Béo phì cướp đi của chúng ta bao nhiêu thời gian sống?
Tại Hội nghị Khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam lần 2 do Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam tổ chức, PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân đã đưa ra những luận điểm cho thấy mối liên quan giữa béo phì và bệnh lý tim mạch, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi hấp dẫn như béo phì cướp đi bao nhiêu thời gian sống, giảm cân bao nhiêu % sẽ giảm được biến cố tim mạch?...
Đến năm 2035, dự kiến một nửa dân số thế giới có thừa cân béo phì
Phó Chủ tịch Tim mạch Can thiệp TPHCM - Nguyên Viện trưởng Viện Tim dẫn chứng các con số cho thấy, thừa cân béo phì đang trở nên đáng gườm trong cuộc sống và sức khỏe. Nếu năm 2020, thống kê cho thấy có 2,6 tỷ người béo phì thì dự kiến đến năm 2025 sẽ vươn lên 3 tỷ người, năm 2030 là 3,5 tỷ người và 2035 sẽ lên đến 4 tỷ người.
Tại Việt Nam, theo Tổ chức Y tế thế giới( WHO), tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì đã tăng 2,2 lần (năm 2010 - 2020). Trong Đông Nam Á, mặc dù tỷ lệ thừa cân béo phì tại nước ta thấp hơn các quốc gia trong khu vực nhưng xét về tỷ lệ gia tăng thì Việt Nam đứng hàng đầu.
Một thống kê sơ bộ trên 57 nghiên cứu trên hơn 900.000 người cho thấy rằng, thừa cân béo phì làm tăng huyết áp, tăng cholesterol, và khi BMI tăng thì tỷ lệ tử vong cũng tăng nhanh.
Quan trọng hơn là, thừa cân béo phì làm tăng phản ứng viêm, hư lớp nội mạc mạch máu và làm tăng đông. Chuyên gia nhìn nhận, trong bệnh lý tim mạch phản ứng viêm thường hay bỏ sót nhưng 5 năm qua thế giới đã quay lại với nỗi lo này. Trong trường hợp không ức chế phản ứng viêm, mảng xơ vữa bị đứt vỡ và đưa đến biến chứng nhồi máu cơ tim ST chênh lên và ST không chênh lên.
PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân cho biết, với một người khỏe mạnh, phát triển bình thường (5-40 tuổi) thì tỷ lệ bệnh tim mạch chỉ khoảng 5%. Nhưng ở những trẻ thừa cân béo phì, tỷ lệ này lên đến 25%, tuy nhiên nếu được can thiệp sớm thì tỷ lệ này sấp xỉ 5%. Điều đó có nghĩa là, can thiệp thừa cân béo phì cần phải thực hiện ngay từ khi còn nhỏ, theo chuyên gia.
Cần nhìn nhận béo phì như một “đại dịch”
Để trả lời cho câu hỏi, béo phì cướp đi bao nhiêu thời gian sống, chuyên gia dẫn chứng một bài báo trên Tạp chí Lancet cho thấy rằng, khi BMI 35kg/m2 (thừa cân béo phì độ 1) sẽ cướp đi thời gian sống 7 năm, và con số này tăng lên đến 12 năm nếu BMI > 35kg/m2 (béo phì độ 2).
Bệnh đồng mắc cũng là một trong những vấn đề đáng báo động trên người thừa cân béo phì. PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân nói, người thừa cân béo phì có tỷ lệ mắc kèm tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, nhồi máu phổi, tai biến mạch máu não tăng 2-3 lần so với người không béo phì. Tuy nhiên, ngay cả những người thừa cân béo phì không có hội chứng chuyển hóa cũng đã tăng 49% tỷ lệ bị bệnh mạch vành, tăng 7% tai biến mạch máu não và tăng 96% suy tim.
Để giảm biến cố tim mạch (giảm tỷ lệ tử vong do tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, bệnh tim do xơ vữa), việc giảm BMI, giảm cân là yếu tố quan trọng. Chuyên gia nhấn mạnh, thông qua các nghiên cứu cho thấy, giảm 10% cân nặng mới có giá trị trên bệnh nhân thừa cân béo phì. “Chúng ta cần nhìn nhận thừa cân béo phì là một bệnh và là “đại dịch”, có như vậy mới tiếp tục phát triển các phương pháp nhằm điều trị tình trạng này một cách hiệu quả” - PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân nói.
Tại Việt Nam, năm 2022, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì. Trong đó, trọng lượng cân nặng cần phải giảm ít nhất 5%. Nếu đạt mức này bệnh nhân sẽ tiếp tục tập luyện và giảm cân. Tuy nhiên, nếu không giảm được 5% thì bắt đầu phải tăng cường dùng thuốc bên cạnh thay đổi lối sống.
Về các thuốc giảm cân, tại Việt Nam hiện có 2 loại được Bộ Y tế chấp thuận đó là Orlistat và Liraglutide. Khi lựa chọn thuốc, chuyên gia nhấn mạnh, song song với hiệu quả giảm cân cần chú ý đến lợi ích tim mạch, giảm phản ứng viêm, từ đó góp phần làm nguy cơ hư lớp nội mạc hình thành mảng xơ vữa.
Cùng với đó, chế độ ăn ít năng lượng và tập thể dục thể thao vẫn cho thấy vai trò thiết yếu trong giảm cân. Theo đó, chuyên gia cũng hướng dẫn cách tính thực đơn dành cho người béo phì muốn giảm cân. Cân nặng lý tưởng (CNLT) = (chiều cao)2 (m2) x 22, ví dụ cao 1m7 thì công thức tính sẽ là (1,7 x 1,7) x 22 = 63,5. Chế độ ăn tùy thuộc vào mức độ lao động. Nếu lao động nhẹ, CNLT x 20 calo (với nữ) và 25 calo (với nam). Nếu lao động trung bình, CNLT x 25 calo (với nữ) và 30 calo (với nam). Nếu lao động nặng, CNLT x 30 calo (với nữ) và 35 calo (với nam).
Về chế độ luyện tập, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ít nhất bệnh nhân phải tập 150 phút/ tuần. Các nghiên cứu khác trên thế giới chỉ ra, cần tập ít nhất 200 phút/ tuần và phải theo định kỳ, tuân thủ ít nhất 2 năm mới tạo thành thói quen, theo PGS.TS.BS Đỗ Quang Huân.
>>> Hội nghị Khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam: Mốc son trong đại lộ hội nhập quốc tế
>>> Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam chính thức là thành viên của Hội Xơ vữa động mạch Quốc tế
>>> Áp dụng phương pháp tích hợp trong dự phòng xơ vữa động mạch vành
>>> Bệnh nhân ung thư có thể tử vong do biến cố tim mạch trước khi ung thư tái phát
>>> Bác sĩ có thể làm gì trước người bệnh tim mạch nghiện thuốc lá mà chưa chịu từ bỏ?
>>> Thay đổi lối sống giúp ngăn chặn 3/4 số ca tử vong do các bệnh tim mạch
>>> Thuần chay ở người châu Á và bệnh lý tim mạch do xơ vữa
>>> Nhồi máu cơ tim cấp có thể tử vong trong tức khắc
Hội nghị khoa học Xơ vữa động mạch năm 2024 với chủ đề “Quản lý xơ vữa động mạch: Mở rộng chân trời mới trong kỷ nguyên hiện đại” do Hội nghị khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam lần thứ II, diễn ra tại Thành phố biển Nha Trang vào 2 ngày 9/8 và 10/8/2024. Chương trình bao gồm 25 phiên với 25 chủ đề, gần 130 bài báo cáo, đón nhận hơn 80 báo cáo viên từ thế giới đến Việt Nam và 800 đại biểu về tham dự. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình