Hotline 24/7
08983-08983

Bác sĩ có thể làm gì trước người bệnh tim mạch nghiện thuốc lá mà chưa chịu từ bỏ?

TS.BS Lê Khắc Bảo nhìn nhận, nghiện thuốc lá khó bỏ là thách thức có thật khi điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra, trong đó có bệnh tim mạch. Người bệnh khó bỏ là do họ cột chặt bởi các thành tố nghiện thực thể, nhận thức và hành vi. Vì vậy, đánh giá mức độ nặng của từng thành phần nghiện, chỉ định điều trị phù hợp có thể giúp cai thiện thuốc lá cho người bệnh.

Nghiện thuốc lá là “anh em đồng hao” với nghiện á phiện

Tại Hội nghị Khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam lần II do Phân hội Xơ vữa Động mạch Việt Nam tổ chức, TS.BS Lê Khắc Bảo - Phó Trưởng Khoa Nội Hô Hấp Cơ Xương Khớp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định đóng góp bài báo cáo sinh động và cần thiết về chủ đề cai thiện thuốc lá. Đây là vấn đề cần thiết và cấp bách với người mắc bệnh tim mạch, giúp cải thiện kết cục cũng như hiệu quả điều trị.

Chuyên gia có hơn 20 kinh nghiệm đồng hành cùng bệnh nhân cai nghiện thuốc lá dẫn chứng một nghiên cứu đặc điểm hút thuốc lá trên 98 bệnh nhân COPD đến khám tại phòng khám Hô hấp tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM do ông thực hiện cho thấy, 76% COPD nặng đến rất nặng, 21% bệnh cơ tim thiếu máu, 4% đột quỵ.

Tuy nhiên, 1/3 trong số đó (34%) vẫn tiếp tục hút thuốc lá. Tình trạng này là bởi có đến 58% là nghiện thực thể từ vừa đến nặng, 42% hút để hòa đồng với mọi người, 36% hút như động tác tự động. Song, nghịch lý là 87% cho biết có quyết tâm “hừng hực” cai thuốc lá.

TS.BS Lê Khắc Bảo - Phó Trưởng Khoa Nội Hô Hấp Cơ Xương Khớp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định đóng góp một bài báo cáo sinh động, lôi cuốn về cai thuốc lá

Theo TS.BS Lê Khắc Bảo, bệnh nhân nghiện thuốc lá không thể từ bỏ được là bởi vì họ bị cột chặt vào chữ “nghiện”, nhưng đây cũng không phải là “thói quen khó bỏ”. Phân loại bệnh tật của ICD10 cập nhật phiên bản năm 2024 đã xếp thuốc lá trong nhóm chỉ số F.01 - F.99. Trong đó, F.10 - F.19 là rối loạn phát triển thần kinh, tâm thần, hành vi do chất/ thuốc hướng thần.

Chuyên gia hóm hỉnh nhưng cũng rất thực tế chỉ ra rằng, nghiện thuốc lá là “anh em đồng hao” với nghiện á phiện. “Trong khi chúng ta sợ hãi thuốc á phiện đến mức nào, nhưng lại chưa sợ hãi đủ với thuốc lá. Nếu chúng ta giúp người nghiện nhiều như thế nào thì lại chưa giúp đủ người hút thuốc lá như thế” - chuyên gia cho biết.

Nghiện thuốc lá là “anh em đồng hao” với nghiện á phiện.

3 vòng dây trói siết chặt người nghiện thuốc lá

Một người nghiện thuốc lá sẽ bị cột chặt bởi 3 vòng dây trói, gồm nhận thức, thực thể, hành vi. TS.BS Lê Khắc Bảo đã “mổ xẻ” từng dây trói khiến người bệnh không thể từ bỏ thuốc lá.

Để nhận diện người nghiện thuốc lá thực thể có 2 cách đơn giản được sử dụng trên toàn thế giới. Một là test Fagerstrom, người bệnh cần trả lời cho bác sĩ 2 câu hỏi, gồm: Buổi sáng thức dậy bao lâu thì hút điếu thuốc lá đầu tiên? Mỗi ngày trung bình hút bao nhiêu điếu thuốc lá? Mức độ nặng của nghiện thực thể dựa trên điểm số thu nhận được, 0-2 nhẹ, 3-4 vừa và 5-6 nặng. Với một người có điểm Fagerstrom nặng, không thể dùng lời khuyên để cai thuốc lá, mà cần cai bằng thuốc.

Một thói quen hút thuốc lá của người Việt được chuyên gia đề cập đó là “hút đến tận cùng” và “rít” rất nhiệt tình. Điều này dẫn đến vấn đề, dù cho tổng số điếu thuốc một ngày không nhiều nhưng mức độ nghiện lại nặng. Đối với những trường hợp này cần cần tiến hành đo CO hơi thở ra để đối chứng. Nếu kết quả 6-10 ppm là nghiện nhẹ, 10-20 ppm nghiện nặng và > 20ppm là nghiện rất nặng - nhóm này có đặc tính “hút rất sâu, ém hơi nhiều”.

Để nhận diện người nghiện thuốc lá nhận thức, cần phải biết rằng đây là kết quả của đấu tranh giằng xé trong nội tâm bệnh nhân giữa các lý do thúc đẩy hút (hòa đồng, chống căng thẳng, dễ tập trung, an tâm, giảm cân nặng) hay cai thuốc lá (mong muốn cải thiện sức khỏe bản thân, gia đình tốt hơn, nghe lời khuyên người khác).

Để nhận diện thành phần nghiện hành vi, cần hiểu rõ đây là kết quả của phản xạ có điều kiện hình thành nên hành vi hút thuốc lá. “Khi khảo sát các bối cảnh khiến người bệnh hút thuốc lá sẽ làm rõ thành phần nghiện hành vi. Chẳng hạn, có người chỉ gặp bạn bè mới hút thuốc; hoặc uống rượu, uống cà phê phải có điếu thuốc lá chứ nếu không “chả ngon gì”, ăn cơm xong hút thuốc lá “vì tanh miệng lắm” - TS.BS Lê Khắc Bảo mô tả.

Chuyên gia nhấn mạnh, người thầy thuốc có thể sử dụng test Fagerstrom, đo CO hơi thở ra để phát hiện nghiện thực thể, hỏi lý do hút và cai thuốc lá để nhận ra nghiện nhận thức và hỏi hoàn cảnh hút thuốc lá sẽ nhận diện được nghiện hành vi.

“Cởi trói” cho người nghiện thuốc lá

TS.BS Lê Khắc Bảo hướng dẫn, cần phải kê thuốc cai nghiện thuốc lá đối với trường hợp nghiện thực thể. Hiện có 3 nhóm thuốc cai nghiện thuốc lá gồm thuốc nicotin, bupropion và varenicline. Thầy thuốc lựa chọn thuốc dựa trên đặc trưng hút thuốc bệnh nhân.

Theo đó, bệnh nhân có nhu cầu hút “bùng nổ”, thì những loại thuốc cung cấp nicotin thay thế dạng gum. “Lưu ý sử dụng đúng cách, hướng dẫn bệnh nhân cắn viên thuốc và để qua một bên để thấm qua niêm mạc má, không nhai và nuốt ngay vì có thể gây tiêu chảy. Nicotin thay thế không gây nghiện. Nhưng nicotin hút qua thuốc lá gây nghiện, bởi vì khác nhau về động học” - chuyên gia nhấn mạnh.

Đối với bệnh nhân hút thuốc lá buổi sáng ngay sau khi thức dậy. Những bệnh nhân này lệ thuộc lượng nicotin trong máu cần duy trì hằng định, do đó nên sử dụng nicotin thay thế loại dán, gồm loại 16h và 24h. Trong trường hợp bệnh nhân nghiện, thường bắt buộc hút thuốc vào buổi sáng dùng loại 24h. Trong trường hợp bệnh nhân không thèm thuốc vào buổi sáng sử dụng loại 16h, nếu không sẽ đưa đến mất ngủ, bởi vì thuốc gây rối loạn giấc ngủ REM.

Trong tình huống bệnh nhân không đồng ý dùng loại dán, vì với điều kiện thời tiết Việt Nam dễ gây đổ mồ hôi có thể sử dụng dạng uống Buprobion hoặc Varenicline. “Các thuốc này ức chế ngay tại thụ thể của nicotin. Riêng Varenicline còn “khóa” luôn thụ thể nicotin, khi đó cho dù bệnh nhân có cầm điếu thuốc lá cũng không còn thấy hứng thú, chống tái nghiện. Chúng ta đã có trong tay những công cụ hiệu quả, sẽ giúp bệnh nhân cắt được dây trói nghiện thực thể” - chuyên gia nói.

Hiệu quả của Bupropion hoặc Varenicline qua các nghiên cứu thực hiện trên bệnh nhân tại Việt Nam được TS.BS Lê Khắc Bảo đề cập, tỷ lệ cai thuốc lá hoàn toàn sau 9 tuần điều trị bằng Bupropion là 60% và 45% với Varenicline sau 12 tuần điều trị.

Đối với nghiện nhận thức, chuyên gia nhấn mạnh, cần phải đổi từ “giáo dục” thành “thuyết phục”, chia sẻ niềm tin, giá trị, điều này đỏi hỏi tâm sức của bác sĩ/ thầy thuốc nhiều hơn. Trong khi đó, với nghiện hành vi, để hủy phản xạ có điều kiện cần cắt hoàn cảnh. “Hãy trao đổi với bệnh nhân để được lắng nghe về hoàn cảnh hút thuốc lá, từ đó đưa ra lời khuyên để thay đổi hoàn cảnh này. Ví dụ, thèm thuốc lá khi uống cà phê, thì hãy uống “ực” một cách nhanh chóng, đừng ngồi bàn quen…” - TS.BS Lê Khắc Bảo kết luận.

Các báo cáo viên trong phiên chuyên đề "Các chiến lược thay đổi lối sống trong phòng ngừa xơ vữa động mạch" tại Hội nghị khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam lần 2 do Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam tổ chức.

>>> Hội nghị Khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam: Mốc son trong đại lộ hội nhập quốc tế

>>> Hội nghị Khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam: Diễn đàn cho các nhà khoa học trẻ lĩnh hội kiến thức và giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới

>>> Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam chính thức là thành viên của Hội Xơ vữa động mạch Quốc tế

>>> Áp dụng phương pháp tích hợp trong dự phòng xơ vữa động mạch vành

>>> Bệnh nhân ung thư có thể tử vong do biến cố tim mạch trước khi ung thư tái phát

Hội nghị khoa học Xơ vữa động mạch năm 2024 với chủ đề “Quản lý xơ vữa động mạch: Mở rộng chân trời mới trong kỷ nguyên hiện đại” do Hội nghị khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam lần thứ II, diễn ra tại Thành phố biển Nha Trang vào 2 ngày 9/8 và 10/8/2024. Chương trình bao gồm 25 phiên với 25 chủ đề, gần 130 bài báo cáo, đón nhận hơn 80 báo cáo viên từ thế giới đến Việt Nam và 800 đại biểu về tham dự. 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X