Hotline 24/7
08983-08983

40 - 50% phụ nữ mãn kinh, tiền mãn kinh gặp tình trạng sa tạng chậu

ThS.BS Đinh Quốc Đạt - Khoa Niệu nữ - Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) cho biết, người bị sa tạng chậu thường rối loạn chức năng dẫn tới tiểu không kiểm soát, tiểu gấp, táo bón, đau khi quan hệ tình dục,… Chị em mang tâm lý mặc cảm, nên thường cố chịu đựng, dẫn tới đánh mất đi cơ hội chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

1. Sinh con không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến sa tạng chậu

Thưa BS, có phải chỉ những phụ nữ nhiều con, lớn tuổi mới bị sa tạng chậu; nếu phụ nữ chưa sinh con sẽ không gặp tình trạng này?

ThS.BS Đinh Quốc Đạt trả lời: Đây là câu hỏi chúng tôi thường nhận được trong quá trình thực hành lâm sàng cũng như điều trị cho bệnh nhân. Sàn chậu có nhiệm vụ chính là giữ các cơ quan trong ổ bụng ở đúng vị trí cố định, không bị sa xuống dưới khi diễn ra các hoạt động bình thường hằng ngày như chạy nhảy, đi lại... hoặc trong lúc làm các công việc nặng.

Vì một số nguyên nhân, cơ hoặc dây chằng ở vùng chậu bị tổn thương, suy yếu, sẽ dẫn đến bệnh lý sa tạng chậu. Bệnh nhân có thể bị sa một hoặc nhiều cơ quan, chẳng hạn sa bàng quang, tử cung, trực tràng, ruột non.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý sa tạng chậu, trong đó thường gặp nhất là phụ nữ từng mang thai, sinh con nhiều lần. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, khối lượng của em bé tăng lên, tử cung đè nặng lên vùng sàn chậu, từ đó gây suy yếu cơ ở vùng chậu.

Trong quá trình chuyển dạ, khi em bé đi qua vùng sàn chậu đến âm đạo để ra ngoài, có thể gây rách, tổn thương, khiếm khuyết một số cấu trúc dây chằng, vùng cơ.

Nguyên nhân thứ hai là giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh có tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ estrogen. Lúc này, các mô liên kết vùng chậu bị thiếu hụt collagen nên bị suy yếu.

Những phụ nữ thường xuyên làm việc nặng nhọc có thể khiến vùng chậu bị suy yếu. Tiền căn có phẫu thuật vùng chậu, béo phì, hút thuốc lá... cũng là nguyên nhân. Bên cạnh đó, một số người có khiếm khuyết cơ, dậy chằng vùng chậu bẩm sinh.

Những phụ nữ từng mang thai nhiều lần có nguy cơ cao hơn đối với việc mắc bệnh lý sa tạng chậu. Tuy nhiên, phụ nữ chưa từng mang thai, sinh con vẫn có thể mắc do những nguyên nhân khác nêu trên.

2. Tỷ lệ sa tạng giảm thấp hơn khi sinh mổ, nhưng vẫn có khả năng xảy ra

Nhiều người cho rằng phụ nữ sinh mổ ít có khả năng bị sa tạng chậu hơn phụ nữ sinh thường. Quan điểm này có đúng không, thưa BS?

ThS.BS Đinh Quốc Đạt trả lời: Phụ nữ sinh mổ có thể tránh được việc chuyển dạ, em bé không đi qua vùng chậu nên sẽ giảm được phần nào đó sự tổn thương của các dây chằng hoặc mô liên kết vùng chậu.

Tuy nhiên, trong quá trình thai, vùng chậu đã có thể xuất hiện tổn thương. Bên cạnh đó, khi sinh con, những nguyên nhân như chuyển dạ tắc nghẽn, em bé lớn, biến chứng thai kỳ... có thể gây tình trạng sa tạng chậu.

Ở phụ nữ sinh mổ, tỷ lệ mắc sa tạng chậu thấp hơn tỷ lệ sinh thường nhưng vẫn tồn tại do quá trình mang thai hoặc những lý do khác.

Các loại sa tạng chậu

3. Sa tử cung không thể tự hồi phục

Sa dạ con sau sinh có phải là một tình trạng thường gặp. Nhiều người cho rằng chỉ cần đợi vài tháng thì cơ thể sẽ tự điều chỉnh lại. Ý kiến của BS về quan điểm này như thế nào?

ThS.BS Đinh Quốc Đạt trả lời: Sa dạ con hay còn gọi là sa tử cung nói riêng và sa tạng chậu nói chung không thể tự cải thiện. Khi phát hiện có sa tử cung, sa tạng chậu, bệnh nhân nên điều trị ngay.

Thông thường, những trường hợp sa tạng chậu giai đoạn nhẹ có thể điều trị bằng các phương pháp không cần mổ như thay đổi lối sống, tập sàn chậu, laser sàn chậu. Tin buồn là tỷ lệ phụ nữ mắc sa tạng chậu khá cao. Theo Hội Sàn chậu học TPHCM, tỷ lệ này lên đến 40% ở phụ nữ 40 tuổi, đồng nghĩa rằng cứ 10 phụ nữ trên 40 tuổi thì 4 người có hiện diện tình trạng sa tạng chậu.

4. Tập phục hồi chức năng đúng cách có thể cải thiện các triệu chứng sa tạng chậu

Tập phục hồi chức năng sau sinh sớm có giúp phụ nữ tránh được nguy cơ sa tạng chậu không, thưa BS?

ThS.BS Đinh Quốc Đạt trả lời: Tập phục hồi sàn chậu sau sinh giúp các cơ ở vùng chậu phục hồi, phát triển. Cơ sàn chậu săn chắc sẽ cải thiện được các triệu chứng sa tạng chậu.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải tập đúng. Đa phần bệnh nhân đều tập sai trong lần tập đầu tiên. Chúng ta thường khó co được những cơ ở vùng chậu, nên bệnh nhân thường co cơ bụng hoặc cơ vùng tay, chân.

Tập không đúng sẽ không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, chúng tôi khuyên những bệnh nhân nghi ngờ có sa tạng chậu hay muốn tập phục hồi chức năng nên đến bệnh viện để tập dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

Khoa Niệu nữ - Niệu chức năng của Bệnh viện Bình Dân được trang bị các loại máy móc hỗ trợ tập phản hồi sinh học. Sau khi tập xong, người tập sẽ biết mình đã tập đúng hay sai. Bên cạnh đó, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn, hỗ trợ để bệnh nhân biết cách tự tập, có thể tập bổ sung ở nhà để đạt hiệu quả cao hơn.

5. Không nên làm việc nặng ngay sau sinh để tránh nguy cơ bị sa tạng chậu

Một quan điểm khác là trong thời gian ở cử, nếu vận động mạnh hoặc đi xe dằn xóc sẽ dễ dẫn đến tình trạng sa tạng chậu khi lớn tuổi. Điều này có đúng không, thưa BS?

ThS.BS Đinh Quốc Đạt trả lời: Hiện tại chưa có nghiên cứu xác nhận sự liên quan giữa việc đi xe dằn xóc trong thời gian ở cử với vấn đề sa tạng chậu.

Tuy nhiên, làm các công việc nặng trong thời gian ở cử sau sinh sẽ làm tăng áp lực ổ bụng, đè nặng lên vùng sàn chậu, gây ra bệnh lý sa tạng chậu. Sau sinh, phụ nữ nên hạn chế làm những việc nặng nhọc, gắng sức.

6. Bệnh nhân sa tạng chậu cần tránh tình trạng táo bón

Xin hỏi BS, bệnh nhân bị sa tạng chậu có cần phải tránh ăn no, tránh uống nhiều nước không?

ThS.BS Đinh Quốc Đạt trả lời: Thông tin này không chính xác và có thể gây hại cho người bệnh. Uống ít nước có thể dẫn đến táo bón. Hành động rặn khi đi vệ sinh sẽ khiến các dây chằng, mô liên kết dễ bị yếu đi.

Bệnh nhân sa tạng chậu cần ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên uống nhiều nước, bổ sung chất xơ để tránh tình trạng táo bón. 

7. Không cần kiêng hẳn việc quan hệ tình dục khi bị sa tạng chậu

Nhiều người tin rằng phụ nữ bị sa tạng chậu nên kiêng hẳn việc quan hệ tình dục, quan điểm của bác sĩ về việc này như thế nào?

ThS.BS Đinh Quốc Đạt trả lời: Quan điểm này không đúng. Quan hệ tình dục là một nhu cầu trong cuộc sống, giúp giữ được lửa hạnh phúc trong hôn nhân.

Tuy nhiên, bệnh lý sa tạng chậu có thể khiến người phụ nữ mang tâm lý e ngại, khó khăn trong việc thăng hoa trong lúc quan hệ. Vì thế, khi có biểu hiện nghi ngờ bệnh lý sa tạng chậu, bệnh nhân nên điều trị ngay để cải thiện được các triệu chứng khi quan hệ tình dục, cảm xúc thăng hoa.

8. Người bị sa tạng chậu không nên nâng tạ quá nặng

Quan điểm của BS như thế nào về ý kiến những người bị sa tạng chậu không nên tập gym?

ThS.BS Đinh Quốc Đạt trả lời: Khi mắc sa tạng chậu, người bệnh cần hạn chế các việc nặng, cần gắng sức như khuân vác. Bệnh nhân không nên tập gym, đặc biệt là các bài tập nâng tạ nặng vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề sa tạng chậu.

Người bệnh sa tạng chậu nên chọn các môn thể thao nhẹ nhàng hoặc tập cardio nhẹ nhàng để bảo vệ tim mạch.

9. Mặc quần áo bó sát có thể cải thiện tình trạng sa tạng chậu không?

Nhiều chị em nghĩ rằng quần nịt bụng hay quần jeans bó sát sẽ hạn chế nguy cơ hoặc cải thiện tình trạng sa tạng chậu. Nhờ BS giải đáp giúp ạ.

ThS.BS Đinh Quốc Đạt trả lời: Nguyên nhân của sa tạng chậu là tổn thương các dây chằng, mô liên kết và mô cơ ở vùng sàn chậu. Do đó, quần áo chật hoặc bó sát không thể cải thiện được tình trạng sa tạng chậu.

Với những trường hợp sa tạng chậu độ 3, độ 4, việc mặc trang phục bó sát sẽ gây hại thêm. Quần áo cọ xát vào khối sa có thể gây thiếu máu, thêm một số biến chứng khác.

10. Những biểu hiện ban đầu của sa tạng chậu dễ bị bỏ qua

Thưa BS, bệnh nhân sa tạng chậu cần làm gì để cải thiện bệnh?

ThS.BS Đinh Quốc Đạt trả lời: Sa tạng chậu là một bệnh lý phổ biến, đôi khi diễn biến âm thầm khiến chúng ta không phát hiện sớm. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, tỷ lệ sa tạng chậu ở những phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh khá lớn, đến 40 - 50%.

Sa tạng chậu có những biểu hiện ban đầu dễ bị bỏ qua như tiểu nhiều lần, rối loạn chức năng đi tiểu, rối loạn chức năng đi cầu. Những phụ nữ sinh nhiều con, từng mang thai nhiều lần hoặc có triệu chứng nghi ngờ sa tạng chậu nên đến tầm soát ở những bệnh viện uy tín.

Phát hiện bệnh từ sớm sẽ giúp việc điều trị nhẹ nhàng hơn, đạt được hiệu quả cao hơn. Trong giai đoạn sớm, bệnh có thể điều trị bằng những phương pháp không cần mổ như tập sàn chậu, chiếu laser vùng sàn chậu. Vùng sàn chậu được phục hồi tốt sẽ giúp phái nữ có cuộc sống thăng hoa hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X