Siêu âm nhiều có gây dị tật thai nhi, khiến trẻ lớn lên luôn nhăn nhó, cáu gắt?
Siêu âm không chỉ là bước kiểm tra định kỳ mà còn là chiếc gương phản ánh sức khỏe của mẹ và bé. BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên, Bệnh viện Từ Dũ sẽ cho biết tầm quan trọng của siêu âm trong thai kỳ và những lưu ý cần thiết để mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh.
1. Siêu âm quan trọng thế nào trong việc theo dõi sức khỏe mẹ và bé?
Thưa BS, siêu âm đóng vai trò quan trọng thế nào trong việc theo dõi sức khỏe mẹ và bé ạ?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Phụ nữ chuyển qua giai đoạn mang thai có rất nhiều nỗi lo lắng. Chị em thường quan tâm sẽ khám thai thế nào, bác sĩ sẽ làm những gì khi khám thai.
Một trong những điểm chị em đều biết là khám thai, bác sĩ sẽ siêu âm. Đây là phương pháp an toàn, bác sĩ sẽ sử dụng máy siêu âm quan sát em bé qua thành bụng. Qua máy siêu âm, bác sĩ sẽ nhìn thấy các bộ phận của thai, dựa vào đó nhận biết sự phát triển của em bé. Đồng thời, siêu âm cũng giúp bác sĩ phát hiện một số dị tật thai. Tùy theo giai đoạn tuổi thai mà phát hiện dị tật để có hướng theo dõi khác nhau.
2. Có cần thiết phải siêu âm 4D, 5D để phát hiện dị tật thai nhi không?
Thưa BS, hiện nay có những phương pháp nào để siêu âm chẩn đoán thai nhi ạ? Nhiều người cho rằng siêu âm nhiều chiều giúp phát hiện đúng và chính xác hơn, điều này đúng không ạ?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Xuyên suốt thai kỳ, bác sĩ sẽ hẹn chị em khám thai ở nhiều thời điểm. Mỗi thời điểm siêu âm sẽ phát hiện mức độ khác nhau.
Hiện tại, siêu âm có rất nhiều phương pháp hiện đại như siêu âm 3D, 4D, thậm chí 5D. Máy siêu âm có nhiều thế hệ, nhiều hãng khác nhau. Máy siêu âm càng hiện đại sẽ giúp bác sĩ dễ phát hiện dị tật thai hoặc đo đạc các chỉ số phát triển của thai tốt hơn. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa siêu âm 5D tốt hơn siêu âm 4D.
Nhiều chị em mang thai hay quan tâm “Không biết con có giống mình không?”. Ở giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, với máy siêu âm 4D, 5D sẽ giúp chị em dễ dàng nhìn thấy mặt con hơn. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm hơn hay với máy siêu âm 2D, 3D, bác sĩ vẫn quan sát được mặt thai nhi với góc nhìn chuyên môn. Còn chị em phụ nữ lại thích nhìn gương mặt con qua siêu âm 4D, 5D vì rõ ràng hơn, hơn nữa còn thấy cử động của thai nhi theo thời gian.
Tuy nhiên, theo y khoa, mỗi loại siêu âm đều có giá trị khác nhau. Bác sĩ sẽ biết sự phát triển của thai nhi và phát hiện các dị tật thai. Vì vậy, chị em đừng quá chuộng, yêu cầu đòi siêu âm 4D, 5D. Vì về góc độ y khoa, điều này không quá cần thiết.
3. Các mốc thời điểm quan trọng để siêu âm thai nhi
Thưa BS, các mốc thời gian quan trọng để tiến hành siêu âm thai là khi nào ạ? Việc bỏ lỡ thời gian khám thai liệu có ảnh hưởng?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trong suốt thai kỳ có rất nhiều mốc khám thai. Mỗi lần khám thai, mỗi lần siêu âm đều có giá trị khác nhau. Tuy nhiên không phải siêu âm càng nhiều càng tốt mà có những mốc quan trọng. Chị em phải sắp xếp thời điểm quan trọng để tìm ra những bất thường của thai.
Ví dụ, sau khi trễ kinh sẽ có một lần siêu âm để xác định chắc chắn có thai trong lòng tử cung. Sau đó là thời điểm 12 tuần. Tuy nhiên thời gian có thể chênh lệch từ 11 tuần đến khoảng 13 tuần 6 ngày. Ở thời điểm này chị em sẽ được bác sĩ đo độ mờ da gáy. Đây là khoảng sau gáy em bé, có thể tiến hành đo khi em bé ở tư thế tốt. Dựa vào độ mờ da gáy, bác sĩ sẽ tiên đoán khả năng dị tật thai. Cùng thời điểm này, chị em cũng được xét nghiệm sàng lọc 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài siêu âm, xét nghiệm máu cũng hỗ trợ phát hiện dị tật thai. Do đó, thời điểm quanh 12 tuần rất quan trọng để chị em siêu âm, xét nghiệm tầm soát dị tật thai.
Giai đoạn khám thai tiếp theo là từ 18-24 tuần. Đây cũng là thời điểm quan trọng vì thời điểm này em bé vừa đủ lớn, không quá to. Do ở 3 tháng cuối thai kỳ, em bé to gây khó khăn trong chẩn đoán dị tật thai. Vì vậy, giai đoạn lý tưởng để chẩn đoán là khoảng 18-24 tuần. Lúc này em bé có kích thước vừa phải, nằm trong buồng ối, dễ dàng để bác sĩ siêu âm tìm dị tật. Hay được gọi là siêu âm hình thái. Ở giai đoạn này bác sĩ siêu âm rất lâu vì bác sĩ sẽ rà soát hết dị tật từ não, sang mắt, đầu, mặt, cổ, tim, chi, gần như là hết các cơ quan.
Tuy nhiên, không phải tất cả dị tật thai đều có thể phát hiện qua siêu âm. Bác sĩ chỉ có thể nhìn em bé từ xa qua đầu dò siêu âm để ước đoán dị tật. Ngay cả khi bế con trên tay, trẻ có dị tật chúng ta cũng không thể phát hiện. Vì vậy, siêu âm chỉ là phương pháp hỗ trợ giúp chẩn đoán chứ không chắc chắn dị tật nào cũng phát hiện ra. Tuy nhiên, giai đoạn 18-24 tuần có thể phát hiện được nhiều dị tật thai nhất.
Ở khoảng 3 tháng cuối thai kỳ (từ 34 tuần trở đi), tùy theo sự phát triển của thai mà bác sĩ sẽ hẹn lần khám. Giai đoạn chủ yếu bác sĩ xem em bé phát triển, tăng cân tốt không, xương đùi, đầu em bé có lớn đều không. Ngoài ra, bác sĩ sẽ có xét nghiệm siêu âm Doppler. Siêu âm Doppler giúp bác sĩ biết mạch máu em bé phát triển thế nào, có cần sự can thiệp không.
Ví dụ ở mẹ bầu bị tiền sản giật, huyết áp cao có thể làm em bé suy dinh dưỡng, phát triển chậm hơn các bé cùng độ tuổi. Lúc này bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc điều chỉnh chế độ ăn uống để em bé phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, nếu mẹ bầu đái tháo đường không phát hiện tốt, ăn uống không tiết chế thai sẽ phát triển quá to, lớn nhanh cũng gây nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé. Khi đó, bác sĩ cũng có thuốc và chế độ điều chỉnh đường huyết phù hợp.
Có thể thấy, các mốc siêu âm trong thai kỳ rất quan trọng. Siêu âm giúp đánh giá sự phát triển của thai, dị tật thai để can thiệp kịp thời, giúp mẹ bầu có thai kỳ khỏe mạnh.
4. Bác sĩ sẽ kiểm tra và chẩn đoán những gì trong quá trình siêu âm?
Thưa BS, trong quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ kiểm tra và chẩn đoán những gì trong thai nhi ạ?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Việc chẩn đoán và tầm soát dị tật thai còn tùy thuộc vào tuổi thai. Ví dụ khi mới có thai, chị em siêu âm sẽ nhận được kết quả đơn giản hơn. Vì trong giai đoạn đầu thai kỳ, bác sĩ chỉ xác định em bé nằm đúng túi thai không hay đã có tim thai chưa.
Tuy nhiên, ở giai đoạn 12 tuần, bác sĩ sẽ đo thêm thông số chẩn đoán dị tật thai. Ở giai đoạn siêu âm hình thái, bác sĩ sẽ rà soát gần như tất cả cơ quan có thể nhìn thấy trên siêu âm để biết dị tật thai. Có rất nhiều dị tật khác nhau, những hình ảnh khác nhau trên siêu âm giúp phát hiện dị tật trong thai kỳ.
5. Siêu âm nhiều có gây dị tật thai nhi, khiến trẻ lớn lên luôn nhăn nhó, cáu gắt?
Thưa BS, nhiều chị em cho rằng siêu âm nhiều sẽ gây dị tật thai nhi, khiến trẻ lớn lên nhăn nhó, cáu gắt. Không biết BS nhận định thế nào về vấn đề này ạ?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đến thời điểm hiện tại, siêu âm vẫn được coi là phương pháp an toàn. Chưa có bằng chứng cho thấy siêu âm ảnh hưởng đến dị tật thai hay gây cáu gắt, ảnh hưởng tâm sinh lý em bé sau này. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ lạm dụng siêu âm nhiều lần, nhưng điều đó không cần thiết.
Bất cứ phương pháp nào cũng có giá trị khác nhau. Ví dụ hôm nay siêu âm, ngày mai lại siêu âm cho ra giá trị không khác nhau nhiều, không ý nghĩa về lâm sàng, không phát hiện thêm dị tật thai. Trong khi đó lại khiến chị em tốn tiền, tốn thời gian, làm tăng nỗi lo lắng cho gia đình. Trừ một số trường hợp như động thai, hay thai kỳ có vấn đề cần theo dõi sát, bác sĩ sẽ chỉ định tái khám và siêu âm gần hơn. Do đó không phải siêu âm nhiều là tốt.
Tại Việt Nam, chi phí siêu âm không cao. Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác chi phí siêu âm khá đắt đỏ, và để gặp được bác sĩ sản phụ khoa, chị em phải đặt lịch hẹn khá nhiều. Do đó, chị em nên hiểu giá trị siêu âm, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, tham khảo ý kiến bác sĩ về những thời điểm siêu âm tốt nhất.
6. Mẹ bầu nên tuân thủ hướng dẫn khám thai từ bác sĩ
Nhờ BS chia sẻ đến chị em lần đầu mang thai một số lưu ý trước và sau khi siêu âm ạ!
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Siêu âm là phương pháp an toàn cho phụ nữ mang thai vì nó giúp bác sĩ đánh thai kỳ tốt hơn. Tuy nhiên, khám thai không chỉ là siêu âm mà còn xét nghiệm, kiểm tra nhiều vấn đề khác. Vì vậy, chị em nên có tuân thủ hướng dẫn khám thai từ bác sĩ.
Trước khi khám thai, chị em không cần lo lắng vì siêu âm là phương pháp đơn giản, không cần chuẩn bị. Do đó, chị em cứ yên tâm đi khám để được kiểm tra thai kỳ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình