Hotline 24/7
08983-08983

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu: Bí quyết người bệnh tai mũi họng sống khỏe trong mùa dịch COVID-19

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu - Chủ tịch Hội Mũi Xoang TPHCM hướng dẫn bạn đọc súc họng đúng cách, phân biệt các triệu chứng ho, đau họng, khó thở do bệnh lý tai mũi họng và COVID-19, nâng cao sức đề kháng để chống lại dịch bệnh.

Đây là chương trình "Truyền thông tư vấn bảo vệ sức khỏe phòng chống COVID-19" do Hội Y học TPHCM phối hợp với Kênh truyền thông AloBacsi thực hiện. Kính mời bạn đọc đón xem.

1. Thưa GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu, có thể nói tai mũi họng là cửa ngõ đầu tiên mà tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, vi nấm… phải vượt qua trước khi xâm nhập vào cơ thể con người. Ở cửa ngõ đầu tiên này, chúng ta có những “vũ khí” gì để chống lại virus corona ạ?

Hệ miễn dịch là một hệ thống vô cùng phức tạp giúp cơ thể phân biệt những thành phần của cơ thể và vật lạ không thuộc cơ thể.

Hệ thống miễn dịch đảm nhiệm chức năng loại bỏ các thành phần lạ đối với cơ thể như các vi sinh vật gây bệnh. Hệ miễn dịch được phân làm 2 thành phần: miễn dịch thiên tiên và miễn dịch thụ thể.

Hệ miễn dịch thiên tiên hay còn gọi là miễn dịch không đặc hiệu bao gồm:

- Các hàng rào bảo vệ (da và niêm mạc) giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập và gây hại của các yếu tố nguy hại cho cơ thể như vi khuẩn, vi nấm, virus…

- Hàng rào bảo vệ ở vùng hầu họng - hàng rào bảo vệ đầu tiên ấy chính là lớp màng nhầy (niêm mạc nhầy - lông chuyển) bao gồm một lớp màng nhày phủ lên lớp niêm mạc tác dụng bắt giữ các yếu tố có hại và di chuyển dần xuống vùng họng miệng để được nuốt xuống và bất hoạt trong môi trường acid dạ dày và bên dưới là một lớp niêm mạc được tạo bởi các tế bào hình trụ có lông chuyển để di chuyển hiệu quả lớp chất nhày bên trên.

- Các tế bào miễn dịch không đặc biệt (đại thực bào, bạch cầu đa nhân, các tế bào sao, hệ thống bổ thể…) với nhiễm vụ bắt giữ và tiêu diệt các “vật lạ” này.

Hệ miễn dịch thụ đắc hay còn gọi là miễn dịch đặc hiệu bao gồm các tế bào miễn dịch (tế bào lympho T và B) có vai trò chống lại sự xâm nhập cả các yếu tố nguy hại qua các kháng thể đặc hiệu với các kháng nguyên được ghi nhận từ yếu tố nguy hại (vi khuẩn, vi nấm, siêu vi…) ấy.

Hàng ngày, hàng rào bảo vệ cơ thể ấy đã và đang không ngừng hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả để bảo vệ cơ thể của chúng ta.

2. Như BS vừa cho biết, lớp chất nhầy ở vùng mũi họng là một trong những hàng rào ngăn cản sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh. Nhờ BS hướng dẫn làm cách nào để chúng ta có thể duy trì độ ẩm lý tưởng cho khu vực này?

Độ ẩm của lớp niêm mạc vùng hầu họng được cung cấp bởi các tuyến mũi và hơi nước trong luồng không khí thở ra qua mũi. Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt làm độ ẩm trên lớp niêm mạc giảm như:

- Uống ít nước

- Sống trong môi trường nóng khô như sa mạc, lò cao…

- Những trường hợp viêm xoang mạn tính, trong trường hợp này các tuyến mũi giảm sút về số lượng trong khi các tế bào tiết dịch nhày (tế bào đài) gia tăng.

- Bệnh lý hay phẫu thuật làm hệ thống niêm mạc bị mất đi phần lớn.

Trong những trường hợp này, có thể gia tăng độ ẩm bằng các biện pháp:

- Uống nhiều nước

- Xịt hoặc hít vào mũi các dung dịch nước muối

3. Đứng trước dịch bệnh COVID-19, có phải nguy cơ bị nhiễm bệnh của người đã cắt amidan cao hơn so với người chưa cắt amidan? Những người đã cắt amidan cần làm gì để phòng vệ cho mình?

Amidan là các mô chứa chủ yếu các tế bào lympho B đóng vai trò miễn dịch dịch thể. Các tế bào được bố trí thích hợp để tiếp xúc với các dị nguyên đến từ không khí hít vào hoặc thức ăn, thức uống, để sản xuất ra các immunoglobulin và lymphokine.

Ngày nay, đa số tác dụng công nhận việc cắt amidan và nạo VA không làm suy yếu đáng kể hệ miễn dịch trên lâm sàng. Amidan và VA có hoạt động miễn dịch mạnh mẽ nhất trong khoảng từ 4-10 tuổi, sau đó chức năng miễn dịch đặc hiệu của amidan sẽ được di chuyển các cơ quan khác như tủy xương, lách… Chính vì vậy mà việc phòng chống bệnh không khác gì so với người chưa cắt amidan.

4. Hiện nay rất nhiều bạn đọc gọi đến AloBacsi bày tỏ tâm trạng lo lắng mình bị COVID vì họ có triệu chứng ho, sổ mũi, ngứa họng, rát họng. Nhiều người muốn xét nghiệm COVID nhưng chưa có xét nghiệm theo yêu cầu. Mong BS đưa ra hướng dẫn giúp phân biệt khi nào những dấu hiệu này là cảm mạo thông thường, khi nào thì nên nghi ngờ COVID?

Thực ra các triệu chứng của tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 như đau họng, sốt, ho, đau xương khớp, mệt mỏi… cũng không khác với các trường hợp cảm cúm thông thường. Như vậy, một số triệu chứng kèm theo dưới dây sẽ gợi ý nhiễm SARS-CoV-2:

- Trở về từ vùng dịch

- Tiếp xúc gần với người gây bệnh (F0, F1, F2)

- Đau họng nhiều

- Sốt cao trên 38 độ

- Ho kèm khó thở, đau ngực

- Mất mùi

5. Mất mùi đột ngột có thể là triệu chứng chỉ có ở bệnh nhân COVID-19 không ạ?

Gần đây, nhiều báo cáo ghi nhận mất khứu giác, vị giác đột ngột là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Các báo cáo của các bác sĩ ở Anh, Ý đề cập đến thực tế là nếu một người đột ngột bị mất khứu giác và vị giác thì rất có khả năng họ đã bị nhiễm coronavirus. Báo cáo của các bác sĩ Hàn Quốc ghi nhận có đến 30% bệnh nhân nhiễm bệnh có mất khứu giác và vị giác.

Một báo cáo gần đây nhất ghi nhận, mất khứu giác và vị giác là những triệu chứng sớm ngay cả trước khi phát sinh các triệu chứng tiêu biểu của COVID-19. Vì vậy, nếu các bệnh nhân đột nhiên bị tình trạng này thì hãy yêu cầu hỗ trợ y tế, cẩn thận vẫn hơn.

6. Sau khi có thông tin việc súc họng với dung dịch sát khuẩn là “chốt chặn sau cùng” để phòng ngừa lây bệnh COVID-19, hiện tại sản phẩm này cũng được cộng đồng tìm mua rất nhiều. Nhờ BS cho biết nước súc miệng sát khuẩn cần có thành phần như thế nào là có thể diệt khuẩn, diệt virus ạ? Khi nào nên súc họng, nếu súc họng nhiều lần quá thì liệu có hại gì không?

Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Nature cho thấy virus tập trung rất nhiều trên bề mặt niêm mạc vùng hầu họng. Vì thế, bên cạnh các trang bị bảo hộ cho bác sĩ như đeo khẩu trang phẫu thuật, kính bảo vệ mắt, găng tay, bệnh nhân được khuyến cáo cho sử dụng thuốc sát trùng vùng miệng trước khi làm thủ thuật để giảm các mầm bệnh nói chung, tránh lây nhiễm cho bác sĩ trong lúc thực hiện thủ thuật.

Tuy nhiên, tác giả bài báo cho rằng chlorhexidine vốn được sử dụng rộng rãi trước đây cho mục đích này, có thể kém tác dụng đối với coronavirus chủng mới gây bệnh COVID-19.

Do COVID-19 dễ bị tiêu diệt bởi sự oxy hóa, nên các dung dịch súc miệng chứa chất oxy hóa như hydrogen peroxide 1% hay poviodine 0,2% được khuyến cáo với mục đích làm giảm vi khuẩn trong miệng cũng như COVID-19 tiềm ẩn ở trong vùng miệng - họng của bệnh nhân.

Dung dịch súc miệng - họng là povidone-iodine với nồng độ pha loãng 0,23% có tác dụng làm bất hoạt nhanh chóng các chủng coronavirus gây bệnh SARS và MERS trước đây là SARS-CoV, MERS-CoV sau 15 giây tiếp xúc với thuốc trong môi trường thí nghiệm.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về vai trò của thuốc súc họng trong phòng chống virus SARS-CoV-2.

Ai nên sử dụng?

Người có nguy cơ cao mắc bệnh như: nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh, các đối tượng có nguy cơ trong cộng đồng như tiếp xúc gần với người nghi nhiễm bệnh, chăm sóc bệnh nhân, hoặc để súc miệng - họng cho bệnh nhân.

Cuối cùng, cũng cần lưu ý là khi súc họng, chúng ta nên cố gắng “khò” dung dịch sát khuẩn để thuốc có thể tiếp xúc với phần thấp (hạ họng - họng thanh quản) để đạt được hiệu quả sát khuẩn tối đa.

7. Nếu không mua nước súc miệng sát khuẩn mà dùng nước muối sinh lý có hiệu quả ngừa bệnh COVID không ạ? Có thông tin rằng súc miệng/họng bằng rượu mạnh cũng giúp sát khuẩn hầu họng. BS có ý kiến thế nào về thông tin này?

Do COVID-19 là siêu vi có cấu tạo đơn giản, chỉ có một lớp màng tế bào bao phủ một chuỗi ARN mang mã di truyền bên trong nên dễ tiêu diệt với các yếu tố có hại bên ngoài, chúng chỉ tồn tại và phát triển nhờ khả năng phát triển số lượng nhanh và xâm nhập, “trốn” trong lòng tế bào dùng bộ máy của chính tế bào mang bệnh (ribosome) để sinh sôi và nảy nở trong lòng tế bào cho đến khi chúng phá vỡ tế bào phóng thích ngày càng nhiều virus và lan dần xuống dưới.

Chính vì thế dùng nước muối và rượu súc miệng vẫn có khả năng tiêu diệt phần lớn virus trên bề mặt, giảm nguy cơ xâm nhập vào tế bào và gây bệnh.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh, việc súc họng với các dung dịch sát khuẩn để đề phòng mắc bệnh nên được lập lại nhiều lần (ít nhất là 3 lần/ ngày). Tuy nhiên, chúng ta cần thêm nhiều chứng cứ và nghiên cứu hơn nữa trước khi đưa ra kết luận về vai trò của cấc thuốc sát trùng họng - miệng trong phòng ngừa COVID-19.

8. Rửa xoang có tác dụng phòng ngừa COVID không thưa BS? Gần đây các phòng khám thường đề cập đến rửa xoang bằng phương pháp Proetz. Phương pháp này là gì? Có nên rửa xoang mỗi ngày để phòng ngừa viêm xoang tái phát?

Theo những nghiên cứu gần đây, sau khi xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, kết mạc mắt và niêm mạc miệng, virus được di chuyển và tụ lại nhiều trên niêm mạc hầu họng, việc rửa xoang hoàn toàn không có giá trị trong phòng SARS-CoV-2..

Phương pháp Proetz giúp hoán đưa thuốc vào xoang và dẫn lưu dịch trong xoang ra ngoài để điều trị các trường hợp có viêm xoang mạn tính nhày mủ không có tác dụng phòng viêm xoang tái phát.

9. Những bệnh nhân viêm amidan hốc mủ nhưng ngại đi khám, có cách gì xử lý khống chế bệnh tạm thời, đi khám sau dịch COVID, thưa bác sĩ? Có phải viêm amidan hốc mủ thì cần phải cắt amidan không ạ?

Trên lâm sàng tôi đã từng gặp nhiều trường hợp khi khám thì thấy trong amidan có mủ nhưng không có triệu chứng đau họng, sốt, sưng hạch. Do đó, chúng ta chỉ quan tâm đến vấn đề amidan hốc mủ có viêm họng cấp thôi. Nhưng đối với những người đã được chẩn đoán viêm amidan hốc mủ và bây giờ có đau họng, sốt, sưng hạch cổ... thì đến 80-90% là do nhiễm siêu vi. Vì vậy, không phải tất cả các trường hợp phải điều trị bằng kháng sinh ngay từ đầu.

Khi có các triệu chứng như đau họng, sốt, sưng hạch cổ thì nên theo dõi bệnh nhân, dùng một số loại thuốc để giảm bớt khó chịu như paracetamol. Nếu 2-3 ngày sau nếu các triệu chứng không giảm mà còn tăng lên thì theo tôi bệnh nhân nên liên lạc với bác sĩ để được tư vấn.

Sau khi khám, bác sĩ mới quyết định có làm xét nghiệm hay không, có cho thuốc kháng sinh hay không… Bệnh nhân không nên tự ý mua kháng sinh vì như vậy rất nguy hiểm, gây ra tình trạng tốn tiền không cần thiết vì nhiễm siêu vi thì không cần kháng sinh, thứ nữa là có một số tác dụng phụ do kháng sinh, và về sau một số người có tình trạng kháng kháng sinh.

Các trường hợp viêm amidan hốc mủ cần phải phẫu thuật được cân nhắc rất thận trọng dựa trên những quy định chặt chẽ về tình trạng bệnh và lợi ích cũng như các nguy cơ của từng trường hợp cụ thể.

10. Theo bác sĩ, viêm họng mạn tính do viêm xoang và viêm amidan, có kèm trào ngược dạ dày thực quản đã nhiều năm thì có sợ chuyển thành ung thư không? Có cách nào giúp điều trị dứt điểm không ạ, vì uống nhiều toa kháng sinh quá, bệnh nhân sợ không tốt cho sức khỏe.

Ngoài rượu, thuốc lá, trào ngược ngoài thực quản được các nghiên cứu cho thấy đây là yếu tố nguy cơ có liên hệ với bệnh ung thư thanh quản.

Các trường hợp viêm xoang, viêm tai giữa, viêm họng có liên quan với bệnh trào ngược ngoài thực quản chỉ được dùng kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm trùng ở tai, mũi, họng.

Trong điều trị bệnh trào ngược ngoài thực quản ngoài các thuốc kháng acid dạ dày, thuốc tráng niêm mạc dạ dày thì chế độ sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng bao gồm:

- Cữ món ăn uống kích thích như rượu, cà phê

- Nằm đầu cao hơn vùng bao tử khoảng 20cm, không nằm nghiêng sang trái

- Không ăn quá nhanh, quá no

- Không ăn, uống trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ

- Không để gối, mền lên vùng bụng khi ngủ

Các chỉ định tuyệt đối cắt amidan:

- OSA

- Biến chứng tim phổi thứ phát sau tắc nghẽn đường thở (tâm phế mạn, giảm thông khí phế nang)

- Nghi ác tính (to không cân đối)

- Viêm amidan xuất huyết

- Viêm amidan gây sốt cao rét run.

Các chỉ định tương đối của cắt amidan:

1. Viêm amidan tái phát nếu: 7 lần trong 1 năm, 5 lần mỗi năm trong 2 năm liên tiếp, 3 lần mỗi năm trong 3 năm liên tiếp, 2 tuần nghỉ học, nghỉ làm trong 1 năm.

2. Viêm amidan mạn không đáp ứng với kháng sinh

3. Sỏi amidan kèm theo hôi miệng, đau, không đáp ứng với điều trị bảo tồn.

4. Áp xe quanh amidan.

5. Khó nuốt do amidan to.

11. Cuối chương trình, giáo sư có lời khuyên nào cho bạn đọc để bảo vệ tốt vùng hầu họng, tránh nguy cơ virus xâm nhập vào cơ thể không ạ?

Vấn đề quan trọng là giữ hệ thống miễn dịch của chúng ta khỏe mạnh. Thứ nhất là bảo vệ lớp niêm mạc nhầy - lông chuyển, để đề phòng thì phải súc miệng, súc họng bằng nước sát khuẩn thường xuyên. Việc súc họng để giảm bớt nguy cơ virus sinh sản nhnah, tích tụ trên bề mặt niêm mạc.

Thứ 2 là phải ngoài tập thể dục, ăn uống đủ chất thì việc luyện tập tâm lý cũng rất quan trọng. Chúng ta không để cơ thể lo lắng, mất ngủ, dẫn đến hệ miễn dịch suy giảm, đây là tiền đề virus tìm thấy điểm yếu để tấn công.

Thứ 3 là thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus từ môi trường bên ngoài vào cơ thể bằng cách giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên, giữ tay không đụng vô vùng T trên mặt, thì những virus trên tay của chúng ta không có cơ hội xâm nhập vào cơ thể quan vùng mắt, mũi, miệng.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM (bìa phải) trao hoa và thư cảm ơn đến GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Mời bạn đọc xem lại chương trình livestream cùng GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu TẠI ĐÂY.

[DAP]Đôi nét về GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu

GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu là một trong nhưng chuyên gia đầu ngành về Tai - Mũi - Họng.

Ông tốt nghiệp bác sĩ Y khoa tại Đại học Y Dược TPHCM năm 1990, đến năm 1997 tiếp tục nhận bằng Thạc sĩ và năm 2000 tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Y Dược TPHCM. TS.BS Phạm Kiên Hữu được phong hàm Phó giáo sư năm 2005. 8 năm sau đó, ông được phong hàm Giáo sư.

Hiểu được tầm quan trọng của các bệnh lý tai, mũi, họng đối với đặc điểm khí hậu, môi trường Việt Nam, GS Phạm Kiên Hữu quyết định dành cả sự nghiệp để cống hiến trong lĩnh vực này. Ông đã đặt chân đến Đài Loan, Singapore, Mỹ học tập chuyên sâu về Nội soi mũi xoang, sàn sọ, đầu cổ và mang những kiến thức chuyên sâu, những phương pháp tiên tiến về áp dụng tại Việt Nam.

Sau gần 30 năm làm công tác khám chữa bệnh, giảng dạy và nghiên cứu, hiện tại GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu là Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Giảng viên Trường Đại Học Y Dược TPHCM, đồng thời kiêm vị trí Chủ tịch Hội Mũi Xoang TPHCM, Ủy viên Thường Vụ BCH Hội Tai - Mũi - Họng TPHCM, Ủy Viên BCH Hội Tai - Mũi - Họng Việt Nam.[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X