Các thực phẩm gây đường huyết tăng vọt trên người bệnh tiểu đường
Bệnh nhân khó kiểm soát cơn thèm ngọt, nước ngọt, đường, trái cây… là các yếu tố khiến đường huyết tăng cao. Trong bài viết dưới đây, BS.CK2 Trần Thị Kim Chi - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định sẽ chia sẻ cụ thể từng yếu tố và cách hạn chế cơn tăng đường huyết.
TOP 3 nguyên nhân khiến bệnh nhân tiểu đường thèm ngọt hơn người bình thường
Tại sao bệnh nhân tiểu đường thường có xu hướng thèm ngọt hơn người bình thường, thưa BS?
BS.CK2 Trần Thị Kim Chi trả lời: Có nhiều lý do khiến bệnh nhân tiểu đường thèm ngọt. Thứ nhất, đối với một số người bệnh tiểu đường, khi bệnh nhân kiểm soát đường huyết ổn định quá mức, sẽ xuất hiện những cơn hạ đường huyết. Khi đó, phản ứng của cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng báo hiệu, hay triệu chứng cảnh báo của hạ đường huyết, giống với cảm giác nhịn đói quá lâu, bị đói bụng, sẽ thấy cồn cào, chóng mặt, hoa mắt và thèm ngọt.
Nguồn năng lượng duy nhất nuôi tế bào não, khi hạ đường huyết, não giảm hoạt động, bệnh nhân có cảm giác chóng mặt và nguồn cung cấp mong muốn duy nhất là đường.
Thứ hai, những người kiểm soát đường huyết kém hoặc đường huyết cao, có thể gây ra triệu chứng thèm đường. Bởi vì, cơ chế bệnh của tiểu đường là khiếm khuyết sự tiết insulin hoặc giảm nhạy cảm insulin.
Vì vậy, đường trong máu cao nhưng insulin tiết ra không đủ hoặc không có độ nhạy cảm đối với những mô ngoại biên hoặc không dung nạp được đường trong máu vào các mô ngoại biên như mô cơ, mô mỡ, mô gan. Như vậy, mặc dù ở ngoài đường cao nhưng bên trong tế bào có hiện tượng đói tế bào, đưa đến phản ứng thèm ngọt của cơ thể.
Thứ ba, một số người bị bệnh tiểu đường do lối sống, có chế độ ăn thừa năng lượng, thừa thức ăn giàu tinh bột, giàu độ ngọt, nên bị tiểu đường. Hành vi, thói quen vẫn ăn sâu cho đến khi bị tiểu đường, chưa thay đổi được. Đó là những lý do khiến người bệnh tiểu đường có xu hướng thèm ăn ngọt hơn người bình thường.
Đường đơn làm tăng đường huyết sau 30 phút sử dụng
Bệnh nhân tiểu đường có cần kiêng tuyệt đối những thực phẩm có đường?
BS.CK2 Trần Thị Kim Chi trả lời: Đối với những thực phẩm có đường được chia thành 2 nhóm: Một là đường đơn gồm các loại đường tạo vị ngọt như đường cát trắng, đường cát vàng, đường phèn,… Đường có chỉ số đường huyết rất cao, khi bệnh nhân sử dụng những loại thực phẩm giàu nồng độ đường này, sẽ làm đường huyết tăng nhanh trong khoảng 30 phút sau khi sử dụng.
Bởi vì, khoảng 80-90%, những thực phẩm giàu chất đường khi vào trong đường ruột, chuyển thành đường hấp thu vào trong máu sẽ bị chuyển hoàn toàn thành đường glucose, điều này làm đường huyết sau ăn tăng cao. Như vậy, bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế tối đa các loại thực phẩm giàu độ ngọt này, nếu trường hợp bệnh nhân thuộc nhóm kiểm soát đường huyết kém, đặc biệt là đường huyết sau ăn.
Còn trường hợp bệnh nhân kiểm soát đường huyết tốt, thèm thức ăn ngọt, bệnh nhân có thể ăn thử. Và nếu có máy đo đường huyết cá nhân để theo dõi sau ăn những loại thực phẩm này, đường huyết có tăng trong mức độ cho phép, thỉnh thoảng để duy trì sở thích cá nhân và tăng chất lượng cuộc sống, bệnh nhân có thể sử dụng một ít theo nhu cầu thèm ăn hoặc thích ăn. Không sử dụng để bổ sung dinh dưỡng hoặc tạo thói quen, đó là điều không tốt.
Hai là đường bột, đó là chất tinh bột được gọi là đường phức (cấu trúc hóa học phức tạp), vì cấu trúc hóa học đường phức tạp, khi vào đường tiêu hóa, cần thời gian để tiêu hóa. Vì vậy, loại đường này không làm tăng đường huyết nhanh sau ăn mà làm tăng đường huyết chậm, tạo cảm giác no nhiều, cung cấp năng lượng. Tuy nhiên, tùy vào đáp ứng của mỗi bệnh nhân khác nhau, vì vậy, bệnh nhân cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để có chế độ ăn phù hợp và phân bổ thành phần những món ăn giàu chất bột đường, sử dụng trong bữa ăn nào, lượng sử dụng ra sao để phù hợp với bệnh nhân.
Nước ngọt, trái cây ngọt, tinh bột là các nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết cao
Nhờ BS điểm qua những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, và khi bệnh nhân tiểu đường sử dụng, cần lưu ý gì để tránh tình trạng tăng đường huyết quá mức, thưa BS?
BS.CK2 Trần Thị Kim Chi trả lời: Để chia nhóm thực phẩm theo chỉ số đường huyết, nhằm đánh giá tình trạng sau khi sử dụng thực phẩm đó, mức đường huyết tăng như thế nào, sẽ chia thành 3 nhóm.
Thứ nhất, nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết GI cao, là nhóm có chỉ số đường huyết >70 (chỉ số đường huyết trung bình từ 55-70 và thấp là <55). Những loại thực phẩm thông dụng hàng ngày có chỉ số đường huyết cao >70 là loại thực phẩm có đồ ngọt nhiều, các loại đường đơn nằm trong các loại bánh ngọt, bánh kem, các loại kẹo, mứt, các loại nước giải khát có đường, nước ngọt có gas, nước ép, các loại sữa.
Thứ hai, nhóm các loại trái cây quá ngọt như: nhãn, vải, xoài chín, dưa hấu,…
Thứ ba, nhóm thực phẩm tinh bột, ngũ cốc: cơm gạo trắng, miến dong,… đều là các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.
Để sử dụng các loại thực phẩm này cho bệnh nhân tiểu đường, không thể bắt bệnh nhân kiêng khem quá mức, còn ảnh hưởng đến vấn đề chất lượng cuộc sống và thói quen sinh hoạt hoặc văn hóa địa phương, vùng miền. Do đó, nếu bệnh nhân kiểm soát đường huyết tốt, có thể sử dụng ở mức cho phép và theo dõi đường huyết kỹ hơn.
Còn đối với những trường hợp bệnh nhân đang ở giai đoạn đường huyết cao, khó khống chế, tạm thời nên hạn chế tối đa các loại thực phẩm này. Khi sử dụng, nên dùng ở lượng vừa phải theo thực đơn hoặc chế độ ăn được khuyến cáo của bác sĩ đối với người bệnh đó.
Ăn “thả ga” gây thừa năng lượng và chất dinh dưỡng
Trong cuộc sống hàng ngày, những loại thực phẩm nào có chỉ số đường huyết thấp, và những loại thực phẩm này, liệu bệnh nhân có thể ăn thả ga và không sợ tăng đường huyết, thưa BS?
BS.CK2 Trần Thị Kim Chi trả lời: Đối với nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết GI cao (>70) giống như khi chúng ta đi đường mà gặp đèn tín hiệu giao màu đỏ thì phải dừng lại. Tương tự trong trường hợp này, màu đỏ tượng trưng cho chỉ số GI cao, người bệnh cũng phải ngưng sử dụng.
Còn đối với thực phẩm trung bình có chỉ số đường huyết trung bình (khoảng 70-55), tương tự đèn giao thông màu vàng, phải đi chậm và khi cần thiết phải dừng lại, những thoại thực phẩm ở mức này bao gồm các loại trái cây có vị ngọt vừa phải như: đu đủ, các loại tinh bột như gạo lức, khoai tây nấu chín, mật ong,… Đó là những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình, cho phép bệnh nhân tiểu đường sử dụng được ở mức độ vừa phải.
Đối với nhóm có chỉ số đường huyết thấp (<55) như đèn xanh, có thể chạy đều, không nên chạy quá nhanh. Tương tự, không nên ăn quá nhiều vì khi sử dụng thoải mái một lượng lớn vẫn có thể gây tăng đường huyết. Nguyên nhân là vì trong thực phẩm không chỉ có tinh bột mà còn thành phần đạm, chất béo, nếu sử dụng “thả ga” sẽ làm thừa năng lượng, thừa các chất dinh dưỡng khác. Đối với thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, thường là các loại rau lá, bệnh nhân có thể sử dụng thoải mái. Tuy nhiên, không thể sử dụng quá nhiều vì có thể gây các tác dụng phụ cho đường tiêu hóa, ăn nhiều rau gây đầy bụng, khó tiêu.
Hoặc đối với các loại chất béo, chất đạm, thịt, cá, trứng, hải sản,… đều là những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết khá thấp. Một vài loại tinh bột có chỉ số đường huyết thấp như: các loại bún có thể sử dụng thay thế cho cơm để hạn chế tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, hay các loại đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch,… là những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng một lượng nhất định, không ăn quá nhiều, gây thừa năng lượng và mất cân đối trong chế độ ăn. Đồng thời, làm gia tăng một số bệnh lý, ví dụ như ăn quá nhiều chất béo gây rối loạn mỡ máu, gây gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch; ăn nhiều chất đạm, tuy thuộc nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, không làm tăng đường huyết sau ăn, nhưng nếu ăn quá nhiều thịt, đặc biệt các loại thịt siêu chế biến trong các món ăn nhanh, vẫn có thể gây ra các bệnh lý làm tăng nguy hại đến sức khỏe như bệnh gout hay các bệnh lý tim mạch.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình