BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân tư vấn: Có cách nào làm chậm thoái hóa khớp?
Thoái hóa khớp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Thậm chí có thể gây tàn phế cả đời nếu như không được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời.
Để hiểu rõ hơn về bệnh, cũng như cách điều trị và phòng ngừa thoái hóa khớp BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp cho bạn đọc trong chương trình giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc AloBacsi hôm nay.
Chương trình do Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115 phối hợp thực hiện.
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Thoái hóa khớp là nỗi lo của nhiều người khi bắt đầu “có tuổi”. Tuy nhiên, từ “thoái hóa” nghe có vẻ chung chung. Nhờ BS cho biết cụ thể, thoái hóa khớp là gì ạ?
Thoái hóa khớp nói một cách đơn giản là sự mất quân bình giữa sự tái tạo và sự mất đi. Khi 2 quá trình này cân bằng với nhau thì khớp cũng như hệ xương có sự duy trì mạnh khỏe.
Theo thời gian, sự mất quân bình này khiến sụn khớp không được bảo vệ, tái tạo dẫn đến tình trạng sụn khớp sẽ bị khô, giòn, mất đi đàn hồi gây ra tổn thương mặt đầu sụn và các mặt đầu xương dưới sụn, đưa đến tình trạng sự chịu lực của sụn khớp sẽ bị giảm đi. Do đó, có thể nói thoái hóa khớp là sự lão hóa của khớp.
2. Khi bị thoái hóa khớp thì những khớp nào của cơ thể sẽ “lên tiếng báo động” đầu tiên, thưa BS?
Về mặt lý thuyết, tất cả các khớp trong cơ thể đều có nguy cơ bị thoái hóa. Trong đó, có một số khớp bị thoái hóa nhiều hơn. Đầu tiên là vị trí khớp gối, khớp cột sống, đặc biệt là vùng khớp cổ, khớp sống lưng và khớp háng.
Đa số do nguyên nhân là khớp ở vị trí đó được sử dụng nhiều. Nhưng cũng có một số khớp bị thoái hóa không do sử dụng nhiều, ít chịu lực tác động với cường độ cao nhưng vẫn có khả năng bị thoái hóa - đó là khớp ngón tay.
Nhìn chung, các khớp bị thoái hóa là các khớp chịu lực, trong đó khớp gối, khớp sống lưng và khớp cổ, khớp háng và khớp ngón tay là những khớp thường gặp nhất.
3. Thoái hóa khớp ngón tay gây khó khăn cho người bệnh như thế nào ạ?
Thoái hóa khớp ngón tay không gây khó khăn nhiều trong vận động nhưng sẽ làm biến dạng và nổi các cục u. Tình trạng này khiến cho nhiều người lầm tưởng bị bệnh gout. Thỉnh thoảng khi vận động mạnh hoặc sử dụng nhiều khiến người bệnh cảm thấy hơi đau và cục u sẽ nổi lên gây mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, về mặt chức năng, thoái hóa khớp ngón tay không ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân.
4. Triệu chứng của thoái hóa khớp có dễ nhầm với bệnh nào khác không, thưa BS?
Nhìn chung, thoái hóa khớp không dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác.
Trong thoái hóa khớp ngón tay sẽ không kèm các triệu chứng như sưng, nóng, đỏ, đau cấp tính, xảy ra đột ngột như bệnh gout.
Các triệu chứng của thoái hóa khớp theo nguyên tắc chung các khớp trong cơ thể đều bị thoái hóa, nhưng dấu hiệu dễ nhận biết nhất khiến nhiều bệnh nhân lo lắng là tiếng kêu lụp cụp phát ra khi người bệnh vận động, đặc biệt là vùng khớp gối. Đây là dấu hiệu đầu tiên nhận biết tình trạng thoái hóa khớp so với những bệnh khác.
Hoặc bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau khi sử dụng khớp này mà chúng tôi thường gọi là đau cơ năng - tức đau khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng ở khớp gối sẽ kèm theo tình trạng sưng tại khớp nhưng không mang tính chất nóng, đỏ hay đau một cách dữ dội như bệnh gout.
Ngoài ra, ở các khớp như khớp háng bị thoái hóa sẽ gây ra cảm giác đau khi đi lại, khi bệnh nhân vận động nhiều trong ngày hoặc do đặc thù công việc phải đi lại thường xuyên, mang vác nặng. Hoặc những người thừa cân, đầu gối sẽ sưng đau khi bệnh nhân lên xuống cầu thang,...
Những triệu chứng đau khi thoái hóa khớp, bao gồm: đau âm ỉ, đau kéo dài, có thể giảm bớt khi nghỉ ngơi và tăng lên khi vận động. Đây là những dấu hiệu do khớp báo động mà bệnh nhân cần lưu ý.
BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115
5. Tại bệnh viện thì bệnh nhân sẽ được thăm khám, kiểm tra như thế nào để có chẩn đoán thoái hóa khớp ạ?
Đa phần nếu nói về mặt chuyên khoa khớp của bác sĩ thì chúng tôi sẽ không thực hiện thăm khám như những bệnh khác. Bệnh nhân sẽ được chụp X-quang - hình thức xét nghiệm về mặt hình ảnh đơn giản nhất. Chẳng hạn ở vùng cột sống cổ và cột sống lưng, khớp gối sẽ được chụp X-quang thẳng và nghiêng. Ở vùng khớp háng sẽ được chụp X-quang vùng khung xương chậu thẳng hoặc chụp từng khớp háng với các tư thế khác nhau, tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Dựa vào những hình ảnh của X-quang cung cấp đủ để bác sĩ chẩn đoán. Trong một số trường hợp, nếu khớp gối đang trong giai đoạn viêm xung huyết, sưng tại khớp, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm thêm xét nghiệm công thức máu, tốc độ lắng máu và phản ứng viêm để phân biệt với một số bệnh khác, chẳng hạn bệnh gout hoặc viêm khớp tinh thể thường xảy ra ở người lớn tuổi.
6. Thoái hóa khớp gồm những mức độ nào? Nhờ BS hướng dẫn cho bệnh nhân cách nhận biết mình đang ở mức độ nào của thoái hóa khớp?
Thật ra, không có mức độ đánh giá tình trạng thoái hóa khớp. Vì không thể dựa trên hình ảnh X-quang để đánh giá. Tuy nhiên, ở khớp gối, bác sĩ có thể đánh giá dựa trên mức độ hẹp khe khớp ít hay nhiều, sự xuất hiện của các chồi xương. Nhưng để dựa vào mức độ đấy để đánh giá và đưa ra hướng điều trị thì không mang lại kết quả chính xác nhất.
Mức độ tương quan giữa X-quang và triệu chứng lâm sàng sẽ không đồng nhất với nhau. Bác sĩ không thể nhìn qua hình ảnh từ X-quang và đánh giá mức độ thoái hóa của khớp. Vì thế, bác sĩ thường dựa vào triệu chứng đau của bệnh nhân, giới hạn vận động của người bệnh. Nếu 2 người bệnh có phim chụp X-quang giống nhau sẽ có hướng điều trị tương tự nhau.
Thoái hóa khớp là một phạm trù rất rộng. Vì thế, tôi xin đề cập đến 3 vị trí thoái hóa thường gặp nhất, gồm: thoái hóa khớp cột sống, thoái hóa khớp háng và thoái hóa khớp gối. Đồng thời, 3 vị trí thoái hóa khớp này mới có tiêu chuẩn để chẩn đoán. Những trường hợp còn lại thường được chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị giống nhau.
- Thoái hóa cột sống: bệnh nhân thường đến với tình trạng lo lắng có gai trong cột sống hay gai khớp gối. Trên thực tế, những cái gai ấy không ảnh hưởng hay là nguyên nhân của tình trạng thoái hóa, thường chỉ được chú ý khi bệnh nhân có cảm giác đau. Ngoài ra, vấn đề về cột sống cũng tương tự, nếu những chồi xương ấy phát triển ở những nơi dây thần kinh đi ra sẽ làm hẹp đường đi đó và gây ra tình trạng chèn ép, dẫn đến đau dây thần kinh tọa chẳng hạn. Có những trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa nhiều ở vùng đĩa đệm khiến khoảng cách giữa 2 đốt sống không còn, dẫn đến sức chịu lực ở cột sống kém, dễ gây đau.
- Khớp háng cũng vậy, nếu vận động mạnh có cảm giác đau, sẽ được điều trị tích cực.
- Khối gối tương tự như tình trạng của khớp háng, bệnh nhân sẽ có tình trạng biến dạng khớp rõ rệt, hình ảnh trên phim chụp X-quang sẽ không thấy khe khớp nằm giữa 2 đầu xương đùi và xương chày, gây giới hạn vận động.
7. Tại khoa Cơ xương khớp của Bệnh viện Nhân Dân 115 có những phương pháp nào để điều trị bệnh thoái hóa khớp ạ?
Thoái hóa khớp hiện không có thuốc điều trị tích cực, mà bệnh nhân sẽ được điều trị cơn đau. Hiện nay chưa có phương pháp nào được chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị, phòng ngừa, hay làm chậm tiến trình thoái hóa khớp.
Trong giai đoạn sớm, bệnh nhân sẽ được uống kháng viêm, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để qua cơn viêm, giúp bệnh nhân bớt đau. Một số nơi điều trị bằng phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hoặc tế bào gốc cho bệnh nhân nhưng 2 phương pháp này vẫn đang gây tranh cãi.
Ở mức độ nặng hơn, khi bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng, gây giới hạn vận động rõ rệt và không đáp ứng với các phương pháp điều trị nội khoa như nữa thì vấn đề thay khớp (khớp háng, khớp gối) được đặt ra. Hoặc nhẹ hơn thì sẽ được chỉnh xương, sửa trục.
Tuy nhiên, điều trị thoái hóa khớp thường nằm ở phương pháp dự phòng nhiều hơn. Chẳng hạn bệnh nhân sẽ được tư vấn giảm cân, hoặc hạn chế các tư thế tác động đến khớp như mang vác vật nặng, cúi lưng, ngồi xổm, xếp bằng, đi bộ thường xuyên,... những tư thế này làm xấu cho mặt sụn. Vì vậy, việc tư vấn cho người bệnh thay đổi chế độ sinh hoạt thường ngày, thay đổi các phương pháp tập luyện thể dục thể thao hằng ngày sẽ giúp cho người bệnh thích ứng với cơn đau do thoái hóa khớp, giúp cho cơn đau ít xuất hiện hơn.
Một số bệnh nhân tin vào những lời quảng cáo về chức năng của một số thuốc có khả năng làm tiêu biến gai thì điều này hoàn toàn không đúng. Vì thật ra gai vẫn nằm ở vị trí đó, nhưng bệnh nhân có lúc đau lúc không.
Ngoài ra, trong điều trị nội khoa, ngoài thuốc kháng viêm, giảm đau ở giai đoạn sớm hoặc bệnh nhân đang trong cơn viêm xung huyết của khớp gối sẽ được sử dụng phương pháp tiêm chất nhờn vào khớp hoặc tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hoặc tiêm tế bào gốc. Các phương pháp này sẽ được chỉ định khi bệnh nhân đang trong giai đoạn sớm của thoái hóa khớp, còn ở giai đoạn muộn, tổn thương đã quá nặng thì cũng không cải thiện được bao nhiêu. Vì vậy, khi chỉ định điều trị, bác sĩ cần đánh giá xem bệnh nhân đang ở giai đoạn nào, phương pháp đó còn hiệu quả hay không?
8. Rất nhiều bệnh nhân thoái hóa khớp tự uống thuốc giảm đau, hoặc đã đi khám rồi và cứ dùng mãi một toa thuốc mà không tái khám. Theo BS, điều này gây những bất lợi gì cho sức khỏe bệnh nhân và quá trình điều trị?
Người bệnh có nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc nếu sử dụng lại toa cũ do không thể tự chẩn đoán được tình trạng đau khớp hiện tại có giống như lần đau trước - đã được kê toa hay không. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân hễ mỗi lần đau lại phải đến bệnh viện xếp hàng chờ khám thì rất bất tiện cho họ. Vì thế, tôi thường khuyên bệnh nhân nếu họ phải vận động mạnh trong ngày, sử dụng khớp đau nhiều hơn thì có thể tạm thời dùng lại toa thuốc cũ nhưng chỉ trong thời gian ngắn nhất. Nếu dùng từ 1-3 ngày nhưng triệu chứng không giảm thì lúc này, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ.
Bệnh nhân nếu tự ý mua thuốc, có thể sẽ gặp tình trạng nhà thuốc bán kèm theo chất dexa (thuốc corticoid) khiến cho họ bị phụ thuộc vào thuốc.
Bên cạnh đó, những thuốc kháng viêm, giảm đau khi sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ do thuốc có thể gây tác dụng phụ cho bệnh nhân bị đau bao tử, dạ dày mà chưa được phát hiện hay chức năng của gan, thận khi bị thương tổn. Ngoài ra, người cao tuổi thường kèm theo các bệnh lý khác nhau như tim mạch, tiểu đường,... việc bệnh nhân tự ý kết hợp thuốc giảm đau có khả năng sẽ phản tác dụng hoặc tăng tác dụng không mong muốn.
9. Trường hợp nào bệnh nhân thoái hóa khớp có chỉ định phẫu thuật? Phẫu thuật sẽ đáp ứng được những mục tiêu gì ạ?
Phẫu thuật sẽ được chỉnh định trong trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa nặng, các sụn không còn nữa, bệnh nhân đau dữ dội. Lúc này sẽ có sự thảo luận kỹ giữa bác sĩ chấn thương chỉnh hình và bệnh nhân. Sau khi thay khớp bệnh nhân sẽ không thể đi lại ngay và cần kết hợp tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.
10. Việc tập vật lý trị liệu có vai trò như thế nào trong điều trị thoái hóa khớp, thưa BS? Tập vật lý trị liệu nên tiến hành khi nào ạ? Khớp đang đau thì có tập được không?
Khớp không thể hoạt động đơn độc 1 mình vì khớp được cấu tạo bởi xương, sụn, hệ thống gân cơ và dây chằng xung quanh khớp. Vì thế, nếu cơ yếu sẽ kéo theo tình trạng khớp sẽ không được khỏe.
Nếu vị trí của một khớp không đau thì khối cơ ở đó có thể sử dụng bình thường. Chẳng hạn nếu đau khớp gối thì khối cơ đùi yếu, đau lưng thì cơ lưng yếu. Vì vậy, mục đích việc tập vật lý trị liệu nhằm làm mạnh sức cơ, tăng độ dẻo dai và tăng sức cơ. Từ đó, sự tác động của cơ lên trên sự vận động của khớp sẽ tốt hơn.
Việc tập vật lý trị liệu không bắt buộc bệnh nhân phải tập tại bệnh viện mà các bác sĩ sẽ hướng dẫn để bệnh nhân có thể tự thực hiện tại nhà.
Về nguyên tắc, bệnh nhân đang đau không nên tập vật lý trị liệu. Lúc này có thể uống thuốc, bôi các gel lạnh hoặc nóng, tùy từng trường hợp đến khi bệnh nhân giảm triệu chứng đau thì có thể tập lại bình thường, từ nhẹ đến nặng, từ ít đến nhiều. Đối với các bệnh nhân đau cấp tính có thể nghỉ từ 4-5 ngày sau đó tập lại.
Nếu bệnh nhân bị thoái hóa khớp cơ đùi, có thể tập tạ ở cổ chân, tạ này có bán sẵn ở các cửa hàng bán đồ tập luyện thể thao (hoặc tự chế tạo tùy theo điều kiện của mình). Bệnh nhân nên ngồi trên ghế cao, tạo tư thế thoải mái nhất. Tạ được mang ở cổ chân, tùy theo sức của người bệnh mà chọn lựa trọng lượng của tạ phù hợp. Thực hiện động tác đá lăng chân, giữ cố định đùi và đưa chậm ra trước, không cần đá thẳng, giữ 5s. Mỗi lần tập tùy theo sức khỏe bệnh nhân nhưng tối thiểu 20 lần đá, nghỉ 10-15s.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể ngồi nâng đùi khỏi mặt ghế khoảng 20cm. Nên tập đến khi thấy mỏi ở khối cơ đùi, hơi đau thì mới có tác dụng.
Riêng vùng cột sống thắt lưng sẽ hơi khó, tuy nhiên, mọi người có thể tham khảo các động tác dễ tập trên các phương tiện truyền thông. Nếu bệnh nhân đã có tuổi, nên tập các bài tập nhẹ nhàng, tư thế nằm giơ chân lên xuống đơn giản.
11. Nhờ BS gợi ý các môn thể dục phù hợp cho người bệnh thoái hóa khớp?
Tùy theo độ tuổi và sức khỏe, bệnh nhân có thể chọn lựa được môn thể thao phù hợp cho mình, miễn là môn thể thao đó không được sử dụng khớp quá nhiều. Chẳng hạn, bệnh nhân đau khớp gối nhưng chọn tập luyện đi bộ thì không khả quan, vì bệnh nhân sẽ rất đau khi bước đi, và khớp gối phải chịu lực khi đi bộ.
Trong các môn thể thao, bác sĩ khuyến khích môn bơi lội là môn mà khớp bệnh nhân không phải chịu lực, rất tốt cho những người bị đau lưng hoặc thoái hóa cột sống vùng thắt lưng.
Hay đạp xe đạp tại chỗ cũng tốt, vừa an toàn hơn do người lớn tuổi nên hạn chế đi ra đường, vừa có thể kiểm soát được tốc độ cũng như không gây áp lực nhiều đến các khớp.
Riêng bộ môn yoga, chúng tôi không khuyến khích bệnh nhân thoái hóa khớp lựa chọn tập luyện, bởi đây là môn phải vặn, ép các khớp khá nhiều.
12. Thoái hóa khớp là một diễn tiến tự nhiên theo năm tháng, vậy có cách nào để làm chậm thoái hóa khớp hay không, nhờ BS hướng dẫn?
Nếu muốn hạn chế hoặc làm chậm lại tiến trình thoái hóa khớp thì chúng ta phải bảo vệ khớp ngay khi còn trẻ. Phải điều trị sớm các bệnh lý xảy ra tại khớp như bệnh gout, viêm khớp dạng thấp hoặc tránh những chấn thương xảy ra tại khớp.
Mọi người giữ cân nặng lý tưởng vì khi bị béo phì, các khớp sẽ phải chịu trọng lượng cơ thể nhiều hơn, dẫn đến khớp dễ bị thoái hóa hơn.
Các thuốc điều trị hiện nay chỉ có tác dụng giải quyết cơn đau trong những trường hợp viêm cấp tính. Thuốc không có tác dụng “cải lão hoàn đồng” hay làm chậm thoái hóa khớp. Nguyên tắc chung mà bệnh nhân cần nhớ: “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
~~~~~~~~~
Hy vọng qua những chia sẻ của BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - Trưởng khoa Cơ Xương Khớp của BV Nhân dân 115, mọi người sẽ hiểu hơn về sử dụng thuốc, đặc biệt là sử dụng thuốc corticoid đúng cách để mang lại hiệu quả và đảm bảo an toàn.
AloBacsi chân thành cảm ơn BS Huyền Trân!
Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn
Zalo: 08983 08983
Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983
Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.
Trân trọng!
Thực hiện: Minh Khuê - Hồng Nhung
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình