Hotline 24/7
08983-08983

PGS.TS.BS Lê Hành hướng dẫn cách chăm sóc dáng và da trong mùa COVID-19

PGS.TS.BS Lê Hành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM đã chia sẻ nhiều bí quyết cho các chị em về cách chăm sóc dáng, giữ gìn làn da khỏe mạnh, bảo vệ da tay trước các loại nước sát trùng cũng như tránh vết hằn trên mặt do khẩu trang gây ra.

Đây là chương trình "Truyền thông tư vấn bảo vệ sức khỏe phòng chống COVID-19" do Hội Y học TPHCM phối hợp với Kênh truyền thông AloBacsi thực hiện. Kính mời bạn đọc đón xem.

1. Có câu nói vui rằng “phụ nữ đến chết vẫn phải đẹp”, cho nên dù thấp thỏm về bệnh dịch COVID-19 thì phái đẹp vẫn không quên chăm chút cho dung nhan của mình. Là chuyên gia hàng đầu trong ngành chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ, PGS thấy mùa này chị em cần lưu ý gì nhất trong việc giữ gìn sắc vóc của mình?

PGS.TS.BS Lê Hành: Tôi đồng ý với câu “phụ nữ đến chết vẫn phải đẹp”. Vì đẹp là thế mạnh, là tài sản, là giấy thông hành, là chìa khóa vạn năng để mở các cánh cửa đời. Với tôi đẹp không thể nào tách rời với sức khỏe được.

Để giữ gìn sức khỏe và sắc diện thì có 5 yếu tố cần quan tâm: Di truyền - Môi trường - Dinh dưỡng - Tập luyện - Tâm thái chiếm 60%. Mỗi người chúng ta đều có thể làm tốt 5 yếu tố này.

Di truyền: Có người sinh ra đã có năng lượng rất tốt, đề kháng cao, làm việc hoài không mệt, tố chất, cơ địa trẻ lâu, khỏe, đề kháng tốt. Ngoại hình thì có thể sửa đổi được, nhờ vao ngành tạo hình thẩm mỹ, rèn luyện.

Môi trường: rất quan trọng. Nếu sống trong môi trường xanh sạch, thanh vắng, không khí sạch, có gió, có nắng, có ion - và ozone thì phát triển tốt hơn.

Dinh dưỡng: Người xưa có câu nói “Ăn sáng như hoàng tử, ăn trưa như Vua, ăn tối như ăn mày”. Một chế độ dinh dưỡng tốt đầy đủ, ăn nhiều rau quả, trứng, hải sản. Ngoài ra, cần uống nước đủ, sữa, bổ sung vitamin, không uống rượu nhiều, không hút thuốc thì sẽ đảm bảo cho sắc diện.

Tập luyện: Vận động là điều kiện cốt tử để có sự tồn tại. Chúng ta vận động tốt được ví như dòng sông chảy siết, như vậy nước sẽ trong, ngọt ngào và rất mạnh mẽ. Còn khi ao tù, nước đọng thì nước không thể trong được, lại còn hôi hám, đục. Đó là lý do chúng ta rất cần vận động.

Buổi sáng khi bắt đầu vận động thì việc đầu tiên là cần phải thư giãn, giữ tâm hồn thanh thản thì mọi hoạt động, cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động điều hòa, không bị căng thẳng. Trí óc thư giãn thì não bộ sẽ được nuôi dưỡng.

Thứ hai là vận động mạnh để đạt được mục đích, một là tăng lực cơ, hai là tăng đào thải và ba là để sửa chữa tư thế xấu mà trong khi mình làm việc mỗi ngày. Việc vận động này dùng sức để đào thải, đổ mồ hôi thì mới gọi là vận động mạnh. Sau đó, chúng ta sẽ kết thúc buổi tập luyện bằng những bài tập nhu để khí huyết đều đặn, lưu thông và điều hòa trở lại, sẵn sàng bước vào ngày mới.

Như tôi nói thì có 2 vận động, vận động nhu và vận động cương. Vận động nhu thì tăng cường, bồi dưỡng sức lực cho cơ thể bằng cách tập khí công, yoga, những loại vận động nhu như thế là để bồi dưỡng, xây đắp. Vận động cương dùng chính năng lượng của vận động nhu để phục vụ, đây là những bài tập dùng sức cơ. Nhờ có sự bổ trợ như vậy nên vận động cương mới có thể tiêu hao năng lượng.

Nhưng cần lưu ý, trong mùa COVID-19 này, các bạn đừng tập quá mạnh, chẳng hạn như không dùng quá nhiều sức để đi bộ 10.000 bước 1 ngày, bơi vài giờ đồng hồ liên tục... thì những vận động này dùng sức của cơ thể sẽ làm nguyên khí yếu đi, khi đó có thể làm suy giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh hơn. Trong thời gian này có thể tập khí công để giúp hưng phấn, tăng chu chuyển khí toàn thân cùng và các bài tập tăng cường độ mạnh mẽ, cường tráng của bộ hô hấp trên - dưới.

Tâm thái: Một ngày khi mở mắt ra có bao nhiêu yếu tố "xâm hại" đời sống tinh thần, khiến chúng ta buồn bực. Festinger nói rất hay "chuyện giữ cho mình bình an giữa cuộc đời biến động không phải là khó". Những tác động để mình tức giận, khó chịu nguyên nhân chỉ có tác động 20% thôi, nhưng phản ứng của mình đối với những tác động đó lại chiếm đến 80%. Do đó, chúng ta có thể quyết định đến 80% việc mình có nên tức giận, hờn dỗi hay không. Nếu chúng ta giữ được tâm thái yên bình trong sự biến động thì có lợi hơn rất nhiều.

Điều quan trọng là đừng bao giờ làm việc quá sức. Ngay cả bộ phận làm việc chăm chỉ, liên tục suốt 100 năm như trái tim cũng chỉ làm việc 8 tiếng một ngày thôi, thu tâm là 1/3 thời gian, trương tâm là 1/3 thời gian. Trái tim co lại làm việc 8 tiếng, sau đó nó nghỉ ngơi 16 tiếng, cứ luân chuyển như vậy. Từ đó, trái tim mới được thư giãn.

Chúng ta cũng nên sống đời sống như vậy: làm việc 8 giờ, nghỉ ngơi 8 giờ và ngủ 8 giờ.

PGS.TS.BS Lê Hành hướng dẫn cách chăm sóc dáng và da trong mùa COVID-19

2. Người ta nói “bàn tay tiết lộ tuổi thật của phụ nữ”. Mùa dịch này, đi đâu cũng phải rửa tay bằng hóa chất. Nhiều chị em lo lắng việc thường xuyên dùng dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hay rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày sẽ dễ bị khô da tay. Vậy phải làm sao để ngăn ngừa hay khắc phục tình trạng này, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Hành: Nếu có đôi bàn tay đẹp thì điều đó rất quý giá. Có được đôi bàn tay đẹp khó hơn có khuôn mặt đẹp, vì muốn sửa chữa một đôi bàn tay rất khó.

Hai bộ phận phơi bày, dễ lão hóa nhất là mặt và tay. Nhưng tay còn bị ảnh hưởng nặng hơn vì lao động và nhiều yếu tố khác như nắng, gió, ẩm độ, nhiệt độ và các hoạt động trong môi trường không tốt làm tiêu hao lớp mỡ dưới da khiến nó trở lên xấu hơn.

Trong mùa COVID-19, tác dụng của hóa chất sát trùng trên da tay thì có nhưng không nhiều. Bàn tay đẹp hay không đẹp đó là cả một quá trình chăm sóc, dung dưỡng và nâng niu. Nếu như chúng ta phải dùng nước sát trùng nhiều thì nên rửa sạch sau khi sát trùng. Hoặc thay vì dùng nước sát trùng thì chúng ta nên sửa bằng nước sạch, xà phòng 20 - 30 giây và lau khô là được rồi. Các chị em không nên lo lắng về việc dùng nước sát trùng tay trong mùa COVID-19 này.

Ngoài ra, để giữ cho bàn tay đẹp thì trong khi lao động chúng ta có thể đeo găng, dùng bàn tay nhẹ nhàng hơn và thoa kem dưỡng ẩm. Chúng ta hãy đối xử với bàn tay như với khuôn mặt của mình.

Những bàn tay lao động nhiều, gân xương, tĩnh mạch dưới da lộ ra, những vùng giữa ngón tay sâu hơn làm bàn tay già cỗi thì chúng tôi có thể sửa được, bù đắp lại những mất mát dưới da bằng cách cấy mỡ tự thân thì sẽ giúp bàn tay trẻ lại. Tuy nhiên phải chú ý mỡ sống dưới lớp da tay không được nuôi dưỡng tốt, cho nên cấy mỡ dưới da ở tay thì hiệu quả nhưng đôi khi phải cấy thêm 1-2 nữa để giữ được hiệu quả của cấy mỡ ban đầu.

3. Với những chị em làm trong ngành y tế, các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, việc đeo mặt nạ hay khẩu trang N95 trong nhiều giờ để lại vết hằn sâu trên mặt, một số bị trầy da, kích ứng… nhờ BS đưa ra hướng dẫn cách khắc phục ạ?

PGS.TS.BS Lê Hành: Những khuôn mặt bị hằn bởi nón, khẩu trang thật là thương cảm. Đây là điều rất khó tránh nếu mang khẩu trang dài ngày. Bình thường, khi đeo khẩu trang để mổ 2-3 tiếng thôi thì sợi dây đã hằn lên mặt rồi, chứ không cần phải mang cả ngày như đội ngũ nhân viên y tế chữa trị cho người bệnh COVID-19.

Để hạn chế tình trạng này, theo tôi thì nên cột dây treo vừa phải, mang khẩu trang vừa mặt, đừng siết dây đai nhiều quá. Thứ hai là thay đổi nhiều loại khẩu trang khác nhau, hôm nay đeo loại khẩu trang hình chữ nhật, hình thoi rồi sau đó đổi sang khẩu trang y tế (nếu được), như vậy sẽ hạn chế được những vết hằn, không bị hằn theo cùng một kiểu để ăn sâu vào da mặt.

Phải tranh thủ những lúc có thể để tháo khẩu trang ra để da được nghỉ ngơi và có thể massage nhẹ nhàng những vùng da hằn dây đeo của khẩu trang để tăng kích thích tuần hoàn máu. Nhưng cần nhớ rằng phải đối xử da mặt một cách nhẹ nhàng, không bao giờ được chà xát mạnh, vì điều này sẽ làm tổn thương thêm làn da. Ngoài ra, nên uống nhiều nước hơn, dùng kem dưỡng da mặt và điều này có thể sẽ khó làm nhưng nếu được thì không nên mang khẩu trang nhiều, chỉ mang khi nào cần thiết mà thôi.

Bên cạnh đó, có thể lót gạc ở các điểm tiếp xúc nhiều. Khi tháo khẩu trang, điều đầu tiên là hãy sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch da mặt và để cho làn da được khô thoáng, sạch sẽ nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi da. Cần chú ý là không ma sát, chà rửa bề mặt quá mạnh vì nó sẽ khiến cho da dễ bị bong hay trầy xước thêm.

Sức khỏe và sắc diện trong mùa COVID-19

4. TPHCM và các tỉnh phía Nam đang bước vào mùa nóng, chỉ số tia cực tím (UV) liên tục ở mức rất cao và cực kỳ cao (10-13). Dù có lệnh giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài, ít tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nhưng thưa BS, ở trong nhà có tránh được tia UV không? Có cần thoa kem chống nắng không? Nhiều chị em cho rằng, quanh quẩn trong nhà hoặc có ra ngoài cũng đeo khẩu trang nên không cần thoa kem, điều này có đúngkhông?

PGS.TS.BS Lê Hành: Do tuân thủ lệnh giãn cách xã hội nên khả năng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời của mọi người không quá nhiều.

Chúng ta cần biết rằng, tia UV không phải chiếu trực tiếp mới có tác động trên da mà những ánh sáng tán sắc ở cửa sổ, giữa 2 căn nhà… vẫn có thể ảnh hưởng đến làn da.

Do đó, chúng ta vẫn phải chú ý thoa kem chống nắng thường trực ngay cả khi các bạn sinh hoạt, làm việc tại nhà ở những nơi có ánh nắng xuyên qua ô cửa kính cũng như chiếu trực tiếp vào da hay làn da của bạn vốn có các vấn đề nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.

Hơn nữa, việc tăng cường tiếp cận ánh sáng xanh từ tivi, máy tính, điện thoại cũng có tác hại như một dạng tia bức xạ khiến da có nguy cơ lão hóa nhanh chóng, các tế bào chết được sản sinh ra nhiều hơn, da bị khô, sần sùi, tổn thương từ bên trong, xỉn màu làm mất đi vẻ tự nhiên láng mịn của da.

Do đó, việc bôi kem chống nắng là điều cần kíp giúp bảo vệ làn da khỏi những tác động của ánh sáng xanh đầy nguy hiểm kia.

5. Gần đây, các nhà dịch tễ cũng hướng dẫn dùng đèn UV để diệt virus. Xin BS cho biết, tia UV từ đèn chiếu và tia UV từ ánh nắng mặt trời có hoàn toàn giống nhau không? Nếu chúng ta vô tình đi vào khu vực đang chiếu đèn UV mà không che chắn thì có nguy hiểm như thế nào? Liệu có đưa đến lo ngại về ung thư da do sử dụng đèn UV trong cộng đồng?

PGS.TS.BS Lê Hành: Tia cực tím hay tia UV là một loại bức xạ điện từ bắt nguồn từ ánh nắng mặt trời và không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nguồn tia cực tím tự nhiên này gồm 3 loại cơ bản là các tia UVA, UVB, UVC. Ngoài ra, chính con người cũng đã sản xuất ra nguồn tia cực tím nhân nhân tạo. sử dụng trong các thiết bị giường nhuộm da, đèn UV, đèn chiếu chữa bệnh, đèn diệt khuẩn, đèn halogen và một số loại máy phát ra tia laser. Việc ứng dụng đèn chiếu để khử trùng không khí trong phòng kín bằng tia cực tím là 1 phương pháp tiệt trùng sử dụng tia cực tím (UVC) để giết hay làm bất hoạt các vi sinh vật.

Tia cực tím là loại tia độc hại nếu tiếp xúc trực tiếp do có những tác động nhất định tới cơ thể con người, trong đó chủ yếu là mắt và da. Vấn đề phơi nhiễm tia cực tím không an toàn là yếu tố hàng đầu dẫn đến ung thư da, chủ yếu là ung thư tế bào đáy và tế bào gai. Đối với mắt thì tia UV có thể xuyên qua được giác mạc đi vào thủy tinh thể và võng mạc. Nếu phơi sáng quá lâu sẽ đưa đến tình trạng thoái hóa hoàng điểm hay đục thủy tinh thể hay gây ra các bệnh về giác mạc.

Như vậy, có thể thấy việc sử dụng thiết bị chiếu tia UV tại nhà cần phải thật cẩn thận, tuân thủ đúng kỹ thuật, sử dụng đúng diện tích, mỗi lần sử dụng khoảng 30 phút đến 1 giờ là tối đa với công suất vừa phải khoảng 10-15W. Tránh chùm tia tác động đến da, mắt nói riêng và sức khỏe con người nói chung.

6. Trong thời gian giãn cách xã hội, rất nhiều loại mặt nạ “tự nhiên” được chị em thực hiện tại nhà như mặt nạ trái cây, các loại bột đậu, bột ngũ cốc, sữa và sữa chua… Xin BS cho biết việc đắp mặt nạ mỗi tuần nên đắp mấy lần là vừa phải? Các loại da dầu, da thường, da khô, da nhạy cảm phù hợp với loại mặt nạ nào, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Hành: Có 2 loại mặt nạ thường dùng. Một là mặt nạ tự làm từ những vật liệu thiên nhiên từ rau củ, trái cây tươi, các loại tinh dầu, tinh bột… Hai là mặt nạ được chế tạo bởi những công ty theo những công trình nghiên cứu và chuẩn hóa.

Các bạn có thể sử dụng mặt nạ để chăm sóc da mặt. Tuy nhiên, cần biết rằng da của chúng ta cũng cần thở. Trên da có những lỗ chân lông và nó phải được mở ra. Các chuyên gia không bao giờ khuyến cáo đắp mặt nạ nhiều lần và đắp lâu cả. Vì việc đắp mặt nạ mỗi ngày là thực sự sai lầm vì nó không những phản khoa học mà còn khiến da bạn bị “ngộp” trong dưỡng chất và tạo hiệu quả ngược không mong muốn làm da rất dễ bị dị ứng và hàng rào da sẽ mất khả năng đề kháng.

Hơn nữa, các bạn cũng đừng nghĩ rằng những loại mặt nạ từ nguyên liệu thiên nhiên như tôi nói ở trên thì không có hại. Các nguyên liệu từ thiên nhiên vẫn chứa các độc tố, chất kích thích chưa được lọc bỏ và mặt nạ tự chế lại không được kiểm soát về chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh nên rất dễ gây dị ứng, gây hại cho da, đặc biệt là đối với những làn da nhạy cảm, hay kích ứng.

Vì vậy, chúng ta không nên lạm dụng, nếu muốn thì chỉ nên đắp 1-2 lần trong tuần thôi, nhưng tốt hơn thì nên dùng những loại mặt nạ chuyên dụng đã được làm sẵn, tác dụng chủ yếu là giữ, tăng độ ẩm cho da và làm sạch bề mặt da mà thôi.

Hiện nay có rất nhiều loại mặt nạ được bán trên thị trường. Mỗi loại dành cho một loại da khác nhau. Nên được khám và tư vấn bởi các chuyên gia về việc dùng loại mặt nạ nào.

Lưu ý là không nên dùng mặt nạ mỗi ngày. Tốt nhất là chỉ nên đắp mặt nạ từ 1 đến 2 lần mỗi tuần tùy loại da. Ngoài ra, tùy theo loại mặt nạ mà có thời gian đắp cho phù hợp, chẳng hạn như mặt nạ đất sét thì khoảng 2-3 tiếng đồng hồ là phải tháo ra. Điều quan trọng là các bạn dùng mặt nạ thì phải biết công dụng của nó thì mới có lợi cho mình.

Bảo vệ sức khỏe và sắc diện trong đại dịch COVID-19

7. Hiện tại, các cơ sở thẩm mỹ tư nhân, các spa… đang tạm đóng cửa, làm gián đoạn việc trị liệu chăm sóc da như peel da, trị liệu bằng ánh sáng… của một số chị em phụ nữ. Việc gián đoạn này có ảnh hưởng đến quá trình trị liệu hay không? Qua dịch họ có cần làm lại từ đầu không ạ?

PGS.TS.BS Lê Hành: Tôi nghĩ là nhiều chị em sẽ buồn phiền vì chuyện này nhưng chúng ta cần phải tuân thủ, vì COVID-19 lây lan theo các đường mũi, miệng.

Thường những liệu trình chăm sóc da kéo dài vài ba tháng, chứ không phải làm 2-3 lần là xong. Việc gián đoạn thực tế cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến các quy trình trị liệu. Điều nên làm là chăm sóc da bình thường, nhẹ nhàng, đắp mặt nạ, quan trọng là rửa da sạch bằng nước tinh khiết để làn da thoáng, thở được. Hoặc thực hiện đầy đủ các bước chăm sóc tại nhà vốn đã được chuyên viên hướng dẫn cụ thể trước đó.

Sau giai đoạn hòa nhập xã hội, các chị em vẫn có thể tiến hành các cuộc trị liệu tiếp sau và cũng đừng lo lắng về chuyện này.

PGS.TS.BS Lê Hành

8. Riêng đối với việc peel da để giảm thâm nám, chị em có thể tiếp tục tự peel da tại nhà không ạ? Làm sao để peel da tại nhà an toàn, thưa BS?

PGS.TS.BS Lê Hành: Peeling không phải là thủ thuật không xâm lấn, vì peel là lột da, không phải là tẩy da chết mà bình thường mọi người đều biết. Khi dùng peel sẽ dùng hóa chất để lột da và không những lột tế bào chết mà còn tác động đến những tế bào nằm sâu bên dưới. Như vậy thủ thuật này là thủ thuật ít xâm lấn. Peeling là thủ thuật do bác sĩ làm chứ không phải do các kỹ thuật viên ở spa thực hiện.

Khi đã lột da sẽ làm da tổn thưởng, những tổn thương này có thể nhẹ, nặng hoặc rất nặng. Những biến chứng do lột da rất trầm trọng, làm hư làn da và gây sẹo. Do đó, đẹp đâu không thấy mà chị em không những phải chịu những biến chứng nặng nề mà còn tàn phá nhan sắc bởi peeling.

Chúng tôi không khuyến cáo chị em tự lột da ở nhà. Và đúng ra các spa cũng không được thực hiện peel da mà phải là do bác sĩ da liễu thực hành. Khi bác sĩ làm cũng phải theo sát tình trạng da trong quá trình lộ, nếu cần sẽ thay đổi liều lượng hoặc chỉ định những phương pháp điều trị khác để chống lại hoặc ngăn chặn những biến chứng có thể xảy ra.

Peel rất khó, ở xứ nóng như nước ta tia tử ngoại rất nhiều. Những tia này sẽ xuyên qua của sổ, tán sắc… gây ảnh hưởng đến làn da đang non, đang bị hư hại và làm tăng sắc tố. Do đó, ở những xứ nóng nhiệt đới, việc peeling lột da càng cẩn thận hơn. Cốt yếu nhất là các bạn không nên tự lột da ở nhà mà nên gặp bác sĩ da liễu có kinh nghiệm để được thực hiện an toàn hơn.

9. Việc làm đẹp tại nhà theo hướng dẫn trên mạng hay kinh nghiệm truyền tai ít nhiều cũng xảy ra các trường hợp kích ứng, dị ứng. Nhờ BS hướng dẫn cách xử trí khi da bị kích ứng, dị ứng? Trường hợp nào phải đi gặp BS da liễu ngay?

PGS.TS.BS Lê Hành: Đây là một trong những điều mà chị em hết sức lưu ý, bởi làn da rất dễ bị kích ứng. Với những cái lạ, cái khác thì sẽ gây ra phản ứng vì đó chính là sức mạnh của làn da để bảo vệ cơ thể bên trong. Có thể do thoa mỹ phẩm hoặc chiếu tia, đắp mặt nạ không hợp… thì làn da sẽ bị kích ứng  và gây phản ứng.

Điều quan tâm nhất là không nên làm nặng thêm tình trạng của da. Bởi một khi da đã đỏ, đã phồng rộp thì nên để yên như thế, ngưng ngay sản phẩm/ mỹ phẩm đã đắp lên da trước đó. Dùng nước sạch rửa trôi hết những chất gây dị ứng trên làn da. Chú ý: không rửa thô bạo mà phải thật nhẹ nhàng, dùng nhiều nước, lau da từ từ, phải cảm nhận được làn da sạch nhưng không tổn thương. Sau đó chườm lạnh để da dịu lại và xức thuốc dưỡng da nhẹ nhàng, có khoáng chất, hoặc nước hoa hồng… lên da.

Không chườm nóng, xông nóng làn da; không ra nắng; mang mask; ở nơi không có ánh sáng và chờ đợi, bởi kích ứng đó không thể lành ngay mà cần vài ba ngày mới bớt. Quan trọng nhất chúng ta có thể thấy là tình trạng kích ứng, viêm nhiễm da giảm đi từ từ theo ngày và có thể yên tâm ở nhà. Nhưng nếu sang thương tổn thương nặng  thêm thì cần đến bác sĩ ngay.

10. Tuy nhiên có một số trường hợp bị nặng, không biết những dấu hiệu, triệu chứng nào chị em phụ nữ khi gặp phải cần đến bác sĩ da liễu ngay thưa PGS?

PGS.TS.BS Lê Hành: Những triệu chứng nặng như da đỏ, tróc da, da tiết dịch, có mủ hoặc nổi mụn mủ… là những vấn đề chị em không thể tự điều trị ở nhà mà cần đến gặp bác sĩ ngay. Đó là một trong những cấp cứu trong da liễu. Thường các bác sĩ sẽ coi và cho những phương pháp điều trị thích hợp, có thể là vừa ở ngoài da, đồng thời cho uống thuốc.

Khi làn da đã bị như thế chuyện chống nhiễm trùng rất quan trọng. Những da bị kích ứng, tổn thương, việc bảo vệ đã không còn, lúc đó vi trùng sẽ tấn công. Nếu những tổn thương đó kèm theo nhiễm trùng, việc lành da về sau hoàn toàn khó. Vì vậy khi da bị viêm nhiễm nặng chị em không nên coi thường, không nên nghe theo người này người kia mà dùng những biện pháp khác để chữa da. Chị em nên gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.

11. Cũng có một số chị em đã lên kế hoạch làm đẹp sau khi dịch kết thúc. Vấn đề khiến nhiều người “đau đầu” đó là xóa sẹo: sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo trắng (mất sắc tố), sẹo thâm. Để loại bỏ những sẹo này, chúng ta có những phương pháp nào, thưa BS? Có cách nào xóa bỏ sẹo hoàn toàn không ạ?

PGS.TS.BS Lê Hành: Sẹo là một vấn nạn của ngành thẩm mỹ. Đã là sẹo thì không bao giờ hết và sẽ tồn tại vĩnh viễn. Có nhiều người khổ sở vì sẹo trên mặt và tìm cách để chữa. càng tình cách để chữa sẹo thì đôi khi làm sẹo đó càng xấu hơn. Những kiện cáo trong ngành thẩm mỹ thường liên quan đến sẹo là như thế. Thành ra, sẹo là vấn đề lớn, và riêng sẹo đã có rất nhiều loại: sẹo tăng sắc tố, sẹo giảm sắc tố, sẹo lõm, sẹo quá phát, sẹo lồi… Việc chẩn đoán chính xác và dùng phương pháp nào để chữa trị là chuyện của bác sĩ chuyên khoa và có kinh nghiệm.

Hiện nay có rất nhiều biện pháp để chữa sẹo, nhiều khi phải cắt bỏ sẹo và may lại, hoặc với sẹo trắng thì phải cấy sắc tố da vào đó, dùng tia laser, chích thuốc corticoid hay tia xạ… Phẫu thuật cũng có, nội khoa cũng có, hoặc phối hợp phẫu thuật và nội khoa nhằm làm cho tình trạng sẹo giảm xuống, nhưng rất khó và sẹo cũng khó đẹp.

Vì vậy đã bị sẹo thì phải kiên trì chữa, chấp nhận kết quả có thể không hoàn hảo theo như ý của mình, đừng quá cố gắng chữa sẹo, bởi càng chữa sẹo càng xấu. Do đó bạn cần làm việc trực tiếp với bác sĩ điều trị sẹo cho mình.

Tôi cũng nhắc lại: ai cũng có thể chữa sẹo được, ai cũng có thể đề nghị phương pháp làm giảm sẹo, nhưng rất khó. Khi các bạn đứng trước một đề nghị chữa trị này, chữa trị kia thì nên hỏi kỹ: bác sĩ có thể chữa được như thế nào, bao lâu, kết quả như thế nào. Bạn cần nhấn mạnh điều đó để bác sĩ có trách nhiệm thực sự khi điều trị cho mình. Chứ không phải thấy trên mạng quảng cáo mất sẹo hoàn toàn sau mấy mươi ngày chữa rồi tìm đến điều trị bởi thông tin đó không thật. Và đừng bao giờ đòi hỏi kết quả tuyệt hảo trong khi điều trị sẹo.

Sẹo trên da cũng giống như gương vỡ. Gương vỡ không bao giờ lành. Đã bị sẹo trên da thì sẹo đó vẫn là sẹo. Có thể là từ một sẹo to, xấu, lồi, màu sắc không hợp da, có thể chữa lại thành sẹo thanh mảnh, nhỏ, đẹp chứ không bao giờ hết. Người ta có thể giấu sẹo, làm sẹo đẹp hơn. Chẳng hạn như trên trán có một vết sẹo thẳng, và yêu cầu chữa hết thì thực sự rất khó. Bác sĩ có thể may lại sẹo thật đẹp, hoặc có thể biến sẹo thẳng đó thành kiểu sẹo ziczac và những đường ngang ziczac gần trùng với nếp nhăn trán. Việc giấu sẹo đó vào nếp nhăn tự nhiên của da sẽ làm sẹo đẹp, ít thấy. Sau đó dùng những biện pháp “lừa đảo” như thoa kem, mỹ phẩm làm mờ sẹo… mới có thể giấu sẹo.

Nhưng tôi nhắc lại với các bạn: Sẹo vẫn là sẹo. Con đường chữa sẹo rất gập ghềnh. Ví dụ như có tấm kính vỡ, dùng keo dán đường vỡ nó sẽ nhỏ, sẽ đẹp. Nhưng khi may một làn da bởi một bác sĩ được học hành đàng hoàng, có kinh nghiệm sẽ may giống nhau, nhưng việc lành thương thay đổi theo từng người, người này lành tốt, người kia không lành tốt, người này sẹo lồi lên, người kia sẹo lõm xuống…

Do đó, ngành thẩm mỹ khó như vậy, không phải là tạc trên cục đá để có kết quả chắc chắn đạt được. Chúng tôi phải đối phó với cơ địa, những sinh lý tiềm ẩn thay đổi trên mỗi người. Bác sĩ nhiều kinh nghiệm không bao giờ hứa hẹn tuyệt đối có thể chữa hết sẹo hoàn toàn. Nếu các bạn nghe những người quảng cáo chữa sẹo tuyệt vời, mất sẹo thì chắc chắn người đó nói dối.

12. Nhiều chị em cũng băn khoăn ở nhà nhiều ngày, ít vận động sẽ dẫn đến thừa cân. Những phụ nữ đã từng phẫu thuật hút mỡ giảm béo cũng lo ngại không giữ được dáng đẹp sau kỳ giãn cách xã hội. Mong BS đưa ra gợi ý các bài tập hoặc lời khuyên để chị em tự tin trở lại công sở và cuộc sống sau mùa dịch?

PGS.TS.BS Lê Hành: Việc ở nhà, không làm việc, ăn nhiều, ít vận động, ngủ ít… sẽ gây tích tụ mỡ và làm phụ nữ mập ra. Chị em cũng biết rằng để giảm cân, giữ cân nặng bình thường phải ăn đúng mức, tập luyện đúng mức. Tromg hai yếu tố ăn và tập, thì ăn quan trọng hơn.

Có nhiều người hỏi tại sao không ăn nhiều nhưng vẫn mập? Đó là bởi không ăn những lúc người khác ăn, không ăn bữa chính… Chị em cần ăn uống cẩn thận, khoa học và tập luyện. Việc tập luyện để giảm cân cần tập ra mồ hôi; lượng tập luyện cơ bắp nhiều; tập hơn 30 phút, bởi nếu chỉ tập 30 phút mới chỉ giữ được cân nặng ở đó, muốn giảm cân xuống thì phải tập thêm, phải trên 30 phút… Do đó, giảm cân là một biện pháp cực khó, tăng cân là biện pháp cực dễ.

Những người đã làm phẫu thuật hút mỡ, vùng mỡ được hút sẽ không bị mập ra dù bạn ăn nhiều, bởi trong phẫu thuật này, chúng tôi đã lấy những tế bào mỡ ở vùng đó ra rồi. Ví dụ, vùng bụng có 1 tỉ tế bào mỡ, qua phẫu thuật chỉ còn lại khoảng 100 triệu tế bào, khi ăn lại vùng bụng cũng không phát triển nữa, mà nó sẽ phát triển chỗ khác mà các bạn hoàn toàn không mong muốn, như bắp tay, đùi, vai…

13. Spa, thẩm mỹ viện là môi trường dễ lây nhiễm, BS có thể chia sẻ những phương cách đảm bảo an toàn cho cả khách hàng lẫn chuyên viên làm đẹp khi nhà nước cho hoạt động trở lại?

PGS.TS.BS Lê Hành: Đây là nỗi băn khoăn của chúng tôi. COVID-19 lây theo đường thở, nếu ho, hắt xì, thậm chí nói chuyện lớn, những hạt có chữa virus bay hoặc văng ra, nên việc lây lan rất dễ. Hơn nữa, việc lây theo tiếp xúc, hoặc các bề mặt cũng truyền virus. Những triệu chứng của người bệnh COVID-19 rất mơ hồ, như đau họng, sốt nhẹ, nghẹt mũi, mất mùi… Hoặc những người hoàn toàn bình thường vẫn mang COVID-19, vì vậy việc tránh lây lan rất khó. Rất may mắn xứ mình được các yếu tố thuật lợi về thời tiết nắng nóng, độ ẩm thấp, cộng với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phòng chống COVID-19, nước ta hiện tại mới được như vậy. Nếu không có được yếu tố thuận lợi trên, việc lây lan là rất khó tránh.

Trở lại với việc phòng khám mở cửa. Trên tinh thần chúng tôi đều xem mọi người là COVID dương tính. Ví dụ, khi một bệnh nhân mổ cấp cứu, tất cả mọi khâu phải thực hiện vô trùng như đối với một bệnh nhân HIV dương tính. Trong thời gian COVID này, bất cứ người nào vào phòng khám đều cần thực hiện các biện pháp an toàn cho người khám cũng như những người khác.

Như khi bệnh nhân đến khám, chúng tôi phải kiểm tra nhiệt độ, điền bản kê khai dịch tễ (ở đâu, đến từ vùng nào, tiếp xúc với ai mắc COVID hay không, triệu chứng tuần vừa qua… và chịu trách nhiệm những lời khai y tế trên). Nếu mọi việc tốt đẹp sẽ hẹn bệnh nhân để hạn chế việc tiếp xúc với những bệnh nhân khác. Phòng chờ sẽ bố trí nhiều hơn với ít bệnh nhân hơn để thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang. Nếu nghi ngờ bệnh nhân có vấn đề hô hấp mũi họng, chúng tôi sẽ khám, soi mũi họng để xem họ có an toàn không. Nếu mọi thứ đều được kiểm soát tốt sẽ tiến hành phẫu thuật.

Trong phẫu thuật thẩm mỹ sẽ thực hiện toàn thân, nếu có lây lan thì cùng từ vùng mũi họng. Vì vậy chuyên khoa dễ lây lan nhất là Răng Hàm Mặt, sau đó là Tai Mũi Họng, và Phẫu thuật Thẩm mỹ. Do đó, nếu bệnh nhân phẫu thuật mắt, ngực, không phải vùng mũi họng thì bệnh nhân sẽ được đeo mask, bác sĩ cũng đeo mask. Nếu phải phẫu thuật mũi, lúc đó bệnh nhân không thể đeo mask, nhưng chúng tôi sẽ đeo những loại mask tốt hơn như N95 và tấm chắn mặt để thực hiện phẫu thuật, và phải theo dõi sau mổ. Với những biện pháp như thế bệnh nhân sẽ an toàn hơn.

Có nhiều người hỏi nếu làm phẫu thuật thẩm mỹ thì vấn đề an toàn là như thế nào? Chúng tôi có 4 an toàn mà các bạn nên nhớ:

- Thứ nhất, bệnh nhân an toàn. Nghĩa là bệnh nhân biết rõ về bệnh của mình, hoặc cần khai rõ những nghi ngờ về bệnh tật để bác sĩ biết rõ và có những biện pháp phòng ngừa.

- Thứ hai, thủ thuật và phẫu thuật an toàn. Chẳng hạn phẫu thuật mắt hai mí sẽ nhẹ nhàng, an toàn hơn là phẫu thuật mũi tái cấu trúc. Nếu đặt túi ngực hay hút mỡ bụng thì độ an toàn sẽ thấp hơn, do đó sẽ có cách xử lý và kỹ thuật, bác sĩ tốt hơn. Vì vậy khi chọn một loại thủ thuật / phẫu thuật phải hiểu rằng độ an toàn nằm ở đâu.

- Thứ ba, bác sĩ an toàn. Bác sĩ phải an toàn, biết cách phòng chống COVID-19; bác sĩ được học hành chuyên nghiệp về phẫu thuật đó; bác sĩ có giấy phép hành nghề; bác sĩ được theo dõi bởi cơ quan chức năng; bác sĩ được học hành bồi dưỡng bởi chuyên khoa của mình đầy đủ, hằng năm; bác sĩ nhiều kinh nghiệm…

- Thứ tư, cơ sở an toàn. Là những cơ sở phải kiểm tra nhiệt độ từ khâu bệnh nhân bước vào, có yêu cầu bệnh nhân kê khai dịch tễ… để thực hiện biện pháp bao vây an toàn. Những cơ sở này phải có những trang thiết bị đầy đủ để thực hiện phẫu thuật.

Chúng tôi thường nhắc bệnh nhân rằng bạn hãy là bệnh nhân thông minh, biết đâu là sự thật, đâu là cái đúng cái sai. Đi làm thẩm mỹ cần nhớ 4 an toàn trên. Mong các bạn sẽ mạnh mẽ hơn sau thời gian cách ly bởi COVID-19.

Chăm sóc dáng và da sao cho đúng cáchPGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM (bìa phải) trao hoa và thư cảm ơn đến PGS.TS.BS Lê Hành

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và PGS.TS.BS Lê Hành đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Mời bạn đọc xem lại chương trình livestream cùng PGS.TS.BS Lê Hành TẠI ĐÂY.

[DAP]

Đôi nét về PGS.TS.BS Lê Hành

Thầy thuốc ưu tú-PGS.TS.BS Lê Hành là một nhà khoa học, một người thầy và là bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ với chất riêng, đậm nét người con xứ Huế tài hoa.

Là một bác sĩ Tai Mũi Họng nhưng khi dấn thân vào lĩnh vực Phẫu thuật thẩm mỹ, ông lại trở thành cánh chim đầu đàn, hiện đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tạo Hình Thẩm mỹ Việt Nam và là Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm Mỹ TPHCM.

Cũng chính ông là người tiên phong cho dự án đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I và II về phẫu thuật thẩm mỹ ở trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

PGS.TS.BS Lê Hành tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM năm 1978. Năm 1992, sau khi lấy bằng chuyên khoa sâu về tai mũi họng và phẫu thuật cổ mặt tại Đại học Y khoa Marseille II, PGS tiếp tục đăng ký học tại Đại học Y khoa Texas (Mỹ).

Năm 1996, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Năm 2002, khi đang là Phó Khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật - Đầu Cổ Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS Lê Hành được ban giám đốc tin tưởng giao trọng trách trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm Mỹ. Đây được xem như một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này, vì là Khoa Phẫu thuật Thẩm Mỹ Tạo Hình đầu tiên trong bệnh viện nhà nước.

Năm 2011, TS.BS Lê Hành được phong hàm Phó giáo sư. Cho đến nay, ông đã có gần 40 công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước. Đồng thời, PGS Lê Hành được mời tham gia báo cáo cho rất nhiều hội nghị, khóa đào tạo ở nước ngoài và làm phẫu thuật viên chính trong một số chương trình biểu diễn phẫu thuật ở Á châu như Philippines, Hàn Quốc...

Không chỉ vậy, người ta còn biết tới PGS Lê Hành có giọng ca trầm ấm, ngọt ngào vang bóng một thời với các bài hát trữ tình về quê hương, cách mạng. Chưa hết, ông còn là một trong những nhà nghiên cứu, huấn luyện viên khí công được nhiều người biết đến tại TPHCM và là một nghệ nhân về cây cảnh.

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X