Bổ thận tráng dương tăng cường sinh lực nam giới, dùng sao cho đúng?
Bổ thận tráng dương là liệu pháp được nhiều quý ông quan tâm để tăng cường sinh lực, sung mãn hơn trong chuyện “chăn gối”. Vậy bổ thận tráng dương dùng sao cho đúng? Mời quý bạn đọc tham khảo ý kiến từ PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây y kết hợp trong bài viết sau đây.
Theo Đông y, khi nói đến sức khỏe nam giới, trước tiên phải đề cập đến tạng thận, thận là căn nguyên của tình dục, của một sức khỏe hoàn thiện, một tinh thần minh mẫn. Tình trạng yếu sinh lý (như xuất tinh sớm, di tinh, mộng tinh, hay liệt dương...) là do chức năng của tạng thận bị suy yếu, hay chất "thận tinh" không đầy đủ.
Vậy làm sao để lấy lại phong độ, bản lĩnh quý ông nếu thận yếu? Lời khuyên từ PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây y kết hợp trong bài viết sau đây sẽ giúp các quý ông tìm ra câu trả lời cho vấn đề này.
1. “Thận yếu thì yêu kém”, đúng hay sai?
Người xưa có câu nói “thận yếu thì yêu kém”. Xin hỏi BS, thận có mối liên quan mật thiết tới sinh lý như thế nào? Có phải quý ông thận yếu sẽ “bại trận” khi yêu?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời:
Vấn đề tình dục hay sinh lý ở nam giới liên quan mật thiết đến nội tiết tố sinh dục - Testosterone.
Theo Tây y, phần lớn lượng hormone Testosterone được sản xuất tại tinh hoàn. Quá trình này phải thông qua yếu tố từ não bộ (vỏ não) đến hệ thần kinh ở tuyến nội tiết (tuyến cận giáp và tuyến thượng thận). Theo đó, quá trình sản xuất được diễn ra liên tục và thường xuyên để đảm bảo đủ lượng testosterone cần thiết.
Người xưa thường cho rằng, vấn đề tình dục hay sinh lý ở nam giới có liên quan đến thận. Trong các tài liệu Y học cổ truyền, thận giữ nhiều vai trò quan trọng. Khi khoa học chưa phát triển, dựa vào học thuyết ngũ hành và triết học đông phương, người ta phân chia cơ thể thành 5 bộ phận quan trọng trong vùng ngực và bụng (ngũ tạng) là tâm, can, tỳ, phế, thận đi theo hoả, thuỷ, mộc, kim, thổ trong ngũ hành. Theo đó, mỗi bộ phận trong ngũ tạng sẽ giữ vai trò quan trọng khác nhau, riêng thận có những chức năng sau:
- Thận chủ tàng tinh: Tinh ở đây được hiểu theo nghĩa là vật chất cơ bản của hoạt động sống, bao gồm hai loại: tinh sinh dục để duy trì nòi giống hay còn gọi là tinh tiên nhiên và tinh trong đồ ăn thức uống hay còn gọi là tinh hậu thiên.
Tinh của tiên thiên và tinh của hậu thiên đều được tàng trữ ở thận gọi là thận tinh. Thận tinh còn gọi là thận âm, nguyên âm, chân âm. Tinh biến thành khí nên còn có thận khí. Thận khí còn gọi là thận dương, nguyên dương chân dương, mệnh môn hỏa.
Y học cổ truyền đánh giá rất cao vai trò của thận khí, coi đây là nhân tố quyết định sự sinh trưởng phát dục cho đến sự sinh nòi đẻ giống sau này của cơ thể. Thận khí thịnh và đầy đủ thì gân xương cứng cáp, tinh khí dồi dào… Thận khí suy kiệt thì răng rụng, tóc khô, thân thể hao mòn, tinh khí cạn kiệt…
- Thận chủ cốt tuỷ: Tinh được tàng trữ ở thận, tinh sinh tuỷ, tuỷ vào trong xương, nuôi dưỡng xương, nên gọi là thận chủ cốt sinh tuỷ. Nếu thận hư, làm sự phát triển của cơ thể trẻ em giảm sút gây hiện tượng chậm mọc răng, chậm biết đi, xương mềm yếu…
Tuỷ ở cột sống lên não, thận sinh tuỷ, nên gọi là thận thông với não, không ngừng bổ sung tinh tuỷ cho não. Thận hư (thường do thiên nhiên) làm não không phát triển sinh các chứng: trí tuệ chậm phát triển, tinh thần đần độn, kém sự thông minh…
Thận tàng tinh, tinh sinh ra tuỷ. Tuỷ chứa trong các khoảng rỗng của xương, có tác dụng nuôi dưỡng xương. Xương cốt vững chãi, tuỷ dồi dào, răng chắc (theo Y học cổ truyền răng là phần thừa của cốt) chứng tỏ Thận khí đầy đủ.
- Kỹ xảo chi quan: tức là làm chủ những động tác khéo léo, tinh xảo, được điều khiển bởi não và hệ thần kinh. Bên cạnh đó, những động tác này còn có sự góp phần của nội tiết tố giúp chúng ta hoạt động không bị run khi thực hiện những động tác đòi hỏi sự khéo léo như: xỏ kim, mài cắt giác kim cương…
Ví dụ, khi chúng ta có triệu chứng mất thăng bằng, chóng mặt, đi loạng choạng, dễ té ngã… BS sẽ bảo chúng ta đi bằng gót chân để đánh giá hoạt động của tiểu não và hệ thần kinh cơ lực.
- Thận chủ thuỷ: tức điều khiển đường nước trong cơ thể. Theo Tây y, thận giữ vai trò lọc máu và thải nước tiểu ra ngoài.
Sau khi “lâm trận”, nhiều quý ông thường gặp phải những vấn đề rối loạn như đau nhức, đau lưng… Điều này được giải thích rằng, thận chiếm vị trí lớn ở lưng nên khi thận có những rối loạn thì sẽ có biểu hiện đau lưng. Bên cạnh đó, nhiều người còn gặp triệu chứng mỏi gối, đó là do sự liên quan của thận đến xương khớp như đã nêu ở chức năng “thận chủ cốt tuỷ”.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch Liên chi hội Đông Tây y kết
2. Thận âm hư, thận dương hư là gì?
Trong Y học cổ truyền có thận âm hư và thận dương hư. Nhờ BS nói rõ hơn về 2 khái niệm này ạ? Thận âm hư, thận dương hư gây ra những triệu chứng như thế nào? Vì nhiều quý ông tự nhận thấy thời gian “yêu” giảm, đau lưng, uể oải cả trước, trong và sau khi quan hệ tình dục thì tự cho rằng có thể do yếu thận mà ra.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời:
Tuỳ vào cơ địa của mỗi người mà sự suy giảm tinh lực, ham muốn có thể do ảnh hưởng của thận âm hư, thận dương hư hay thận khí hư.
Tuỳ vào biểu hiện của các triệu chứng mà thầy thuốc sẽ kê toa phù hợp cho người bệnh. Trong đó, bổ thận tráng dương là một trong những phương pháp thường được ưu tiên. Bởi vì thận âm hư, thận dương hư hay thận khí hư liên quan đến sinh dục, cường dương. “Dương” ở đây không chỉ liên quan đến ngũ hành hay thuyết âm dương, mà còn được hiểu theo nghĩa là hoạt động tình dục của nam giới. Chính vì vậy, bổ thận tráng dương là cân bằng giữa ấm nóng và mát chứ không phải lúc nào cũng có tính nhiệt.
Mỗi một tạng (chức năng của ngũ hành) trong cơ thể đều được chia thành tạng âm và tạng dương. Phần âm là phần thuộc về thể chất, phần dương là công năng, tác dụng thể hiện ra bên ngoài. Vì vậy, khi chất của phần âm đầy đủ, cân bằng thì công năng của phần dương sẽ mạnh hơn.
Cụ thể hơn, âm là biểu hiện của tính mát, tính lạnh, còn phần dương là biểu hiện của tính nóng, tính sống động. Thận âm hư sẽ xuất hiện triệu chứng sinh nhiệt ra bên ngoài. Thận dương hư sẽ xuất hiện triệu chứng sinh lạnh ra ngoài. Thầy thuốc sẽ dựa theo triệu chứng sẽ kết luận là thận dương hư hay thận âm hư.
- Thận âm hư:
Âm hư sinh ra nội nhiệt, do đó người đàn ông có thể có cảm giác nóng nảy, bứt rứt, khô khát, bị táo bón, đi tiểu ít, nước tiểu sậm màu, cảm giác nóng trong người bộc lộ rõ… được gọi là hiện tượng bốc hỏa. Không chỉ có phụ nữ mới bốc hỏa (thường trong thời kỳ tiền mãn kinh hay mãn kinh) mà nam giới cũng có hiện tượng bốc hỏa này. Đó là cảm giác có hơi thở nóng, mắt, lòng bàn tay, bàn chân nóng, tiểu ra nước tiểu nóng…
Theo đó, khi thận âm hư, vùng thắt lưng nên sẽ có cảm giác đau. Bởi thận đảm nhiệm nhiều chức năng nên khi có những rối loạn âm hư thì cơ thể sẽ có những biểu hiện như: đau nhức (thận chủ cốt tuỷ), tiểu ít (thận chủ thuỷ), chức năng sinh dục suy giảm (thận chủ tàng tinh). Những triệu chứng này xuất hiện trong bệnh lý như tảo tiết, di tinh, mộng tinh, rối loạn cường dương…
- Thận dương hư:
Dương hư sẽ sinh ra ngoại hàn nên người đàn ông lúc nào cũng cảm giác thấy lạnh. Ngoài ra, dương hư còn có những triệu chứng như: đi cầu phân lỏng, són phân, hay tiểu nhiều. Bên cạnh đó, lòng bàn tay, bàn chân luôn cảm thấy lạnh, phải mang vớ giữ ấm thì mới chịu được.
Tương tự, thận dương hư cũng có các biểu hiện đau thắt lưng, đau nhức trong xương khi lạnh và sợ lạnh, việc ăn uống cũng bị ảnh hưởng. Liên quan đến chức năng “thận chủ tàng tinh”, chúng ta dễ dàng nhận thấy tinh bị loãng, không đặc. Theo đó, thận dương hư cũng liên quan đến các bệnh lý như: tảo tiết, di tinh, cường dương.
Như vậy, nếu bệnh nhân có bệnh lý như: tảo tiết, di tinh, cường dương… thì có thể là thận âm hư hoặc thận dương hư.
Khi kết luận thận âm hư hay thận dương hư, thầy thuốc sẽ dựa vào triệu chứng nóng và lạnh để chẩn đoán. Các biểu hiện mệt mỏi, đau nhức sau mỗi lần “lâm trận” có thể do ảnh hưởng của thận, nhưng nó cũng có thể do những bệnh lý khác kèm theo.
Vì vậy, không thể khẳng định vấn đề thời gian “yêu” giảm, đau lưng, uể oải cả trước, trong và sau khi quan hệ tình dục chỉ do thận mà có thể là từ nhiều yếu tố khác.
3. Liệu pháp giúp các quý ông bổ thận, tráng dương
Theo Đông y, thận khỏe là khởi nguồn của tinh lực nam giới. Vậy các thầy thuốc Đông Y thường có những liệu pháp gì hay vị thuốc nào để giúp các quý ông bổ thận, tráng dương ạ? Những nguyên tắc nào cánh mày râu cần tuân thủ để đạt hiệu quả điều trị tối ưu, thưa BS?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời:
Chúng ta cần dựa vào nguyên nhân gây ra các bệnh lý để có những giải pháp phù hợp.
Ví dụ, trước đây khi sử dụng các chất kích thích, rượu bia, cánh mày râu vẫn “lâm trận” bình thường, nhưng sau tuổi 40 thì bắt đầu gặp những vấn đề bất thường. Ở đây, tôi đề cập đến thứ phát không phải nguyên phát. Do đó, người đàn ông cần hạn chế loại việc sử dụng rượu bia quá mức.
Hơn nữa, hút thuốc lá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chuyện “chăn gối”. Bởi trong thuốc lá có chứa nicotine, gây ảnh hưởng xấu đến dòng máu. Trong khi đó, hoạt động cương dương có quan hệ mật thiết hoạt động của mạch máu. Vì vậy, tốt nhất chúng ta nên tập bỏ hút thuốc.
Không chỉ vậy, những nguyên nhân khác như căng thẳng, stress, lo âu đều có thể ảnh hưởng đến tình dục.
Như vậy, nếu muốn hoạt động tình dục được duy trì, chúng ta cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ, lành mạnh. Một số loại thực phẩm góp phần tạo tinh tốt có thể kể đến như: mầm đậu nành, thịt bò, các loại xương hay các thành phần rau củ quả có màu đen...
Ngoài ra, những nguyên nhân khác như viêm nhiễm của đường tình dục, đường tiểu, viêm thận, phì đại tiền liệt tuyến,... cũng thể ảnh hưởng đến quan hệ tình dục. Do đó, khi có bệnh, chúng ta phải chữa ngay để duy trì được hoạt động của tinh hoàn.
Các bệnh lý như đái tháo đường (tiểu đường), thừa cân béo phì cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến “chuyện yêu”. Bởi các tế bào mỡ làm xơ vữa thành mạch, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tuần hoàn. Hơn nữa, thừa cân béo phì thường thừa tích tụ mỡ nhiều ở bụng. Như vậy, hoạt động tình dục cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong Đông Y, áp dụng các phương pháp thở, thư giãn, tập luyện có thể giúp cho quan hệ tình dục được kéo dài hơn.
Bên cạnh đó, cánh mày râu có thể bổ sung một số loại dược liệu có tính ôn ấm hay mát tuỳ vào mục đích bổ thận dương hư hay bổ thận âm hư.
Ví dụ, thận âm hư sẽ dùng thục địa để bổ âm; hay thận dương hư có thể uống thuốc bổ dương như ba kích, nhục thung dung, vì chúng có vị cay ấm. Tuy nhiên, thận âm hư cũng có thể dùng những loại dược liệu này để sinh tinh, cương dương tốt hơn.
Khi bị thận âm hư, bên cạnh dùng thục địa, chúng ta có thể phối hợp với nhân sâm, ba kích, dâm dương hoắc, bạch tật lê, nhung hươu, nhục thung dung, đương quy, câu kỷ tử… Một số sản phẩm phối hợp nhiều dược thảo như thế có thể dùng cho cả bổ thận âm và bổ thận dương hoặc chỉ riêng thận âm hư hoặc thận dương hư.
4. Nguyên tắc lựa chọn sản phẩm bổ thận tráng dương
Sử dụng sản phẩm bổ thận tráng dương là nhu cầu tất yếu và cũng là xu hướng được nhiều quý ông lựa chọn. Cuối chương trình, BS có thể đưa ra một vài lời khuyên:
- Nên lựa chọn những vị thuốc nào để có hiệu quả bổ thận, tráng dương?
- Nguyên tắc lựa chọn sản phẩm cần nhớ để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay trả lời:
Đôi khi chúng ta không nhận ra được mình có bị thận âm hư hay thận dương hư hay không mà chỉ có thầy thuốc có thể chẩn đoán chính xác được. Vì vậy, trong trường hợp không có thời gian để thăm khám, chúng ta nên chọn lựa những sản phẩm mang tính chất trung tính để cả thận âm hư và thận dương hư đều dùng được. Tuy nhiên, tốt nhất nên đi khám để thầy thuốc xác định được là chúng ta đang bị thận dương hư, thận âm hư hay thận khí hư để có những chỉ định phù hợp.
Theo đó, những sản phẩm bổ dưỡng, có tính bình, có thể chứa các thành phần như: bạch tật lê, dâm dương hoắc, đinh lăng, nhân sâm… Những sản phẩm này dùng những dược thảo có thành phần bổ dương và bổ âm phối hợp lại với nhau, tính mát và nóng ở mức độ trung tính, cân bằng, nên không thiên về âm hư hay dương hư.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình