Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh: đừng băng kín quá, đừng sợ em bé đau

Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng rốn, dẫn đến nhiễm trùng huyết nếu phụ huynh chăm sóc rốn cho bé sai cách. Vì vậy, BS Trương Hữu Khanh đưa ra hướng dẫn cách chăm sóc rốn cho bé sơ sinh và khắc phục tình trạng trẻ bị nhiễm trùng rốn.

1. Dây rốn có chức năng gì?

Thưa BS Trương Hữu Khanh, đầu tiên xin hỏi BS dây rốn của trẻ sơ sinh có chức năng gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Dây rốn rất quan trọng, trong bụng mẹ các chất dinh dưỡng đều được truyền qua hệ thống bánh nhau và rốn.

Rốn sẽ cung cấp tất cả năng lượng và kháng thể bảo vệ trẻ trong bào thai cũng như khi ra đời trong những tháng đầu. Dây rốn cũng là nơi cung cấp tất cả chất dinh dưỡng, đặc biệt là máu (lượng máu của người mẹ truyền sang con).

Khi trẻ lớn lên, đặc biệt là phụ nữ hoặc những người quan tâm đến vóc dáng của mình muốn có rốn thật đẹp.

2. Sau khi bé chào đời bao lâu rốn sẽ rụng?

Sau khi một em bé chào đời sau bao nhiêu ngày cuống rốn sẽ rụng ạ? Cuống rốn khô lại và có màu thế nào là tốt ạ thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Thời điểm rụng rốn sẽ tùy thuộc vào em bé, phải mất từ 3 - 7 ngày hoặc từ 10 - 15 ngày để rốn rụng.

Rốn rụng trễ không có nghĩa là em bé lì đâu. Rốn rụng trễ là do mình chăm sóc không đúng cách. Nếu mình chăm sóc đúng thì khoảng 3 - 4 ngày rốn sẽ tự rụng. Cùng lắm chỉ là 1 tuần.

Chăm sóc rốn phải được đặt ra ngay từ khi em bé chào đời và nó đã có nhiều thay đổi so với quan niệm ngày xưa của ông bà ta.

3. Những sai lầm khiến rốn của em bé sơ sinh bị nhiễm trùng?

BS Trương Hữu Khanh:

Thứ nhất, phụ huynh thường nghĩ rốn cần được giữ kỹ. Ví dụ như mình băng kín lại, không dám đụng tới, không dám đụng vì sợ trẻ đau, cũng không dám rửa, chăm sóc.

Sai lầm thứ hai chính là tùy ý rắc thứ gì đó vào rốn bé. Ví dụ như người nhà thấy rốn đổi màu, họ nghi có mùi nên họ rắc lung tung vào đó, một số người còn rắc thuốc bắc vào rốn để mau lành. Sai lầm đó rất nguy hiểm.

Vì vậy, chăm sóc rốn phải được thực hiện đúng.

BS Trương Hữu Khanh cho biết: băng kín rốn, sợ rốn bé đau nên không vệ sinh kỹ là sai lầm thường gặp của phụ huynh trong việc chăm sóc rốn trẻ sơ sinh.

4. Dấu hiệu nào cho thấy rốn em bé đã bị nhiễm trùng?

Dấu hiệu nào cho thấy rốn em bé đã bị nhiễm trùng, nặng thế nào và nhẹ thì biểu hiện ra sao? Nếu nhẹ liệu các ông bố bà mẹ có thể chăm sóc cho con tại nhà?

BS Trương Hữu Khanh:

Thường các bậc phụ huynh cần quan sát cô y tá chăm sóc rốn của trẻ khoảng 2 - 3 ngày đầu trong bệnh viện để học hỏi. Thứ hai, mình cần tập nhận biết màu sắc và ngửi mùi rốn bé. Nếu chân rốn khô, gọn và sạch thì đó là điều tốt.

Nhưng nếu rốn bé có mùi khó chịu hay dính lại, thậm chí nó có mủ, đặc biệt phải quan sát da chung quan rốn, nếu nó vẫn là sắc da bình thường thì chưa đáng ngại, nhưng nếu vùng da này đã đỏ tấy sang chung quanh, phần tấy càng nhiều sẽ càng nguy hiểm. Lúc này, không được băng kín rốn lại,  vì băng kín thì không thể quan sát.

Nhiều người băng kín rốn lại và cho em bé ở trong phòng tối, đến khi mở ra mình mới thấy rốn có mủ, thậm chí sưng tấy lan ra da xung quanh, lúc này rốn đã bị nhiễm trùng rồi.

5. Rốn em bé bị ướt có cần đưa đi khám bệnh không?

Một điều mà các ông bố bà mẹ cũng khá lo lắng đó là nếu trẻ chỉ bị ướt rốn mà không có các dấu hiệu của nhiễm trùng đã nêu ở trên thì nên xử trí thế nào? Có nhất thiết đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được vệ sinh rốn không ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Chúng ta vẫn rửa rốn bình thường thôi.

Phụ huynh thường nghĩ rửa rốn sẽ làm đau trẻ. Họ chỉ rửa ở ngoài, không rửa sát chân rốn. Nếu chúng ta nghi ngờ rốn ướt hay có mủ, chúng ta có thể sử dụng tăm bông ngoáy tai nhỏ nước muối sinh lý, cồn 70 độ vệ sinh ở sát chân rốn. Rửa vài lần sau đó chấm xanh methylen vào. Nếu rốn ướt và có mùi, vệ sinh như vậy 2 - 3 lần thì đa số trường hợp sẽ tự lành.

Trong trường hợp, em bé lâu rụng rốn quá, có thể rốn đã bị nhiễm trùng do phụ huynh băng kín lại, một số trường hợp nó dính luôn. Lúc này phải nâng mẩu dây rốn lên và quan sát ở bên dưới, sau đó vệ sinh, nếu không nhiễm trùng sẽ lan sang vùng da xung quanh.

Từ vùng da xung quanh, vi khuẩn sẽ tấn công vào máu hoặc gây ra nhiễm trùng viêm không chỉ ở vùng rốn đó.

6. Rốn bé rụng rồi nhưng vẫn chưa khô, phải làm sao?

Chào bác sĩ ạ. Con em sinh được 50 ngày rồi mà rốn bé nhà em rụng nhưng vẫn chưa khô. Em có để ra viện khám nhưng bác sĩ chỉ bảo bôi rửa sát trùng rốn rồi rốn sẽ khô nhưng đã 50 ngày rồi mà rốn vẫn ướt. Xin hỏi bác sĩ rốn trẻ bị ướt để tự khô được không? Xin cảm ơn bác sĩ. (Bạn đọc tên Mộc Nhi - Biên Hòa).

BS Trương Hữu Khanh:

Tình huống này cũng gặp khá nhiều ở trẻ. Rốn rụng rồi, mình nghĩ mình rửa đúng nhưng sao nó cứ rỉ dịch hoài? Có 3 khả năng:

  • Một là chăm sóc rốn chưa đạt
  • Hai là bé bị “chồi rốn”
  • Ba là có khả năng em bé này có rò ống niệu rốn nghĩa là nó rò từ trong ra, cứ rỉ dịch hoài.

Thứ nhất, mình gặp tình huống như vậy thì mình phải rửa cho kỹ các chân rốn. Một ngày làm 3 - 4 lần, chấm dung dịch xanh methylen vào. Làm như vậy, nó sẽ khô đi.

Còn trong trường hợp nó cứ bị ướt ướt hoài, có thể nó có chồi, phải đến bệnh viện để bác sĩ chấm AgNO3 (nitrat bạc) vào chỗ đó để nó khô đi. Lúc đó, mình rửa lại nó sẽ hết.

Còn trường hợp rốn cứ bị rỉ dịch, phải đưa trẻ đi siêu âm. Mình đi siêu âm để bác sĩ biết được trẻ có tồn tại ống niệu rốn hay không. Lúc này vẫn vẫn chưa làm gì được, vẫn phải tiếp tục về rửa tiếp. Khi ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ phẫu thuật. Tuy nhiên, tỷ lệ tồn tại ống niệu rốn rất thấp.

7. Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh đúng cách là không băng kín, không rắc gì vào rốn

Lời khuyên của bác sĩ dành cho các bậc phụ huynh có con nhỏ trong việc chăm sóc rốn em bé thế nào là đúng cách?

BS Trương Hữu Khanh:

Việc chăm sóc rốn phải bắt đầu từ trong bệnh viện, phụ huynh phải quan sát, tập làm theo và về nhà tự làm.

Thứ hai là không can thiệp vào rốn, không được rắc thứ gì vào rốn hay băng  kín lại. Mình cứ để hở ra và quan sát cho kỹ, nếu có mùi hôi và mủ thì mình nhấc rốn lên rửa sát chân của cuống rốn. Làm như vậy nhiều lần thì sẽ hết.

Trường hợp rốn cứ rỉ nước và tấy đỏ ra xung quanh da, lúc đó cần phải đi bệnh viện để bác sĩ khám và đánh giá lại có nhiễm trùng lan rộng hay không.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X