Hotline 24/7
08983-08983

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh: Ô nhiễm không khí, bảo vệ hệ hô hấp thế nào?

Những ngày gần đây, TPHCM bị ô nhiễm không khí, bụi mịn vượt chuẩn, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân 115 hướng dẫn cách bảo vệ hô hấp trước tình trạng này, mời quý bạn đọc theo dõi.

Tin tức về sương mù dày đặc ở TPHCM mấy ngày nay khiến nhiều người lo lắng. Xin BS cho biết không khí ô nhiễm ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe nói chung và và hệ hô hấp nói riêng?

Những ngày gần đây thì ta thấy buổi sáng cho đến trưa thì ở TPHCM có hiện tượng là sương mù dày đặc, cũng có rất nhiều người lo lắng và hỏi tôi về vấn đề này.

Điều kiện để hình thành sương mù gồm 3 yếu tố chính:

- Khí hậu, nhiệt độ tương đối thấp

- Độ ẩm cao do TPHCM những ngày gần đây lượng mưa rất nhiều

- Những hạt bụi ô nhiễm không khí sẽ kết dính lại với nhau.

Đồng thời, nạn cháy rừng ở đảo Sumatra và đảo Borneo của Indonesia có ảnh hưởng một phần. Ô nhiễm không khí trong môi trường càng nhiều thì hiện tượng sương mù càng dễ xảy ra. Khi hạt bụi ngoài không khí vào trong cơ thể sẽ đi vào trong phổi. Những hạt bụi càng nhỏ sẽ càng dễ đi vào phổi hơn, lắng đọng và gây ra tình trạng viêm.

Lúc đầu bệnh nhân chỉ có hiện tượng bị kích ứng như ho, sổ mũi, hắt hơi. Còn trong trường hợp nặng có thể khiến con người có phản ứng ho, khạc đờm kéo dài, thậm chí khó thở nặng ngực, đặc biệt những bệnh nhân có vấn đề về đường hô hấp sẽ dễ dàng gặp hơn. Lâu dài làm tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe cấp tính và mãn tính, như tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.

BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân 115

Người bị hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ bị ảnh hưởng thế nào trong tình hình không khí ô nhiễm hiện nay? Làm sao để hạn chế ảnh hưởng này?

Trong không khí có rất nhiều hạt bụi như bụi từ thuốc lá, từ các khói công nghiệp hoặc từ những đám cháy lớn... Những hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micro sẽ dễ dàng đi vào trong niêm mạc mũi, thẩm thấu và khuếch tán vào trong phế quản phổi, gây nên tình trạng kích ứng viêm, làm cho niêm mạc đường hô hấp bị viêm, sau đó gây ra tình trạng thiết lập và tái tạo lại niêm mạc đường hô hấp là phù nề và dày đường hô hấp. Từ đó, gây ra tình trạng hẹp phế quản, điều này lặp đi lặp lại làm giảm chức năng của hệ hô hấp.

Đối với những người bị bệnh hô hấp mạn tính như hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì tình trạng này sẽ nặng hơn so với những người bình thường. Tỉ lệ tái phát của những đợt cấp sẽ thường xuyên hơn.

Đối với những ảnh hưởng từ không khí ô nhiễm đến người bệnh, bản thân mỗi người cần tự bảo vệ là chính. Chẳng hạn, như hiện nay bụi rất nhiều, khi ra đường cần phải đeo khẩu trang. Tránh tập trung những nơi đông người vì những hạt bụi này có thể lan truyền qua đường hô hấp, rất dễ bị mắc bệnh.

Ngoài ra, những người có bệnh phổi, phải đi tái khám định kỳ hoặc khi có những triệu chứng về đường hô hấp, nên đi khám bác sĩ. Đặc biệt với những loại cúm, nên tiêm chủng phòng ngừa thường xuyên.

Khi đi ra đường, người dân cần trang bị thế nào để bảo vệ sức khỏe? Khẩu trang y tế và khẩu trang vải có hiệu quả không ạ?

Có 2 loại khẩu trang có tác dụng bảo vệ, phòng ngừa cho người dân:

- Khẩu trang than hoạt tính

- Khẩu trang N95.

Đeo khẩu trang phòng tránh bệnh hô hấp. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Đối với khẩu trang than hoạt tính, bao gồm 3 lớp: lớp đầu tiên cản bụi cơ học, lớp thứ hai chứa than hoạt tính có chức năng trung hòa các hợp chất, lớp vải trong cùng mềm mịn, tạo sự thoải mái.

Ngoài ra, khẩu trang N95 hay còn gọi là khẩu trang đặc chủng, có thể ngăn cản bụi PM2.5, đặc biệt là các loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Tuy nhiên, khẩu trang này không tạo được sự thoải mái cho người đeo, khó thở nên chỉ chuyên dùng cho trường hợp bị cúm hoặc những vùng có dịch cúm.

Đối với những khẩu trang y tế thông thường hoặc khẩu trang vải không có tác dụng trong việc ngăn ngừa khí độc. Một số trường hợp còn dẫn đến tình trạng bội nhiễm, là vật mang mầm bệnh như vi khuẩn, nấm khi sử dụng nhiều lần.

Khẩu trang hoạt tính có thể tìm mua tại các nhà thuốc. Riêng khẩu trang N95 cũng có bán tại các nhà thuốc, tuy nhiên số lượng hạn chế và giá thành khá cao.

Trong những ngày khói mù dày đặc, tránh ra ngoài sớm để tập luyện thể dục. Nên đi ra ngoài đi bộ, sưởi nắng khi mặt trời bắt đầu lên. Tránh những nơi tụ tập đông đúc, giảm bớt sự tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh. Mùa đông cần phải chú ý giữ ấm, không để cơ thể bị lạnh. Ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường sức đề kháng.

Nhờ BS hướng dẫn cách vệ sinh mũi họng sau khi đi ra đường? Có cần phải xịt rửa mũi không ạ?

Việc vệ sinh mũi hiện nay đã trở thành quen thuộc với các gia đình. Mọi người có thể sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước biển sâu. 2 loại dung dịch này thường sử dụng nhất và mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, chúng chỉ làm sạch khoang mũi bên ngoài. Nếu những hạt bui nhỏ khi đã xuống đường hô hấp thì dung dịch rửa mũi thường không có hiệu quả.

Tốt nhất, người dân nên áp dụng các biện pháp tự bảo vệ để ngăn chặn bụi ở bên ngoài.

Lưu ý, khi sử dụng các dung dịch rửa mũi, lượng xịt phải vừa đủ, nếu xịt quá mạnh và nhiều có thể đẩy dịch nhầy từ mũi vào tai giữa gây viêm tai giữa, xuống đường hô hấp dưới gây viêm phổi hay làm kích ứng niêm mạc mũi.

Người dân nên sử dụng dung dịch rửa mũi sau khi khi ở những nơi ô nhiễm không khí nhiều về nhà, thức dậy vào buổi sáng và tiếp xúc ở môi trường có nguy cơ lây bệnh cao (khói thuốc, nấm mốc, bụi bẩn, vi khuẩn trong hồ bơi…), khi ngồi điều hòa nhiều hoặc những bệnh nhân bị viêm xoang, viêm mũi,... đều phải xịt rửa hằng ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Mỗi ngày chỉ cần 2 lần, mỗi lần 3 nhát xịt vào mũi sẽ giúp dự phòng, làm sạch và loại bỏ các tác nhân gây bệnh ở vị trí xa nhất của khoang mũi.

Theo BS, liệu có loại thuốc hay sản phẩm nào giúp thanh lọc phổi không?

Hiện nay vẫn chưa có thuốc hay sản phẩm giúp thanh lọc phổi.

Trường hợp nào thì người dân nên đi kiểm tra sức khỏe của hệ hô hấp? Họ sẽ được làm những xét nghiệm gì ạ?

Theo quy định, mỗi người dân nên đi kiểm tra sức khỏe tổng quát hằng năm, tối thiểu 2 năm 1 lần, đặc biệt những người bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Bệnh nhân có thể học tập thở, ho khạc đờm, những chất độc hại lắng đọng trên niêm mạch phế quản nhỏ sẽ bị đẩy lên đường thở lớn rồi khạc ra ngoài, sẽ hạn chế được phần nào.

Nếu bệnh nhân cảm thấy trong người sau khi tiếp xúc với môi trường độc hại, trong cơ thể có tình trạng viêm như ho nhiều, lượng đờm nhiều, tức ngực, nặng ngực, khó thở,... cần đi khám ngay.

AloBacsi chân thành cảm ơn BS.CK2 Huỳnh Thị Chiêu Oanh đã chia sẻ những thông tin hữu ích về cách bảo vệ hệ hô hấp khi không khí ô nhiễm. Xin hẹn gặp lại bác sĩ vào chương trình tiếp theo!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X