Hotline 24/7
08983-08983

Cách vệ sinh vùng kín cho bé trai, bé gái?

Gia đình tôi đủ nếp, đủ tẻ, con vẫn ăn, ngủ, học và sức khỏe tốt. Tôi có thắc mắc khá tế nhị đó là làm sao để vệ sinh cũng như hướng dẫn con chăm sóc vùng kín đúng cách cho cả 2 cháu. Mong nhận được hướng dẫn. (Kim Hoa - Cần Thơ).

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chị Kim Hoa thân mến,

Giữa bé trai và bé gái thường có những khác biệt rõ rệt trong việc chăm sóc vùng kín, chị Kim Hoa và các mẹ cùng tìm hiểu để không bị bối rối khi có “đủ nếp đủ tẻ” nhé.

Vệ sinh vùng kín cho bé trai

Với trẻ nhỏ, để vùng kín của bé sạch sẽ, mẹ lưu ý tuyệt đối không sử dụng các loại xà phòng có tính tẩy mạnh, tăm bông hay dùng nước xối mạnh trực tiếp vào phần bao quy đầu của trẻ, cứ khoảng 2 tuần, chị em có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa sạch những phần cặn bã còn sót lại để ngăn ngừa nguy cơ viêm, tắc đường tiểu.

Sau khi thay tã mẹ cũng nên vệ sinh vùng kín cho bé thật đúng cách. Khi thay tã, một việc quan trọng mẹ không được quên là hãy lưu ý đặt dương vật của bé đúng chiều, không để ngược vì có thể khiến nước tiểu tràn lên phần trên của tã.

Mẹ hạn chế sử dụng tã suốt ngày để tránh tình trạng bị hăm, nổi mẩn, chưa kể nếu sử dụng tã trong khoảng thời gian quá lâu có thể làm hại đến bộ phận sinh dục trẻ.

Đối với các bậc cha mẹ có con trai lên 2 tuổi, phải kiểm tra xem quy đầu của cậu bé có lộn ra được hay không. Nếu có thì từ khi con được 3 tuổi trở lên, mỗi khi tắm cho trẻ, cha mẹ cần phải lộn ra để rửa phần quy đầu để tránh bị hấp hơi viêm nhiễm từ bên trong.

Đồng thời, cha mẹ phải hướng dẫn cách rửa quy đầu và thường xuyên nhắc nhở để cậu bé nhớ rằng, rửa bao quy đầu là một công việc vệ sinh bắt buộc, một việc phải làm suốt cả đời người. Bởi đến tuổi dậy thì, các cậu đã có thể có tinh dịch, tinh trùng. Nếu không rửa sạch thường xuyên, bao quy đầu sẽ là nơi phân hủy của tinh dịch tràn ra ngoài đọng lại, khi đó, trẻ có thể bị viêm nhiễm, sinh mủ đau đớn và hôi hám mất vệ sinh.

Do đó, dù chưa có tinh dịch, hằng ngày, nước tiểu có thể đọng lại thì việc rửa bao quy đầu vẫn là một công việc vệ sinh bắt buộc đối với tất cả các trẻ trai.

Ba mẹ cũng cần lưu ý đến bộ phận sinh dục của con, nếu thấy bé gặp khó khăn, mất nhiều thời gian khi đi tiểu, xuất hiện u hoặc khối phồng ở vùng bẹn, phần bìu co rút, nhỏ lại hoặc nghiêm trọng hơn là biến mất, hãy đưa bé đến bệnh viện để thăm khám, can thiệp kịp thời.

Vệ sinh vùng kín cho bé gái

Việc chăm sóc vùng kín cho bé gái có phần phức tạp và đòi hỏi sự cẩn thận tuyệt đối bởi lẽ cấu tạo bộ phận sinh dục của bé gái dễ bị có mùi và nhiễm khuẩn nhiều hơn hẳn các bé trai.

Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, tốt nhất mẹ chỉ nên dùng nước sạch để vệ sinh vùng kín cho con. Những thứ mẹ cần chuẩn bị là một thau nước ấm cùng khăn xô mềm và sạch. Mẹ nhẹ nhàng dùng khăn mềm nhúng nước lau sạch vùng kín theo hướng từ trước ra sau để tránh tình trạng vi khuẩn từ hậu môn lây ngược lên bộ phận sinh dục. Cuối cùng dùng khăn mềm lau khô cho bé. Khi thay tã mẹ cũng hãy thực hiện các thao tác vệ sinh giống như vậy.

Không dùng xà phòng vệ sinh vùng kín của bé, vì sẽ tiêu diệt các vi khuẩn có lợi làm nhiệm vụ bảo vệ. Không dùng nước muối loãng, dung dịch vệ sinh phụ nữ (trừ khi có chỉ định của bác sĩ). Với bé gái lớn hơn, nên cho trẻ mặc đồ lót vừa, chất liệu cotton thoáng và dễ hút mồ hôi. Giấy vệ sinh, quần lót nên dùng màu trắng để dễ phát hiện sự thay đổi màu.

Khi bé gái vào tuổi dậy thì, bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, vào những ngày "đèn đỏ", mẹ nên dặn con đi lại nhẹ nhàng, không tập các môn thể thao đòi hỏi nhiều sức lực. Thay băng vệ sinh 3-4 tiếng một lần. Mỗi lần thay băng phải rửa sạch bộ phận sinh dục bằng nước sạch, lưu ý không nên xối hay xịt nước quá sâu vào bên trong âm đạo. Sau đó dùng khăn sạch lau khô rồi mới đóng băng vệ sinh mới... Nếu các em bị đau bụng khi có kinh, cần phải nằm nghỉ ngơi, chườm ấm vùng bụng dưới.

Mẹ lưu ý, khi thấy bé gái có các biểu hiện tiết dịch ở vùng kín, ngứa ngáy, ra máu..., nên đưa bé đến bệnh viện để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X