Bệnh nhân ung thư có thể tử vong do biến cố tim mạch trước khi ung thư tái phát
Trong Hội nghị Khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam lần thứ II do Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai đã bàn luận một vấn đề vô cùng hấp dẫn về mối liên quan giữa xơ vữa động mạch và ung thư, hai nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay.
Mối liên quan giữa ung thư và xơ vữa động mạch
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài nhận định, xơ vữa động mạch và ung thư là 2 bệnh mạn tính và là 2 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, đồng thời giống nhau ở đa yếu tố gây bệnh từ di truyền, đột biến gen, liên quan đến tình trạng dinh dưỡng, chế độ ăn, tâm lý và các điều kiện môi trường.
Tiến triển của xơ vữa động mạch và ung thư có liên quan chặt chẽ đến những thay đổi về gen và di truyền cho đến tình trạng viêm toàn cơ thể đối với sự tăng sinh không kiểm soát được của tế bào, stress oxy hóa, kèm theo đó là các tác động ngoại lai như tình trạng nhiễm trùng hoặc phơi nhiễm với các hóa chất.
Cả ung thư và xơ vữa động mạch có rất nhiều điểm tương đồng nhưng chiến lược điều trị cho hai bệnh lý này khác nhau. Hiện nay các phương pháp điều trị ung thư ngày càng phát triển, bệnh nhân được phát hiện sớm, kéo dài thời gian sống lên nhiều năm và tuổi thọ ngày càng cao, tuy nhiên có những bệnh nhân không tử vong vì ung thư nhưng tử vong do bệnh tim mạch trước khi ung thư tái phát.
Lý giải về nguyên nhân cũng như mối quan hệ mật thiết giữa 2 bệnh lý này, chuyên gia cho biết, sự phát triển xơ vữa động mạch sẽ dựa vào các yếu tố chính, điển hình như LDL cholesterol… Nếu tăng LDL cholesterol, tăng receptor oxy hóa của LDL cholesterol sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho ung thư di căn. Bên cạnh đó việc hoạt hóa trục LDL cholesterol và receptor oxy hóa LDL cholesterol chính là con đường dẫn đến tình trạng nặng nề bao gồm các biến cố tim mạch do xơ vữa động mạch, và di căn của bệnh ung thư.
Trước bối cảnh tỷ lệ nhóm bệnh nhân ung thư tử vong vì các biến cố tim mạch gia tăng, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài cho rằng, cần đặt ra vấn đề có nên tìm các đích chung để điều trị cùng một lúc cho cả 2 bệnh. Ví dụ như kiểm soát nồng độ receptor LDL cholesterol oxy hóa, chuyên gia cho rằng đây có thể là một hướng điều trị hứa hẹn trong việc điều trị cùng lúc hai bệnh xơ vữa động mạch và ung thư.
Nhóm thuốc điều trị ung thư làm tăng biến cố tim mạch
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài thông tin, ở các bệnh nhân ung thư được điều trị rất nhiều thuốc từ thuốc ức chế miễn dịch đến các thuốc ức chế tăng trưởng nội mạch, thuốc ức chế HER2, thuốc ở thế hệ Anthracycline… tất cả các thuộc này đều độc hại đến tim, rất nhiều thuốc gây xơ vữa động mạch.
Tuy nhiên tác dụng và hậu quả gây xơ vữa động mạch ở các thuốc điều trị ung thư rất chậm, thường không có biểu hiện trong quá trình bệnh nhân điều trị ung thư mà xuất hiện sau khi bệnh nhân kết thúc liệu trình điều trị ung thư rất nhiều năm. Giai đoạn này bệnh nhân sẽ bị hội chứng vành cấp, suy tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại vi, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu.
Về các nhóm thuốc điều trị ung thư, những loại thuốc kinh điển thuộc nhóm chống ung thư và tác động vào hệ thống miễn dịch, nhóm thuốc hoá trị… đều cho thấy có thể đi kèm với nguy cơ dẫn đến bệnh động mạch vành ổn định (cơn đau thắt ngực ổn định), hội chứng vành cấp và bệnh động mạch ngoại vi. Cơ chế là làm suy giảm, mất khả năng giãn mạch, tăng quá trình tạo huyết khối và tăng viêm, tổn thương nội mạc, hình thành huyết khối, tăng đông, tụt huyết áp, co mạch, tất cả các yếu tố này đều có thể gây ra hội chứng mạch vành cấp.
Đối với các thuốc điều trị đích cho bệnh nhân ung thư với hai nhóm chính là kháng thể đơn dòng và nhóm thuốc ức chế Tyrosine Kinase. Trong đó đối với xơ vữa động mạch thường được gây ra bởi nhóm thuốc ức chế Tyrosine Kinase, do rối loạn quá trình ức chế tăng sinh mạch và rối loạn ty lạp thể dẫn đến giảm nồng độ calcium, giảm nồng độ nitric oxide, càng tăng thêm xơ vữa động mạch, các rối loạn dẫn đến biến cố mạch máu.
Nguy cơ xơ vữa động mạch tăng lên khi bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc ức chế Tyrosine Kinase là các vấn đề tăng huyết áp, rối loạn chức năng nội mạch và các vấn đề rối loạn hoạt hóa, kết dính của các tế bào viêm.
Đối với các thuốc ức chế tăng trưởng nội mạch, các thuốc ức chế Tyrosine Kinase có thể gây ra tăng huyết áp. Ví dụ như Bevacizumab là một kháng thể đơn dòng có thể gây tăng huyết áp, đồng thời có thể dẫn tới huyết khối động mạch vành, tổn thương nội mạc động mạch vành, gây ra các tình trạng tăng viêm.
Chuyên gia dẫn chứng các tác dụng phụ có thể dẫn đến xơ vữa động mạch của các thuốc điều trị đích bao gồm: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Một nhóm thuốc trong điều trị ung thư thường sử dụng là nhóm thuốc ức chế Androgen. Ví dụ như điều trị ung thư tiền liệt tuyến, tác dụng phụ của các thuốc đồng vận đối với hormon tuyến yên ngày càng có hại lên hệ tim mạch, đặc biệt đối với các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch.
Theo nghiên cứu của Keating năm 2006, ở những bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến, nghiên cứu trên 73.000 nam giới bị ung thư tiền liệt tuyến nếu có bệnh tim mạch đi kèm, những bệnh nhân này gia tăng nguy cơ bệnh tim thiếu máu cục bộ lên 16%, nhồi máu cơ tim cấp tăng lên 11%, đột tử do tim tăng tới 16% so với những bệnh nhân không điều trị bằng liệu pháp hormon này.
Ngoài ra các nghiên cứu khác trên những bệnh nhân điều trị các thuốc ức chế androgen cũng khẳng định dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, huyết khối, thuyên tắc mạch máu… và các thuốc đồng vận với hormon tuyến yên có tác dụng trực tiếp lẫn gián tiếp đối với xơ vữa động mạch.
Trong đó tác dụng gián tiếp là gây tăng cân, kháng insulin và rối loạn lipid máu. Còn tác dụng trực tiếp là tác dụng thẳng vào cơ tim thông qua chuyển hóa và thay đổi về androgen, các hormon tuyến yên và hormon FSH. Các thuốc ức chế làm giảm androgen có thể làm tăng LDL, tăng triglycerides, tăng tình trạng viêm và kháng insulin.
Một nghiên cứu của Carneiro 2015, tiến hành tổng phân tích trên 137.000 người cho thấy các thuốc ức chế androgen làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch lên 1,5 lần; đặc biệt đối với bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt tăng 2 lần dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, huyết khối và rối loạn nhịp.
Nghiên cứu của tác giả Ky năm 2019 về việc bệnh nhân ung thư vú điều trị các thuốc ức chế hormon cho thấy thuốc ức chế Aromatase có thể gây ra rối loạn lipid máu trên bệnh nhân ung thư vú.
Còn với nghiên cứu của Amir năm 2011, tổng phân tích trên 30.000 bệnh nhân cho thấy càng sử dụng lâu dài các thuốc ức chế tác động lên hormon, nguy cơ tăng cholesterol càng cao so với bệnh nhân không sử dụng nhóm thuốc này.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài thông tin đối với những bệnh nhân ung thư điều trị tia xạ cũng gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch với nhiều mức độ tiền lâm sàng đến mức độ biểu hiện trên lâm sàng.
Dẫn chứng từ vị chuyên gia cho thấy khi nghiên cứu trên 2.168 phụ nữ ung thư vú được điều trị tia xạ so sánh với 1.200 người đối chứng, thấy rằng với liều xạ trung bình là 4,9 Gy, nếu cứ tăng 1 Gy sẽ tăng đến 7,4% nguy cơ bị biến cố động mạch vành bao gồm nhồi máu cơ tim và can thiệp động mạch vành.
Bên cạnh đó nhận thấy việc tăng nguy cơ sẽ xảy ra sau 5 năm sau khi bệnh nhân kết thúc điều trị Radiotherapy, không xảy ra trong quá trình điều trị của bệnh nhân, đồng thời nguy cơ này tăng cao ở những bệnh nhân có sẵn các nguy cơ tim mạch và cả bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ tim mạch.
Việc điều trị tia xạ gây ra xơ vữa động mạch, ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan từ ung thư vú đến ung thư Hodgkin lymphoma. Nếu bệnh nhân có sẵn các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp… nguy cơ xơ vữa động mạch trên nền bệnh nhân điều trị xạ trị càng gia tăng. Đặc biệt biểu hiện bệnh nhân trong quá trình xạ trị rất kín đáo, triệu chứng sẽ nặng lên sau 1 năm từ khi bệnh nhân kết thúc quá trình xạ trị.
Các tổn thương tim mạch tiến triển theo thời gian và phụ thuộc vào liều xạ trị, liều càng cao biến chứng xơ vữa động mạch càng tăng.
Khó khăn trong việc nhận định chẩn đoán cho các bệnh nhân này là thường bệnh nhân điều trị tia xạ sẽ có các rối loạn thần kinh tự động, giảm rối loạn cảm giác đau, vì vậy có các biểu hiện thiếu máu cơ tim thầm lặng, cơn co thắt ngực không điển hình hoặc có các biểu hiện không điển hình như đau vùng bụng, nôn, buồn nôn. Những người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ sau khi điều trị ung thư khỏi cũng có thể mắc bị các bệnh lý mạch vành xơ vữa do biến chứng của tia xạ.
Đồng thời nguy cơ tích luỹ trong tiến triển thành nhồi máu cơ tim trong 30 năm sau khi điều trị tia xạ từ 10-30%. Đối với bệnh tim thiếu máu cục bộ (bệnh động mạch vành ổn định thầm lặng) giai đoạn diễn tiến thầm lặng kéo dài từ 10-15 năm. Vì vậy cần theo dõi sát bệnh nhân ung thư điều trị tia xạ và điều trị hóa chất rất quan trọng, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài.
Các bệnh nhân ung thư điều trị tia xạ không chỉ có các biến chứng mạch vành rõ rệt mà còn có biến cố, tổn thương dưới lâm sàng, có thể khảo sát bằng hình ảnh học hiện đại hoặc các siêu âm doppler mạch máu. Chuyên gia dẫn chứng kết luận cuộc tổng phân tích cho thấy những nguy cơ này lên đến gần 2 lần.
Cần có hướng dẫn chẩn đoán, quản lý bệnh nhân tim mạch, ung thư
Chuyên gia cho rằng, cần có một mối quan tâm và hệ thống hướng dẫn để chẩn đoán và quản lý các bệnh nhân tim mạch, ung thư. Năm 2012, Hội nghị tim mạch toàn quốc có một phiên báo cáo về tim mạch và ung thư, trong đó đã cập nhật quy trình và các khuyến cáo hướng dẫn quản lý, đánh giá các mức độ nguy cơ tim mạch, nhiễm độc hóa chất và nhiễm độc các thuốc điều trị ung thư ở bệnh nhân tim mạch, ung thư.
Một khuyến cáo của chuyên gia đến từ Hoa Kỳ được nhiều tác giả đồng thuận và áp dụng theo là đối với bệnh nhân ung thư cần áp dụng sàng lọc về xơ vữa động mạch, đặc biệt là bệnh nhân trên 40 tuổi bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hoặc các phương pháp chẩn đoán xơ vữa như siêu âm động mạch cảnh, động mạch chủ, siêu âm động mạch đùi và các thang điểm canxi hóa.
Bên cạnh đó cần kiểm soát chế độ ăn, chế độ tập luyện, giảm cân, điều chỉnh yếu tố nguy cơ của bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao, cần kiểm soát chặt chẽ, theo dõi người bệnh kiểm soát huyết áp dưới 130/80 mmHg, kiểm soát nồng độ LDL cholesterol, triglycerides và cải thiện LDL cholesterol với các thuốc statin, thuốc điều trị rối loạn lipid máu, đặc biệt là điều trị dự phòng thứ phát cho bệnh nhân với các thuốc giảm viêm, thuốc điều trị và theo dõi thứ phát cho người bệnh.
Chuyên gia kết luận các biến chứng về xơ vữa động mạch của các thuốc điều trị ung thư, vấn đề ngày ngày càng có nhiều nghiên cứu và nhiều dữ liệu để giúp hiểu biết sâu sắc về mối liên quan giữa các yếu tố nguy cơ tim mạch và vấn đề ung thư ở các bệnh nhân tim mạch, ung thư.
Bên cạnh đó cần phát hiện những bệnh nhân nguy cơ cao, ứng dụng ngay theo khuyến cáo các phương pháp sàng lọc, quản lý, điều trị các yếu tố nguy cơ bằng thuốc như statin, kháng kết tập tiểu cầu, ức chế hệ RASi, chẹn beta… Thậm chí có thể chỉ định can thiệp động mạch vành cho những bệnh nhân trẻ tuổi nhưng phát hiện sớm tổn thương mạch vành.
>>> Hội nghị Khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam: Mốc son trong đại lộ hội nhập quốc tế
>>> Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam chính thức là thành viên của Hội Xơ vữa động mạch Quốc tế
>>> Áp dụng phương pháp tích hợp trong dự phòng xơ vữa động mạch vành
Hội nghị khoa học Xơ vữa động mạch năm 2024 với chủ đề “Quản lý xơ vữa động mạch: Mở rộng chân trời mới trong kỷ nguyên hiện đại” do Hội nghị khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam lần thứ II, diễn ra tại Thành phố biển Nha Trang vào 2 ngày 9/8 và 10/8/2024. Chương trình bao gồm 25 phiên với 25 chủ đề, gần 130 bài báo cáo, đón nhận hơn 80 báo cáo viên từ thế giới đến Việt Nam và 800 đại biểu về tham dự. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình