Căn bệnh “sát thủ”
Viêm phổi bắt nguồn từ bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính - nhiễm khuẩn của đường thở, từ tai, mũi, họng, đường dẫn khí (thanh quản, khí quản, phế quản) cho đến phổi. Khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính thường có biểu hiện ho khoảng non tháng, và rồi 1/4 số trẻ này sẽ có nguy cơ diễn tiến thành viêm phổi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm viêm phổi cướp đi sinh mạng 1,5 triệu trẻ dưới 5 tuổi trên thế giới. Ước tính, cứ 20 giây lại có một trẻ chết vì viêm phổi. Tại các nước đang phát triển, cứ hơn 150 triệu lượt trẻ bị viêm phổi mỗi năm thì 11 triệu trẻ phải nhập viện. Việt Nam nằm trong 15 quốc gia có số ca viêm phổi cao nhất thế giới.
Trong buổi nói chuyện chuyên đề về bệnh hô hấp ở trẻ em tại BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) mới đây, BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp của bệnh viện này cho biết, triệu chứng dễ nhận biết và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi là thở nhanh.
Do vậy, khi trẻ nằm yên, tốt nhất là lúc ngủ, trẻ không bú sẽ dễ đếm nhịp thở để phát hiện bệnh của trẻ. Thường thì trẻ dưới 2 tháng thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên; trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng nhịp thở 50 lần/phút trở lên; và trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi là 40 lần/phút trở lên.
Cần lưu ý tình trạng của trẻ, đặc biệt vào thời điểm chuyển mùa - Ảnh: T.Tùng
Viêm phổi là bệnh nguy hiểm, được coi là “sát thủ” đối với trẻ em. BS Tuấn lưu ý, triệu chứng nặng của viêm phổi là thở co lõm lồng ngực, tức ngực, khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào thay vì nở ra như bình thường.
Ngoài ra, khi trẻ có một trong những dấu hiệu tím tái, bỏ bú hoặc bú kém (trẻ dưới 2 tháng tuổi), không uống được (trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi), co giật, ngủ li bì khó đánh thức, thở có tiếng rít hay suy dinh dưỡng nặng chứng tỏ tính mạng trẻ đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Chăm sóc đúng tại nhà
Đối với trẻ bị viêm phổi, cần đặc biệt lưu ý nếu chăm sóc trẻ tại nhà. BS Tuấn khuyến cáo: “Trẻ bị viêm phổi cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc dù trẻ vừa có dấu hiệu đỡ bệnh hơn. Khi chăm sóc, nên cho trẻ ăn hoặc bú sữa mẹ nhiều lần hơn”. Cần lưu ý cho trẻ uống đủ nước lúc bệnh.
Khi trẻ ho, đau họng, gia đình ở những vùng sâu có thể giảm ho cho trẻ bằng thuốc nam, nhưng phải đảm bảo an toàn và cần làm thông thoáng mũi cho trẻ. Khi thấy trẻ có những biểu hiện như khó thở, thở nhanh hơn, không uống được hay mệt nặng hơn thì cần đưa trẻ đi khám lại ngay để đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ.
Viêm phổi, hay nhiễm khuẩn hô hấp rất dễ xảy ra lúc giao mùa. Các bác sĩ khuyên phụ huynh cần nuôi dưỡng trẻ tốt, giữ cho trẻ thoáng mát khi trời nóng, ấm áp khi trời lạnh. Đặc biệt, tránh cho trẻ tiếp xúc nơi ô nhiễm, khói bụi...
Theo Hà Minh - Thanh Niên