Hotline 24/7
08983-08983

Nhận diện cơn khó thở ở trẻ: Khi nào cần cấp cứu ngay?

Khi trẻ ho, khò khè, thở rít liên tục - liệu chỉ là cảm lạnh thông thường hay dấu hiệu cảnh báo bệnh lý hô hấp nguy hiểm khác? Dưới đây, ThS.BS Nguyễn Đình Huấn - Giảng viên Nhi khoa, Trường Đại học Tân Tạo sẽ giúp bạn nhận diện nguyên nhân và cách xử trí đúng trong trường hợp này.

1. Triệu chứng ho nhiều, khò khè, thở rít từng cơn ở trẻ là gì?

Thưa BS, nhiều phụ huynh thấy con mình ho nhiều, khò khè, thở rít từng cơn, đó là những triệu chứng thế nào ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Trẻ ho, khò khè, thở rít vào thời tiết lạnh có 2 tình huống: Trẻ dưới 24 tháng tuổi nhiễm siêu vi có thể do viêm tiểu phế quản, trẻ trên 24 tháng tuổi có thể do hen suyễn. Tuy nhiên, đôi khi triệu chứng khò khè không phải là khò khè mà do phụ huynh dùng từ chưa đúng. Trường hợp thở rít có thể do khó thở thanh quản, viêm nhiễm đường hô hấp trên. Nặng hơn là viêm thanh khí phế quản. Đây là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp, nằm trong bệnh cảnh chung của khó thở thanh quản.

Khó thở thanh quản có triệu chứng đặc trưng là khó thở chậm khi hít vào; khác với triệu chứng khó thở của viêm phổi, viêm tiểu phế quản là khó thở nhanh; hay hen suyễn, viêm phế quản là khó thở ra.

Khó thở thanh quản ngoài khó thở chậm khi hít vào còn có tiếng rít thanh quản do vùng thanh quản viêm nhiễm hoặc do bất thường, dị tật bẩm sinh gây hẹp. Vì vậy khi âm thanh đi qua sẽ tạo tiếng rít thanh quản khi hít vào. Giống như khi ở chung cư, gió thổi qua khe cửa hẹp sẽ có tiếng rít. Những trường hợp nặng có thể thở co lõm ngực, thở co kéo cơ hô hấp phụ. Một số triệu chứng phụ có thể là khàn giọng khi em bé khóc quấy gắng sức, ho tiếng ong ỏng hoặc phải ngồi, hay cúi về phía trước mới dễ thở.

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn - Giảng viên Nhi khoa, Trường Đại học Tân Tạo

2. Nguyên nhân gây tình trạng khó thở thanh quản ở trẻ em

Thưa BS, nguyên nhân nào gây nên tình trạng khó thở thanh quản ở trẻ em ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Khó thở thanh quản gồm khó thở thanh quản cấp và khó thở thanh quản mạn tính.

Khó thở thanh quản cấp rất quan trọng, gồm 3 nguyên nhân mà phụ huynh phải chú ý:

Thứ nhất, nếu em bé đang khỏe mạnh, vui chơi bình thường đột nhiên khó thở, coi chừng có dị vật đường thở. Dị vật đường thở chuyên môn gọi là hội chứng xâm nhập, em bé đang chơi bình thường đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, có tiếng thở rít. Dị vật đường thở rất phổ biến, có thể do hạt trong thức ăn, hoặc đôi khi trẻ dùng lực hút mạnh để hút trân châu không thể kiềm chế - thực tế đã có vài ca cấp cứu như vậy. Đối với trẻ nhỏ đang tuổi biết đi, biết bò có thể nhặt vật dụng nhỏ trong nhà, do đó phụ huynh cần cảnh giác.

Thứ hai, nếu không do dị vật đường thở mà có triệu chứng sốt, ho, lừ đừ, trẻ có thể bị viêm thanh quản hoặc nặng hơn là viêm thanh khí phế quản. Nếu triệu chứng đó xuất hiện vài tuần sau sinh, kéo dài vài tháng đến 12 tháng là do mềm sụn thanh quản. Đây là tình trạng bẩm sinh và đỡ dần theo thời gian.

Thứ ba là những trường hợp hiếm như dị tật đường thở, hẹp đường thở bẩm sinh; trẻ thở oxy kéo dài, hoặc thủ thuật gây tác dụng phụ.

3. Điều trị nguyên nhân là cốt lõi trong khó thở thanh quản

Thưa BS, trẻ em khó thở thanh quản sẽ được điều trị thế nào ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Việc điều trị còn phụ thuộc vào nguyên nhân. Đầu tiên, bác sĩ sẽ đánh giá tổng trạng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu nguy hiểm như suy hô hấp, khó thở phải can thiệp cấp cứu. Nhưng thường điều trị nguyên nhân mới là cốt lõi.

Trẻ có dị vật đường thở có thể thực hiện các thủ thuật như vỗ lưng, ấn ngực, thủ thuật Heimlich, hoặc nội soi để đưa dị vật ra.

Nếu viêm thanh quản hoặc viêm thanh khí phế quản do vi trùng, virus sẽ dùng thuốc kháng viêm để bớt viêm, giảm xung huyết bằng đường uống hoặc đường xông. Bên cạnh đó có thể dùng thuốc kháng sinh nếu có bằng chứng nhiễm vi trùng.

Còn tình trạng mềm sụn thanh quản là tình trạng bẩm sinh, xuất hiện vài tuần sau sinh, kéo dài đến 12 tháng và hết sau 18 đến 24 tháng. Trường hợp mềm sụn thanh quản nhẹ thì không sao, nếu nặng cần chú ý thêm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản vì 2 tình trạng này diễn ra song hành. Do đó cần điều trị triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản để hạn chế tình trạng nặng qua lại của mềm sụn thanh quản.

Những bất thường bẩm sinh như hẹp đường thở, hẹp khí quản... cần nhập viện để có chẩn đoán chính xác và can thiệp bằng phẫu thuật.

4. Phòng ngừa khó thở thanh quản ở trẻ em

Thưa BS, liệu có thể phòng ngừa bệnh khó thở thanh quản ở trẻ không ạ?

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Nếu bệnh do nguyên nhân bẩm sinh thì không thể phòng ngừa. Trong đó mềm sụn thanh quản là tình trạng phổ biến nhất trong những dị tật bẩm sinh thanh quản trẻ em. Tình trạng này sẽ hồi phục theo thời gian trong khoảng 18 đến 24 tháng. Do đó cha mẹ không cần quá lo sợ.

Đối với trường hợp trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp, phụ huynh cần điều trị sớm để tránh viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản. Khi trẻ có triệu chứng khó thở chậm, có tiếng rít khi hít vào, khàn giọng, ho tiếng ông ổng cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nếu nặng phải cho trẻ cấp cứu Nhi khoa để được can thiệp kịp thời bằng thuốc xông, thuốc uống để kháng viêm.

Nếu là dị vật đường thở, trẻ bắt buộc phải được cấp cứu ngay lập tức. Đối với trường hợp bẩm sinh, trẻ sẽ được phẫu thuật tùy theo mức độ.

Tóm lại, bệnh có thể phòng ngừa nếu là nhiễm trùng hoặc dị vật, còn bẩm sinh thì không thể can thiệp nhưng cần phát hiện sớm. Nếu nhẹ, bác sĩ sẽ tư vấn để cha mẹ yên tâm, nếu cần can thiệp nên nhập viện sớm để có biện pháp kịp thời.

Nhờ BS gửi lời khuyên đến phụ huynh cách để phòng tránh bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết trở lạnh và giao mùa ạ!

ThS.BS Nguyễn Đình Huấn trả lời: Vào thời điểm trời trở lạnh, trẻ em thường xuất hiện bệnh đường hô hấp nhiều, gồm bệnh đường hô hấp trên và bệnh đường hô hấp dưới. Về nguyên tắc, cha mẹ cần nâng sức đề kháng cho trẻ bằng cách có chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động vừa phải, giữ ấm. Đối với trẻ nhỏ, nếu được mang vớ khi ngủ sẽ giảm thiểu các bệnh lý đường hô hấp nói chung.

Khi phát hiện trẻ có những triệu chứng bệnh đường hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng, không nên chủ quan chần chừ. Nếu trẻ mắc bệnh bẩm sinh, bác sĩ sẽ tư vấn cách theo dõi phù hợp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X