Hotline 24/7
08983-08983

Cách nhận diện và chăm sóc bệnh nhân loét tì đè sau đột quỵ

Tình trạng loét tì đè ở người sau đột quỵ nếu không được chăm sóc và phát hiện kịp thời có thể khiến bệnh nhân bị viêm nhiễm, thậm chí nguy hiểm tính mạng. BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng Đơn vị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3 sẽ giúp bạn đọc nhận diện và chăm sóc bệnh nhân loét tì đè sau đột quỵ hiệu quả.

1. Loét tì đè là gì, thường gặp trên những ai?

Thưa BS, loét tì đè là gì và những ai thường gặp phải tình trạng này ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Loét tì đè là tình trạng do hoại tử da và các tổ chức giữa xương và nền của vật cứng. Đây là quá trình tì đè lâu dài làm thiếu máu nuôi dưỡng vùng tì đè, khiến các tế bào chết đi.

Những người dễ bị loét tì đè:

- Người sau tai biến mạch máu não.

- Người sau tai nạn, chấn thương cột sống.

- Người sau phẫu thuật lớn như phẫu thuật cổ xương đùi.

- Người ít hoặc lười vận động (nhất là người cao tuổi).

2. Nguyên nhân gây loét tì đè ở người sau đột quỵ

Thưa BS, loét tì đè có phải là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân tai biến mạch máu não không ạ? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Có rất nhiều bệnh lý đưa đến loét tì đè. Thường gặp nhất ở người sau đột quỵ.

Nguyên nhân gây loét tì đè do vấn đề dinh dưỡng kém của toàn thân hoặc tại chỗ. Bên cạnh đó có thể do mất thể tích, tăng/giảm trọng lượng. Một số người rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, rối loạn tiểu tiện; nằm bất động, ngồi xe lăn lâu dài cũng gây loét tì đè.

Loét tì đè là tình trạng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu bệnh nhân không được chăm sóc chu đáo có nguy cơ viêm tủy xương, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng, suy kiệt.

3. Biểu hiện của người loét tì đè sau đột quỵ

Thưa BS, người bị loét tì đè có biểu hiện thế nào ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Những trường hợp như BS vừa đề cập cần được vệ sinh sạch sẽ và phát hiện những dấu hiệu bất thường. Ví dụ da nổi mụn nước kèm theo cảm giác đau. Tuy nhiên với người lớn tuổi lú lẫn, người tai biến mạch máu não hôn mê thì họ không có cảm giác đau. Sau khi mụn nước vỡ, phía dưới sẽ có màu đỏ hoặc màu xanh nhạt và chuyển sang màu đen. Đây là điều kiện tốt nhất cho vi trùng, vi nấm xâm nhập. Chính vấn đề này làm vết thương nặng hơn và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người loét tì đè.

4. Làm sao để giúp bệnh nhân tránh tình trạng loét tì đè sau đột quỵ?

Thưa BS, làm sao để người nhà giúp bệnh nhân sau đột quỵ tránh tình trạng loét tì đè này ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, nếu người nhà phát hiện những dấu hiệu lạ cần báo với bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp. Người nhà phải xoay trở bệnh nhân khoảng 2 tiếng một lần và giữ vệ sinh sạch sẽ. Trong quá trình vệ sinh cơ thể, nếu thấy bất thường cần giữ khô ráo và báo bác sĩ để ngăn ngừa loét tì đè.

5. Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân loét tì đè sau đột quỵ

Thưa BS, nếu bệnh nhân có dấu hiệu loét tì đè sau đột quỵ, người nhà cần có hướng chăm sóc thế nào ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Khi đưa bệnh nhân về nhà, như BS đã nói, trong quá trình tắm rửa phải giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Khi có dấu hiệu trầy xước, hay dấu hiệu lạ như nổi ban đỏ vùng mắt cá, gót chân, xương cụt, vùng tiếp xúc với nền cứng của giường hay ghế ngồi cần giữ vệ sinh sạch sẽ, khô ráo. Người nhà có thể sử dụng phấn rôm, nước muối sinh lý, nước vô khuẩn để rửa sạch, giữ khô và xoay trở bệnh nhân nhẹ nhàng, tránh va mạnh gây trầy xước.

6. Phương pháp điều trị loét tì đè sau đột quỵ

Thưa BS, hiện nay có những phương pháp nào để điều trị bệnh nhân loét tì đè ạ?

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Khi bệnh nhân hôn mê tại bệnh viện, người nhà phải xoay trở thường xuyên và phát hiện dấu hiệu bất thường để báo bác sĩ xử trí. Khi về nhà, nếu phát hiện dấu hiệu cần giữ vệ sinh sạch sẽ, xoay trở thường xuyên, hạn chế để bệnh nhân bị chèn ép ở tư thế nhất định. Nếu xử lý vài ngày không cải thiện, người nhà nên đưa bệnh nhân tái khám để bác sĩ có hướng xử trí phù hợp, cải thiện tình trạng nói chung cũng như loét tì đè.

7. Những nốt ban đỏ ban đầu là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ loét tì đè

Nhờ BS gửi vài lời khuyên về chế độ sinh dưỡng và những lưu ý để người thân có cách chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân loét tì đè sau đột quỵ ạ!

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Trong dinh dưỡng toàn thân, người nhà cần chú ý cho bệnh nhân ăn uống đủ chất đạm, đường, tinh bột, dầu mỡ. Bên cạnh đó cần bổ sung đầy đủ nước, vitamin A,C,K; kết hợp cho bệnh nhân uống đa dạng các loại sữa.

Ngoài ra, cần giữ vệ sinh sạch sẽ vùng có khả năng loét tì đè, rửa sạch và giữ khô khi có dấu hiệu tổn thương da. Nếu cần thiết phải gặp bác sĩ để có hướng xử lý. Ở giai đoạn đầu có thể sử dụng các loại nước rửa để sát khuẩn, giai đoạn sau có thể phẫu thuật ngoại thần kinh cũng như chỉnh hình khi biến chứng nặng.

Tóm lại, khi chăm sóc bệnh nhân loét tì đè sau đột quỵ, người nhà cần chú ý những bất thường về da. Những nốt ban đỏ ban đầu là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ loét tì đè.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X