Thay đổi lối sống giúp ngăn chặn 3/4 số ca tử vong do các bệnh tim mạch
“Những người khỏe mạnh có rất nhiều mối bận tâm, thế nhưng với những người ốm đau, mối quan tâm của họ chỉ là uống thuốc gì, làm gì để có thể cải thiện tình trạng”. Đó chính là lý do khiến BS.CK2 Lê Hữu Đồng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang quyết định mang chủ đề “Luyện tập thể dục thể thao và dự phòng bệnh tim mạch do xơ vữa” đến Hội nghị khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam lần thứ II do Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam tổ chức
Tập luyện giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tử vong
Báo cáo đặt vấn đề: “Lối sống tĩnh tại là yếu tố nguy cơ độc lập của sự phát triển sớm bệnh động mạch vành”. Hơn 3/4 số ca tử vong do các bệnh tim mạch có thể được ngăn ngừa chỉ bằng thay đổi lối sống lành mạnh hơn.
Tăng cường hoạt động thể lực và giảm lối sống tĩnh tại góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, đột quỵ và biến cố tim mạch, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tử vong.
Một tín hiệu vui là ngày nay, cộng đồng đã nhận thức rõ về lợi ích này và nhiều người đã chủ động thực hiện các chương trình tập thể dục với kỳ vọng sẽ ngăn ngừa hiệu quả bệnh tim mạch do xơ vữa.
BS.CK2 Lê Hữu Đồng giải thích, hoạt động thể chất (Physical activity) là bất kỳ vận động nào của cơ thể do co cơ vân tạo ra, từ đó tiêu hao năng lượng. Tập thể dục (Exercise) là hoạt động thể chất đã được cấu trúc hóa, lặp đi lặp lại có mục đích nhằm cải thiện hoặc duy trì một hay nhiều thành phần trong sức khỏe thể chất.
Các thành phần của sức khỏe thể chất gồm 5 cấu phần: hình thái (khối lượng cơ, mỡ), cơ bắp (độ mạnh, sức bền, sức bật của cơ), chuyển hóa (chuyển hóa đường, chuyển hóa mỡ), vận động (nhanh nhẹn, cân bằng, tốc độ di chuyển, khả năng phối hợp) và sức khỏe tim phổi.
Khi nhắc đến khái niệm thể dục thể thao, không thể bỏ qua đặc tính FITT của tập thể dục (Frequency - Tần suất, Intensity - Cường độ, Time - Thời gian, Type - Loại). Cụ thể, tập thể dục được phân thành 2 loại: các bài tập cho độ bền (endurance) và các bài tập cho kháng lực (resistance) hay độ mạnh (strength).
Thể dục aerobic (Aerobic exercise) là hoạt động cho sức bền, được thực hiện ở cường độ cho phép, dựa vào chuyển hóa năng lượng dự trữ diễn ra chủ yếu thông qua quá trình đường phân hiếu khí (aerobic glycolysis).
Các bài tập aerobic liên quan đến số lượng lớn các nhóm cơ thực hiện các hoạt động lặp đi lặp lại cường độ thấp đến trung bình trong một khoảng thời gian dài, làm tăng đáng kể nhịp tim và làm tiêu hao năng lượng, chẳng hạn đạp xe, chạy, bơi lội... ở cường độ thấp đến trung bình.
Thể dục anaerobic (anaerobic exercise) là hoạt động được thực hiện ở cường độ cao, không dai dẳng, bùng nổ với một sự nỗ lực tối đa trong thời gian ngắn. Sự chuyển hóa năng lượng dự trữ được xử lý phần lớn bằng quá trình đường phân yếm khí (anaerobic glycolysis), điển hình là các bài tập cường độ cao ngắt quãng,...
Người không mắc tim mạch xơ vữa và cả bệnh nhân tim mạch xơ vữa đều cần có chương trình tập luyện (training) phù hợp. Khi so sánh với tập luyện liên tục, tập luyện ngắt quãng cung cấp thử thách lớn hơn trên hệ tim phổi, mạch máu ngoại biên và hệ thống chuyển hóa. Không chỉ vậy, các đợt tập thể dục ngắn với cường độ cao còn giúp người tập hăng hái và năng động hơn so với quá trình tập luyện liên tục truyền thống.
“Tuy nhiên, tập luyện ngắt quãng chỉ nên được áp dụng ở những bệnh nhân tình trạng tim mạch đã ổn định vì nó tạo gánh nặng cao hơn cho hệ tim mạch” - BS.CK2 Lê Hữu Đồng khuyến cáo.
Khái niệm 1 lần lặp lại tối đa đa (1 RM-one repetition maximum) được dùng để chỉ mức trọng lượng tối đa mà một người có thể nâng với 1 lần lặp lại. Ví dụ: Nếu có thể nâng tối đa tạ nặng 60 kg thì 1 RM của người này là 60 kg. Việc xác định 1RM sẽ là cơ sở để đẩy mức tạ đến ngưỡng mà cơ thể có thể chịu được.
Bệnh nhân tim mạch nên được đánh giá nguy cơ trước khi tham gia hoạt động thể chất
BS.CK2 Lê Hữu Đồng cho biết, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tập luyện. Nhìn chung, rèn luyện thể thao liên quan đến loại thành phần chủ yếu (kỹ năng, độ mạnh, hỗn hợp và độ bền) và cường độ tập luyện.
Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Về yếu tố nguy cơ tim mạch, người tập thể dục giảm nhu cầu oxy cơ tim, giảm huyết áp khi nghỉ, tăng cung lượng tim tối đa. Việc tập luyện còn cải thiện được các chỉ số trong bộ mỡ, tái phân bố mỡ, tăng khả năng sử dụng cơ và nâng cao chức năng hô hấp. Đặc biệt, thể thao còn mang lại lợi ích cho tâm lý của người bệnh.
Các nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ nghịch giữa thói quen tập thể dục với nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và tử vong. Mặc dù hầu hết các quan sát được thực hiện ở nam giới, lợi ích tim mạch từ việc tập luyện cũng được chứng minh tương tự ở nữ giới, trên các nhóm chủng tộc khác nhau, ở bệnh nhân lớn tuổi, và ở các nước khác nhau trên thế giới.
BS.CK2 Lê Hữu Đồng dẫn chứng bằng nghiên cứu INTERHEART được đăng trên tạp chí The Lancet năm 2024. Nghiên cứu này đánh giá những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi liên quan đến tình trạng nhồi máu cơ tim tại 52 quốc gia. Kết quả cho thấy, tập luyện thường xuyên có thể giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, đối với cả nam lẫn nữ.
Để đánh giá được khả năng thực hiện bài tập của bệnh nhân, người thầy thuốc có thể sử dụng SCORE hoặc SCORE2, SCORE2-OP. Các thang điểm này chia thành 3 mức độ: nhẹ - trung bình, cao và rất cao của bệnh tim mạch xơ vữa ở từng nhóm dưới 50 tuổi, 50 - 69 tuổi và từ 70 tuổi trở lên.
Theo BS.CK2 Lê Hữu Đồng, những người đã có thói quen vận động và có nguy cơ bệnh tim mạch xơ vữa 10 năm từ thấp đến trung bình không cần hạn chế tập thể dục kể cả các môn thể thao có mang tính chất thi đấu. Những người ít vận động và có nguy cơ bệnh tim mạch xơ vữa 10 năm cao hoặc rất cao sẽ không cần đánh giá thêm nếu chỉ tham gia vào tập luyện với cường độ thấp.
Đánh giá trước tập luyện gồm khám lâm sàng, đo điện tâm đồ (ECG) 12 chuyển đạo. Trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh có thể được làm test gắng sức nhằm đánh giá nguy cơ bệnh mạch vành hoặc phát hiện rối loạn nhịp tim liên quan gắng sức.
Những người có triệu chứng bất thường khi thăm khám, chẳng hạn kết quả ECG hay test gắng sức bất thường, có nguy cơ hội chứng mạch vành mạn rất cao. Nếu kết quả khảo sát bình thường, người bệnh không bị hạn chế tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
Đúc kết lại từ ESC 2021, BS.CK2 Lê Hữu Đồng nhấn mạnh, người có nguy cơ tim mạch thấp đến trung bình nên xem xét việc tham gia tất cả các môn thể thao giải trí mà không cần đánh giá tim mạch thêm. Tầm soát tim mạch cùng với hỏi tiền sử gia đình, các triệu chứng, khám lâm sàng và đo ECG 12 chuyển đạo khi nghỉ nên được xem xét đối với các vận động viên thi đấu.
Theo ESC 2020, những người béo phì (BMI ≥ 30 kg/m2 hoặc vòng eo > 80 cm đối với nữ hoặc > 94 cm đối với nam) được khuyến cáo tập luyện đối kháng trên 3 lần/tuần, thêm vào đó là tập thể dục aerobic cường độ trung bình hoặc mạnh (từ 30 phút/ngày và 5-7 ngày/tuần) để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Những người bị tăng huyết áp được kiểm soát tốt, tập luyện đối kháng trên 3 lần/tuần kết hợp với tập thể dục aerobic cường độ trung bình hoặc mạnh (từ 30 phút/ngày và 5-7 ngày/tuần) để giảm huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
ESC 2021 khuyến nghị, khi đưa ra lời khuyên liên quan đến tham gia chương trình luyện tập thể thao, bác sĩ nên chỉ ra cụ thể về môn thể thao, tần suất và thời lượng tập, cường độ phù hợp với từng cá nhân
Thể dục aerobic bao gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe... được khuyến cáo thực hiện ở cường độ trung bình với thời lượng 150–300 phút/tuần hoặc ở cường độ mạnh từ 75-150 phút/tuần hoặc kết hợp tương đương của cả hai, trải dài trong suốt tuần. Tập thể dục aerobic vẫn được khuyến cáo ở những người không thể thực hiện được ở mức tối thiểu.
Tổng kết vấn đề, BS.CK2 Lê Hữu Đồng khẳng định: “Tham gia tập thể dục ít nhất một giờ mỗi tuần có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và tử vong. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu hoạt động thể chất cường độ mạnh, bệnh nhân nên được đánh giá nguy cơ của hoạt động thể chất đến sức khoẻ và trong một số trường hợp, có thể thực hiện các nghiệm pháp gắng sức”.
>>> Áp dụng phương pháp tích hợp trong dự phòng xơ vữa động mạch vành
>>> Bệnh nhân ung thư có thể tử vong do biến cố tim mạch trước khi ung thư tái phát
>>> Bác sĩ có thể làm gì trước người bệnh tim mạch nghiện thuốc lá mà chưa chịu từ bỏ?
Hội nghị khoa học Xơ vữa động mạch năm 2024 với chủ đề “Quản lý xơ vữa động mạch: Mở rộng chân trời mới trong kỷ nguyên hiện đại” do Hội nghị khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam lần thứ II, diễn ra tại Thành phố biển Nha Trang vào 2 ngày 9/8 và 10/8/2024. Chương trình bao gồm 25 phiên với 25 chủ đề, gần 130 bài báo cáo, đón nhận hơn 80 báo cáo viên từ thế giới đến Việt Nam và 800 đại biểu về tham dự. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình