Bệnh viện An Bình đạt chứng nhận Vàng điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới
Sáng 28/12/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học - Kỹ thuật bệnh viện An Bình 2024, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội đột quỵ TPHCM, Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam đã đại diện Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng Vàng điều trị đột quỵ.
BS.CK2 Hồ Hải Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện An Bình cho biết: “Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện An Bình là một khoa mũi nhọn, với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao. Hàng ngày khoa đều tiếp nhận các ca đột quỵ, trong đó có những bệnh nhân đột quỵ giai đoạn đầu có thể chỉ định tiêu sợi huyết để giải quyết cục máu đông, cải thiện triệu chứng lâm sàng ngay tức thì cho người bệnh.
Nếu can thiệp tiêu sợi huyết thành công, bệnh nhân sẽ phục hồi rất nhanh và tốt. Bệnh viện đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chứng nhận vàng trong điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới đưa ra năm 2024, và hôm nay bệnh viện đã vinh dự được PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam đại diện cho WSO trao chứng nhận này”.
Để đạt được chứng nhận Vàng về điều trị đột quỵ từ WSO, Bệnh viện An Bình phải tuân thủ quy trình về điều trị đột quỵ cấp của WSO đưa ra. Bệnh nhân đột quỵ ngay khi vừa đến cổng bệnh viện, tập thể bác sĩ phải phối hợp nhiều chuyên khoa: cấp cứu, bác sĩ trực đột quỵ, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm… để thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, đảm bảo thời gian từ lúc bệnh nhân đến bệnh viện đến khi được điều trị tái thông bằng tiêu huyết khối đường tĩnh mạch phải dưới 60 phút (theo quy định của WSO). Bệnh viện An Bình thời gian qua đã thực hiện vượt mức quy chuẩn của WSO đưa ra với quá trình cấp cứu đột quỵ chỉ kéo dài dưới 40 phút.
Ngoài tiêu chuẩn về thời gian, bệnh viện còn thực hiện các biện pháp điều trị khác như: bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não nhập viện phải được chăm sóc toàn diện từ việc tầm soát rối loạn nuốt để điều trị ngăn ngừa biến chứng hít sặc do đột quỵ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân phải được chăm sóc trong đơn vị đột quỵ, theo dõi sâu sát bởi stroke team (bao gồm bác sĩ, điều dưỡng được huấn luyện đột quỵ). Sau khi điều trị tái thông cấp, bệnh nhân phải được áp dụng các phương pháp điều trị lâu dài, đảm bảo quy trình chuẩn của WSO. Sau đó bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc chống đông máu, kháng kết tập tiểu cầu… ngăn chặn đột quỵ tái phát.
BSNT.BS.CK1 Hồ Hữu Thật - Phó trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện An Bình cho biết, hiện nay, khoa đã có máy CT hiện đại, điều trị được tiêu huyết khối tĩnh mạch; có đơn vị đột quỵ với đầy đủ nhân sự và cả hệ thống máy thở để điều trị bệnh nhân từ đột quỵ cấp mức độ nhẹ, trung bình, đến nặng…
Tuy nhiên khoa còn thiếu một kỹ thuật trong điều trị đột quỵ là can thiệp lấy huyết khối. Hiện tại, kỹ thuật này đang được bệnh viện lên kế hoạch và khai trương tại tòa nhà mới sắp sửa nhận được trong năm 2025, khi đó bệnh viện sẽ được trang bị máy MRI và DSA, giúp triển khai được kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối. Đồng thời, hiện bệnh viện đã cử bác sĩ đi học kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối tại các trung tâm lớn trong cả nước như: bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM… để sẵn sàng triển khai kỹ thuật ngay sau khi có thiết bị.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng đánh giá, Bệnh viện An Bình là một trong 3 bệnh viện bắt đầu điều trị đột quỵ cấp sớm nhất tại Việt Nam, cùng với Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Việc triển khai điều trị đột quỵ cấp bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch từ năm 2005, khi đó, phần lớn người dân đột quỵ đến bệnh viện ở thời gian khá trễ. Một năm, mỗi bệnh viện có số bệnh nhân điều trị đột quỵ cấp chỉ có khoảng 20-30 người.
Tuy nhiên, đã có tổng kết và công bố quốc tế trên tạp chí Thần kinh châu Âu về các số liệu đầu tiên của Việt Nam sử dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết tĩnh mạch tại 3 bệnh viện: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện An Bình. Điều đó cho thấy Bệnh viện An Bình không phải “lính mới” trong lĩnh vực điều trị đột quỵ.
Sau đó Bệnh viện An Bình gặp nhiều khó khăn, việc triển khai điều trị đột quỵ cấp không được như mong muốn. Trong thời gian gần đây đã thấy được sự biến chuyển rõ trong việc tổ chức lại quy trình cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện An Bình, số lượng bệnh nhân nhiều hơn. Một điều đáng ghi nhận là Bệnh viện An Bình có đơn vị đột quỵ đạt chuẩn vàng của WSO, mặc dù điều này tương đối trễ so với lịch sử bắt đầu nhưng đây là điều tích cực trong việc tối ưu hóa lại quy trình điều trị đột quỵ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình