Hotline 24/7
08983-08983

Chấn thương tác động từ bên ngoài là nguyên nhân phổ biến gây hẹp niệu đạo

TS.BS.CK2 Đỗ Lệnh Hùng - Trưởng Đơn vị Niệu đạo - Phó Trưởng khoa Niệu C, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) cho biết, các yếu tố chủ yếu gây hẹp niệu đạo thường là sau chấn thương, sau điều trị viêm hoặc nhiễm khuẩn. Tùy mức độ tổn thương của hẹp niệu đạo mà bệnh nhân được đưa ra hướng xử trí phù hợp.

1. Niệu đạo là đường ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài

Xin hỏi BS, niệu đạo có cấu tạo thế nào và đảm nhiệm chức năng gì?

TS.BS.CK2 Đỗ Lệnh Hùng trả lời: Niệu đạo có cấu trúc hình ống, là một đường dẫn nước tiểu từ bàng quang đi ra ngoài. Niệu đạo thường được chia làm 2 đoạn là niệu đạo trước và niệu đạo sau.

Niệu đạo sau được bao bọc bởi tuyến tiền liệt của nam giới. Niệu đạo trước gắn liền với dương vật.

2. Tai nạn xe máy là nguyên nhân phổ biến dẫn đến chấn thương niệu đạo

Tình trạng chấn thương niệu đạo có phổ biến ở Việt Nam không? Người bệnh thường nhập viện trong tình trạng thế nào, thưa BS?

TS.BS.CK2 Đỗ Lệnh Hùng trả lời: Đối với hoàn cảnh tại Việt Nam, chấn thương niệu đạo rất phổ biến. Tai nạn xe gắn máy là nguyên nhân thường gặp nhất gây chấn thương niệu đạo, từ đó dẫn đến bệnh hẹp niệu đạo. Bệnh nhân đi tiểu khó, về lâu dài sẽ dẫn đến biến chứng suy thận.

3. Những nguyên nhân gây hẹp niệu đạo

Thưa BS, những nguyên nhân nào có thể dẫn đến vấn đề hẹp niệu đạo?

TS.BS.CK2 Đỗ Lệnh Hùng trả lời: Hẹp niệu đạo có nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là tai nạn giao thông gây gãy xương chậu, đứt niệu đạo. Bên cạnh đó còn phải kể đến tai nạn lao động như ngã từ giàn giáo, ngã từ trên cao hoặc va đập tầng sinh môn vào bẹ thuyền.

Ngoài ra, các bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm niệu đạo cũng có thể dẫn đến di chứng hẹp niệu đạo.

Khi bệnh nhân có những can thiệp thủ thuật, phẫu thuật qua ngả niệu đạo cũng có thể bị hẹp niệu đạo. Tuy nhiên, tỷ lệ sẽ thay đổi tùy theo kỹ thuật áp dụng, nhóm bệnh lý... Mang ống thông niệu đạo kéo dài, sau khi rút ống thông có thể xuất hiện di chứng hẹp niệu đạo. 

4. Triệu chứng hẹp niệu đạo

Nhờ BS chỉ cụ thể hơn các triệu chứng của hẹp niệu đạo.

TS.BS.CK2 Đỗ Lệnh Hùng trả lời: Niệu đạo là một ống dẫn, giúp đưa nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Đường ống này bị hẹp sẽ gây các triệu chứng:

- Đi tiểu khó: Bệnh nhân phải cố gắng rặn để đẩy nước tiểu ra ngoài.

- Tia nước tiểu yếu.

- Tiểu rát, tiểu buốt, tiểu đau...

Nếu ống dẫn bị tắc hoàn toàn, bệnh nhân sẽ bị bí tiểu, phải nhập viện cấp cứu

5. Điều trị hẹp niệu đạo dựa trên vị trí và độ dài đoạn hẹp

Hiện nay có những phương pháp nào để điều trị hẹp niệu đạo, thưa BS?

TS.BS.CK2 Đỗ Lệnh Hùng trả lời: Có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý hẹp niệu đạo, tùy theo vị trí bị hẹp (hẹp ở miệng niệu đạo, niệu đạo trước, niệu đạo sau...), độ dài đoạn hẹp.

Nếu bệnh nhân chỉ bị hẹp ở phần miệng niệu đạo, chỉ cần làm phẫu thuật tương đối đơn giản để mở rộng. Khi vị trí hẹp sâu hơn và dài hơn, phải áp dụng những phẫu thuật phức tạp, tinh tế, tinh vi hơn, chẳng hạn sử dụng vật liệu niêm mạc má, mặt trong má để làm rộng niệu đạo; cắt nối, tạo hình để sửa chữa hẹp niệu đạo sâu do chấn thương, tai nạn gãy xương chậu làm đứt ngang niệu đạo.

TS.BS.CK2 Đỗ Lệnh Hùng - Trưởng Đơn vị Niệu đạo - Phó Trưởng khoa Niệu C, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM)

6. Bệnh viện Bình Dân điều trị thành công hơn 1.000 trường hợp hẹp niệu đạo

Thế mạnh của Bệnh viện Bình Dân trong điều trị hẹp niệu đạo là gì, thưa BS?

TS.BS.CK2 Đỗ Lệnh Hùng trả lời: Bệnh viện Bình Dân là một trung tâm điều trị bệnh lý tiết niệu lớn của cả nước. Trong khoảng 5, 6 năm gần đây, chúng tôi đã thành lập Đơn vị Niệu đạo với sự hợp tác, chuyển giao công nghệ từ Trường Đại học UC Irvine (Mỹ), có sự dẫn dắt của GS Joel Gelman - chuyên gia hàng đầu thế giới về tạo hình niệu đạo.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Bình Dân được đưa đi đào tạo ở nước ngoài để có thể áp dụng những kiến thức mới vào việc điều trị cho bệnh nhân. Qua 6 năm, chúng tôi đã phẫu thuật cho hơn 1.000 trường hợp hẹp niệu đạo. Đến nay, điều trị hẹp niệu đạo đã trở thành một thế mạnh của bệnh viện, giúp hơn 98% bệnh nhân trở về với cuộc sống bình thường.

7. Thời gian phục hồi sau phẫu thuật tạo hình niệu đạo là bao lâu?

Sau phẫu thuật tạo hình niệu đạo, phải mất bao lâu để bệnh nhân có thể phục hồi chức năng đường tiểu?

TS.BS.CK2 Đỗ Lệnh Hùng trả lời: Tùy theo mức độ hẹp và tùy theo phương pháp phẫu thuật mà thời gian hồi phục sau phẫu thuật tạo hình của bệnh nhân sẽ có sự khác biệt.

Những trường hợp phức tạp cần đặt ống thông vào đường tiết niệu khoảng 3 tuần. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang niệu đạo có cản quan để kiểm tra sự thông suốt. Nếu tiến triển tốt, bệnh nhân sẽ được tháo ống thông và trở về sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần tiếp tục theo dõi và tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế: tránh ngồi xe đạp, tránh ngồi xe máy, tránh chèn ép niệu đạo, tránh quan hệ tình dục trong 2 tháng đầu.

4 tháng sau phẫu thuật, phải nội soi lại niệu đạo để chắc chắn niệu đạo không bị tái hẹp. Lúc này, chúng tôi có thể kết luận việc điều trị thành công.

8. Tránh những hoạt động gây chèn ép sau phẫu thuật tạo hình niệu đạo

Sau phẫu thuật tạo hình niệu đạo, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề gì để hồi phục tốt và tránh để lại di chứng, thưa BS?

TS.BS.CK2 Đỗ Lệnh Hùng trả lời: Sau khi được tạo hình niệu đạo, bệnh nhân cần đặc biệt chú ý đến vấn đề vệ sinh, điều trị nhiễm trùng đủ liều. Đối với bệnh lý hẹp niệu đạo, nhiễm trùng là nguyên nhân lớn dẫn đến thất bại trong điều trị.

Trong vòng 2 tháng đầu sau mổ, cần tránh những sinh hoạt có thể gây chèn ép niệu đạo như đi xe máy, xe đạp, quan hệ tình dục...

9. Làm thế nào để phòng ngừa hẹp niệu đạo?

BS có lời khuyên gì dành cho cộng đồng trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời hẹp niệu đạo?

TS.BS.CK2 Đỗ Lệnh Hùng trả lời: Nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến hẹp niệu đạo là chấn thương do tai nạn xe máy, tai nạn lao động. Người dân cần phải cẩn thận, tuân thủ an toàn giao thông, an toàn lao động để tránh các tai nạn có thể đưa đến hẹp niệu đạo và các vấn đề có thể khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, nhiễm trùng, viêm niệu đạo cũng có thể dẫn di chứng hẹp niệu đạo. Do đó cần phải phòng ngừa những bệnh lý lây qua đường tình dục, bệnh lý gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X