6 tháng tuổi.

Vì sao các nhà chuyên môn lại khuyến cáo cha mẹ cho trẻ ăn dặm trong mốc thời gian này? Đối với trẻ ăn dặm trước hoặc sau khoảng thời gian này có đáng ngại không?

BS Trương Hữu Khanh:

Người ta chọn thời gian ăn dặm và chất ăn dặm tùy thuộc vào đường tiêu hóa và khả năng hấp thu của em bé. Dưới 4 tháng tuổi, sữa là nguyên liệu chính nuôi em bé, tất cả các chất ăn dặm trong thời gian này thì trẻ không hấp thu được.

Trong sữa đã có đầy đủ năng lượng và vi chất cung cấp cho lứa tuổi đó. Vì vậy, trước 6 tháng tuổi hoặc 4 tháng tuổi thì trẻ chỉ cần bú sữa. Tuy nhiên, nếu kéo dài thời gian bú sữa, sữa sẽ không cung cấp đủ năng lượng và vi chất. Nếu bú nhiều hơn lượng sữa trẻ cần thì trẻ sẽ không ăn được. Nếu có ăn thì cũng không đủ chất và sẽ thiếu vi chất, đặc biệt là sắt.

2. Những biểu hiện nhận biết trẻ đến lúc cần ăn dặm?

Những biểu hiện nhận biết trẻ đã “sẵn sàng” cho việc ăn dặm?

BS Trương Hữu Khanh:

Các bậc phụ huynh không nên vội vàng. Nếu em bé dưới 4 tháng tuổi hoặc hơn 4 tháng tuổi khi thấy người lớn ăn thì nó măm măm cái miệng, mình nghĩ trẻ đòi ăn rồi cho ăn là sai. Lúc đó, mình có thể cho trẻ ăn trái cây như chuối nghiền nát, cho trẻ ăn 1 hay 2 miếng. Tức là cho trẻ biết nhai, biết cảm giác mút vật lạ, ngoài sữa.

Nếu đã bắt đầu ăn dặm là phải ăn cho đúng. Khi em bé đủ tháng thì sẽ cho trẻ ăn dặm đúng cách.

Nhiều bé thường có dấu hiệu quấy, khóc mỗi khi ngửi thấy mùi đồ ăn hoặc khi gia đình vào bữa, liệu đây có phải là dấu hiệu bé muốn được cùng măm măm?

BS Trương Hữu Khanh:

Điều này là không chắc. Chúng ta phải nhớ, ăn dặm là phải đúng tháng. Đừng cho trẻ ăn sớm hơn, nếu em bé không đòi ăn nhưng mình vẫn phải cho ăn dặm nếu đã đúng tháng.

3. Các cột mốc cần lưu ý khi cho trẻ ăn dặm

Các cột mốc cần lưu ý khi cho trẻ ăn dặm, cụ thể ra sao:  khi nào ăn bột, khi nào ăn cháo và khi nào ăn những đồ buộc phải nhai, khi nào trẻ bắt đầu ăn trái cây?

BS Trương Hữu Khanh:

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm thì có hai nhóm: một nhóm chưa có đạm và dầu, tức là chỉ có tinh bột và rau thôi. Khi trẻ lớn sẽ ăn đủ bốn chất là tinh bột, rau, đạm và dầu mỡ. Khi bắt đầu ăn dặm, người ta chưa cho trẻ ăn đạm và dầu. Lúc đó trẻ chỉ cần tinh bột với rau.

Sau đó, từ 7 tháng tuổi, cha mẹ cần tập cho bé ăn bột mặn, bột rau, dầu và đạm. Khi 9 tháng tuổi, cha mẹ có thể cho bé ăn cháo nghiền.

Nếu mua bột ở ngoài, không phải điều chế thì vẫn ăn được. Nếu bột được làm theo tuổi thì không cần thêm gì vào bột. Nhưng nếu mình tự nấu cháo thì không nên nấu nhiều tinh bột quá, thiếu rau cũng không được, dư đạm hay dư dầu mỡ cũng không được; phải có một tỷ lệ nhất định. Nếu không nấu được thì phải mua bột ở ngoài.

4. Những nguyên tắc khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm

Có những nguyên tắc rất căn bản khi cho trẻ ăn dặm mà cha mẹ phải thuộc nằm lòng. Bác sĩ có thể cho cha mẹ được nắm rõ những nguyên tắc rất căn bản này được không ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Nguyên tắc thứ nhất là phải ăn lỏng, sau đó mới đặc dần và tăng dần lượng thức ăn; ăn một bữa rồi tăng lên hai bữa.

Nguyên tắc thứ hai là trẻ dưới 7 tháng tuổi thì khoan ăn đạm và dầu, từ 7 tháng tuổi trở lên thì ăn đủ bốn loại chất. 4 loại chất đó phải đúng tỷ lệ.

5. Cần làm gì khi trẻ quấy khóc, không chịu ăn dặm?

Khi em bé đã đến tuổi ăn dặm nhưng đến giờ ăn thì quấy khóc, đẩy đồ ăn ra xa. Lúc này chúng ta cần dỗ dành em bé ra sao ạ, thưa bác sĩ?

BS Trương Hữu Khanh:

Thứ nhất, mình phải xem em bé có bú nhiều quá hay không. Cần cho trẻ ăn xa cữ bú. Nếu trẻ vừa bú xong, nhưng mình bắt trẻ ăn thì làm sao trẻ ăn. Thứ hai, mình cần tập cho trẻ ăn bốc. Ngay từ nhỏ, khi nghiền trái cây để cho trẻ làm quen thì mình vón lại rồi bốc ăn.

Khi bé lớn hơn một chút, mình cần tập cho trẻ cầm muỗng và tự ăn. Lúc đó, trẻ mới có cảm giác thú vị khi ăn và mình cũng nên tập cho trẻ ăn trong không gian có bố mẹ và anh chị. Như vậy, nó mới tạo cho em bé không gian, chứ mình đừng nên lặng lẽ mình ăn một mình, không có không gian mọi người cùng ăn thì nó sẽ giảm đi sự mong muốn ăn đúng giờ giấc.

Nguyên nhân nhiều nhất là do mình cho trẻ bú nhiều quá nên em bé sẽ từ chối ăn. Lỗi thứ hai là cho trẻ ăn đặc ngay từ đầu thì trẻ sẽ không ăn.

6. Những nhóm chất dinh dưỡng cần có cho trẻ ăn dặm

Cha mẹ nên cho trẻ ăn tập trung vào những nhóm chất nào thưa bác sĩ? Nhóm chất này có trong những thực phẩm nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Chúng ta không nên cầu kỳ với những nhóm chất cho trẻ. Cơ bản chỉ có 4 nhóm: thứ nhất là rau, ta có thể sử dụng rau đa dạng có rau màu xanh đậm như rau muống, cải... Một thực phẩm có màu vàng để cung cấp carotene.

Sau đó là đạm, các loại đạm đều giống nhau, có thể là cá, thịt heo, hải sản. Đặc biệt, phụ huynh thường hay quên dầu ăn. Chỉ cần cho trẻ ăn đủ 4 chất: rau, đạm, dầu, tinh bột.

Việc các mẹ bỉm sữa truyền tai nhau các món rất bổ dưỡng như: thịt ếch, cá hồi, chùm ngây… có thật sự hữu ích cho trẻ không ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh: “sử dụng thực phẩm bản địa”, nghĩa là sử dụng thực phẩm ở vùng của mình có, vì nó đủ cung cấp dinh dưỡng vi chất, không cần đi tìm thức ăn ở đâu xa. Một số trái cây có nhiều chất bổ ở Việt Nam chẳng hạn như chuối có nhiều chất bổ như chất kali, rau muống có rất nhiều chất sắt.

Không cần thiết phải ăn thức ăn đặc biệt, xung quanh mình có gì thì mình sẽ ăn cái đó. Không nhất thiết phải là cá hồi, chỉ cần thịt, cá bình thường, miễn sao nó đủ lượng. Ví dụ, một em bé bị thiếu sắt thì mình bổ sung thêm thịt bò hoặc rau muống. Nếu em bé dinh dưỡng bình thường thì mình không cần làm điều gì cầu kỳ, chỉ cần ăn thức ăn bản địa là đủ.

7. Khẩu phần ăn dặm của trẻ bao nhiêu là đủ?

Cha mẹ cần cho trẻ ăn dặm bao nhiêu lần trong ngày? Thưa BS, liều lượng mỗi bữa ăn như thế nào? Dấu hiệu nào của trẻ để tăng khẩu phần hoặc giảm bớt? Bởi thực tế, ở độ tuổi ăn dặm này, nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì?

BS Trương Hữu Khanh:

Điều này rất quan trọng. Mình cần xác định bữa ăn chính rất quan trọng và ăn vặt là không quan trọng. Đặc biệt, muốn ăn vặt thì cần ăn sau bữa chính, không được ăn trước bữa ăn chính. Ví dụ như bắt đầu bữa ăn chính mà đã cho trẻ ăn vặt thì làm sao trẻ có thể ăn bữa ăn chính được.

Bữa ăn vặt là ăn chơi, nó không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bữa ăn chính. Thường thường, khoảng 6 tháng tuổi, thì ăn mỗi ngày 1 cữ. 7 tháng tuổi thì ta tăng lên hai cữ, 9 tháng thì mình tăng lên 3 cữ.

Trẻ từ 12-18 tháng tuổi thì cha mẹ cho trẻ ăn chung với người lớn. Ngay từ đầu, khi tập cho trẻ ăn, mình cũng nên tập cho trẻ ăn cùng giờ với người lớn. Như vậy, trẻ sẽ dễ hòa nhập với người lớn hơn.

6 tháng tuổi thì trẻ ăn bột ngọt, 7 tháng tuổi thì ăn bột mặn, 9 tháng tuổi thì có thể ăn cháo, 12 tháng tuổi thì trẻ ăn cháo đặc và 18 tháng thì ăn cơm. Phải tập trẻ sử dụng muỗng, tập ngồi lên ghế ăn chung với người lớn. Không được có bữa ăn vặt trước bữa ăn chính 1-2 tiếng. Đã đến bữa ăn chính thì trẻ không ăn gì khác trước 2 giờ đồng hồ. Sau bữa ăn chính đó, trẻ có thể ăn vặt.

Có hai nguyên nhân gây béo phì: thứ nhất trẻ bú quá nhiều sữa và thứ hai là do trẻ uống quá nhiều nước ngọt. Nếu trẻ thừa cân, cần cho trẻ uống sữa không đường, ít béo. Đằng này mình cứ cho trẻ uống thoải mái, cung cấp đường trong các loại nước có ga sẽ khiến trẻ tăng cân.

Nếu ăn đúng: tinh bột đủ, dầu đủ, đạm đủ, rau đủ thì trẻ khó bị béo phì. Trẻ bị béo phì là do thức ăn vặt như bánh hoặc uống sữa quá nhiều. Chúng ta nên điều chỉnh lại những vấn đề này.

8. Món ăn dặm của trẻ có nên nêm gia vị hay không?

Nhiều cha mẹ hoặc các ông bà quan niệm rằng, đã nấu đồ ăn cho trẻ - thậm chí là quấy bột là phải có gia vị? Việc nêm gia vị vào món ăn dặm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe sau này của trẻ?

BS Trương Hữu Khanh:

Điều này là sai hoàn toàn. Gia vị và nêm nếm là do thói quen. Quan trọng nhất là trẻ dưới 12 tháng tuổi thì đừng nêm nếm gì cả. Hiện nay ở Việt Nam, có hai nghịch cảnh: thứ nhất là ăn quá mặn và thứ hai là ăn quá ngọt. Quá mặn sẽ dư muối gây cao huyết áp, quá ngọt sẽ gây dư carbohydrates và làm tăng cân.

Thói quen này ăn sâu vào suy nghĩ người lớn và họ nghĩ rằng con nít ăn mặn một chút sẽ ăn ngon, phải ngọt một chút mới ăn ngon. Như vậy là sai.

Cho nên thức ăn cho trẻ dưới 12 tháng thì không nêm gì. Trên 12 tháng, có thể nêm nhưng không được mặn và không tập uống nước ngọt.

Trẻ dưới 2 tuổi không được uống nước linh tinh, chỉ được uống sữa, nước thường.

Trẻ phải hơn 2 tuổi mới được dùng nước uống đóng chai, nước trái cây.

Trẻ dưới 2 tuổi có thể ăn trái cây để hấp thu chất xơ và làm rải đều lượng đường khắp cơ thể. Nếu uống nước trái cây xay, đường sẽ hấp thu nhanh và nó sẽ cạnh tranh với các chất khác. Đó là các lưu ý về nêm nếm.

9. Nấu một bữa ăn cả ngày, khi nào ăn thì hâm lại: có tốt cho trẻ không?

Nhiều gia đình có thói quen nấu một bữa ăn cả ngày, và đồ ăn của trẻ cũng vậy, khi nào ăn thì hâm lại cho từng bữa. Về yếu tố dinh dưỡng và tâm lý của trẻ đối với món ăn như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào, thưa bác sĩ Khanh?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu cha mẹ bảo quản thức ăn tốt, hâm đúng, không để bội nhiễm với vi trùng ở ngoài, không thể thức ăn bị ôi thiu thì vẫn có thể làm được. Đương nhiên, thức ăn tươi, mới nấu lúc nào cũng ngon hơn, nhưng thời đại hiện nay cha mẹ có quá nhiều công việc, không thể có thức ăn tươi thì có thể hâm lại. Quan trọng là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

10. Trẻ ăn dặm hay ngậm, không chịu nuốt, phải làm sao?

Trường hợp thức ăn đã nấu mới và ngon mỗi bữa mà trẻ vẫn ngậm, không chịu nhai nuốt khiến mỗi bữa ăn kéo dài cả tiếng đồng hồ đến hai giờ. BS Khanh có mẹo nào giúp trẻ ăn nhanh hơn được không?

BS Trương Hữu Khanh:

Không phải do em bé tự nhiên như vậy. Do ngay từ đầu, các bậc cha mẹ không tập cho bé thói quen ăn đúng giấc trong khoảng thời gian nhất định. Ăn là ăn, chứ không được vừa ăn vừa chơi. Ăn là ăn chung với người lớn, còn ăn một mình thì phải đúng với không gian của nó.

Ví dụ như ở trong phòng, trẻ ăn thì không được chơi. Cha mẹ cần làm cho phòng mát hơn một chút để trẻ dễ ăn hơn, thức ăn đúng lứa tuổi dễ ăn hơn.

Khi ăn chung với người lớn, người lớn phải ngồi xung quanh ăn cùng với trẻ để trẻ quen với giờ giấc các bữa ăn.

Chúng ta hãy nhớ đừng bao giờ cho trẻ ăn một bữa kéo dài quá 30 phút. Lâu dần nó sẽ thành thói quen. Khi cho ăn lâu quá, thức ăn không còn tốt nữa. Cha mẹ ẵm bé ra đường khi cho ăn có thể làm cho thức ăn sẽ bị nhiễm phải thứ gì đó, như vậy là không tốt.

Ngồi vào ghế khi ăn là tốt nhất, ăn chung với người lớn, tập trung ăn trong 30 phút sau đó đi chơi, đừng vừa ăn vừa xem tivi, ẵm đi chỗ này chỗ kia, không nên hối lộ cho trẻ chơi trò chơi rồi mới chịu ăn. Vì lâu dần, trẻ sẽ không có tính tự ăn. Một em bé đi ra ngoài tự múc ăn, chứng tỏ đứa trẻ đó được huấn luyện rất tốt từ lúc còn nhỏ.

11. Lượng sữa khi trẻ ăn dặm sẽ thay đổi như thế nào?

Cho trẻ ăn dặm có nghĩa là giảm dần sữa cho trẻ - bác sĩ đánh giá như thế nào về quan niệm này của các bà mẹ bỉm sữa? Nếu em bé dứt luôn hẳn sữa có được không? Giai đoạn này cần lưu ý gì để đảm bảo nguồn sữa cho con thưa bác sĩ?

BS Trương Hữu Khanh:

Không được, cái đó là không được bởi vì em bé lớn lên sẽ bú được lượng sữa nhiều hơn. Thành ra cữ sữa sẽ giảm xuống và sẽ xen kẽ với bữa ăn. Nếu mình cho trẻ uống đúng lượng sữa, trẻ mới cao được. Còn nếu cho ăn dặm hoàn toàn, em bé sẽ không có đủ chất để cao lên. Vì vậy, mình cần biết lúc đó lượng sữa là bao nhiêu, xen kẽ bao nhiêu thức ăn.

Có một điều sai lầm chính là cắt sữa, trẻ ăn nhiều quá nên bỏ bú. Lúc đó lượng sữa không đủ. Tự nhiên em bé thích ăn, bé bỏ sữa thì người ta sẽ làm thức ăn hơi loãng một chút sau đó bỏ bột sữa vào, nó đặc lại để bù lại lượng sữa mà em bé không chịu bú mà đòi ăn.

Thứ hai, cha mẹ cho em bé bú sữa nhiều quá nên bé không ăn, có những em bé nghiện ti bình hoặc ti mẹ. Cho nên tới giờ, em bé sẽ ngậm bình, nghiện bú mẹ chứ không phải để no, nên sẽ bỏ ăn. Vì vậy, cha mẹ cần tập cho bé uống ly. Lúc đó em bé sẽ thấy được uống sữa là cung cấp năng lượng và em bé sẽ trở lại ăn dặm, uống sữa tốt.

12. Lời khuyên của bác sĩ dành cho phụ huynh về chế độ ăn dặm đúng cho trẻ

BS Trương Hữu Khanh:

Mong muốn cuối cùng của bậc cha mẹ là trẻ tự ngồi vào bàn, cầm muỗng múc ăn. Trẻ từ 18 tháng - 2 tuổi đã tự làm được điều đó.

Ta chuẩn bị ngay từ đầu: ăn dặm đúng, tập tự ăn, ăn đúng cữ, ăn đúng giờ, không bao giờ kéo dài bữa ăn hơn 30 phút, ăn là ăn, không vừa ăn vừa chơi. Ăn bột ngọt sau đó chuyển qua bột mặn, xong trẻ sẽ chuyển qua cháo đặc, rồi chuyển qua ăn cơm.

Như vậy, trẻ mới được cung cấp đủ dinh dưỡng và quan trọng hơn hết, thức ăn cũng không thể thay hoàn toàn bằng sữa. Sữa không thể thay thế hoàn toàn cho thức ăn, cho nên phải đủ thức ăn và sữa.

Trọng Dy - Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X