Hotline 24/7
08983-08983

Cập nhật các phương pháp chăm sóc và điều trị tai mũi họng tại tuyến cơ sở

Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 do Hội Y học TPHCM tổ chức quy tụ hơn 2.100 người tham dự. Trong đó, phiên 2 của hội nghị xoay quanh vấn đề hướng dẫn các phương pháp chăm sóc và điều trị tại tuyến cơ sở.

Chăm sóc tai mũi họng hằng ngày giúp phòng ngừa tái phát và hỗ trợ điều trị bệnh

Mở đầu phiên 2 của Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 là bài báo cáo “Điều trị tại chỗ Tai mũi họng ở tuyến y tế cơ sở” của TS.BS Nguyễn Nam Hà - Ủy viên BCH LCH Tai mũi họng Nhi.

Chuyên gia cho biết, điều trị tại chỗ Tai mũi họng ở tuyến y tế cơ sở là nhu cầu dựa trên một số chứng cứ khoa học có thật trên thế giới. Điều trị tại chỗ Tai mũi họng có lợi ích giảm hấp thu toàn thân giúp giảm tác dụng phụ toàn thân; đối với steroids không ảnh hưởng đến trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận; giảm sử dụng kháng sinh toàn thân từ đó giảm kháng thuốc.

Để đạt được hiệu quả tối đa cần đảm bảo các nguyên tắc gồm: tăng tiếp xúc thuốc với niêm mạc tối đa như làm rộng đường vào (đặc thuốc co mạch mũi), làm sạch tại chỗ, phá vỡ biofilm; đưa thuốc đúng cách (rửa xoang phải có tư thế riêng).

TS.BS Nguyễn Nam Hà thông tin: “NATRI HYALURONATE là glycosaminoglycan có tính ưa nước cao, có nhiều trong hoạt dịch, dây rốn, da, xương, dịch thủy tinh thể của mắt,… Có nhiều tác dụng sinh học tùy theo trọng lượng phân tử. Ứng dụng trong nhiều linh vực như hô hấp trên (cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân viêm mũi xoang mạn có polyp mũi), hô hấp dưới (giảm các đợt nhiễm trùng cấp tính của viêm phế mạn tính), da liễu (làm giảm nếp nhăn, mẩn đổ và viêm da), nhãn khoa (nước mắt nhân tạo), điều trị bệnh nhân thoái hóa khớp”.

TS.BS Nguyễn Nam Hà - Ủy viên BCH LCH Tai mũi họng Nhi

Vấn đề phòng bệnh trong chăm sóc ở y tế cơ sở rất quan trọng. Chăm sóc mũi hằng ngày đem lại nhiều lợi ích đối với viêm mũi cấp, viêm xoang cấp/mạn, viêm mũi mạn và sau phẫu thuật mũi xoang. Xúc họng đem lại các lợi ích như phòng ngừa cảm lạnh, viêm hô hấp trên cấp; cảm lạnh; bệnh của lợi, răng, miệng.

Đối với chăm sóc tai hằng ngày, lau ống tai ngoài quá kỹ là không cần thiết vì ráy tai tự di chuyển ra ngoài, sau một đến một tháng rưỡi sẽ ra đến cửa tai; 2/3 ngoài ống tai có lớp ráy tai mỏng bảo vệ; 1/3 trong ống tai không có tuyến ráy tai.

TS.BS Nguyễn Nam Hà khuyến cáo: “Vẫn có thể sử dụng bông ráy tai tuy nhiên phải sử dụng đúng cách. Chỉ nên dùng ở cửa tai và vành tai, không nên đẩy sâu vào sẽ gây ra nhiều hệ lụy như đẩy chất bẩn, ráy tai ở ngoài vào trong sâu hơn”.

Chuyên gia cũng kết luận, điều trị tại chỗ giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh tai mũi họng. Việc chăm sóc tai mũi họng hằng ngày giúp phòng ngừa tái phát và hỗ trợ điều trị bệnh. Các thao tác và cách làm nếu thực hiện đúng sẽ không gây hại cho bệnh nhân. Vì vậy cần đào tạo liên tục về điều trị tại chỗ cho bác sĩ tai mũi họng ở y tế cơ sở và phổ biến rộng rãi, định kỳ.

Có thể kết hợp rửa mũi xoang nội soi bằng máy phun hút với các phương pháp rửa mũi đơn giản tại tuyến cơ sở

Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Chăm sóc rửa mũi xoang tại tuyến y tế cơ sở” của BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - Ủy viên BCH LCH Tai mũi họng.

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước chia sẻ: “Ngày càng nhiều công trình nghiên cứu cũng như ứng dụng những sản phẩm để thuận tiện cho việc rửa mũi xoang từ đơn giản đến phức tạp”.

Rửa mũi xoang nội soi là phương pháp kết hợp của nhiều thiết bị tiên tiến như máy nội soi mũi xoang với hệ thống máy phun hút làm sạch các ngóc ngách của hố mũi xoang. Bên cạnh đó, đây có thể là lần đầu Việt Nam hoàn thiện quy trình cũng như các thiết bị hỗ trợ cho phương pháp này.

Đây là phương pháp hỗ trợ tốt cho điều trị nội khoa đơn thuần và cho các trường hợp điều trị FESS nếu thực hiện trước và sau FESS. Tuy nhiên để thực hiện phương pháp này đôi khi phải hỗ trợ bởi các thủ thuật nhỏ như nắn cuốn dưới và giữa để làm rộng khe giữa.

BS.CK2 Nguyễn Vĩnh Phước - Ủy viên BCH LCH Tai mũi họng

Phương pháp này có thể cải thiện tình trạng khó chịu ở những bệnh nhân đã phẫu thuật nhưng bị tái phát; chăm sóc cho bệnh nhân trước, sau phẫu thuật nội soi mũi xoang; cải thiện các cơ năng, thực thể với một số bệnh nhân có bệnh lý nội khoa đi kèm không cho phép phẫu thuật; bệnh nhân không muốn phẫu thuật.

Phương pháp rửa mũi xoang nội soi với máy phun hút tại Bệnh viện Thống Nhất là một kỹ thuật mới để điều trị tại chỗ viêm mũi xoang mạn tính. Phương pháp này là một bước hoàn thiện hơn các kỹ thuật điều trị tại chỗ viêm mũi xoang trước đây nhằm đem lại sự an toàn và hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân viêm mũi xoang mạn tính. Đặc biệt, có thể được triển khai kết hợp với các phương pháp rửa mũi đơn giản tại tuyến cơ sở.

Nhiễm trùng cổ sâu: Bệnh lý nặng, thường gặp, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh

Tập trung vào vấn đề “Nhiễm trùng cổ sâu: chẩn đoán và điều trị”, PGS.TS.BS Trần Minh Trường - Chủ tịch LCH Phẫu thuật đầu cổ TPHCM cho biết: “Cân cổ phân chia các mô mềm ở cổ thành các khoang cổ. Nhiễm trùng mô mềm vùng cổ sâu là viêm mô tế bào cổ sâu (viêm và hình thành áp xe ở các khoang cổ) và viêm cân mạc hoại tử (viêm hoạy tử của các lớp cân mạc sâu)”.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng cổ sâu gồm: Bệnh lý răng miệng, viêm amidan, viêm tuyến mang tai, can thiệp phẫu thuật; Chấn thương; Những đối tượng dễ mắc bệnh như suy giảm miễn dịch, HIV, người lớn tuổi, nằm viện lâu ngày, xơ gan, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường.

Để chẩn đoán nhiễm trùng cổ sâu phụ thuộc vào 2 vấn đề: Thứ nhất là lâm sàng, cần chú ý đến các điểm như hội chứng nhiễm trùng tại chỗ, toàn thân, triệu chứng thực thể và chọc hút mủ; Thứ hai là cận lâm sàng, có các xét nghiệm công thức máu, CT, MRI, X-quang, siêu âm.

Các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm ở lâm sàng là dấu hiệu tắc nghẽn đường hô hấp (khó thở, thở nhanh nông, co kéo,…); Khít hàm, sưng nề vùng cổ; Dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc (thay đổi mạch, nhiệt độ, bạch cầu).

PGS.TS.BS Trần Minh Trường - Chủ tịch LCH Phẫu thuật đầu cổ TPHCM

Điều trị nhiễm trùng cổ sâu có thể bằng nội khoa (kiểm soát đường thở, kháng sinh nâng đỡ tổng trạng) hoặc điều trị ngoại khoa (phẫu thuật rạch dẫn lưu áp xe, chăm sóc vết thương hậu phẫu).

Trong điều trị kiểm soát đường thở cần lưu ý cho bệnh nhân thở ẩm và hạn chế soi, khám, can thiệp vùng họng khi bệnh nhân tỉnh táo. Chỉ đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản khi bệnh nhân khó thở. Nếu phải đặt mở khí quản nên rút canula sớm sau 24  - 48 giờ. Đối với bệnh nhân khó nuốt và ăn uống kém nên điều chỉnh ion đồ, nước, điện giải.

PGS.TS.BS Trần Minh Trường lưu ý: “Khi sử dụng thuốc kháng viêm cho bệnh nhân phải cân nhắc vì làm giảm triệu chứng lâm sàng giả tạo. Bên cạnh đó, có thể làm tăng độc tố và số lượng vi trùng (Streptococci) hoặc giảm hoạt động của các bạch cầu hạt, đại thực bào. Đặc biệt Aspirin có thể làm tăng chảy máu. Hoặc vai trò ức chế miễn dịch của corticoids làm lan rộng, nhanh viêm mô tế bào và tăng tần suất tử vong.

Nguyên tắc phẫu thuật phải đảm bảo đường hô hấp. Hạn chế soi, khám, kích thích. Chỉ rạch khi có ổ áp xe rõ ràng trên hình ảnh CT-Scan hoặc khi áp xe trên 3cm. Mở đủ rộng rộng ổ áp xe (2 - 3 cm) và thường xuyên cắt lọc các mô hoại tử”.

Kết luận vấn đề, chuyên gia cho biết, nhiễm trùng cổ sâu là tình trạng bệnh lý nặng, thường gặp hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Thầy thuốc cần lưu ý vì khó xác định lâm sàng do tổn thương nằm sâu. Điều trị kháng sinh sớm, phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe, cắt lọc các mô hoại tử. Bên cạnh đó, nên cẩn trọng khi sử dụng kháng viêm steroid hoặc non steroid vì làm lu mờ các triệu chứng tiến triển bệnh. Nhiễm trùng tiến triển lan vào trung thất sẽ có tiên lượng xấu, tử vong cao.

12.000 đến 52.000 người nhiễm siêu vi đường hô hấp tử vong mỗi năm

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Phó Chủ tịch LCH Tai Mũi Họng TPHCM đem đến bài báo cáo về “Vai trò của NITRIC OXIDE xịt mũi trong xử trí ban đầu nhiễm siêu vi đường hô hấp”.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân chia sẻ: “Nhiễm siêu vi đường hô hấp là bệnh lý thường gặp. Bệnh có thể tự khỏi, do đó không phải tất cả các trường hợp đều sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh có thể nguy hiểm vì dễ bị bội nhiễm và thậm chí gây biến chứng. Diễn tiến của nhiễm siêu vi đường hô hấp ở mức độ nhẹ hoặc nặng, đôi khi bệnh nhân phải nhập viện, thậm chí tử vong”.

Theo thống kê của CDC Mỹ, hằng năm có khoảng 9.000.000 - 41.000.000 người nhiễm siêu vi đường hô hấp. Trong đó, tỷ lệ nhập viện khoảng 140.000 - 710.000 người. Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong từ 12.000 - 52.000 người.

Đối tượng nguy cơ gồm trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi; người già trên 65 tuổi hoặc phụ nữ mang thai; người có bệnh nền, bệnh mãn tính.

PGS.TS.BS Lâm Huyền Trân - Phó Chủ tịch LCH Tai Mũi Họng TPHCM

Đối với các trường hợp nhiễm siêu vi đường hô hấp có thể điều trị tại nhà bằng các phương pháp như bạc hà, gừng, tần dày lá, khuynh diệp. Ngoài ra, có một số phương pháp điều trị khác như điều trị triệu chứng bằng các thuốc hạ sốt, giảm đau; rửa mũi nước muối, nước biển sâu...; sử dụng thuốc chống sung huyết mũi; thuốc long đàm, thuốc ho…

Điều trị tại chỗ rất quan trọng đối với đường hô hấp, đặc biệt là đường hô hấp trên. Mũi là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, vì vậy việc điều trị tại chỗ ở mũi, họng như rửa mũi, súc họng sẽ loại bớt các tác nhân gây bệnh và giúp bệnh nhân mau lành bệnh.

Hoạt tính của Nitric Oxide có tác động làm giãn mạch, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virus. Nitric Oxide tiêu diệt không chọn lọc các tác nhân virus thông qua cơ chế tác động trực tiếp và gián tiếp. Đối với cơ chế tác động trực tiếp, nitrosyl hóa Cys dẫn đến vô hiệu hóa enzym của virus; hình thành các peroxynitrit gây đứt sợi DNA; ức chế các yếu tố phiên mã dẫn đến ức chế sự nhân lên của virus. Đối với cơ chế tác động gián tiếp làm kích hoạt các tế bào liên quan đến sự bảo vệ vật chủ, bao gồm tế bào T, B, tế bào tiêu diệt tự nhiên, đại thực bào.

Nghiên cứu về diệt virus của Nitric Oxide xịt mũi cho thấy tải lượng virus giảm 95% sau 24 giờ và giảm hơn 99% sau 72 giờ. Việc kết hợp Nitric Oxide và các phân tử nano được coi như một công cụ trong cuộc chiến chống lại CORONA virus, theo nghiên cứu năm 2021. Thuốc xịt mũi Nitric Oxide có thể diệt hay làm suy yếu, giảm tải lượng virus ở đường thở trước khi lan xuống phổi.

Xịt mũi bằng Nitric Oxide có tác động đối với phản ứng viêm; tác động giãn mạch và chống huyết khối; kiểm soát thở; làm thông thoáng đường thở thông qua hoạt động tiêu nhầy; truyền tín hiệu thần kinh và có hiệu quả kháng khuẩn.

Xem thêm:

>>> Chủ tịch, Phó chủ tịch cùng các chuyên gia đầu ngành của 23 Liên chi hội chuyên khoa báo cáo tại hội nghị khoa học của Hội Y học TPHCM

>>> Những điểm mới trong điều trị tăng huyết áp, giải pháp giảm nguy cơ tim mạch ở người cao tuổi

Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 do Hội Y học TPHCM tổ chức diễn ra vào ngày 9/12/2023,  quy tụ hơn 2.100 người tham dự, với 31 bài báo cáo đến từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các chuyên gia của 23 Liên chi hội chuyên khoa tại TPHCM, cùng trao đổi - bàn luận đến các vấn đề thường gặp tại phòng khám và tuyến y tế cơ sở.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X