Phân biệt vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh
Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng phổ biến với tỷ lệ 60% đối với trẻ đủ tháng, 80% đối với trẻ non tháng. Vậy làm sao để cha mẹ phân biệt giữa vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý? BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên - Trưởng khoa Sơ sinh và BS.CK2 Lê Anh Thi - Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương sẽ giải đáp dưới bài viết này.
1. Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh
Thưa BS, vì sao khi trẻ mới sinh ra đã bị vàng da ạ? Tình trạng này phổ biến như thế nào trên trẻ sơ sinh ạ?
BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Vàng da là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tỷ lệ vàng da ở trẻ đủ tháng là 60%, trẻ non tháng là 80%. Chất vàng do bilirubin trong máu tăng cao vì sự phá hủy hồng cầu sau sinh ở trẻ sau sinh non tháng và đủ tháng.
2. Những yếu tố làm tăng nguy cơ vàng da ở trẻ
Thưa BS, có phải trẻ nào sinh ra cũng bị vàng da không ạ? Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ vàng da ở trẻ sơ sinh, thưa BS?
BS.CK2 Lê Anh Thi trả lời: Vàng da là tình trạng thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên không phải trẻ nào cũng bị. Theo thống kê, có khoảng 60% trẻ đủ tháng vàng da, trẻ non tháng thường cao hơn với 80%. Có rất nhiều yếu tố gây vàng da ở trẻ sơ sinh:
- Trẻ không khỏe như nhiễm trùng huyết, rối loạn đường huyết, rối loạn điện giải, rối loạn toan kiềm.
- Trẻ có bệnh lý về tán huyết như tán huyết miễn dịch, các bệnh lý chuyển hóa như thiếu men G6PD.
- Trẻ có anh/chị ruột vàng da trước đó.
Do đó, nếu phụ huynh nắm rõ yếu tố nguy cơ sẽ quan sát được trẻ vàng da diễn tiến thế nào.
3. Vàng da sinh lý thường kéo dài 1-2 tuần
Thưa BS, thế nào là vàng da sinh lý ạ? Thông thường, vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh bao lâu sẽ hết ạ?
BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Vàng da sinh lý thường xuất hiện ở ngày thứ 2 hoặc ngày thứ 3 sau sinh và kéo dài 1-2 tuần. Trong đó, trẻ đủ tháng kéo dài khoảng 1 tuần còn trẻ thiếu tháng là 2 tuần. Đây chỉ là vàng da đơn thuần, em bé không có triệu chứng bất thường như sốt, quấy khóc, không tăng trương lực cơ, mức bilirubin trong máu dưới ngưỡng chiếu đèn.
4. Vàng da sinh lý có cần can thiệp y tế không?
Thưa BS, vàng da sinh lý có cần can thiệp y tế không ạ?
BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Thông thường, vàng da sinh lý sẽ tự khỏi. Tuy nhiên cũng cần theo dõi vì người nhà không biết đâu là vàng da sinh lý, đâu là vàng da bệnh lý. Khi xuất viện, nhân viên y tế sẽ hưỡng dẫn cách theo dõi để phân biệt hai tình trạng này.
5. Triệu chứng nhận diện trẻ sơ sinh bị vàng da
Thưa BS, làm sao để nhận diện trẻ vàng da ạ? Nếu là vàng sinh lý, mẹ có thể làm gì để giúp con ạ?
BS.CK2 Lê Anh Thi trả lời: Vàng da là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh nên cha mẹ cần trang bị kiến thức nhận diện vàng da để cho bé thăm khám kịp thời. Để nhận biết trẻ vàng da, cha mẹ nên đặt bé ở không gian sáng, có ánh sáng trắng, ánh sáng mặt trời, tránh ánh sáng vàng. Khi khám nên chú ý vùng mặt, tay, chân, đùi, bụng, ngực, đặc biệt là lòng bàn tay và lòng bàn chân. Khi phát hiện trẻ vàng da nặng đến mức vàng lòng bàn tay và lòng bàn chân, hay vàng da sớm trước 24 giờ tuổi, vàng da kèm yếu tố lâm sàng nặng như bỏ bú li bì, lừ đừ nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất.
6. Cho trẻ bú mẹ thường xuyên để tiêu hóa tốt hơn, giảm tình trạng vàng da
Thưa BS, trong trường hợp da trẻ chỉ hơi vàng, mẹ có nên để con ở nhà để theo dõi tiếp không ạ? Và có cách nào để trẻ mau biến mất tình trạng vàng da không ạ?
BS.CK2 Lê Anh Thi trả lời: Như BS Thủy Tiên đã chia sẻ, vàng da sinh lý sẽ tự khỏi sau 1-2 tuần. Trẻ đủ tháng khỏi sau 1 tuần, còn trẻ thiếu tháng là 2 tuần. Khi trẻ vàng da, cha mẹ nên chú ý một số vấn đề sau:
- Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ bằng cách cho trẻ bú mẹ thường xuyên, từ 8-12 lần/ngày. Đặc biệt bú sữa mẹ giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn, tăng chuyển hóa bilirubin qua phân và nước tiểu. Từ đó làm giảm tình trạng vàng da.
- Luôn luôn theo dõi để phát hiện dấu hiện nặng và đưa trẻ đi khám kịp thời.
7. Vàng da sinh lý có thể diễn tiến thành vàng da bệnh lý
Thưa BS, vàng da sinh lý có thể biến thành vàng da bệnh lý không ạ?
BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Vàng da bệnh lý thường xuất hiện sớm trong 24 giờ đầu, có thể xuất hiện ở ngày thứ 2, thứ 3 sau sinh nhưng diễn tiến rất nhanh. Em bé có thể vàng da đến lòng bàn tay, lòng bàn chân. Thứ tự xuất hiện của vàng da đầu tiên là ở ngực, mặt, bụng, cẳng tay, cẳng chân và cuối cùng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Trẻ sẽ có một số triệu chứng kèm theo như bỏ bú, bú kém, có cơn ngưng thở, gồng người. Đó là các dấu hiệu cần đưa em bé trẻ đến bệnh viện.
Tuy nhiên, vàng da sinh lý không hoàn toàn bình thường, ba mẹ phải theo dõi vì vàng da sinh lý có thể diễn tiến thành vàng da bệnh lý và cần chiếu đèn can thiệp kịp thời.
8. Những trẻ nào có nguy cơ vàng da bệnh lý?
Vàng da thế nào được xem là bệnh lý, thưa BS? Và những trẻ nào có nguy cơ gặp tình trạng vàng da bệnh lý hơn ạ?
BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên trả lời: Những trẻ có nguy cơ vàng da bệnh lý:
- Trẻ có bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con. Ví dụ mẹ nhóm máu O, con nhóm máu AB.
- Trẻ có bất đồng Rhesus, mẹ Rh-, con Rh+.
- Trẻ có bệnh lý tán huyết bẩm sinh, yếu tố gia đình.
- Trẻ thiếu men G6PD hoặc rối loạn chuyển hóa.
- Trẻ có mẹ tiểu đường hay con to.
- Trẻ càng non tháng càng có nguy cơ vàng da bệnh lý.
Phần 2: Biến chứng nguy hiểm của vàng da bệnh lý và các giải pháp điều trị mẹ cần biết
Phần 3: Những quan niệm sai lầm trong điều trị vàng da sơ sinh và mấu chốt phòng ngừa hiệu quả
Trân trọng cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng Bệnh viện Hùng Vương và AloBacsi trong chương trình lần này!
Chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng trên các nền tảng của AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình