Chấn thương ở trẻ nhỏ do té ngã: Cha mẹ cần học cách bảo vệ con
Khi thấy con ngã, các bậc phụ huynh theo bản năng liền lao đến, ngay lập tức bế con dậy. Tuy nhiên, điều này có nên hay không? Khi trẻ bị té ngã đập đầu cần xử trí như thế nào? BS Trương Hữu Khanh sẽ giải đáp cho bạn đọc ngay sau đây!
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Trẻ có thể bị gì khi té ngã đập đầu?
Té ngã đập đầu là một trong những tai nạn rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Xin hỏi BS Trương Hữu Khanh, những chấn thương nào có thể xảy ra khi trẻ bị té ngã đập đầu?
BS Trương Hữu Khanh:
Trẻ bị té đập đầu khiến cho rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy hoang mang, lo lắng không biết con có bị chấn thương, chảy máu trong não hay không.
Nhiều người vì quá lo lắng mà đã đưa trẻ đi bệnh viện ngay hoặc chụp hình sọ để biết mức độ chấn thương của con,… Tuy nhiên, tất cả những điều này đều không quá cần thiết, quan trọng là cha mẹ phải biết cách theo dõi thì mới bảo đảm được đưa trẻ đến đúng thời điểm và làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khi thực sự cần.
Trẻ hiếu động chơi đùa là tốt, nhưng chúng ta cũng cần tạo một không gian sao cho an toàn, đặc biệt ngay từ nhỏ cần giáo dục trẻ nơi nào có thể chơi được và nơi nào là nguy hiểm. Ví dụ nếu một trẻ hiếu động, từ nhỏ đã leo trèo cầu thang, leo lên ghế, bàn,… thì cần chú ý nhắc nhở trẻ ngay.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần hiểu một điều, trong suốt quá trình lớn lên của trẻ, té ngã là điều hết sức bình thường và khó tránh khỏi.
2. Khi trẻ té ngã đập đầu cần xử trí sao cho đúng?
Đa số khi thấy con ngã, các bậc phụ huynh theo bản năng liền lao đến, ngay lập tức bế con dậy. Theo BS, điều này có nên hay không? Khi trẻ bị té ngã đập đầu cần xử trí như thế nào?
BS Trương Hữu Khanh:
Đây là một văn hóa khác biệt giữa người Việt Nam và người nước ngoài. Trẻ bị té nếu vẫn ngồi dậy như bình thường và trẻ bị té ở một vị trí không nguy hiểm cũng như không quá cao thì nên để trẻ tự đứng dậy và tự giải quyết.
Nếu trẻ bị té ở một vị trí quá cao thì chắc chắn nên coi sóc xem trẻ bị chấn thương ở chỗ nào hay không.
Nếu đang đi vấp phải một vật gì đó hoặc đi chưa vững mà té ngã thì cha mẹ hãy để trẻ tự đứng dậy và sinh hoạt bình thường. Điều này tốt hơn là chạy đến ôm lấy trẻ, vỗ về,… như vậy sẽ làm mất đi tính tự chủ của con.
3. Trẻ té, khi nào theo dõi ở nhà hoặc phải đưa tới bệnh viện?
Những tình huống nào phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay? Tình huống nào có thể theo dõi thêm tại nhà và nên theo dõi trong bao lâu?
BS Trương Hữu Khanh:
Nếu trẻ bị té sau đó bất tỉnh không biết gì hết, thở không đều đặn thì chắc chắn phải đến cơ sở y tế. Nếu trẻ bị té mà vẫn đứng dậy, ăn uống, sinh hoạt bình thường, không nôn ói thì chúng ta hoàn toàn có thể tự theo dõi trẻ trong vòng 72 tiếng. Trong 72 tiếng bạn nên quan sát:
- Trẻ ngủ có nhiều hay không
- Nôn ói
- Than nhức đầu
Nếu có 3 triệu chứng này thì chắc chắn phải đến bệnh viện để được làm xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh.
Trong trường hợp trẻ bị rơi từ nơi khá cao, không cử động được, kêu đau thì rất có thể bị gãy xương cần đưa đến bệnh viện ngay.
Nếu trẻ té mà bị bầm ở trên đầu, qua mấy ngày vết bầm lan xuống dưới là điều bình thường; bởi khuynh hướng lúc này máu bị chảy lan xuống dưới. Nếu trẻ không ói, không đau đầu nhiều thì cha mẹ có thể theo dõi tại nhà. Lưu ý vết bầm của trẻ phải từ 2-3 tuần mới hết được.
4. Làm sao để trẻ không bị ảnh hưởng tâm lý sau té ngã?
Sau cú ngã đập đầu, khi theo dõi phụ huynh thấy ban ngày trẻ bình thường nhưng đêm ngủ trẻ giật mình, có khi khóc thét thì có cần đi khám tâm lý không? Làm sao giúp bé nhanh chóng ra khỏi tâm trạng hoảng hốt?
BS Trương Hữu Khanh:
Sau cú ngã nếu trẻ chỉ giật mình khi vào giấc ngủ thì có khả năng là trẻ sợ hoặc hoảng hốt, cha mẹ chỉ cần vỗ nhẹ cho trẻ ngủ tiếp. Bởi nếu trẻ bị té mà ảnh hưởng đến đầu thì chắc chắn trẻ sẽ bị ói và than đau đầu, thay đổi tri giác, chứ không phải chỉ tối mới xuất hiện những triệu chứng trên.
5. Cha mẹ có nên theo dõi nhất cử nhất động ở trẻ?
Có nhất thiết phải nhất cử, nhất động theo dõi trẻ hay không để tránh trường hợp trẻ bị té ngã không ai xử trí kịp?
BS Trương Hữu Khanh:
Nếu không gian khá an toàn, rộng, thoáng, không có gì nguy hiểm thì hoàn toàn có thể để trẻ chạy chơi vô tư thoải mái.
Nếu thấy không gian quá nguy hiểm ví dụ có bậc thang cao, hồ nước,… thì chắc chắn cha mẹ phải theo dõi để mắt đến trẻ.
6. Khi nào cần chụp Xquang hay CT-scan cho trẻ?
Trẻ bị té đập đầu khi nào cần chụp Xquang hay CT-scan thưa BS? Vì nhiều bậc phụ huynh vì quá lo lắng nên yêu cầu chụp bằng mọi giá, trong khi tia X cũng có hại đối với trẻ em và được khuyến cáo không nên lạm dụng ạ.
BS Trương Hữu Khanh:
Thứ nhất: nếu nghi ngờ đầu của trẻ có vấn đề thì trẻ sẽ có thay đổi về tri giác, nôn ói, đau đầu, lúc này cần phải thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra. Thường nếu không có chấn thương gì nguy hiểm thì sau 72 tiếng trẻ sẽ ổn định.
Nếu thấy rõ trẻ té xuống nhưng tay không nhúc nhích được thì cần đưa đến cơ sở y tế ngay để được chụp hình chẩn đoán hình ảnh.
Việc chụp Xquang, CT scan là quyết định của BS, nếu cha mẹ đưa con đến bệnh viện để đề nghị được làm nhưng BS thấy không cần thiết thì cũng không nên đòi hỏi.
7. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị chấn thương sọ não?
Chấn thương sọ não là một trong những vấn đề khiến các bậc phụ huynh lo lắng nhất khi trẻ bị té ngã đập đầu, xin hỏi BS làm sao nhận diện được dấu hiệu của tình trạng này ạ? Cần làm gì khi trẻ bị tai nạn hay nghi ngờ có chấn thương sọ não?
BS Trương Hữu Khanh:
Chấn thương sọ não phải phụ thuộc vào tư thế té ngã, ví dụ: trẻ bị va đập, tông mạnh, té ở độ cao nhất định,… thì mới cần đề cập đến chấn thương sọ não.
Đầu tiên, cha mẹ quan sát vùng đầu của trẻ có bầm hay sưng gì không.
Sau đó, theo dõi dấu hiệu chấn thương sọ não, bao gồm: ói, đau đầu, thay đổi tri giác, … Nếu đúng là chấn thương sọ não thì những dấu hiệu này sẽ ngày càng nhiều. Nếu lo lắng quá thì có thể đưa con đi khám; tuy nhiên khi đến cơ sở y tế BS yêu cầu gì thì nên tuân thủ chỉ định.
Nếu trẻ bị té ngã sau đó bất động không biết gì nữa một thời gian kéo dài 2-3 phút trở lên thì chắc chắn phải đưa đi bệnh viện. Nếu té bất động sau đó thức lại liền thì có thể theo dõi trong 72 tiếng.
8. Chăm sóc trẻ bị chấn động não như thế nào?
Trừ trường hợp chấn thương sọ não nghiêm trọng, cha mẹ cũng rất bối rối nếu chẳng may con được chẩn đoán chấn động não. Điều này xảy ra với trẻ khi bị chấn động não và mất bao lâu để trẻ hồi phục? Nên chăm sóc trẻ bị chấn động não như thế nào, lưu ý gì khi đi học và vận động thể thao?
BS Trương Hữu Khanh:
Chấn động não là từ ngữ dùng để miêu tả mức độ té của trẻ khi trẻ bị va đụng, đập, té xuống và hơi bất tỉnh một chút, nhưng sau đó thức dậy thì lại hoàn toàn bình thường không có bất kì chấn thương nào, chỉ bị chấn động não nhưng vẫn an toàn. Chấn động não cho thấy trẻ có dấu hiệu liên quan đến tinh thần sau khi bị té và cần được theo dõi, nên phụ huynh nên tiếp tục theo dõi đề phòng chấn thương sọ não.
- Thứ nhất, nên hạn chế để bé chạy nhảy trong 72 tiếng.
- Thứ hai, theo dõi những dấu hiệu nôn ói, đau đầu,.. trong 72 tiếng .
- Thực hiện đi tái khám như lời BS đã dặn.
9. Trẻ bị té có nên chườm nóng, lạnh hay cho uống thuốc không?
Nếu trẻ chỉ bị cục sưng u trên đầu thì nên xử lý như thế nào thưa BS? Chườm nóng hay lạnh sẽ nhanh hết sưng trong tình huống này? Trong trường hợp trẻ bị đau, có cho uống thuốc giảm đau được không ạ?
BS Trương Hữu Khanh:
Thật ra chườm nóng hay lạnh cũng chỉ bớt được một chút nào đó, vì đa phần trẻ sẽ tự hết. Chỉ cần xoa nhẹ cho trẻ nếu trẻ không đau. Nhiều người sử dụng phương pháp đắp một lượng muối để hấp thu bớt dịch nhưng điều này cũng không cần thiết lắm. Đừng lo lắng cục u này từ từ sẽ tan hoặc cũng có thể sẽ ngấm máu xuống phần dưới. Nếu trẻ không ói, thay đổi tri giác và đau đầu nhiều thì rồi những vết bầm này cũng sẽ dần tan hết.
Nhưng nếu trẻ ói, đau đầu đến mức muốn dùng thuốc thì tuyệt đối không tự tiện cho con uống thuốc mà phải đưa trẻ đi khám ngay.
10. Các phòng té ngã ở trẻ
Cha mẹ cần lưu ý gì trong sinh hoạt để tránh rủi ro té ngã cho trẻ?
BS Trương Hữu Khanh:
Té ngã ở trẻ tuy là điều không mong muốn nhưng cần phòng ngừa làm sao để trẻ té mà không ảnh hưởng nghiêm trọng. Nên để trẻ tự chơi ở không gian an toàn. Nếu trẻ hiếu động thì khi vận động hãy nhắc trẻ nếu chạy nhảy thì có thể khiến gãy xương để con biết sợ và phòng ngừa.
Khi tai nạn xảy ra cần đánh giá lại độ cao thế nào, quan sát vùng đầu của trẻ có gì nguy hiểm không. Nếu nghi ngờ chấn thương sọ não cần cố gắng theo dõi trong 72 tiếng. Còn có bất kì điều gì nghiêm trọng khác cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Khi đi khám bệnh cần cố gắng tuân thủ theo mọi chỉ dẫn của BS.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình