Bình đẳng giới trong “chuyện tế nhị” vợ chồng
Ai cũng biết có được sự hài hòa ăn ý trong đời sống chăn gối vợ chồng là đã có 50% hạnh phúc gia đình.
Do ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến nên nhiều "đấng mày râu" trong nhận thức còn nặng về quyền lợi hơn nghĩa vụ trong chuyện này. Biểu hiện rõ nhất là thái độ: khi nào cần thì bắt vợ phải đáp ứng, không quan tâm tới nhu cầu của đối tượng (mà "đối tượng" có nhu cầu hay không còn phụ thuộc vào tâm trạng, sức khỏe và chu kỳ sinh học).
Người chồng cũng không quan tâm tới việc "đối tượng" có được hưởng khoái cảm trong giao lưu tính dục hay không, chỉ biết bản thân mình thỏa mãn là "xong chuyện".
Không ít trường hợp người chồng lấy "quyền làm chồng" để ép vợ phải chiều mình "chuyện đó".
Chị T. ở Bình Dương kể rằng: Chồng chị hiện nay thất nghiệp, một mình chị đi làm nuôi cả nhà. Mọi việc từ đưa đón hai con đi học, cơm nước chợ búa, lau nhà, rửa chén... một tay chị lo toan. Những khi cơ thể quá mệt mỏi, chị có ý khước từ yêu cầu của chồng thì lập tức bị anh căn vặn đủ điều.
Chị than thở rằng sự ép buộc trong "chuyện ấy" đã làm chị "ngán đến tận cổ". Khi đã không hào hứng trong "chuyện đó" nữa thì làm gì có cảm giác thăng hoa trong yêu thương, tôn trọng và lòng biết ơn đối với "đối tượng hợp tác" nữa!
Đối với phụ nữ thì ngược lại, phần nhiều chưa ý thức được hưởng thụ khoái cảm tình dục là quyền lợi mà chỉ nặng về nghĩa vụ. Vì nhận thức lệch như vậy nên thường không bộc lộ cho đối tượng biết có thỏa mãn hay không thỏa mãn trong quan hệ. Thường có thái độ nhẫn nhục, phục tùng một cách vô điều kiện khi chồng có nhu cầu. Sự đáp ứng một cách miễn cưỡng hoạt động này đem lại một cảm giác "bị khuất phục" gây ấn tượng xấu cho những lần tiếp theo (về mặt tâm lý).
Trong thực tế, nhiều đôi vợ chồng chưa coi vấn đề "tế nhị và nhạy cảm" này là một nội dung cần quan tâm như các vấn đề khác của gia đình (làm ăn kinh tế, nuôi dạy con cái, quan hệ họ hàng thân tộc, xây cất nhà cửa...).
Có những đôi vợ chồng làm ăn kinh tế rất giỏi, giao tiếp tốt, nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn, nhưng "chuyện kia" thì lại quá dở. Chị B.H ở quận 1, TP.HCM than thở: "Chồng em mắc chứng "chưa ra đến chợ đã tiêu hết tiền" nhưng anh ấy không chịu tìm cách khắc phục, cứ chịu trận cả chục năm nay. Hơi đau đầu nhức răng một chút là đi gặp bác sĩ, còn "chuyện kia" thì lại ngại - nhắc anh ấy chuyện này em thấy nó kỳ kỳ...".
Những đôi vợ chồng bằng tuổi nhau hoặc vợ hơn chồng vài ba tuổi, thì khi vợ bước vào thời kỳ mãn kinh (sớm là khoảng 45 tuổi - chậm thì gần 60) thường ít có nhu cầu về "chuyện ấy". Trong khi chồng ở tuổi đó thì vẫn còn "sung sức". Đã có những ông chồng bất đắc dĩ phải đi "cải thiện" ở bên ngoài.
Nếu vợ chồng không nhận thức đúng về nghĩa vụ và quyền lợi trong "chuyện đó" thì khó có thể có sự trao đổi thông tin và xử lý thông tin để phục vụ cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống ở khía cạnh "tế nhị" này. Chúng ta tin rằng nếu có nhận thức đúng và có kiến thức khoa học để ứng dụng trong thực tế cuộc sống thì "chuyện ấy" sẽ hài hòa, góp phần tạo nên những gia đình thực sự hạnh phúc một cách trọn vẹn.
Theo Nguyễn Thị Thương
Dân trí
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình