Những quan niệm sai lầm trong điều trị vàng da sơ sinh và mấu chốt phòng ngừa hiệu quả
Giữa luồng thông tin về vàng da sơ sinh, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: Có nên tự mua đèn chiếu tại nhà cho trẻ? Tắm nắng liệu có hiệu quả trong điều trị? BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên - Trưởng khoa Sơ sinh và BS.CK2 Lê Anh Thi - Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh từ Bệnh viện Hùng Vương sẽ giải đáp thấu đáo thắc mắc này, đồng thời “bật mí” mấu chốt phòng ngừa vàng da sơ sinh.
1. Phụ huynh có nên tự mua đèn chiếu vàng da cho trẻ sơ sinh tại nhà?
Thưa BS, hiện nay có rất nhiều loại đèn chiếu trị vàng da sơ sinh được bày bán nhiều trên các trang thương mại điện tử. Các bậc phụ huynh có nên tự mua loại đèn chiếu này để điều trị vàng da cho con không ạ? Điều này có thể đưa đến các rủi ro gì ạ?
BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Chúng ta không thể xác định được hiệu quả của các loại đèn chiếu vàng da trên thị trường. Bên cạnh đó, người nhà cũng không có kiến thức giúp trẻ chiếu đèn hiệu quả. Chiếu đèn cũng có tác dụng phụ nếu chúng ta không biết cách thực hiện an toàn, ví dụ nếu không che mắt, không mặc tã che bộ phận sinh dục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe em bé.
Do đó, BS không khuyến khích phụ huynh mua đèn tự chiếu tại nhà. Ba mẹ không được huấn luyện cách theo dõi em bé thế nào hiệu quả, thế nào không hiệu quả. Vì vậy, tự chiếu đèn có thể làm tình trạng vàng da nặng hơn, gây nguy hiểm cho trẻ.
2. Hệ thống đèn chiếu điều trị vàng da sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương có giá trị thế nào?
Nhờ BS chia sẻ thêm về hệ thống chiếu đèn điều trị vàng da sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương cho khán thính giả hiểu thêm về phương pháp này ạ?
BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Bệnh viện Hùng Vương có rất nhiều loại đèn chiếu 1 mặt và 2 mặt. Thông thường nhất là đèn LED với tuổi thọ khoảng 10.000 giờ, đèn huỳnh quang với tuổi thọ 3.000 giờ. Trong trường hợp em bé vàng da nhẹ chỉ cần chiếu đèn 1 mặt, nếu vàng da nặng sẽ sử dụng đèn 2 mặt để có tác dụng nhanh, làm giảm bilirubin sớm hơn.
3. Chiếu đèn điều trị vàng da sơ sinh đúng cách không gây hại cho trẻ
Thưa BS, phương pháp chiếu đèn giúp điều trị vàng da sơ sinh sẽ được chỉ định trong những trường hợp nào ạ? Chiếu đèn điều trị vàng da có hại cho trẻ không ạ?
BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Chiếu đèn vàng da là phương pháp làm giảm bilirubin cho trẻ. Thông thường chiếu đèn không gây hại nếu có bảo vệ mắt, bảo vệ tinh hoàn cho trẻ bằng cách mặc tã. Khoảng cách chiếu từ 30-40 cm, đồng thời cần theo dõi tác dụng phụ hằng ngày.
4. Tắm nắng không có hiệu quả trong điều trị vàng da sơ sinh
Thưa BS, tắm nắng có giúp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh không ạ?
BS.CK2 Lê Anh Thi trả lời: Như đã chia sẻ, vàng da có 2 phương pháp điều trị là chiếu đèn và thay máu. Chiếu đèn là dùng ánh sáng có bước sóng đặc biệt để làm giảm bilirubin trong cơ thể em bé. Còn ánh sáng mặt trời có nhiều loại ánh sáng, nhiều loại bước sóng khác nhau, đặc biệt có kèm theo tia cực tím, tia UV.
Có 3 loại tia UV là UVA, UVB, UVC. Trong đó UVC gần như được hấp thu toàn bộ về tầng ozone, còn UVA có thể gây lão hóa da, thậm chí làm ung thư da. Trong khi tia UVB có bước sóng ngắn hơn, có thể tăng cường vitamin D, giảm còi xương. Vì vậy, việc cho trẻ vàng da phơi nắng gần như không có hiệu quả và không được khuyến cáo bởi bác sĩ Nhi khoa. Do đó nếu trẻ vàng da, phụ huynh nên cho trẻ đi khám thay vì phơi nắng để tranh thủ thời gian điều trị kịp thời cho trẻ.
5. Nghệ có gây vàng da ở trẻ sơ sinh?
Thưa BS, trong quan điểm kiêng cữ dân gian sau sinh thường hay sử dụng nghệ (nấu thức ăn chung với nghệ hoặc uống nước nghệ) để nhanh lành vết thương. Song nhiều người cho rằng chính điều này đã gây ra tình trạng vàng da của trẻ. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ? Những thực phẩm mẹ ăn trong giai đoạn này có ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp đến sức khỏe trẻ sơ sinh không ạ?
BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Theo bằng chứng khoa học, nghệ không gây vàng da cho em bé. Tuy nhiên, các mẹ nên ăn uống đủ chất để trẻ hấp thu đủ dinh dưỡng qua sữa mẹ. Bên cạnh đó, mẹ không nên sử dụng thức ăn, nước uống như caffeine, rượu, trà sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Bên cạnh đó, một số thuốc mẹ dùng cũng có thể gây ảnh hưởng đến trẻ. Ngoài ra, quan niệm mẹ ăn nhiều đu đủ chín hay cà rốt cũng không gây vàng da ở trẻ sơ sinh.
6. Chuyên gia tiết lộ mấu chốt phòng ngừa vàng da ở trẻ sơ sinh
Phòng ngừa vàng da ở trẻ sơ sinh liệu có khả thi không, thưa BS?
BS.CK2 Lê Anh Thi trả lời: Việc phòng ngừa vàng da ở trẻ sơ sinh là điều có thể. Tuy nhiên, điểm mấu chốt vẫn là đưa ra những tiên lượng diễn tiến nặng để từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, tránh di chứng nặng nề.
Vì vậy, khi em bé có dấu hiệu vàng da, các bác sĩ sẽ thăm khám toàn diện để tìm dấu hiệu lâm sàng, những yếu tố nguy cơ có khả năng gây vàng da. Từ đó có thể tìm ra những yếu tố làm bé diễn tiến thành bệnh não do tăng bilirbin gián tiếp. Do đó, cha mẹ nên tự trang bị cho mình kiến thức về vàng da sơ sinh. Khi trẻ có dấu hiệu vàng da, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám. Từ đó bác sĩ mới có biện pháp can thiệp kịp thời, giúp em bé hồi phục nhanh chóng, tránh các biến chứng về sau.
Phần 1: Phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh
Phần 2: Biến chứng nguy hiểm của vàng da bệnh lý và các giải pháp điều trị mẹ cần biết
Trân trọng cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng Bệnh viện Hùng Vương và AloBacsi trong chương trình lần này!
Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình