Hotline 24/7
08983-08983

Chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ: duy trì dùng thuốc, phục hồi chức năng, theo dõi loét tì đè

Di chứng sau đột quỵ khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt, đứng trước nhiều nguy cơ có thể gặp phải như té ngã, loét tì đè và các vấn đề tâm lý. BS Tô Trường Duy - Bộ môn Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng, Trường Đại học Y Dược TPHCM sẽ chia sẻ về cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà.

1. Người nhà cần chú ý vấn đề sử dụng thuốc và sinh hoạt của bệnh nhân sau đột quỵ

Sau đột quỵ người bệnh có thể gặp một số di chứng đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của thân nhân, vậy để chăm sóc tốt người bệnh, thân nhân nên chuẩn bị cho mình những gì, thưa BS?

BS Tô Trường Duy trả lời: Bệnh nhân đột quỵ có biểu hiện rất đa dạng, có thể bị yếu liệt hẳn một bên cho đến việc chỉ yếu liệt nhẹ, do đó sự trợ giúp có thể phụ thuộc hoàn toàn vào người thân hoặc có thể độc lập một phần. Một số bệnh nhân bị đột quỵ nhẹ, có thể sớm lấy lại khả năng độc lập.

Do đó để chăm sóc tốt người thân bị đột quỵ, đầu tiên cần phải xác định nhu cầu và mức độ cần hỗ trợ của người bị đột quỵ. Điều này có thể mất rất nhiều thời gian, tuy nhiên người nhà cần kiên nhẫn.

Đặc biệt, cần lưu ý 2 vấn đề:

Thứ nhất, quản lý sử dụng thuốc. Bệnh nhân đột quỵ phải sử dụng rất nhiều loại thuốc điều trị, một số gia đình có suy nghĩ là tiếp tục dùng toa thuốc bác sĩ kê và tự ý mua để sử dụng thêm. Ngược lại một số trường hợp tự ý bỏ thuốc và dùng các loại thuốc truyền tai, không rõ nguồn gốc, công dụng, vấn đề này rất nguy hiểm, đưa bệnh nhân đứng trước nguy cơ đột quỵ lần 2 do dùng thuốc không đúng.

Về thuốc điều trị cho bệnh nhân đột quỵ sẽ được kê toa nhiều loại thuốc khác nhau, có loại dùng buổi sáng, tối, có loại dùng trước ăn hoặc sau ăn… Bệnh nhân đột quỵ thường là những người lớn tuổi có bệnh nền, có thể kém minh mẫn và trí nhớ không còn được như trước, từ đó dẫn đến dùng sai thuốc hoặc quên thuốc. Vì vậy người nhà cần lưu ý vấn đề này, xem xét nếu bệnh nhân quá lớn tuổi, sức khỏe yếu, có thể hỗ trợ lấy thuốc cho người thân.

Nếu bệnh nhân còn trẻ, minh mẫn, có khả năng kiểm soát sử dụng thuốc, người nhà có thể hỗ trợ đưa thuốc và cho uống thuốc dưới sự giám sát của người thân.

Thứ hai là vấn đề sinh hoạt trong nhà, bệnh nhân sau đột quỵ phải thích nghi với tình trạng cơ thể mới, do đó bệnh nhân có thể gặp nhiều vấn đề khó khăn từ những việc đơn giản như ăn, uống, tắm rửa, làm vệ sinh cá nhân, di chuyển trong nhà…

Để giúp được bệnh nhân, người thân nên trò chuyện và quan sát xem người bệnh đang gặp những khó khăn nào và mức độ mình cần hỗ trợ.

2. Cân bằng việc hỗ trợ và để bệnh nhân đột quỵ tự thực hiện những việc trong khả năng

Những hoạt động thường ngày của bệnh nhân sau đột quỵ rất khó khăn, vậy người chăm sóc có thể giúp đỡ bệnh nhân như thế nào ạ?

BS Tô Trường Duy trả lời: Trong các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân đột quỵ luôn được khuyến khích bệnh nhân tham gia, người chăm sóc sẽ hỗ trợ họ nhưng không giành làm hết tất cả những việc một bệnh nhân đột quỵ cần làm khi sinh hoạt hàng ngày.

Ví dụ như mặc đồ, vệ sinh cá nhân… nếu giành làm hết tất cả, để bệnh nhân nằm một chỗ có người phục vụ 100%, bệnh nhân đột quỵ dễ cảm thấy bản thân bị phụ thuộc, có tâm lý thấy mình vô dụng, không làm được gì. Bên cạnh đó điều này không giúp ích cho việc kích thích hệ thần kinh của người bệnh làm việc và không mau chóng hồi phục sau đột quỵ.

Vì vậy trong thời gian đầu sau khi bệnh nhân đột quỵ được xuất viện, người nhà cần lưu ý hiện nay bệnh nhân có thể làm được những động tác nào, những vấn đề bệnh nhân chưa làm được người nhà có thể hỗ trợ.

Ví dụ như lau mặt cho bệnh nhân, nếu người bệnh đột quỵ còn đang yếu, không thể tự đi vào nhà vệ sinh đứng trước gương và rửa mặt. Trường hợp này người nhà có thể hỗ trợ bằng cách hứng nước đến giường bệnh, hỗ trợ vắt khăn, đặt khăn lên tay bệnh nhân và khuyến khích họ dùng tay khỏe hỗ trợ tay yếu tự thực hiện rửa mặt.

Như vậy người bệnh vẫn có thể thực hiện một phần công việc tự chăm sóc bản thân trong sự hỗ trợ của gia đình.

Việc khuyến khích bệnh nhân tự thực hiện các cộng việc cá nhân hàng ngày không đồng nghĩa là bỏ mặc bệnh nhân tự làm hết tất cả, bởi vì bệnh nhân đột quỵ vừa về nhà, chưa bình phục hoàn toàn. Nếu không có sự hỗ trợ từ người thân, bệnh nhân sẽ không thực hiện được các động tác tự chăm sóc hàng ngày, họ sẽ rơi vào mặc cảm, tự ti và cảm thấy bản thân vô dụng không làm được gì.

Vì vậy để chăm sóc tốt một người thân bị đột quỵ cần cân bằng việc hỗ trợ và để bệnh nhân tự thực hiện trong khả năng của họ.

3. Thay đổi môi trường sống phù hợp với bệnh nhân đột quỵ và điều kiện gia đình

Bệnh nhân đột quỵ sau khi xuất viện về nhà, người nhà cần lưu ý những gì đối với môi trường sống, thưa BS?

BS Tô Trường Duy trả lời: Đối với gia đình có bệnh nhân đột quỵ vừa xuất viện về, cần chú ý môi trường nhà cửa, sắp xếp an toàn và thuận tiện cho bệnh nhân.

Cần xem xét các vấn đề có thể gây ra nguy cơ té ngã cho bệnh nhân như: nhà vệ sinh phải khô thoáng; lối đi cần dọn dẹp sạch sẽ, không có các chướng ngại vật nhỏ mà bệnh nhân không thể nhìn thấy, dễ dẫm đạp. Đồng thời, cần đảm bảo ánh sáng trong nhà phải đầy đủ để bệnh nhân thấy rõ đường đi.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ đánh giá bệnh nhân có thể di chuyển với các dụng cụ hỗ trợ hay không. Cụ thể, thời gian đầu bệnh nhân đột quỵ có thể di chuyển bằng xe lăn, đi bằng khung tập đi hoặc đi với gậy. Một số gia đình cần thay đổi về điều kiện nhà cửa, ví dụ như lắp thêm thanh vịn ở đường đi hoặc cầu thang, nhà vệ sinh để bệnh nhân vịn vào, chống trượt và té ngã.

Việc thay đổi nhà cửa cần bàn bạc lại giữa bác sĩ và người nhà bệnh nhân, xem xét việc thay đổi đó phải phù hợp với không gian và điều kiện kinh tế của gia đình.

Trong sinh hoạt hàng ngày, cố gắng tạo điều kiện để bệnh nhân tham gia hoạt động nhiều nhất có thể. Ví dụ bệnh nhân có thể ngồi ăn cơm với gia đình trên xe lăn, hoặc người nhà có thể di chuyển khu vực ăn uống xung quanh giường bệnh của bệnh nhân để họ được tham gia vào các hoạt động sống như trước đây. Gia đình không nên coi bệnh nhân là một người bệnh và cô lập họ.

Việc chăm sóc bệnh nhân đột quỵ không phải là vấn đề dễ dàng cho tất cả các thành viên trong gia đình, vì vậy cần có sự san sẻ giữa các thành viên để mỗi người đều được hỗ trợ người thân, đồng thời có được thời gian dành riêng cho bản thân mình tiếp tục công việc, sở thích thường ngày nhưng vẫn đảm bảo song song với việc chăm sóc người thân.

4. Lựa chọn cơ sở PHCN sau đột quỵ phù hợp với điều kiện gia đình

Ngoài những yếu tố chăm óc bệnh nhân sau đột quỵ về cuộc sống thì phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi của người bệnh đột quỵ. Vậy việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ sau khi xuất viện về nhà sẽ diễn ra thế nào ạ?

BS Tô Trường Duy trả lời: Sau khi bệnh nhân đột quỵ được xuất viện, người bệnh nên tiếp tục tập phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế, việc phục hồi chức năng (PHCN) cho bệnh nhân đột quỵ có thể kéo dài từ vài tháng đến một năm. Vì vậy gia đình nên lựa chọn cơ sở thuận tiện, có khả năng chi trả.

Bởi vì nếu một gia đình có người bị đột quỵ và nghe nói có một cơ sở PHCN rất tốt, tuy nhiên cơ sở đó quá xa với nơi gia đình sống, đồng thời trái tuyến nên không được thanh toán BHYT. Mặc dù gia đình luôn mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho bệnh nhân, nhưng chỉ trong thời gian đầu, gia đình có thể cảm thấy việc chở bệnh nhân đi tập phục hồi quá xa, chi phí không được bảo hiểm thanh toán sẽ có gánh nặng chi phí cao, bệnh nhân không thể tham gia được đầy đủ chương trình phục hồi chức năng tại cơ sở đó.

Vì vậy, các gia đình nên trao đổi để có chiến lược tài chính, lựa chọn được cơ sở PHCN thuận tiện, được chi trả BHYT cho việc PHCN. Việc này giúp người bệnh có điều kiện tham gia chương trình PHCN đầy đủ.

5. Loét tì đè có thể dẫn đến tử vong

Một vấn đề khiến nhiều người lo lắng là loét do tì đè. Vậy loét do tì đè sau đột quỵ biểu hiện như thế nào, thưa BS?

BS Tô Trường Duy trả lời: Loét tì đè là vấn đề khá nặng đối với bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân bệnh nặng phải nằm lâu một chỗ như người bệnh đột quỵ. Loét tì đè thường xuất hiện ở vùng da chịu áp lực từ sức nặng của cơ thể đè lên, những vùng da đó máu huyết không lưu thông, lâu này dẫn đến tổn thương và gây vết loét da. 

- Loét tì đè lâu ngày không điều trị và chăm sóc có dẫn đến tử vong không, thưa BS?

BS Tô Trường Duy trả lời: Loét tì đè gây đau đớn cho bệnh nhân, các vết loét tì đè trên bệnh nhân đột quỵ rất khó lành, vì họ thường là những người lớn tuổi, dinh dưỡng kém, có các bệnh kèm theo như đái tháo đường… Điều này làm việc chăm sóc vết loét tì đè khó khăn và khó lành.

Một vấn đề nguy hiểm hơn là loét tì đè có thể dẫn đến nhiễm trùng bởi những tác nhân vi trùng có hại, có thể gây các biến chứng nặng nề và tử vong cho bệnh nhân. Do đó cần phát hiện sớm và phòng tránh loét tì đè.

6. Loét tì đề xuất hiện kho bệnh nhân nằm bất động lâu ngày, da quá khô hoặc quá ẩm

Sau đột quỵ, loét tì đè thường xuất hiện vào thời điểm nào? Có phải ai bị đột quỵ cũng bị tình trạng này hay không hay nhóm người nào có nguy cơ cao gặp tình trạng này, thưa BS?

BS Tô Trường Duy trả lời: Loét tì đè thường xuất hiện khi bệnh nhân phải bất động một chỗ, người bệnh không được di chuyển, xoay trở và gặp trên những bệnh nhân không được chăm sóc đầy đủ. Ví dụ như những người bị tiêu tiểu không tự chủ, người nhà không phát hiện kịp thời để vệ sinh cá nhân cho sạch sẽ.

Một số bệnh nhân có tình trạng da quá khô hoặc da quá ẩm sẽ dễ xuất hiện loét tì đè. Vì vậy trong giai đoạn đầu khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, chưa có kinh nghiệm và chưa phát hiện kịp thời tình trạng loét tì đè này, dẫn đến loét tì đè hình thành âm thầm mà không kịp phát hiện.

7. Những vùng da dễ xuất hiện loét tì đè

Trong quá trình công tác, BS nhận thấy vị trí nào trên cơ thể dễ bị loét tì đè và đâu là dấu hiệu để người nhà dễ nhận diện ạ?

BS Tô Trường Duy trả lời: Theo ghi nhận trên y văn, loét tì đè thường xuất hiện tại những vị trí da nằm gần xương và những vị trí chịu sức nặng của cơ thể đè lên. Ví dụ như phần sau đầu vị trí xương chẩm, hai bên xương bả vai, khuỷu tay, phần giữa xương thắt lưng và vùng mông, hai bên đùi, hai mắt cá chân, gót chân là những vị trí thường xuất hiện loét tì đè.

Vì vậy người thân khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ nên để ý, đặc biệt những lúc thay quần áo, làm vệ sinh, nên kiểm tra vùng da dễ bị loét tì đè. Nếu xuất hiện những dấu hiệu sớm của loét tì đè, ví dụ như vùng da bị ban đỏ, có thể xuất hiện một vài nốt phồng bị bóng nước… cần làm vệ sinh sạch sẽ, nhẹ nhàng tại các vùng da này.

Bên cạnh đó, cần xoay trở bệnh nhân thường xuyên, hạn chế cho bệnh nhân nằm lên những vùng da đang có nguy cơ trở thành loét tì đè. 

8. Người nhà nên làm gì để phòng tránh loét tì đè cho bệnh nhân?

Nếu người nhà không phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng loét tì đè, có thể dẫn tới tình trạng tử vong. Vậy làm cách nào để phòng tránh? Nếu bệnh nhân gặp tình trạng loét tì đề, người nhà cần chăm sóc thế nào để tránh tái phát, thưa BS?

BS Tô Trường Duy trả lời: Loét tì đè có thể gây khó chịu cho người bệnh và gây nguy hiểm cho người bệnh đột quỵ, do đó việc quan trọng là phải phòng tránh bằng cách sau:

Không nằm tì đè lên các vùng da có nguy cơ loét tì đè quá lâu.

Ít nhất 2 tiếng đồng hồ bệnh nhân phải được xoay trở từ tư thế nằm ngửa sang nằm nghiêng, từ nằm nghiêng sang ngồi. Điều tốt nhất là cho bệnh nhân ngồi nhiều thay vì chỉ nằm một chỗ trong nhà.

Nếu bệnh nhân tiêu tiểu không tự chủ, cần kiểm tra và thường xuyên làm vệ sinh, thay tã cho bệnh nhân.

Bệnh nhân nên được nằm trên các miếng lót đệm mềm, có thể phủ gas giường và phải trải phẳng.

Bệnh nhân nên được mặc quần áo chất liệu mềm, thấm hút mồ hôi tốt.

Có thể sử dụng cho bệnh nhân các đệm lót chuyên dụng để chống loét tì đè.

Tuy nhiên, việc quan trọng nhất vẫn là chăm sóc và xoay trở cho người bệnh thường xuyên.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X