Chấn thương mạnh vùng mũi có thể dẫn đến chảy dịch não tủy, viêm màng não
Chấn thương mũi là tổn thương thường gặp do mũi nằm vị trí trung tâm và nhô ra trước nhất so với khuôn mặt. Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Thị Kiều Thơ - Đơn vị tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) - Giảng viên Bộ môn Tai Mũi Họng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, nhiều trường hợp tổn thương vùng mũi bị bỏ sót do mũi sưng nề hoặc không can thiệp đúng ngay từ đầu, để lại hậu quả làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, tâm lý tự ti và mặc cảm về ngoại hình.
1. Va chạm đủ mạnh ở mũi có thể ảnh hưởng đến cả thần kinh não
Các loại di chứng thường gặp sau tai nạn chấn thương mũi là gì? Tỷ lệ biến dạng mũi, di chứng chấn thương có phổ biến tại Việt Nam không, thưa BS?
TS.BS Nguyễn Thị Kiều Thơ trả lời: Tình trạng gãy xương chính mũi rất thường gặp. Mũi nằm ở vị trí trung tâm của mặt nên dễ bị ảnh hưởng nhất khi có va chạm.
Trong trường hợp chấn thương mạnh, vùng sụn và xương của mũi sẽ bị ảnh hưởng. Nếu lực tác động đủ mạnh, mũi có thể sẽ bị biến dạng. Gãy xương sẽ làm mũi bị sụp xuống hoặc lệch vẹo. Gãy sụn mũi gây nên hiện tượng phù nề, tụ, chảy máu, sau đó là biến dạng, co kéo và khó thở.
Nhiều trường hợp bị gãy nặng hơn, cả khối mũi xoang trán có thể bị ảnh hưởng và đôi khi tác động đến thần kinh não, nhiều khả năng chảy dịch não tủy, để lại rất nhiều di chứng về sau như viêm xoang, viêm màng não,...
2. Tổn thương mũi có thể bị bỏ qua do yếu tố chủ quan
Di chứng, tổn thương có thường bị bỏ qua không và thường bị bỏ sót bởi những nguyên nhân, yếu tố nào?
TS.BS Nguyễn Thị Kiều Thơ trả lời: Với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và ý thức về sức khỏe được nâng cao, khi gặp chấn thương, người dân sẽ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp tự cảm thấy tình huống không quá nghiêm trọng, chỉ chảy ít máu, không biến dạng nhiều và nhiều yếu tố khác như thời gian, công việc nên không thể đi khám kịp thời.
Thực tế, nếu nhìn - sờ - gõ - nghe vẫn chưa thể khẳng định rõ tình trạng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định chụp X-quang để chẩn đoán gãy xương chính mũi. Nhưng X-quang cũng chưa thể giúp chẩn đoán toàn bộ mà phải cần đến CT.
Một số cơ sở chưa có đủ thiết bị để chụp CT sẽ bỏ qua những tổn thương trên bệnh nhân.
Bệnh nhân không nói rõ tình huống gặp phải hay chưa khai thác rõ tiền căn cũng là yếu tố khiến tổn thương mũi bị bỏ qua.
Phần mềm hoặc khung sụn bị ảnh hưởng sẽ dần dần gây ra những biến chứng như nghẹt mũi, thường xuyên chảy máu mũi... Do đó, khi các bác sĩ gặp những tình huống tương tự, nên khai thác kỹ để có thể đưa ra can thiệp phù hợp.
3. Những biến chứng thường gặp do chấn thương mũi
Tổn thương xương chính mũi nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ đưa đến những biến chứng gì, thưa BS?
TS.BS Nguyễn Thị Kiều Thơ trả lời: Ngoài nghẹt mũi như đã đề cập, nếu ảnh hưởng đến vùng trên, bệnh nhân có thể gặp các vấn đề ở khe khứu.
Những biến chứng nặng như ảnh hưởng đến khối sàn có thể làm bệnh nhân bị chảy dịch não tủy, viêm màng não.
Tình trạng vẹo vách ngăn ngoài gây nghẹt mũi còn xảy ra hiện tượng chảy máu mũi. Những trường hợp tác động đến cấu trúc của vách mũi xoang có thể làm bệnh nhân bị viêm xoang.
4. Các phương pháp điều trị cho tình trạng gãy mũi, vẹo mũi
Xin hỏi BS, hiện nay có những phương pháp nào để điều trị cho những trường hợp bị gãy, vẹo mũi? Ưu và nhược điểm của từng phương pháp như thế nào?
TS.BS Nguyễn Thị Kiều Thơ trả lời: Để tránh để lại di chứng, nên đi khám ngay sau khi gặp phải chấn thương mũi. Những lợi ích của can thiệp sớm có thể kể đến là ít tốn kém và ít mất thời gian.
Những trường hợp nhẹ chỉ cần nắn chỉnh lại. Nếu phát hiện tình trạng gãy, vẹo vách ngăn do chấn thương, bác sĩ có thể dùng các biện pháp can thiệp nhẹ nhàng ở xương chính mũi, sụn mũi, sụn vách ngăn.
Tổn thương mũi không phát hiện và điều trị ngay có thể gây biến dạng nhiều sẽ cần đến những can thiệp chỉnh sửa để cải thiện cả về hình thức và chức năng. Có thể sử dụng phương pháp chỉnh hình mũi kín hoặc chỉnh hình mũi hở.
Chỉnh hình mũi thông qua đường kín chỉ cần rạch nhẹ bên trong hoặc dùng nội soi để chỉnh sửa. Chẳng hạn bệnh nhân bị hẹp van mũi do chấn thương thì chỉ cần nong van mũi để cải thiện về mặt chức năng.
Những trường hợp cần hoàn chỉnh hơn, nhìn rõ ràng phẫu trường, có thể áp dụng phương pháp chỉnh hình mũi hở. Chúng ta có thể can thiệp, chỉnh từng phần sụn, tái cấu trúc toàn bộ vùng khung sụn và phần xương của bệnh nhân để cải thiện về mặt thẩm mỹ lẫn chức năng.
5. Quy trình phẫu thuật chỉnh hình mũi gãy vẹo do chấn thương tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Nhờ BS cho biết, thông thường quy trình từ khi thăm khám đến phẫu thuật và xuất viện của một bệnh nhân bị gãy vẹo mũi do chấn thương tại phòng khám tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Nhân dân Gia Định sẽ gồm những bước nào?
TS.BS Nguyễn Thị Kiều Thơ trả lời: Quy trình khá đơn giản. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được bác sĩ thăm khám và tư vấn rõ về những vấn đề thắc mắc từ hình dáng đến chức năng của mũi. Bên cạnh thăm khám thông thường, bệnh nhân có thể sẽ được nội soi hoặc làm thêm một số phương pháp cận lâm sàng.
Bệnh nhân bị nghẹt mũi có thể được làm thêm một số cận lâm sàng để khảo sát nhằm xác định tình trạng và vị trí nghẹt. Bệnh viện Nhân dân Gia Định có đầy đủ phương tiện để thực hiện các cận lâm sàng hiện đại, bệnh nhân được chụp CT để đánh giá chính xác hơn.
Từ đó bác sĩ có cơ sở để lên kế hoạch, xác định phương pháp điều trị, cân nhắc lợi ích và hiệu quả của từng phương pháp. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ tính toán diễn tiến của vết thương như thế nào để bệnh nhân có thể yên tâm, hợp tác điều trị.
Những cuộc mổ thực hiện phẫu thuật chỉnh hình vùng mũi sẽ cần một buổi xét nghiệm tổng quát trước đó. Bệnh nhân phải trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh nền, các loại thuốc đang dùng, các vấn đề dị ứng và các phẫu thuật đã từng thực hiện trước đó.
Sau khi có bộ xét nghiệm đầy đủ, các bác sĩ tiến hành hội chẩn với bác sĩ gây mê để đảm bảo an toàn cho cuộc mổ.
Khi bệnh nhân vào phòng mổ, tùy vào mức độ cần can thiệp mà thời gian phẫu thuật kéo dài lâu hay mau. Thông thường, từ chỉnh van mũi nhẹ nhàng đến cuộc mổ phức tạp để nắn chỉnh xương sẽ kéo dài khoảng 1 - 3 tiếng.
Bệnh nhân có thể yên tâm vì đội ngũ gây mê ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định đều là các bác sĩ có chuyên môn tốt.
Bệnh nhân mổ gây tê cần nằm nghỉ khoảng 1 - 2 tiếng sau phẫu thuật, những bệnh nhân gây mê sẽ được theo dõi qua 1 đêm hoặc một vài ngày tùy theo tình trạng sức khỏe và bệnh lý.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình