5-8cm là khoảng an toàn để kéo dài chân
Phẫu thuật kéo dài chân là kỹ thuật được thực hiện nhằm mục đích tăng chiều dài chân. Tuy nhiên, BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn - Trưởng Đơn vị Vi phẫu, Phó khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, bất kỳ phẫu thuật nào cũng đều có những rủi ro, biến chứng nhất định. Chính vì thé, cần tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định, đồng thời lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chất lượng.
1. Phẫu thuật kéo dài chân là phương pháp gãy xương chủ động
Xin hỏi BS, phẫu thuật kéo dài chân được tiến hành như thế nào? Nhiều người cho rằng phẫu thuật này giống như gãy xương 2 chân cùng lúc, điều này có đúng không, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Mong muốn tăng thêm chiều cao là hoàn toàn chính đáng và hợp lý. Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật kéo dài chân cần sự chuẩn bị kỹ càng từ nhiều phía, từ người bệnh và từ bác sĩ. Bác sĩ thực hiện phẫu thuật phải có kinh nghiệm trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình.
Phẫu thuật kéo dài chân là phương pháp cắt xương, sau đó đặt khung trong lòng tủy, đóng đinh sau đó kéo dài ra . Đây là tình huống gãy xương chủ động, sau đó điều chỉnh dựa theo khung.
Gãy chân do tai nạn hoặc do những tác động khác không giống với gãy xương chủ động do bác sĩ thực hiện.
2. Bao nhiêu tuổi có thể phẫu thuật kéo dài chân?
Độ tuổi nào có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật để kéo dài chân? Những người nào thuộc nhóm chống chỉ định đối với phương pháp này.
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Người được chỉ định phẫu thuật kéo dài chân là người trưởng thành trên 18 tuổi, khi độ tuổi sụn của người bệnh đã ổn định, không có sự phát triển về chiều cao.
Trường hợp kéo dài chân bệnh lý lại có một chút khác biệt. Có thể phân thành những trường hợp hình thể thấp bé cần kéo dài chân và trường hợp có 1 chân ngắn hơn. Kéo dài 1 chân hoặc kéo dài 2 chân để điều trị bệnh lý có thể thực hiện từ độ tuổi thiếu nhi.
Thông thường từ trên 18 tuổi, khi xương đã ổn định, bệnh nhân mới có chỉ định kéo dài chân.
Thứ hai, bệnh nhân phải ổn định các bệnh lý nội khoa, các bệnh lý nặng hoặc không có các bệnh lý về máu mới có chỉ định kéo dài chân.
3. Kéo dài chân là một quá trình “đau khổ”, cần cân nhắc thật kỹ
Những người đã từng kéo dài chân chia sẻ rằng họ cảm tháy vô cùng đau đớn, phải ngồi xe lăn một thời gian rất dài. Xin hỏi BS, vấn đề hậu phẫu có đáng lo ngại không?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Thực tế, các biến chứng kéo dài chân rất nhiều. Người có mong muốn kéo dài chân chưa hiểu rõ vấn đề mà chỉ theo trào lưu, nghe theo lời khuyên của người xung quanh.
Tuy nhiên, cộng đồng cần hiểu rõ rằng, kéo dài chân là một quá trình rất “đau khổ” và bệnh nhân có thể bị stress trong quá trình này.
Điều đầu tiên bệnh nhân có thể cảm nhận được là đau đớn. Bệnh nhân không lường trước được quá trình kéo dài chân diễn ra như thế nào, đa phần chỉ biết được rằng phương pháp này có thể giúp tăng chiều cao tốt. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có một giai đoạn đau kéo dài.
Mỗi ngày chỉ có thể tăng một ít chiều cao, khoảng 1mm. Khoảng chiều cao có thể tăng trong giới hạn cho phép là từ 5 - 8cm.
Một số trường hợp rơi vào tình trạng trầm cảm, dùng thuốc liên tục, thậm chí nhiều trường hợp muốn chấm dứt cuộc sống, rất nguy hiểm.
Đau chân đinh, nhiễm trùng chân đinh, lệch xương, xương không lành hoặc vẹo trục là những vấn đề bệnh nhân có thể chưa lường trước được.
Vẫn có một số trường hợp không bị đau, cảm thấy hạnh phúc khi kéo dài chân. Điều quan trọng là bệnh nhân phải tìm đến đúng bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, đã trải nghiệm nhiều trong lĩnh vực này.
Bệnh nhân nên cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện phẫu thuật kéo dài chân.
4. Những lưu ý quan trọng sau phẫu thuật kéo dài chân
Có cách nào giúp bệnh nhân phục hồi nhanh, mau liền xương sau khi thực hiện phẫu thuật kéo dài chân, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Kéo dài chân là cắt xương chủ động, sau đó đóng đinh ở phía trong và đặt khung ở phía ngoài. Trên thế giới còn có thêm định nội tủy bên trong, mỗi ngày có thể tăng thêm một ít chiều cao mà không liên quan đến khung phía ngoài để tăng đưa.
Tuy nhiên loại đinh này có giá thành khá cao và theo tôi được biết thì trên thị trường Việt Nam vẫn chưa có. Bệnh nhân Việt Nam vẫn mang một cái đinh ở trong và khung ở ngoài và kéo dài chân.
Sau phẫu thuật, tập vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng. Mỗi ngày tăng chiều cao thêm 1mm, xương và gân kéo dài ra. Do vậy bắt buộc phải tập vận động cổ chân, vận động cơ, vận động xương để mềm gân cơ.
Không chỉ vậy, cần phải tập bàn chân vào buổi tối để tránh hiện tượng bàn chân thuổng khi kéo quá dài.
Chân đinh là vị trí dễ bị nhiễm trùng, massage không đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
Bệnh nhân nên tuân thủ đúng thời gian kéo. Nhiều người mong muốn tăng chiều cao nhanh hơn, 1 ngày kéo đến 2mm sẽ khiến xương không thể lành, rất nguy hiểm.
Việc tập vận động là tập cho tất cả nhóm cơ được kéo, giúp cơ mềm mại. Bên cạnh đó cần massage và tăng nguồn máu nuôi. Quan trọng nhất là tập để tránh hiện tượng thuổng bàn chân xuống dưới.
Một vấn đề khác quan trọng không kém là không để viêm, nhiễm trùng chân đinh.
5. Tập phục hồi chức năng ngay sau phẫu thuật kéo dài chân
Quá trình tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật kéo dài chân sẽ diễn ra như thế nào, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Phục hồi chức năng cần tập ngay sau mổ. Đầu tiên là tập các bài tập giãn gân, cơ. Thứ hai là massage và thứ ba là gồng cơ để máu nuôi vùng kéo dài được tốt hơn.
Khi kéo dài chân, những trường hợp tập không đạt sẽ bị bàn chân thuổng xuống dưới, bệnh nhân đi nhón và việc tập trở nên rất khó khăn.
Mỗi ngày kéo 1mm và tập ngay thời điểm đó.
Phần khung phía ngoài có thể dẫn đến tình trạng cứng khớp gối, bệnh nhân cần tập để cơ tứ đầu đùi mạnh lên, tránh tình trạng teo cơ khi tháo khung. Cơ tứ đầu đùi phải mạnh và vận động các cơ phía sau phải đủ góc, đủ tốt để khi tháo khung, bệnh nhân có thể vận động, di chuyển. Các cơ phía trước đủ mạnh để có thể gập bàn chân.
Tóm lại, bệnh nhân cần tập cơ tứ đầu đùi, tập nhóm cơ duỗi và tập chống co rút nhóm cơ gấp phía sau.
6. Tầm quan trọng của tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật kéo dài chân
Thưa BS, thời gian từ khi phẫu thuật, tập phục hồi chức năng cho đến khi quay trở lại sinh hoạt bình thường sẽ mất bao lâu? Khi trở lại với những sinh hoạt thường ngày, bệnh nhân có cần tiếp tục duy trì việc tập phục hồi chức năng?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Thời gian có thể quay lại cuộc sống bình thường của người từng thực hiện kéo dài chân tùy thuộc vào mức độ lành xương và khả năng trở lại chức năng sinh lý học. Có người chỉ cần 6 tháng đã có thể vận động, đi lại, nhưng cũng có người mất 1 - 1,5 năm.
Để phục hồi tốt, người bệnh phải chấp nhận từ 4 - 6 tháng sau khi tháo khung để tập đi lại. Người bệnh phải đạt được điều này.
Thực hiện kéo dài chân là chấp nhận sự đau đớn và những vấn đề xung quanh. Theo kinh nghiệm của tôi, có đến 80% các trường hợp phẫu thuật kéo dài chân mà gia đình hoàn toàn không hay biết. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có trầm cảm do đau đớn.
Việc tập luyện cần sự liên tục. Bệnh nhân có thể có kỹ thuật viên riêng để tập vật lý trị liệu tại nhà nhưng vẫn cần đến gặp bác sĩ phẫu thuật để được hướng dẫn chi tiết. Tập càng nhiều, càng tốt, khả năng quay trở lại với cuộc sống càng nhanh.
Theo các trường hợp tôi phẫu thuật, cần khoảng 1 năm để bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng sau đó vẫn cần tiếp tục tập luyện để có thể chơi thể thao. Khi cơ mạnh, vận động đủ tốt, mất 1,5 - 2 năm để bệnh nhân có thể chơi thể thao bình thường.
Ngược lại, nếu tập luyện không tốt, các bạn chỉ tăng được chiều cao chứ không đạt bất kỳ chức năng nào, có thể dẫn đến thảm kịch về sau: Chân dài, cơ yếu, chức năng yếu, rất nguy hiểm.
7. Kéo dài chân bao nhiêu là an toàn và thẩm mỹ?
Một số thông tin cho thấy phẫu thuật kéo dài chân ở nước ngoài có thể tăng chiều cao đến 15cm. Thông tin này có chính xác không? Ở Việt Nam hiện tại, chiều cao có thể tăng lên tối đa bao nhiêu, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Về nguyên tắc, có thể kéo dài xương trên 15cm. Đã có trường hợp em bé bị tật bẩm sinh chân dài chân ngắn, chúng tôi vẫn thực hiện kéo dài.
Tuy nhiên, kéo dài chân cho những trường hợp muốn tăng chiều cao, khoảng an toàn là 5 - 8cm. Kéo dài chân quá nhiều sẽ trông bất thường, mất tính thẩm mỹ.
Kéo dài chân không chỉ là kéo xương mà còn liên quan đến mạch máu và thần kinh. Mạch máu, thần kinh, gân cơ có thể đạt được độ dài tương ứng không cũng rất quan trọng. Vì thế, 5cm có thể đảm bảo an toàn, thẩm mỹ và không quá đau đớn.
Kéo ở khoảng 8cm sẽ xuất hiện hiện tượng đau rất khủng khiếp. Trong khoảng từ 5 - 7cm, bệnh nhân có thể đạt được chức năng rất tốt, đỡ đau nhưng vượt quá khoảng này sẽ dẫn đến đau đớn và nhiều vấn đề sau đó, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
Việc kéo dài chân đến 15cm trong những trường hợp bệnh lý có thể thực hiện được. Nhưng với những trường hợp kéo dài chân do hạn chế chiều cao, lời khuyên của tôi là không nên. 5 - 8cm là khoảng an toàn cho bệnh nhân.
8. Không phải 100% các ca kéo dài chân đều thành công
Ngoài đau đớn trong khoảng thời gian phẫu thuật và hồi phục, sau này bệnh nhân có gặp phải những bất lợi nào ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Là một bác sĩ có 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, tôi đã tham gia các ca kéo dài chân do bệnh lý và vì mong muốn tăng chiều cao.
Về bệnh lý, việc kéo dài chân là bắt buộc, chẳng hạn những người bị viêm xương, chân ngắn do mất đoạn xương, dị tật bẩm sinh... Những trường hợp muốn kéo dài chân do hạn chế cần phải cân nhắc thật kỹ và thông báo với gia đình để được hỗ trợ.
Tiếp theo, người bệnh cần chuẩn bị tâm lý rằng đau là điều không thể tránh khỏi và có thể có những biến chứng sau đó.
Không phải 100% các ca kéo dài chân đều thành công. Nếu không thành công sẽ gây ra di chứng nặng nề cho người thực hiện kéo dài chân. Một số bệnh nhân chia sẻ rằng “Nếu biết trước thì tôi không bao giờ kéo dài chân!”. Đó là những trường hợp cải thiện chiều cao, có thể đi lại được nhưng cơ rất yếu, hoạt động hạn chế do quá trình tập luyện không tốt.
Người bệnh phải đối diện với những cảm xúc tiêu cực liên tục.
Đối với tập luyện, tuổi càng lớn, việc tập càng yếu đi.
Đây là những điều người bệnh phải cân nhắc thật kỹ trước khi kéo dài chân. Khi quyết định thực hiện, cần đến những cơ sở y tế uy tín.
9. Sau khi kéo dài chân vẫn có thể chơi thể thao nếu hồi phục đúng cách
Những người đã thực hiện phẫu thuật kéo dài chân có thể vận động hoặc chơi thể thao không, thưa BS? Có thể chơi những môn thể thao nào để tránh biến chứng xảy ra?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Sau khi đã ổn định, bệnh nhân có thể quay lại cuộc sống bình thường, có thể chơi thể thao. Xương chắc chắn sẽ lành tốt, vấn đề nằm ở việc tập, hoạt động gân cơ. Nhiều khách hàng của tôi có thể chơi thể thao bình thường mà không gặp vấn đề gì.
Khi người bệnh quyết định thực hiện phẫu thuật kéo dài chân, họ phải chuẩn bị tâm lý và chấp nhận nghỉ ngơi trong vòng 1 năm để phục hồi hoàn toàn. Vẫn có những trường hợp đi lại, hoạt động được chỉ sau 4 tháng. Sau 6 tháng, họ gần như trở lại các chức năng bình thường trong cuộc sống.
10. Chiều cao tăng trưởng tốt trong giai đoạn dưới 18 tuổi
Những người không thể phẫu thuật kéo dài chân do điều kiện kinh tế lẫn tâm lý có thể làm gì để cải thiện chiều cao, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Nếu không có điều kiện để kéo dài chân, có thể lựa chọn cách tập thể dục. Tuy nhiên, khi xương đã trưởng thành, người lớn gần như không thể tăng chiều cao.
Chiều cao phát triển tốt ở giai đoạn dưới 18 tuổi. Có thể chơi các môn thể thao, tăng cường vận động mỗi ngày, bổ sung lượng vitamin và khoáng chất. Sụn càng được kích thích nhiều, chiều cao càng tăng trưởng tốt.
Sau đó, khi xương đã đóng, việc tập luyện chủ yếu để tăng cường sức khỏe, hầu như không có tác dụng đối với tăng chiều cao.
Các phương pháp tăng chiều cao khả thi là bổ sung dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, không thức quá khuya.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình