Hotline 24/7
08983-08983

Cách xử lý và phòng ngừa nhiễm độc thủy ngân do vỡ nhiệt kế

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trường hợp hi hữu, bé gái bị nhiễm độc thủy ngân do người nhà làm vỡ nhiệt kế, điều này dấy lên mối lo ngại cho các bậc phụ huynh. Nếu lỡ bị vỡ nhiệt kế, nên làm gì để phòng ngừa ngộ độc thủy ngân cho trẻ? Dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân là gì? BS Trương Hữu Khanh đã giúp các bậc phụ huynh giải đáp tất cả các thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Thủy ngân xâm nhập vào cơ thể thông qua các vị trí nào?

Nhiệt kế thủy ngân là thiết bị đo nhiệt độ cơ thể truyền thống với độ chính xác cao. Nhưng câu chuyện vỡ nhiệt kế gây nhiễm độc khiến cha mẹ lo ngại về vấn đề an toàn của thiết bị này.

Xin hỏi BS, xác xuất vỡ dụng cụ này trong sinh hoạt chiếm khoảng bao nhiêu? Hàm lượng thủy ngân có trong nhiệt kế liệu có đủ gây hại cho trẻ?

BS Trương Hữu Khanh:

Nhiễm độc thủy ngân hiếm khi xảy ra, nên trường hợp thủy ngân bị vỡ có thể do trẻ ngậm và cắn phải, tình huống này rất nguy hiểm vì trẻ sẽ nuốt thủy ngân vào cơ thể. Còn nếu chỉ rơi xuống đất thì không đáng sợ, bởi cha mẹ có thể quét dọn được.

Hiện, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới năm 2025 sẽ loại bỏ việc sử dụng nhiệt kế thủy ngân. Ngoài việc dễ bị vỡ, khi thủy ngân thải ra môi trường cũng rất có hại.

Bên cạnh nhiệt kế thủy ngân, hiện nay người tiêu dùng có thêm lựa chọn khác là sử dụng nhiệt kế điện tử. Cả 2 dụng cụ này đều có mặt lợi và mặt hại.

Đối với nhiệt kế thủy ngân, kết quả thường chính xác hơn, nhưng phải vảy xuống trước khi sử dụng. Trường hợp dùng nhiệt kế loại cặp nách thì tuyệt đối không cho trẻ ngậm miệng, vì có thể trẻ sẽ cắn và gây nguy hiểm. Ngoài ra, không nên đưa cho trẻ chơi, sau khi sử dụng hãy cất đi.

Đối với nhiệt kế điện tử cần dùng đến pin, nếu sử dụng nhiều lần liên tục độ chính xác có thể sai hoặc giảm. Ngoài ra, giá bán của loại này cũng mắc hơn so với loại thủy ngân.

Thủy ngân xâm nhập vào cơ thể để gây độc thông qua các vị trí nào? Trong các tình huống: dính vào da, hít phải trong không khí, nuốt phải thủy ngân… trường hợp nào nguy hiểm hơn mà cha mẹ cần đưa con đên bệnh viện ngay lập tức?

BS Trương Hữu Khanh:

Trong các tình huống trên thì trường hợp trẻ cắn hoặc hít phải thủy ngân sẽ nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, nếu nhiệt kế bị vỡ, miếng thủy tinh dính vào da và làm rách da trẻ thì cũng rất đáng lo ngại.

3. Các bước xử trí khi vỡ nhiệt kế, làm sao phòng ngừa nhiễm độc thủy ngân?

Nhờ BS hướng dẫn các bước xử lý khi nhiệt kế bị vỡ ạ? Làm gì để tránh ngộ độc khi thủy ngân trong nhiệt kế bị vỡ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Đa số các bậc phụ huynh sẽ hoảng hốt khi thấy nhiệt kế thủy ngân rơi vỡ xuống đất, nhưng nếu trẻ vẫn bình thường thì cha mẹ không nên quá lo sợ. Vì nhiệt kế rơi xuống đất thường ít gây nguy hiểm hơn là trẻ ngậm và cắn, sau đó nuốt phải thủy ngân.

Do đó, cha mẹ lưu ý chỉ cần dọn dẹp sạch sẽ chỗ nhiệt kế rơi vỡ, còn nếu chẳng may nhiệt kế làm rách da hoặc con nuốt phải thủy ngân thì mới cần suy nghĩ nên đưa trẻ đi khám hay không.

Quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, bằng cách không để nhiệt kế thủy ngân trong tầm tay của trẻ và sau khi sử dụng cần cất ngay.

4. Dấu hiệu trẻ ngộ độc thủy ngân

Các triệu chứng nào cho thấy trẻ bị ngộ độc thủy ngân thưa BS? Cần theo dõi trẻ trong bao lâu để phát hiện các dấu hiệu này ạ? Và ngộ độc thủy ngân được điều trị ra sao?

BS Trương Hữu Khanh:

Rất khó để biết trẻ đã hít hoặc nuốt thủy ngân hàm lượng bao nhiêu vào trong cơ thể, do đó tốt nhất cha mẹ hãy theo dõi và quan sát trẻ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường như nôn ói thì nên đưa con đi khám bệnh ngay.

Đặc biệt, nếu thủy ngân dính vào da trẻ thì sẽ có biểu hiện nóng đỏ, trầy xước, tình huống này chắc chắn cha mẹ cũng cần đưa con đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ sẽ đo lượng thủy ngân trong máu cho trẻ rồi mới có cách giải quyết cụ thể.

Thông thường, mất bao lâu để thủy ngân đào thải hết ra khỏi cơ thể? Sau khi điều trị tại bệnh viện, khi về nhà cha mẹ cần chăm sóc thế nào, lưu ý gì trong chế độ dinh dưỡng để phục hồi tốt nhất cho trẻ?

BS Trương Hữu Khanh:

Điều quan trọng đầu tiên khi trẻ nuốt thủy ngân là phải cho trẻ uống nhiều nước, sau đó hãy đưa trẻ tới bệnh viện ngay.

Vì nếu đã chắc chắn trẻ nuốt thủy ngân hoặc thủy ngân đã xâm nhập vào máu qua vết nứt ở tay, chân thì cha mẹ không nên chần chừ, hãy đưa con tới bệnh viện gấp để được bác sĩ đánh giá và làm các xét nghiệm cần thiết.

5. Lưu ý gì trong sinh hoạt để phòng ngừa nhiễm độc thủy ngân?

Ngoài nhiệt kế, còn các nguồn lây nhiễm thủy ngân nào trong sinh hoạt thưa BS? Cần lưu ý gì để tránh các tai nạn hi hữu này?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu nhà có trẻ nhỏ, phụ huynh bắt buộc phải học cách sử dụng nhiệt kế thủy ngân và biết cách theo dõi triệu chứng sốt của con. (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt)

Vì trẻ nhỏ rất dễ bị sốt, nhất là lúc đêm tối, nên tốt nhất trong tủ thuốc gia đình phải có nhiệt kế để sử dụng. Sau đó mới quyết định uống thuốc hạ sốt hay không.

Tuy nhiên, nếu có điều kiện cha mẹ nên chọn mua dụng cụ đo thân nhiệt cho con loại điện tử bắn vào da sẽ tương đối an toàn, không ảnh hưởng đến trẻ, đến môi trường và khi sự cố xảy ra cũng không có vấn đề gì.

Còn nếu quyết định sử dụng nhiệt kế thủy ngân thì cần biết rằng nó được làm bằng thủy tinh rất dễ vỡ. Khi vẩy nhiệt kế cũng cần chú ý đừng đụng vào các vật cứng khác sẽ gây bể. Và quan trọng khi kiểm tra nhệt độ cho con xong nên cất ở vị trí an toàn, tránh xa tầm với của trẻ.

Xin nhắc lại một lần nữa, trường hợp rơi vỡ nhiệt kế thường không nguy hiểm, nhưng nếu trẻ cắn và nuốt phải thủy ngân; hay ngã vào gây xước tay chân do thủy tinh vỡ, thủy ngân ngấm vào máu thì nên đưa trẻ đi bệnh viện ngay, để bác sĩ làm xét nghiệm nồng độ thủy ngân trong máu, từ đó có cách giải quyết hợp lý cho trẻ.

>>> Trẻ bị sốt: Khi nào dùng thuốc, khi nào không dùng thuốc?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X