Hotline 24/7
08983-08983

Cách xử trí và phòng ngừa loét bàn chân đái tháo đường

Trong chương trình hôm nay, TS.BS Huỳnh Tấn Đạt - Bệnh viện Chợ Rẫy và TS.BS Trần Quang Nam​ - Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM​ sẽ cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về biến chứng bàn chân trên người bệnh đái tháo đường, hướng xử lý cũng như cách phòng ngừa cho khán thỉnh giả AloBacsi.

Phần 1: Tầm quan trọng của loét bàn chân đái tháo đường

TS.BS Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Loét bàn chân đái tháo đườngTS.BS Trần Quang Nam hiện là Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội tiết tại Đại học Y Dược TPHCM

Trên thực tế, biến chứng loét bàn chân thường hay bị bỏ quên. Chúng ta cần phải biết tầm quan trọng và hậu quả của loét chân để có thái độ phản ứng kịp thời.

Đối với người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), bàn chân dễ bị loét gấp 10 - 20 lần so với người không bị ĐTD. Theo khảo sát, cứ 4 người ĐTĐ thì có 1 người bệnh có thể bị loét trong quá trình sống của mình, chiếm 25%, đây là tỷ lệ tương đối cao.

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới, cứ mỗi 30 giây sẽ ghi nhận 1 người ĐTĐ bị đoạn chi trên toàn thế giới. Đó là hậu quả rất nặng nề đối với người bệnh ĐTĐ.

Loét bàn chân và đoạn chi do ĐTD gây ra nhiều hậu quả như làm tăng chi phí điều trị, giảm chất lượng cuộc sống, tăng khả năng tử vong trong tương lai. Những thông kê trong các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, tỷ lệ tử vong ở những người đoạn chi sau đó 5 năm tăng lên đáng kể so với những người không bị đoạn chi. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này như người bị đoạn chi có nhiều bệnh kèm theo, tỷ lệ tử vong cũng tăng lên do các bệnh lý tim mạch, thận, não…

Rất may, biến chứng này nếu có biện pháp phòng ngừa thích hợp thì có thể ngăn ngừa được tới 85% các trường hợp bị đoạn chi. Như vậy, người bệnh ĐTĐ phải có thái độ cũng như kỹ năng sống để biết cách chăm sóc tốt bàn chân của mình.

Biến chứng mạn tính của đái tháo đường

Nói chung, ĐTĐ là bệnh mạn tính, lâu ngày, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau và gây ra nhiều biến chứng:

- Trên mắt gây ảnh hưởng mạch máu như biến chứng võng mạc, tăng nhãn áp (thiên đầu thống hoặc glaucoma), đục thủy tinh thể, đây là những biến chứng thường gặp trong thực tế.

- Trên thận, người bệnh ĐTĐ lâu ngày có thể kèm theo các bệnh khác như tăng huyết áp, thận, nếu điều trị không tốt dẫn đến tình trạng thận không hoạt động, suy thận giai đoạn cuối và người bệnh có thể đến giai đoạn chạy thận định kỳ hoặc thay thế thận.

- Trên thần kinh gây ra rối loạn cảm giác, giảm cảm giác, gây tê bì, khó chịu, bệnh nhân dễ dàng bị các vết thương. Những ảnh hưởng khác ở trên não, nếu người bệnh không điều trị không tốt có thể dẫn đến đột quỵ, gây ra liệt nửa người hoặc tàn phế.

- Một biến chứng khác thường gặp hơn ở trên tim, đó là tắc các mạch máu nuôi tim, gây ra tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, có thể suy tim. Đây là hậu quả nặng nề và điều trị tương đối tốn kém.

- Một ảnh hưởng khác lên mạch máu ở chi gây ra hẹp động mạch chi đưa máu xuống bàn chân hoặc đưa đến các cơ quan khác duy trì sự sống của các phần chi đó.

Như vậy, loét chân là biến chứng thường gặp, nó phối hợp nhiều rối loạn khác nhau. Đầu tiên bệnh nhân bị viêm dây thần kinh làm giảm cảm giác, dễ dẫn đến tổn thương của bàn chân, có thể gây ra vết loét. Trên nền đó, bệnh nhân có thể kèm theo hẹp các mạch máu làm máu nuôi đến các bàn chân kém đi, vết thương trở nên khó lành. Hơn nữa, vết thương đó có thể kèm theo nhiễm trùng, tức là vi trùng đi từ bên ngoài vào gây ra nhiễm trùng, sau đó đi sâu vào khớp, xương, vào máu, dẫn đến bệnh nhân có thể đoạn chi, nhiễm trùng huyết, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Trong thực tế bệnh viện, loét chân là một trong những biến chứng thường gặp, đây là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân phải vào bệnh viện cấp cứu. Tính chung trong các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115, tại khoa Nội tiết, tỷ lệ người bệnh tiểu đường có biến chứng nặng ở bàn chân phải nhập viện có thể lên đến 40%, 50% thậm chí là 60%.

Đặc biệt, những người bị bàn chân này thường kèm theo nhiều rối loạn khác nhau như rối loạn đường huyết tăng cao, kèm theo tắc động mạch chi, bệnh mạch vành (tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim), đột quỵ, biến chứng thần kinh làm giảm cảm giác, biến chứng võng mạc, suy thận. Ngoài ra, bệnh nhân cũng kèm theo những tổn thương bàn chân như nhiễm trùng, tắc mạch dẫn đến việc điều trị rất khó khăn.

Để điều trị rối loạn đi kèm trong một tổn thương trên người bệnh ĐTĐ có biến chứng phải tiếp cận đa chuyên khoa, phối hợp nhiều bác sĩ ở các chuyên khoa khác như khoa Mạch máu, Nội tiết, Chấn thương Chỉnh hình, Tạo hình Thẩm mỹ để xử lý vết thương hoặc biến dạng bàn chân. Ngoài ra, còn có các chuyên khoa khác như khoa Nhiễm trùng để giải quyết vấn đề nhiễm trùng ở bàn chân và bác sĩ chuyên bàn chân (Podiatrist). Cuối cùng là chuyên khoa Phục hồi chức năng, sau khi bệnh nhân được điều trị tốt thì cần có các dụng cụ phục hồi chức năng, giảm áp lực tì đè lên vết thương và có những bài tập để tránh teo cơ, giúp đi lại bình thường sau khi bị tổn thương chân hoặc cắt một phần chân.

Khi phối hợp nhiều chuyên khoa, người ta có thể giảm tỷ lệ đoạn chi lên đến hơn 50% theo các nghiên cứu ở trên thế giới. Ở các nước phát triển, họ có nhiều chuyên khoa và có nhiều phương tiện để chăm sóc bàn chân nên rất thuận lợi, chẳng hạn như họ có chuyên gia bàn chân (Podiatrist) có thể định kỳ kiểm tra cho bệnh nhân ĐTD, 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần để phát hiện kịp thời nếu bàn chân có bất thường, biến dạng hay giảm cảm giác, từ đó lên kế hoạch phòng ngừa tốt hơn.

Bên cạnh đó, ở nước ngoài còn có chuyên gia dụng cụ chỉnh hình. Khi một bàn chân bị biến dạng hoặc loét cần có dụng cụ chỉnh hình để hỗ trợ, giảm áp lực tì đè lên vết loét, như vậy sẽ tạo điều kiện cho vết loét nhanh lành. Có những dụng cụ chỉnh hình rất đặc biệt như là miếng xốp và được khoét lỗ ngay vị trí chân bị loét để không bị tì đè, hoặc giày chỉnh hình. Chi phí cho những dụng cụ này tương đối cao và hiện chỉ có ở nước ngoài.

Chăm sóc bàn chân đái tháo đường ở các nước phát triển

Chăm sóc bàn chân đái tháo đường

Ở Việt Nam, trên thực tế các bác sĩ Nội tiết cũng như bác sĩ ngoài Nội tiết cũng đang quản lý, kiểm soát đường huyết tốt nhất để làm sao không bị biến chứng về nhiễm trùng. Ngoài ra, chúng tôi cũng có chương trình tầm soát định kỳ, các nguy cơ của loét chân và chú ý đến việc khám cảm giác, biến dạng của bàn chân để hướng dẫn người bệnh có hướng chăm sóc phù hợp. Nếu bệnh nhân phải nhập viện vì những biến chứng nặng, chúng tôi sẽ điều trị những loét chân nhiễm trùng đó với nhóm điều trị gồm nhiều chuyên khoa.

Đồng thời, chúng tôi cũng thực hiện những hoạt động khác để phòng ngừa và xử trí bàn chân như: Cung cấp cho người bệnh thông tin trong các câu lạc bộ về bàn chân để tự chăm sóc hàng ngày; Tầm soát biến dạng, biến chứng của người bệnh để hỗ trợ kịp thời; Ở một số bệnh viện tuyến cuối hiện đã hình thành nhóm điều trị bàn chân gồm nhiều chuyên gia khác nhau, phối hợp tương đối thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý biến chứng bàn chân phức tạp khi bệnh nhân để đến giai đoạn quá muộn. Những khó khăn chúng tôi gặp phải trong quá trình điều trị bệnh nhân ĐTĐ và phòng ngừa biến chứng đó là: Số lượng bệnh nhân khám và phải xử trí tương đối đông, quá tải, dẫn đến giảm thời gian tầm soát biến chứng cho người bệnh; Hiện nay ở Việt Nam chưa có chuyên gia bàn chân, không có điều dưỡng và chăm sóc vết thương tiểu đường chuyên biệt, dụng cụ chỉnh hình cho bàn chân ĐTĐ cũng chưa phát triển.

Chúng tôi cũng hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ phát triển được các lĩnh vực này để chăm sóc cho người bệnh tốt hơn, giữ gìn bàn chân cho người bệnh.

Trong năm nay, Hiệp hội chăm sóc vết thương châu Âu sẽ tổ chức một ngày bàn chân ĐTĐ thế giới vào tháng 5 nhưng do dịch bệnh COVID-19 ở Anh nên hội nghị dời lại đến tháng 11. Dự kiến, ngày bàn chân ĐTĐ thế giới sẽ diễn ra ở Hiệp hội chăm sóc vết thương châu Âu vào ngày 20/11//2020. Tại đây sẽ kêu gọi sự tham gia của nhiều đối tác, vừa có người bệnh, chuyên gia y tế, chuyên viên về giáo dục ĐTĐ và các nhà quản lý. Đồng thời cũng kêu gọi các Hiệp hội bàn chân ĐTĐ trên thế giới cùng lan tỏa thông điệp này để chúng ta nhìn lại lĩnh vực chăm sóc bàn chân đã làm được gì và sẽ tìm cách phát triển thêm các biện pháp phòng ngừa, điều trị biến chứng bàn chân cho bệnh nhân hiệu quả.

Tóm lại, bàn chân ĐTĐ là vấn đề quan trọng và để lại hậu quả rất nặng nề nếu không phát hiện kịp thời, có thể gây ra các biến chứng loét chân, đoạn chi, thậm chí làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, tăng tỷ lệ tử vong. Thường có nhiều vấn đề đi kèm trong bàn chân ĐTĐ nên chúng ta cần phải tiếp cận và điều trị toàn diện, kết hợp nhiều chuyên khoa khác nhau. Phòng ngừa bao giờ cũng quan trọng hơn chữa bệnh.

Phần 2: Hướng dẫn phòng ngừa và xử trí bàn chân ĐTĐ cho cộng đồng

TS.BS Huỳnh Tấn Đạt - Khoa Nội tiết - Bệnh viện Chợ Rẫy

Phòng ngừa biến chứng bàn chân đái tháo đườngTS.BS Huỳnh Tấn Đạt hiện đang công tác tại Khoa Nội tiết - Bệnh viện Chợ Rẫy và là giảng viên Bộ môn Nội tiết Đại học Y Dược TPHCM

Trước tiên, liên quan đến phòng ngừa và điều trị thì chúng ta phải hiểu về các yếu tố loét chân cũng như các yếu tố nguy cơ.

Yếu tố loét chân ở Việt Nam và thế giới có một số điểm giống và khác nhau. Nguyên nhân hàng đầu gây loét chân ở Việt Nam và trên thế giới là do biến chứng thần kinh liên quan đến giảm hoặc mất cảm giác, liên quan đến biến dạng bàn chân và tiền sử loét chân hoặc đoạn chi.

Hơn nữa, tỷ lệ tái loét rất cao, trong các nghiên cứu ở Việt Nam cũng như trên thế giới ghi nhận tỷ lệ tái loét sau khi bị loét thường là khoảng 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm. Trong nghiên cứu của tác giả Connor 2004 ở Mỹ cho thấy 1/3 bệnh nhân bị tái loét sau 1 năm, 50% tái loét sau 3 năm. Trong nghiên cứu của chúng tôi gần đây trên 200 bệnh nhân ĐTĐ bị loét chân thì khoảng 20% bị tái loét sau 1 năm, hơn 1/3 bệnh nhân bị tái loét sau 2 năm (34,8%).

Liên quan đến đoạn chi ở Việt Nam và thế giới cũng có sự khác biệt. Nguyên nhân hàng đầu gây đoạn chi ở các nghiên cứu hàng đầu trên thế giới, đặc biệt ở nước phát triển như châu Âu, Mỹ nguyên nhân đoạn chi chủ yếu là do biến chứng mạch máu, 50% bệnh nhân có loét chân là có biến chứng mạch máu ở các nước Âu Mỹ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam nguyên nhân đoạn chi nhiều nhất là do biến chứng nhiễm trùng. Nghiên cứu của chúng tôi gần đây cũng cho thấy, trên 50% bệnh nhân nhập viện có nhiễm trùng nặng ở bàn chân, nhiễm trùng gây tổn thương mô quá lớn, cuối cùng sẽ cắt cụt. Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm trùng chân nặng dưới 20%.

ĐTĐ có 3 biến chứng. Biến chứng đầu tiên là quan trọng nhất, đó là biến chứng thần kinh: giảm cảm giác, gây biến dạng bàn chân, bệnh nhân dễ loét và diễn tiến thành nhiễm trùng, cuối cùng là đoạn chi.

Biến chứng thứ hai là mạch máu: Bệnh nhân bị hẹp hoặc tắc mạch máu chi dưới, mạch máu không nuôi dưỡng được chân, chỉ cần loét nhẹ bệnh sẽ diễn tiến nặng và cuối cùng là hoại thư, cắt cụt.

Biến chứng thứ ba là nhiễm trùng. Biến chứng này sễ xảy ra ở bệnh nhân ĐTĐ, đặc biệt là những người kiểm soát đường huyết kém. Trên nền một vết loét có sẵn, nhiễm trùng lan rất nhanh, cuối cùng gây tổn thương nặng bàn chân và phải đoạn chi.

Yếu tố cần đặc biệt quan tâm là hút thuốc lá. Ngoài việc gây biến chứng mạch máu, hút thuốc lá gây co mạch, thiểu dưỡng bàn chân. Do vậy bệnh nhân ĐTĐ nên lưu ý vấn đề này.

Chăm sóc, vệ sinh. Bệnh nhân ĐTĐ đi chân trần, không bảo vệ chân dễ bị thương và nhiễm trùng nặng. Kiến thức chăm sóc kém tạo nên vết loét, dễ nhiễm trùng.

Biến chứng thần kinh ở bàn chân: Là yếu tố quan trọng gây loét chân:

- Bệnh nhân rối loạn cảm giác: tê, châm chích, kiến bò gây khó chịu, đặc biệt là vào ban đêm. Vì vậy, bệnh nhân thường tìm các giải pháp giảm tê nhức, như ngâm nước nóng, hơ đèn, đắp muối. vô hình chung điều này gây vết loét.

- Giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân giảm hoặc mất cảm giác. Chính vì vậy bệnh nhân không biết được vết loét đau, và khi nhận ra thì vết loét đã nghiêm trọng. Do vậy, khi bị vết loét không đau nhức, bệnh nhân sẽ lơ là chăm sóc, tiếp tục đi với chân bị loét, vết thương sẽ nặng thêm.

- Biến chứng bàn chân thường kèm theo biến dạng bàn chân, khi đi dễ cọ xát với giày dép và tạo vết loét. Biến dạng này có nhiều hình dạng khác nhau, thường là hình búa, lệnh trong lệch ngoài. Khi mang giày dép không phù hợp tạo ra những điểm tì đè bất thường, lâu ngày tạo nốt chai. Hoặc bệnh nhân đi nhiều gây loét trực tiếp trên vị trí tì đè.

Biến chứng thần kinh ở người đái tháo đường

Biến dạng bàn chân ở người đái tháo đường

Các vị trí bàn chân có nguy cơ cao bị loét do đái tháo đườngBiến chứng thần kinh ở người đái tháo đường

Những vị trí bàn chân dễ bị loét nhất gồm: lòng bàn chân, ngón cái, gót, đầu xương bàn gần ngón. Một số trường hợp biến dạng hình vuốt thường do đi giày dép cọ xát mặt trên và tạo nốt chai hoặc loét trực tiếp.

Móng chân cũng ảnh hưởng đến bàn chân ĐTĐ. Nấm móng là yếu tố thuận lợi cho nhiễm trùng trong điều kiện bệnh nhân chăm sóc kém hoặc ngâm nước. Bên cạnh đó, cọ xát giày dép dễ tổn thuơng nền móng, tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập vào.

Khô nứt da cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng. Mặt khác, phù chân cũng là yếu tố quan trọng không kém. Khi phù chân, sức đề kháng bàn chân giảm, không phù hợp với giày dép bệnh nhân đang sử dụng, đi nhiều có khả năng trầy xước.

Tình trạng hăm ở kẽ ngón cũng cần lưu tâm. Nếu kẽ ngón biến dạng, ép sát vào nhau, khi rửa không làm khô, lâu ngày sẽ hầm hơi và tạo ra vết loét cũng như nhiễm trùng.

Biến chứng mạch máu là biến chứng quan trọng gây loét chân và cắt cụt khá cao. Biến chứng này liên quan đến nhiều yếu tố. Ngoài ĐTĐ lâu năm, kiểm soát đường huyết kém, còn có một số bệnh lý liên quan kèm theo như tăng huyết áp, mỡ máu, hút thuốc lá, cao tuổi… gây hẹp động mạch chi dưới, chân giảm sức đề kháng, giảm tưới máu, dễ loét chân, hoặc vết loét lâu lành, hoại thư, và cắt cụt.

Biến chứng mạch máu ở người đái tháo đường

Biến chứng bàn chân đái tháo đườngBiến chứng mạch máu

Biến chứng nhiễm trùng xuất hiện khi có vết loét hoặc trầy xước, sau đó lan rộng dần. Những yếu tố thuận lợi là người bệnh giảm sức đề kháng, đường huyết quá cao, sử dụng thuốc giảm sức đề kháng nhanh như thuốc giảm đau có coritcoid, hẹp động mạch chi dưới… Do đó, nhiễm trùng lan rộng nhanh.

Các dấu hiệu bàn chân người tiểu đường bị nhiễm trùng

Một số bệnh nhân phát hiện muộn, chăm sóc và điều trị không đúng mức và thường xuyên đi lại làm cho nhiễm trùng lan rộng.

Các sai lầm người bệnh thường mắc phải: thói quen đi chân trần; sơn móng; cắt lễ, châm cứu khi đau nhức hoặc tê chân; không băng bó vết loét hoặc băng bó không thường xuyên; đắp lá cây, thuốc không rõ nguồn gốc; thường xuyên đi lại khi có vết loét.

Chăm sóc bàn chân ĐTĐ:

- Không được đi chân trần dù ở nhà. Trong nghiên cứu gần đây của chúng tôi, vẫn còn 20% bệnh nhân ĐTĐ đi chân trần so với năm 2000 là 60%.

- Cắt móng chân nên cắt ngang, dũa mép móng. Không nên lấy khóe hoặc bo tròn móng, dễ gây nhiễm trùng.

- Không ngâm  chân vào nước nóng, không hơ đèn, hơ lửa hay đắp thuốc.

- Tránh đi giày dép cao gót và nhọn đầu.

- Kiểm tra thường xuyên 2 bàn chân, nhất là lúc đi ra ngoài về hoặc trước khi đi ngủ để phát hiện sớm vết thương và điều trị kịp thời.

- Nếu mắt kém có thể nhờ người thân kiểm tra 2 bàn chân mỗi ngày.

Những điều cần làm:

- Vệ sinh bàn chân mỗi ngày

- Rửa chân bằng nước sạch, lau khô bằng khăn mềm, nhất là kẽ ngón

- Nên thoa kem giữ ẩm da nếu da chân bị khô để làm mềm da, tránh nứt da

- Tránh thoa kem vào giữa các kẽ ngón

- Luôn mang giày dép

- Chọn giày dép mềm, rộng vừa phải, không quá chật. Nên mua giày dép buổi chiều vì thời điểm này chân to hơn buổi sáng.

- Nên mang vớ, chon vớ mềm, đàn hồi, hút ẩm (len hoặc cotton)

- Nên kiểm tra giáy dép thường xuyên, nhất là giày dép mới mua hoặc mang lâu ngày.

- Chăm sóc vết chai:

+ Bàn chân có nốt chai cần tới phòng khám chuyên khoa để được cắt gọt và hướng dẫn chăm sóc định kỳ.

+ Với vết chai nhỏ, nên dùng đá bọt hay bàn mài. Sau khi tắm xong để da đủ mềm, sau đó mài theo một hướng.

- Khi có vết loét bàn chân, nên hạn chế đi lại trên bàn chân có vết thương

- Đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt để được chăm sóc đúng mức

- Khi có triệu chứng bất thường về bàn chân nên hỏi ngay ý kiến bác sĩ điều trị.

Điều trị tốt các bệnh phối hợp:

- Kiểm soát tốt các yếu tố ảnh hưởng tới bàn chân, và tái khám và theo dõi thường xuyên:

+ Đường huyết

+ Huyết áp

+ Mỡ máu

+ Điều trị các biến chứng khác: suy tim, suy thận…

- Ăn uống, tập luyện thể dục, dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

- Đường huyết mục tiêu:

+ Lúc đói ≤ 130 mg/dl

+ Sau ăn ≤ 180mg/dl

+ HbA1c ≤ 7%

- Ngưng thuốc lá.

Bàn chân ĐTĐ là biến chứng thường gặp liên quan đến 3 biến chứng: thần kinh, mạch máu, nhiễm trùng, dễ dẫn đến cắt cụt và tử vong. Nếu điều trị đúng mức các yếu tố nguy cơ gây loét bàn chân và biết cách phòng phòng, sẽ giảm tỷ lệ loét và đoạn chi. Điều quan trọng là phòng ngừa xảy ra vết loét. Bệnh nhân cần điều trị nội khoa tốt như ổn định đường huyết, huyết áp, mỡ máu, ngưng thuốc lá; chăm sóc bàn chân đúng cách. Nếu xảy ra vết loét cần thăm khám bác sĩ ngay.

Phần 3: Giải đáp thắc mắc thường gặp của người bệnh ĐTĐ

Biến chứng của bệnh ĐTĐ là nỗi lo thường trực của những người bị bệnh mạn tính này. Xin BS cho biết những biến chứng này thường xảy ra sau bao nhiêu năm, hay phụ thuộc vào những yếu tố gì ạ? Tất cả những người bị ĐTĐ đều có nguy cơ bị hay chỉ 1 số người?

TS.BS Huỳnh Tấn Đạt trả lời: Biến chứng bàn chân ĐTĐ bao gồm biến chứng thần kinh, mạch máu và/ hoặc nhiễm trùng nên phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời gian bị ĐTĐ, mức kiểm soát ĐH (kiểm soát ĐH kém biến chứng xuất hiện sớm hơn), tuổi, giới, hút thuốc lá, các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, suy thận, ý thức chăm sóc và vệ sinh bàn chân… Do đó tất cả bệnh nhân ĐTĐ đều có nguy cơ bị biến chứng bàn chân.

Tuy nhiên biến chứng bàn chân ngoài phụ thuộc vào các yếu tố nêu trên còn phụ thuộc vào yếu tố cơ địa: có bệnh nhân bị biến chứng sớm hơn và nặng hơn những bệnh nhân khác.

Biến chứng bàn chân có liên quan đến thời gian bị ĐTĐ và còn phụ thuộc vào các yếu tố khác đã nêu ở trên nên thời gian xuất hiện biến chứng sẽ thay đổi; nghiên cứu của Lavery (1998, Mỹ) cho thấy ĐTĐ > 10 năm có nguy cơ loét gấp 3 lần so với ĐTĐ ngắn hơn; NC của Rith-Najarian và cộng sự (1992, Mỹ) cho thấy ĐTĐ từ 10 năm đến 19 năm có nguy cơ loét chân gấp 2 lần và từ 20 năm trở lên có nguy cơ gấp 6 lần so với người bị ĐTĐ < 10 năm.

Vì sao người ta quan tâm đến biến chứng bàn chân tiểu đường mà không đề cập đến bàn tay? Có phải do biến chứng sẽ không xảy ra ở bàn tay, thưa BS?

TS.BS Huỳnh Tấn Đạt trả lời: Biến chứng bàn chân thường gặp hơn biến chứng bàn tay ở bệnh nhân ĐTĐ nên biến chứng bàn tay ít được đề cập hơn. Biến chứng ở bàn chân bị sớm và nặng hơn ở bàn tay do nhiều yếu tố:

- Mạch máu và thần kinh chi phối cho chân dài hơn và nhỏ hơn nên xuất hiện biến chứng thần kinh, mạch máu sẽ sớm hơn và nặng hơn ở bàn tay.

- Chân chịu áp lực tì đè, cọ xát khi đi lại nên dễ bị biến dạng và tổn thương hơn bàn tay.

- Chân vệ sinh kém hơn, quan sát khó và ít được quan tâm chăm sóc hơn bàn tay.

Trên thực tế vẫn gặp những trường hợp bệnh nhân ĐTĐ bị vết thương ở bàn tay do giảm hoặc mất giác (thường kèm theo mất cảm giác ở chân) khi sinh hoạt đặc biệt khi làm bếp (phỏng do nấu nướng…), một số trường hợp hoại tử các ngón tay ở bệnh nhân ĐTĐ chạy thận nhân tạo có bắt cầu mạch máu tay để chạy thận.

TS.BS Trần Quang Nam trả lời: Đúng là tôi có thấy vấn đề đó trên thực tế. Trong bệnh viện, đôi khi cũng gặp những bệnh nhân có vết thương ở bàn tay. Khi đến bệnh viện thì nhiễm trùng đã lan rộng khá nhiều, thậm chí là nguyên một bàn tay bị nhiễm trùng. Thường những người bệnh này có đường huyết rất cao, không kiểm soát đường huyết tốt, đây là yếu tố quan trọng dẫn đến nhiễm trùng không kiểm soát được.

Đối với những bệnh nhân này, sau khi điều trị chúng tôi thường phải khuyên nên kiểm soát đường huyết tốt, quan trọng là phải giữ gìn đôi tay, tránh bị trầy xước và nếu lỡ xảy ra trầy xước thì phải xử trí, chăm sóc đúng cách. Tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách chăm sóc cho đúng, hơn là ở nhà tự ý đắp thuốc lá, điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng.

Tôi cũng thấy có trường hợp bệnh nhân bị biến chứng nặng, phải cắt nguyên bàn tay để bảo vệ tính mạng, vì lúc này nhiễm trùng đã quá nặng, vào trong máu gây nhiễm trùng huyết, dễ dẫn đến nguy cơ sốc nhiễm trùng, tử vong cao.

Với người bị suy giãn tĩnh mạch chân, đồng thời có bệnh ĐTĐ thì việc điều trị có khác gì so với người không bị ĐTĐ ạ?

TS.BS Huỳnh Tấn Đạt trả lời: Bệnh nhân ĐTĐ có suy giãn tĩnh mạch chân về cơ bản điều trị cũng tương tự như người không bị ĐTĐ (nâng chân, mang vớ, dùng thuốc). Tuy nhiên bệnh nhân ĐTĐ sẽ gặp khó khăn hơn và có nhiều nguy cơ diễn tiến nặng hơn:

- Nếu kiểm soát ĐH kém chân sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn (đặc biệt ở người suy giãn tĩnh mạch chân bị phù, có loét do tĩnh mạch).

- Nếu có biến chứng thần kinh, hẹp tắc động mạch (biến chứng mạch máu) dễ bị loét chân và diễn tiến nặng hơn…

Vì vậy bệnh nhân ĐTĐ có suy giãn tĩnh mạch ngoài các phương pháp điều trị suy tĩnh mạch cũng cần quan tâm điều trị và chăm sóc bàn chân ĐTĐ đúng mức như các kiến thức đã trình bài phần 2.

TS.BS Trần Quang Nam trả lời: Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý thường gặp trên cả những người ĐTĐ và không ĐTĐ. Bệnh suy giãn tĩnh mạch cũng làm phức tạp thêm vấn đề điều trị bệnh ĐTĐ có loét chân. Do đó, chúng ta cần phối hợp nhiều biện pháp để giải quyết vết thương phức tạp này.

[DAP]

Đôi nét về chuyên gia:

TS.BS Trần Quang Nam tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược TPHCM năm 1995. Cũng tại ngôi trường này, năm 2007 anh hoàn thành luận án thạc sĩ và năm 2005 nhận bằng Tiến sĩ với chuyên ngành Nội tiết.

TS.BS Trần Quang Nam hiện là Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Bên cạnh công tác khám chữa bệnh, TS.BS Trần Quang Nam còn là Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội tiết tại Đại học Y Dược TPHCM, tham gia giảng dạy đái tháo đường và nội tiết học cho sinh viên y khoa; giảng dạy bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, bác sĩ nội trú và cao học. Đồng thời, anh còn tham gia đào tạo trong các chương trình đào tạo liên tục cho bác sĩ đa khoa.

20 năm trong ngành Y, ngoài việc trau dồi - truyền dạy kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm, TS.BS Trần Quang Nam hiện có 18 công trình khoa học đã công bố trên các tạp chí Y học trong và ngoài nước.

TS.BS Huỳnh Tấn Đạt tốt nghiệp trường Đại học Y Dược TPHCM năm 1995, nhận bằng thạc sĩ năm 2006 và hoàn thành luận án tiến sĩ năm 2020.

TS.BS Huỳnh Tấn Đạt hiện đang công tác tại Khoa Nội tiết - Bệnh viện Chợ Rẫy và là giảng viên Bộ môn Nội tiết Đại học Y Dược TPHCM.

25 năm trong ngành Y, TS.BS Huỳnh Tấn Đạt không ngừng tích lũy kinh nghiệm tại các bệnh viện lớn trong thành phố như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM,  Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Ngoài tham gia các khóa đào tạo nâng cao khả năng chuyên môn về Nội tiết, Đái tháo đường tại Pháp, TS.BS Huỳnh Tấn Đạt còn dành thời gian nghiên cứu, thực hiện các công trình khoa học.

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X