Hotline 24/7
08983-08983

Cách xử trí khôn khéo của cha mẹ khi con bị thú cưng tấn công

Theo BS Trương Hữu Khanh, một số loại vật nuôi trong nhà như chó, mèo,… rất dễ thương, là người bạn thân thiết của trẻ. Tuy nhiên, đôi lúc chúng cũng gây ra những vết thương cho chính chủ nhân của mình. Vì vậy, cha mẹ cần học cách phòng ngừa và xử lý đúng cách khi con bị thú cưng tấn công.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Vì sao vật nuôi có thể trở nên nguy hiểm?

Bình thường, những động vật nuôi trong nhà như chó, mèo,… rất dễ thương, là người bạn thân thiết của trẻ. Tuy nhiên, thực tế không ít em nhỏ đã bị chính những động vật nuôi trong nhà gây tai nạn thương tích. Xin hỏi, vì sao những con vật thân thuộc lại có thể trở thành nguy hiểm thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Có thể nói chó mèo là thú cưng rất gần gũi với con người. Đặc biệt khi nghiên cứu người ta nhận thấy nếu một đứa trẻ có điều kiện (đủ tuổi) để chăm sóc một con thú cưng thì đứa trẻ này sẽ thuần tính hơn nhiều so với những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, để chăm sóc thú nuôi thì cần đủ lớn, bởi nếu để trẻ chăm sóc thú nuôi sẽ có 2 nguy cơ:

  • Thứ nhất: lông chó, mèo có thể khiến trẻ mắc bệnh; hoặc nếu thú nuôi thải ra sán cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể bị suyễn, viêm đường hô hấp,… nếu nuôi chó mèo.
  • Thứ hai: trẻ có thể bị chó, mèo tấn công (ở nhiều mức độ khác nhau). Nhiều trường hợp trẻ bị chó, mèo cắn thậm chí cắn nát mặt để lại rất nhiều những hậu quả lâu dài đi theo suốt cuộc đời trẻ.

Nếu đã quyết định cho bé chăm sóc chó mèo thì phụ huynh cần hiểu lứa tuổi, giai đoạn, loại chó mèo nào là phù hợp. Đảm bảo giúp trẻ có thể đáp ứng nhu cầu sở thích cũng như an toàn.

2. Làm sao để giảm nguy cơ thú cưng gây tai nạn cho trẻ?

Không chỉ gây tai nạn thương tích mà trẻ cũng có thể bị mắc bệnh do thú cưng, đặc biệt là dễ bị nhiễm giun, sán. Để giảm thiểu nguy cơ này, bố mẹ cần làm gì thưa BS? Thời gian xổ giun ở trẻ trong gia đình có nuôi chó, mèo có cần rút ngắn hơn so với thông thường?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu bạn để chó mèo sinh hoạt chung thì ngoài việc bảo vệ sự an toàn cho trẻ còn cần xổ giun cho chó, mèo. Khi cho trẻ nuôi chó, mèo phải đảm bảo những con thú cưng này sạch sẽ không có tác nhân gây bệnh khác như ve chó, bọ chét, … vì những con vật gây bệnh này rất có thể sẽ tấn công qua trẻ nhỏ.

Làm được những điều trên rồi thì hãy nghĩ đến việc cho trẻ nuôi thú cưng, cho chó mèo gần gũi với trẻ. Nếu không đảm bảo được thì nên để trẻ giữ khoảng cách với chó, mèo; bởi trẻ không thể ý thức được là sẽ tự bảo vệ mình trước những tác nhân gây hại.

Đặc biệt, nếu một em bé bị suyễn do lông chó, mèo thì chắc chắn không thể nào để em bé tiếp xúc với chó, mèo nữa. Bởi nếu cơ địa trẻ đặc biệt như vậy thì cần chọn lựa một lối sống sinh hoạt khác chứ không phải bắt buộc nuôi thú cưng.

BS Trương Hữu KhanhBS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Thần kinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1

3. Lưu ý gì khi chọn nuôi thú cưng?

Gia đình có trẻ nhỏ, khi chọn thú cưng cần lưu ý gì? Dạy trẻ cách chơi đùa với thú cưng sao cho đúng thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Dù chúng tôi đã nhắc phụ huynh nhiều trên các phương tiện truyền thông báo chí nhưng việc trẻ bị chó, mèo cắn vẫn xảy ra quá nhiều.

Khi nuôi chó, mèo cần lưu ý:

  • Nơi ăn của chó, mèo không được gần trẻ bởi chính những loại thức ăn này cũng có thể khiến trẻ bốc bỏ vô miệng trong khi đó nước bọt của chó, mèo cũng có thể khiến trẻ bị lây một số bệnh.
  • Cần dạy trẻ không được đến trêu chó, mèo khi chúng đang ăn.
  • Không được nắm, đạp lên đuôi chó, mèo bởi chúng sẽ tấn công.
  • Nếu em bé dưới 4 tuổi thì nên hạn chế chăm sóc chó, mèo bởi ở độ tuổi còn quá nhỏ trẻ sẽ không hiểu được cách chơi với chó mèo như thế nào.
  • Không phải độ tuổi nào cũng có thể chăm sóc được chó, mèo.
  • Cần chọn loại chó, mèo nào đủ thuần và nhỏ. Bởi nếu không khi lớn chúng quay ngược sang tấn công trẻ, trong những trường hợp nếu cấp bách và nguy hiểm thì thậm chí cả người lớn cũng không thể can.
  • Đặc biệt, em bé dưới 12 tháng chắc chắn phải cách xa môi trường của thú nuôi.

4. Xử lý sao khi bị chó, mèo tấn công?

Cần trang bị những kỹ năng nào để đảm bảo an toàn cho con khi nhà có vật nuôi chó, mèo? Cách xử lý tình huống khi bị chó, mèo tấn công?

BS Trương Hữu Khanh:

Khi nuôi chó, mèo cần tìm hiểu cách tắm nếu không tự tắm được bạn có thể bế chúng đến các spa chó mèo để các nhân viên ở đó giúp bạn. Cần lưu ý lịch chích ngừa và tiêm phòng cho chó, mèo. Hiểu đúng về chúng thì mới đảm bảo được rằng bạn có thể chăm sóc lâu dài cho chú chó, mèo nào đó của chính mình.

Đừng để xảy ra trường hơp bé nhà bạn bị chó mèo tấn công.

Nếu một con chó xông tới bạn thì bạn nên đứng im và hướng ánh mắt của mình sang chỗ khác, lùi dần chậm rãi ra sau đến khi đủ khoảng cách an toàn thì sau đó ra xa chỗ khác. Đừng và tuyệt đối không bỏ chạy vì như vậy chúng sẽ càng tấn công thêm. Đừng chằm chằm nhìn vào mắt chó vì như vậy chúng sẽ càng muốn tấn công bạn.

5. Cha mẹ nên làm gì khi con bị chó cắn, mèo cào?

BS có thể chia sẻ cho các bậc phụ huynh biết những bước cần làm khi bị chó cắn, mèo cào? Gia đình nên theo dõi vật nuôi ra sao? Tình huống nào cha mẹ cần cho con tiêm ngừa dại, tiêm ngừa uốn ván ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu trẻ bị cắn xa vùng đầu, vết thương không nhiều thì chúng ta nên theo dõi chó.

Sau khi cắn khoảng 10 ngày nếu thật sự bị dại chó sẽ chết. Vì thế trong 10 ngày nếu chó không bị dại thì không cần thiết phải chích ngừa, tuy nhiên cũng cần vệ sinh, rửa vết thương; vì nếu để vết thương bẩn cũng có nguy cơ dễ bị nhiễm trùng.

Nếu trẻ bị cắn gần vùng mặt, con chó chạy mất và không thể giám sát được thì chắc chắn cần đến cơ sở tiêm ngừa để các BS ở đó giúp bạn quyết định có nên chích huyết thanh kháng dại hay không, sau đó chích ngừa.

Hiện nay, với thế hệ vắc xin dại được nhập mới đã không còn ảnh hưởng đến trí tuệ và sức khỏe của trẻ, nên đừng ngần ngại chích ngừa.

Nếu trẻ không có vấn đề gì nghiêm trọng (đã giữ được con chó cắn trẻ) thì nên theo dõi trong 10 ngày.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X