Hotline 24/7
08983-08983

Biến chứng bàn chân đái tháo đường: lưu ý khi lựa chọn giày dép, cắt móng chân, chăm sóc vết thương

Bàn chân đái tháo đường là biến chứng nguy hiểm của người bệnh đái tháo đường, gây ra loét, nhiễm trùng, hoại tử bàn chân, thậm chí phải cắt cụt chân của bệnh nhân. Vậy người bệnh bị biến chứng này nên chăm sóc bàn chân thế nào? Cùng tìm câu trả lời qua chia sẻ của BS.CK1 Trương Phước Tân - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh.

1. Ước tính năm 2045 thế giới có khoảng 624 triệu người mắc đái tháo đường

Trước tiên xin hỏi BS, các biến chứng nào có thể xảy ra nếu người bệnh chăm sóc bàn chân không đúng cách? Những nhóm bệnh nhân nào sẽ có nguy cơ xảy ra biến chứng bàn chân cao hơn, thưa BS?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Tình trạng bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trên thế giới có xu hướng ngày càng trẻ hóa, bệnh lý này cũng gây ra nhiều biến chứng. Theo liên đoàn Đái tháo đường thế giới năm 2017, trên thế giới có khoảng 429 triệu người mắc ĐTĐ, ước tính đến năm 2045 có khoảng 624 triệu người mắc ĐTĐ.

Một báo cáo tại Mỹ cho thấy có 85% bệnh nhân bị tiểu đường cắt cụt chi do vết thương bàn chân tiểu đường. Các nghiên cứu ở châu Âu có 1,5% bệnh nhân có biến chứng thần kinh ngoại biên bị cắt cụt chi. Ước tính trên thế giới cứ khoảng 20 giây có một bệnh nhân bị cắt cụt chi do tiểu đường. Đó là tác hại ảnh hưởng đến nền kinh tế gia đình và xã hội.

Bệnh nhân ĐTĐ cần nắm rõ các biến chứng bàn chân ĐTĐ gây ra để biết cách phòng ngừa, từ đó hạn chế tổn thương, bệnh tật, gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Các biến chứng do bàn chân ĐTĐ gây ra như loét chân, nhiễm trùng bàn chân, và hoại tử bàn chân, từ các biến chứng đó sẽ dẫn đến tình trạng nặng hơn là cắt cụt bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ.

Ngoài ra biến chứng ĐTĐ còn có các biến chứng mạch máu, bệnh lý thần kinh ngoại biên do ĐTĐ, đó là các biến chứng chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân bàn chân ĐTĐ.

2. Đâu là yếu tố trong sinh hoạt gây tổn thương bàn chân đái tháo đường?

Những yếu tố nào trong cuộc sống, sinh hoạt có thể gây tổn thương bàn chân mà người bệnh ĐTĐ cần lưu ý, thưa BS?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Các tổn thương bàn chân ĐTĐ thường xảy ra trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, những bệnh nhân có biến chứng bàn chân ĐTĐ cần chú ý các yếu tố như đi chân trần; không lựa chọn được đôi dép, đôi giày phù hợp với bàn chân; bệnh nhân mắc biến chứng bàn chân ĐTĐ cần có quy tắc cắt móng chân phù hợp với tình trạng bàn chân người bệnh, nếu cắt không đúng rất dễ bị nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, người bệnh biến chứng bàn chân ĐTĐ thường có vết chai chân, do đó cần sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm tốt để tránh bàn chân bị nhiễm trùng.

Người bệnh cần thăm khám định kỳ để bác sĩ xử lý, phát hiện các biến chứng bàn chân ĐTĐ.

BS.CK1 Trương Phước Tân - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh

3. Người có biến chứng bàn chân đái tháo đường lựa chọn giày dép thế nào?

Nguyên tắc chăm sóc bàn chân ĐTĐ đúng cách mà người bệnh cần ghi nhớ gồm những gì, thưa BS? Cụ thể, lựa chọn tất, giày, dép sao cho phù hợp với người bệnh ĐTĐ type 2 ạ?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Khi bệnh nhân ĐTĐ ở Việt Nam đi khám, hầu hết đều tùy ý mang một đôi dép đến bệnh viện, tuy nhiên đối với người có biến chứng bàn chân ĐTĐ nếu mang dép như vậy rất dễ gây nhiễm trùng bàn chân.

Do đó bệnh nhân nhiễm trùng bàn chân ĐTĐ nên tuân thủ nguyên tắc lựa chọn giày, dép như sau:

Thứ nhất, vào buổi chiều bàn chân có xu hướng to hơn buổi sáng, đây là điều quan trọng do đó khi mua dép nên đi vào buổi chiều.

Thứ hai, bệnh nhân bàn chân ĐTĐ không nên mang giày cao gót.

Thứ ba, kiểm tra giày dép có chứa dị vật hay không trước khi mang.

Biến chứng bàn chân tiểu đường gồm có biến chứng thần kinh ngoại biên và mạch máu ngoại biên, trong đó biến chứng thần kinh ngoại biên làm giảm cảm giác của bàn chân, bàn chân bệnh nhân bị tê, đau, châm chích và giảm cảm giác đau khi mang phải giày dép có dị vật, gây ra vết thương và dẫn đến nhiễm trùng bàn chân.

Thứ tư, giày, dép, vớ của người bệnh biến chứng bàn chân ĐTĐ phải vệ sinh sạch, tránh sử dụng những đôi giày, dép, vớ chưa được vệ sinh hoặc đôi giày quá cứng, không thoáng khí có thể gây va chạm, ma sát làm tổn thương và nhiễm trùng bàn chân.

4. Sáu việc cần làm giúp mạch máu chân lưu thông tốt

Nhiều bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng bàn chân do máu không lưu thông. Nhờ BS chia sẻ một số bí quyết để giữ cho mạch máu được lưu thông tốt ạ?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Nếu khí huyết lưu thông tốt ở não, tim mạch, hệ tiêu hóa… sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt đối với bàn sẽ giúp ích trong việc cải thiện biến chứng bàn chân của người bệnh.

Để khí huyết bàn chân lưu thông tốt, bệnh nhân có thể tham khảo những lưu ý sau:

  1. Tập thể dục, đây là phương pháp tiết kiệm chi phí nhất, giúp tăng cường sức khỏe, khí huyết lưu thông cho cả não, tim và bàn chân.
  2. Không nên đứng/ ngồi quá lâu gây ứ khí huyết, lưu thông không tốt.
  3. Duy trì cân nặng hợp lý, bệnh nhân béo phì, tăng cân khiến việc di chuyển, vận động khó khăn, việc khí huyết lưu thông không tốt gây ra nhiễm trùng bàn chân.
  4. Kiểm soát tốt đường huyết và các bệnh lý khác kèm theo.
  5. Vào buổi tối và về đêm, để khí huyết lưu thông tốt bệnh nhân nên nằm kê chân cao. Trường hợp có trình trạng suy giãn tĩnh mạch người bệnh nên mang vớ để khí huyết lưu thông.
  6. Nên uống nước đầy đủ để tránh cô đặc máu.

5. Cần thoa kem dưỡng ẩm khi bệnh nhân đái tháo đường bị chai chân, da khô

Nếu da chân quá khô (có thể gây nứt, chảy máu…) thì sử dụng kem giữ ẩm sao cho đúng?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Bệnh nhân bị ĐTĐ thường có vết chai, da chân khô, biến dạng bàn chân, bàn chân ĐTĐ cần thăm khám đa chuyên khoa do đó bệnh chân nên lựa chọn các cơ sở y tế đa khoa, tránh mất thời gian di chuyển. Bệnh nhân cần thăm khám chuyên khoa ĐTĐ, da khô ráp cần đến chuyên khoa da liễu, người bệnh sử dụng kem dưỡng ẩm để giảm thiểu vấn đề khô da, nứt, giúp mềm da và dễ chăm sóc.

Mỗi bệnh nhân sẽ phù hợp với từng loại kem dưỡng ẩm khác nhau do đó nên thăm khám và nhận tư vấn từ bác sĩ da liễu. Tuy nhiên nguyên tắc chung trong lựa chọn kem dưỡng ẩm chăm sóc bàn chân ĐTĐ là sử dụng chất dưỡng ẩm không gây kích ứng da, không mùi.

Khi thoa kem dưỡng ẩm vào các vết chai, vết nứt, nhiều bệnh nhân không biết thường bôi trực tiếp vào kẽ nứt của vết thương, việc này tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn và vi nấm phát triển, từ đó xâm nhập và gây nhiễm trùng bàn chân.

Chăm sóc và dưỡng da tốt sẽ giúp bàn chân tránh nứt nẻ và nhiễm trùng.

6. Hướng dẫn người bệnh đái tháo đường cắt móng chân đúng cách

Bệnh nhân cần vệ sinh móng sao cho đúng, đặc biệt là những người bị khóe móng?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Đối với việc cắt móng chân, thông thường nam giới sẽ cắt khi thấy móng dài, còn phụ nữ sẽ chăm sóc hàng ngày, tuy nhiên cần lưu ý khi cắt móng chân phải rửa tay sạch, hiện nay mỗi chị em phụ nữ đều có bộ cắt móng chân riêng, bộ dụng cụ phải được nấu sôi để tiệt trùng cơ bản, sau đó bắt đầu cắt móng chân.

Đối với bệnh nhân biến chứng bàn chân ĐTĐ, móng chân phải cắt theo nguyên tắc thẳng và ngang, không cắt cong móng, tạo khóe dẫn đến tình trạng móng quặp, mọc như một mũi nhọn đâm vào thịt gây ra nhiễm trùng bàn chân.

Bên cạnh đó, khi cắt móng chân không được cắt quá sát dẫn đến dư lớp mô ở ngón chân, thông thường móng phải cắt dài ra để bảo vệ lớp mô này.

7. Những thói quen nguy hiểm làm nặng tình trạng nhiễm trùng bàn chân đái tháo đường

Nhờ BS chỉ ra những thói quen chưa đúng hoặc sai lầm cần tránh khi chăm sóc bàn chân ĐTĐ type 2 ạ?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Mỗi người cần biết được những thói quen sai lầm trong chăm sóc bàn chân, đặc biệt là bàn chân ĐTĐ hàng ngày để biết cách phòng ngừa, bảo vệ bàn chân tránh nhiễm trùng và tổn thương.

Trong sinh hoạt hàng ngày, thói quen sai lầm dẫn tới nhiễm trùng bàn chân là người bệnh có biến chứng bàn chân ĐTĐ nhưng thường xuyên đi chân trần; lựa chọn giày, dép không phù hợp, quá cứng và không thoáng khí gây sây sát làm tổn thương bàn chân.

Vấn đề thường gặp nhất là người bệnh sử dụng các phương pháp cực đoan để điều trị biến chứng bàn chân ĐTĐ, những trường hợp này có biến chứng rất nặng. Bệnh nhân đã bị biến chứng bàn chân ĐTĐ thường có biến chứng thần kinh ngoại biên, thường gây tê, châm chích, đau rát bàn chân, những trường hợp này người bệnh sẽ xử lý bằng cách ngâm chân vào nước nóng, tuy nhiên khi bàn chân đã mất cảm giác đau thì việc ngâm chân vào nước nóng dễ dẫn đến bỏng chân, hoặc một số người bệnh bỏ lá cây, muối, hóa chất vào nước ngâm… các phương pháp này rất cực đoan và dẫn tới nhiễm trùng nặng.

8. Hướng dẫn xử lý vết thương bàn chân đái tháo đường

Những dấu hiệu của bàn chân ĐTĐ cảnh báo bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay là gì, thưa BS?

BS.CK1 Trương Phước Tân trả lời: Người bệnh cần nắm rõ và hiểu kỹ, đến bệnh viện kịp thời để xử lý bàn chân. Cụ thể khi bị nhiễm trùng chân, người bệnh phải đến bệnh viện để khám bác sĩ và nhận tư vấn, nếu vết thương nhẹ bác sĩ có thể hướng dẫn tự chăm sóc tại nhà, hoặc vết thương nặng sẽ cho nhập viện điều trị.

Bệnh nhân bị biến chứng bàn chân ĐTĐ có vết thương lâu lành nên tới bệnh viện để bác sĩ khám và điều trị ngay.

Người bệnh mang giày, dép không đúng gây mụn nước, bóng nước ở bàn chân, có những trường hợp đến bệnh viện khám với tình trạng mụn nước nhỏ như trái sơ ri, hoặc có bệnh nhân vết mụn nước to như trái chanh, trái cóc… và người bệnh không biết xử lý thế nào.

Nhiều trường hợp xử lý bằng cách chích cho bể mụn nước, khi đó hiện ra lớp mô, thịt lồi lên dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng chân, vùng bị thương có tình trạng sưng đỏ sau vài hôm và người bệnh phải nhập viện, do đó khi có bóng nước ở bàn chân cần đến khám bác sĩ ngay.  

Một số bệnh nhân bị móng quặp, lúc này không nên tự ý xử lý tại nhà, nên đến khám bác sĩ để có phương pháp xử lý, ví dụ như gây tê, cắt móng, sát trùng vị trí đó.

Khi tình trạng biến chứng bàn chân ĐTĐ đã quá nặng, người bệnh phải nhập viện, màu sắc da bàn chân đã thay đổi, bàn chân lạnh, tím đi, khi đó mạch máu bàn chân đã tắc nghẽn, thiếu máu nuôi, dẫn đến hoại tử, những trường hợp này sẽ dẫn đến khả năng cắt cụt chân bệnh nhân rất cao, gây ảnh hưởng tinh thần, sức khỏe và kinh tế gia đình, xã hội.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X