Hotline 24/7
08983-08983

Chế độ ăn cho người bị thoái hoá khớp, đau nhức

Việc ăn uống không hợp lý có thể khiến bệnh thoái hóa khớp trở nên trầm trọng hơn. Do đó, vấn đề nên ăn gì, kiêng gì ở người bệnh thoái hoá khớp cần được quan tâm. Bởi ngoài việc điều trị bằng phát đồ bác sĩ đưa ra, người bệnh cũng cần có một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp hỗ trợ trong việc điều trị. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp như tuổi tác; lao động nặng nhọc; thay đổi nội tiết tố, chuyển hóa của cơ thể; di truyền, bẩm sinh; chấn thương; thừa cân, béo phì; dinh dưỡng không hợp lý… Do đó, thoái hóa khớp nên ăn gì và kiêng gì, không chỉ là mối quan tâm của người bệnh mà là quan tâm chung cho mỗi người, để có một sức khỏe thật tốt, kéo dài thanh xuân.

Việc điều trị dứt điểm thoái hóa khớp là không thể, nhưng người bệnh có thể phục hồi và làm giảm được triệu chứng của bệnh trong cuộc sống hằng ngày nếu thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống.

Người bệnh nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao các bộ môn như bơi lội, đạp xe, đi bộ… để tăng cường trao đổi chất, giúp cơ thể dẻo dai hơn. Đặc biệt nếu đang trong tình trạng thừa cân, béo phì cần phải thay đổi chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giàu vitamin, hạn chế dầu mỡ, bổ sung rau củ quả… Thực phẩm hàng ngày quyết định rất nhiều trong việc làm bùng phát các cơn đau hay giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị xương khớp.

1. Thoái hóa cột sống nên ăn gì?

Để có 1 cơ thể khỏe mạnh, hệ thống xương khớp dẻo dai và chắc khỏe thì chế độ ăn uống đóng góp một vai trò khá quan trọng. Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm sau vào chế độ ăn uống hàng ngày để giúp cho hệ thống xương khớp chắc khỏe, ngăn ngừa chứng thoái hóa cột sống hiệu quả:

a. Đậu nành

Đậu nành là loại thực phẩm chứa khá nhiều lượng canxi cần thiết cho cơ thể để ngăn ngừa chứng loãng xương và các vấn đề thoái hóa xương khớp.

Hoạt chất Genistein chứa trong đậu nành được các chuyên gia dinh dưỡng ví như là hormon estrogen tự nhiên của thực vật, chúng đóng vai trò khá quan trọng trong việc tăng cường sự chắc khỏe của xương.

Bệnh nhân có thể chế biến loại thực phẩm này thành sữa, đậu hũ… để sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày.

b. Các loại thịt gia súc, gia cầm

Người bệnh thoái hóa cột sống nên bổ sung các loại thịt như thịt lợn, thịt bò và gà vịt để ngăn ngừa và hạn chế triệu chứng ngày càng suy yếu của khung xương.

Dân gian ta thường có quan niệm “Ăn gì bổ nấy”, do đó việc nấu các món ăn từ nước hầm xương sườn, sụn bò hoặc xương ống sẽ giúp hệ thống xương cột sống chắc khỏe hơn.

Trong thịt và xương của heo, bò… ngoài việc chứa 1 lượng lớn canxi mà còn chứa khá nhiều chodroitin và glucosamin giúp hạn chế sự đau nhức xương khớp và tăng cường hấp thu các khoáng chất giúp sụn và xương chắc khỏe.

c. Nấm và mộc nhĩ

Không chỉ là những sinh vật chứa nhân chúng dị dưỡng cung cấp cho con người những món ăn ngon. Các loại nấm còn giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, chống lão hóa, giảm nguy cơ mắc ung thư, bệnh xơ vữa động mạch và các chứng đau nhức hoặc thoái hóa xương khớp.

Trong mộc nhĩ chứa một lượng lớn polysaccharid - hoạt chất giúp tăng sức đề kháng, chống viêm xương khớp hiệu quả cho người bệnh.

Nấm hương được giới sành ăn đặt cho biệt danh là “vua của các loại nấm” có tác dụng kháng viêm, đầu sụn, ngăn ngừa khô khớp và chữa chứng chân tay tê bại.

d. Đu đủ và đậu đen

Những người có cơ địa hấp thu vitamin C thấp hơn người thông thường sẽ có nguy cơ bị viêm khớp và thoái hóa cột sống cao gấp 3 lần thông thường. Vì vitamin C chứa các hoạt chất ngăn ngừa oxy hóa có gốc tan trong nước nên giúp bảo vệ DNA khỏi sự tấn công của các gốc tự do, từ đó ngăn ngừa chứng thoái hóa xương khớp hiệu quả.

Trong đu đủ chứa 1 lượng lớn Vitamin C gấp hai lần so với cam, ngoài ra đu đủ còn giàu beta carotene giúp cơ thể hấp thu vitamin C hiệu quả hơn.

Đậu đen chứa Anthocyanin - một hoạt chất giúp ức chế quá trình sản xuất Cyclooxygenase (COX - 2) giúp kháng viêm và chống oxy hóa hữu hiệu. Từ đó ngăn chặn hiệu quả các gốc tự do tấn công cột sống gây thoái hóa.

e. Táo

Trong táo chứa rất nhiều Quercetin - Một chất chống oxy hóa nhằm giảm đau nhức và giúp kháng viêm cũng như tăng cường sản xuất Collagen để các khớp xương được hồi phục nhanh chóng.

Các giáo sư của trường Đại học Cornell, Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng việc ăn táo thay món tráng miệng sau bữa ăn giúp tăng cường nồng độ Quercetin. Người bị thoái hóa cột sống nên rửa sạch và ăn luôn cả vỏ vì chất Quercetin tập trung nhiều nhất ở phần ở vỏ táo. Khi mua táo thì nên lựa những quả táo có màu sẫm vì những quả này chứa hàm lượng Quercetin rất cao.

f. Bông cải xanh

Bông cải xanh giúp nâng cao chất lượng các mô sụn khớp vì trong bản thân nó chứa một lượng lớn hợp chất lưu huỳnh hữu cơ, góp phần tăng sức đàn hồi của mô và hệ thống dây chằng, và có thể làm tăng khả năng tiết chất nhầy bôi trơn cho đầu khớp.

Bông cải xanh còn chứa rất nhiều sulforaphane giúp ngăn ngừa quá trình Oxy hóa diễn ra. Một báo cáo của các trường Y khoa tại Anh Quốc năm 2016 chỉ ra rằng, chất sulforaphane có thể giúp ngăn chặn hoặc ít nhất là làm chậm sự thoái hóa xương khớp và các vấn đề sưng viêm đầu khớp.

Trong bông cải xanh còn chứa khá nhiều canxi nhằm tăng những liên kết chặt chẽ cho các tế bào xương khớp, giúp giảm tình trạng loãng xương và đau nhức hiệu quả

g. Dầu Olive

Trong dầu Olive chứa khá nhiều acid béo omega - 3 và polyphenol có tác dụng rất tốt trong việc chống ô-xy hóa và giảm sưng viêm khớp xương.

Dầu Olive còn chứa nhiều oleocanthal - một chất có tác dụng tương tự như những loại thuốc chống viêm không steroid (có điều là chúng không có tác dụng phụ).

Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, những người bị cứng khớp, viêm khớp, đau nhức xương khớp, viêm khớp dạng thấp… nếu thường xuyên dùng dầu Olive sẽ giảm hiệu quả các chứng đau nhức và những biến chứng không đáng có từ xương khớp gây ra.

h. Sữa

Trong sữa và những chế phẩm từ sữa như bơ, phô mai, sữa chua, cream…  có chứa rất nhiều canxi giúp cấu tạo khung xương chắc khỏe. Vì vậy,  khi bị các vấn đề về xương khớp thì sữa luôn là thực phẩm được  khuyên dùng để cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Việc uống sữa đều đặn hàng ngày sẽ giúp người thoái hóa cột sống ngăn chặn sự suy yếu của xương khớp, chống loãng xương, giúp xương chắc khỏe.

i. Trà xanh

Trong trà xanh có một hàm lượng lớn Flavonoid và nhiều hoạt chất chống oxy hóa giúp giảm tình trạng thoái hóa xương khớp và nguy cơ loãng xương.

Tuy nhiên, người bệnh không nên uống nhiều hơn 3 ly trà xanh mỗi ngày vì sẽ xảy ra tình trạng đau đầu, thở gấp, khó tiêu hóa ở người mẫn cảm với các thành phần khác trong trà xanh.

Ngoài những thực phẩm vừa kể ở trên, người bệnh nếu muốn điều trị thoái hóa cột sống thì phải siêng năng vận động để tăng khả năng hấp thu canxi, giúp cho xương chắc khỏe.

Ngoài ra nên thường xuyên đi ra ngoài trời tắm nắng để tăng khả năng tổng hợp vitamin D nhờ ánh nắng và chuyển hóa canxi thành canxi cho xương trong cơ thể.

Xem thêm: Đậu bắp có giúp điều trị thoái hóa khớp?

2. Thoái hóa khớp nên kiêng ăn gì?

a. Thực phẩm nhiều đường

Thực phẩm nhiều đường có thể gây ra cho khớp những cơn đau tồi tệ và gia tăng tình trạng viêm. Nếu tiêu thụ quá nhiều đường bạn rất dễ mắc các căn bệnh liên quan đến thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp…

b. Thực phẩm nhiều muối

Tiêu thụ thực phẩm nhiều muối sẽ gia tăng lượng natri cao, thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa tế bào, hoàn toàn không tốt cho người thoái hóa khớp. Muối cũng gây hại cho thận phải ở trong tình trạng lọc liên tục. Ăn muối có thể gây mất canxi từ xương trong khi canxi là yếu tố quan trọng cho xương khỏe mạnh, nếu xương bị mất canxi sẽ trở nên yếu, dễ gãy hơn, gia tăng nguy cơ loãng xương.

c. Thịt đỏ đã qua chế biến

Các loại thịt đỏ đã qua chế biến, thực phẩm nhiều đường, nhiều muối không tốt cho người bị thoái hóa khớp và cả những bệnh nhân mắc bệnh gout.

d. Thức ăn chứa gluten

Gluten là một loại protein hoàn toàn không phù hợp với nhiều người đang mắc bệnh rối loạn thần kinh, ruột kích thích, tiểu đường, viêm cơ… Thức ăn chứa nhiều gluten như lúa mì, lúa mạch, yến mạch nên tránh sử dụng bởi nếu mất điều hòa gluten sẽ gây ra rối loạn tự miễn dịch ảnh hưởng đến các mô thần kinh và các vấn đề kiểm soát cơ hay chuyển động cơ bắp.

e. Đồ ăn đóng hộp

Đồ ăn đóng hộp như cá hộp, thịt hộp, xúc xích xông khói… đều có chất sulfit, các chất bảo quản khác, có thể gây viêm và làm tăng quá trình lão hóa. Hơn nữa đồ ăn đóng hộp thường nhiều gia vị như muối, đường hoàn tốt không hề tốt cho sức khỏe.

f. Rượu, bia

Đồ uống có cồn như rượu, bia sẽ khiến bạn tích tụ các chất độc trong gan, gia tăng tình trạng mất nước, thiếu ngủ, chính là những yếu tố gia tăng tốc độ lão hóa.

g. Omega - 6

Omega - 6 là chất béo cần thiết cho cơ thể, có nhiều trong các dầu thực vật: dầu mè, dầu đậu nành, dầu hoa hướng dương, trứng gà, mỡ… Nhưng ăn quá nhiều thực phẩm chứa omega -6 sẽ gây ra hiện tượng đông máu, tăng áp suất máu, ảnh hưởng tim mạch và đặc biệt gây những cơn đau nhức, viêm sưng - nguyên nhân của bệnh gout.

h. Thực phẩm giàu Ages

Nếu không muốn gia tăng tốc độ lão hóa hãy tránh xa các thực phẩm giàu Ages. Đồ ngọt (bánh kẹo) sẽ là tăng lượng đường, làm các phân tử đường thừa ra sẽ kết hợp với các protein, tạo ra các sản phẩm glycat hóa bền vững (tức Ages), sau đó các Ages sẽ hủy hoại collagen, chất ngăn ngừa lão hóa. Lúa mì cũng có chứa Ages - hợp chất glycat hóa bền vững, gia tăng tiểu đường và tình trạng lão hóa của cơ thể.

i. Đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ

Một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ bị stress oxy hóa, tăng mức độ viêm. Người bị thoái hóa khớp nên kiêng ăn đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, các thức ăn nhanh… nếu không muốn làm bạn với cơn đau triền miên.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X