Giảm cân cho người thừa cân béo phì: Tăng chất đạm, giới hạn chất béo, không ăn trái cây thay thế tinh bột
ThS.BS.CK2 Nguyễn Viết Quỳnh Thư - Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế Bệnh viện FV nhấn mạnh, béo phì và thừa cân là những yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến bệnh tim mạch. Do vậy, giảm cân là điều trị cốt lõi để ngăn chặn các biến cố nguy hiểm và dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc điều trị giảm cân cho bệnh nhân tim mạch.
Béo phì và thừa cân - mối đe dọa của tim mạch
Góp mặt tại Hội nghị Khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam lần thứ 2 do Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam tổ chức, ThS.BS.CK2 Nguyễn Viết Quỳnh Thư mang đến một bài báo cáo tổng quan về các vấn đề liên quan đến béo phì và tim mạch, từ phương pháp đánh giá đến dinh dưỡng và điều trị giảm cân kết hợp.
Chuyên gia cho biết, béo phì và thừa cân góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và suy tim. Theo các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân tim mạch kèm theo béo phì thường có nguy cơ cao hơn mắc các biến chứng tim mạch nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao hơn so với những người không béo phì. Đặc biệt, béo phì làm tăng gánh nặng cho hệ tim mạch, làm suy giảm chức năng tim và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh tim.
Hiện nay có nhiều phương pháp đánh giá thừa cân béo phì. Một trong số đó là đo BMI. Theo phân độ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), béo phì là khi BMI > 30. Trong khi đó, IDF phân độ béo phì theo châu lục, do đó đối với người châu Á BMI >25 gọi là béo phì. Tuy nhiên, một số trường hợp BMI sẽ không chính xác, ví dụ như béo phì đơn thuần, tích mỡ bất thường, tập thể lực. Do đó, một số cơ sở y tế được trang bị máy đo thành phần cơ thể (tỷ lệ mỡ…) từ đó lên kế hoạch giảm cân chính xác.
Bên cạnh đó, giải pháp đo vòng eo (≥ 90cm ở nam và ≥ 80 ở nữ, béo hình quả táo sẽ có nguy cơ mắc bệnh lý mãn tính cao hơn béo hình quả lê), chỉ số eo mông, eo cao cũng cho thấy giá trị liên quan đến nguy cơ tim mạch và tiểu đường của bệnh nhân. Trên thực tế lâm sàng, bác sĩ cũng có thể sử dụng các công cụ liên quan chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng, MRI để phát hiện, dự đoán mức độ gan nhiễm mỡ.
Chế độ ăn Địa Trung Hải, DASH giảm cân an toàn cho bệnh nhân thừa cân béo phì
Theo BS Quỳnh Thư, điều trị thừa cân béo phì phụ thuộc vào BMI của bệnh nhân và nguy cơ mắc bệnh đồng mắc liên quan béo phì. Có 3 phương pháp chính, bao gồm điều chỉnh chế độ ăn và lối sống; thuốc bổ sung thêm vào chế độ ăn và tập luyện; phẫu thuật giảm béo.
Mục tiêu điều trị thừa cân béo phì, là giảm cân, duy trì cân nặng chuẩn và ngừa tái tăng cân, từ đó cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ các bệnh đồng mắc. Trong đó duy trì cân nặng lý tưởng là khi BMI lý tưởng 18,5 - 22,9kg/m2, tỷ lệ % mỡ cơ thể nam 10-20%, nữ 25-30%.
Trong đó, về cơ bản và quan trọng nhất là điều chỉnh chế độ ăn và lối sống. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo, chế độ ăn uống cần giảm năng lượng - khẩu phần ăn vào của bệnh nhân, khoảng 500-750kcalo/ngày và dựa trên đặc điểm của mỗi quốc gia. Những chế độ ăn nên theo khi giảm cân có thể kể đến Địa Trung Hải, DASH.
Một bí quyết giảm cân hiệu quả là thay thế bữa ăn, có một sản phẩm/ khẩu phần một bữa ăn. “Bác sĩ thường sẽ chọn 1 sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với mức kcalo khoảng 300 nhưng đảm bảo thành phần chất đạm, chất béo, chất đường, vitamin và khoáng chất để thay thế cho bữa ăn. Lựa chọn sản phẩm dựa trên bệnh nền của bệnh nhân, ví dụ như tiểu đường, tim mạch, thận, gan…” - chuyên gia cho biết.
Chế độ low-carb chỉ nên ăn ngắn hạn, không vượt quá 3 tháng
Đi sâu về vấn đề giảm cân trên bệnh nhân thừa cân béo phì, BS Quỳnh Thư nhấn mạnh, mục tiêu năng lượng sẽ tùy theo bậc BMI để thiết kế cho phù hợp. BMI 25-29,9 năng lượng nhập một ngày là 1.500kcal, BMI 30-34,5 là 1.200, BMI 35 - 29,9 là 1.000 và BMI > 40 là 800.
Đối với chất đạm (protein) cần lưu ý một số điểm nhấn để thiết kế chế độ ăn lành mạnh, tốt cho hệ tim mạch. Chuyên gia kể đến, nên chọn nguồn đạm không cholesterol như thịt nạc ức gà, các loại cá, đậu phụ trắng, các loại đậu, sữa (tách béo hoàn toàn, không đường), sữa đậu nành… Trong giảm cân, tỷ lệ chất đạm phải cần đến 20-25% cao hơn người bình thường (10-15%), mục đích là để bệnh nhân no lâu và tránh mất cơ.
Đối với chất béo (lipid) nên ưu tiên các loại dầu thực vật, các loại hạt có dầu hoặc các loại từ mỡ cá (hồi, trích, thu…). Trong chế độ ăn Địa Trung Hải tập trung vào dầu ôliu, đây là gợi ý tốt cho bệnh nhân, theo BS Quỳnh Thư. Tuy nhiên, cần lưu ý, khi giảm cân, mức lipid nên trong giới hạn, tối đa 20-25% tổng năng lượng. Hạn chế/ không dùng chất béo có hại (da, mỡ nội tạng, bơ, magazine), transfat - chất béo có hại nhất cho hệ thống tim mạch, có nhiều trong thực phẩm fastfood, thực phẩm chiên sẵn…
Đối với chất bột đường (carbohydrate) khi giảm cân, mỗi ngày bệnh nhân cần đảm bảo ít nhất 150 gram carbohydrate (chiếm 45 - 50% tổng năng lượng) để giúp trí não, tim, cơ hoạt động được. Chọn nguồn chất bột đường tốt (chỉ số đường thấp, hấp thụ chậm) như gạo lứt còn vỏ cám, bánh mì đen, bún tươi, quinoa… Nên hạn chế ăn ngọt, giảm rượu bia (1 lon bia (340ml) cung cấp 120kcal = 1 giờ đi bộ).
Thực tế, nhiều bệnh nhân rất quan tâm đến chế độ ăn low-carb khi giảm cân. Về vấn đề này, BS Quỳnh Thư nhấn mạnh, đây là chế độ ăn không sinh lý, chỉ nên ăn ngắn hạn (1-3 tháng) không nên ăn kéo dài (tối đa là 3 tháng). Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu thực hiện chế độ ăn này sau 3 tháng có thể xảy ra các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
Chuyên gia cũng đề cập, trái cây là món ăn khoái khẩu của nhiều bệnh nhân thừa cân, béo phì. Thậm chí có trường hợp không ăn cơm, loại bỏ tinh bột nhưng lại ăn rất nhiều trái cây. Song, điều này là không khoa học, trái cây còn “dữ” hơn tinh bột, vì cung cấp loại đường hấp thu nhanh (fructose), kcalo cao. Bệnh nhân cũng cần hạn chế uống nước ép trái cây, tránh dùng trái cây chỉ số đường huyết cao.
Ngược lại, chất xơ từ các loại rau lại rất an toàn cho bệnh nhân thừa cân, béo phì vì đây là nguồn giúp tạo cảm giác mau no, ức chế hấp thu các chất béo có hại, hạn chế tăng đường huyết sau ăn, đảm bảo nhu cầu chất xơ 25-30 gram/ ngày, theo BS Quỳnh Thư. “Do đó, nên khuyên bệnh nhân ăn rau trước bữa chính. Tuy nhiên, trong nhóm rau củ cần tránh bí đỏ, cà rốt và các loại khoai vì cung cấp năng lượng cao và nhiều đường” - chuyên gia cho biết.
Bữa ăn phụ có thể lựa chọn sữa tách béo hoàn toàn không đường, sữa đậu nành không đường hoặc ăn hạt hạnh nhân, hạt điều rang khoảng 20gram.
Khi giảm cân, trong các loại vi chất dinh dưỡng, chuyên gia nhấn mạnh về vitamin D, vì bệnh nhân thừa cân-béo phì đa phần thiếu chất này. Cần đảm bảo nhu cầu vitamin D 400-800IU/ ngày, khuyên bệnh nhân nên phơi nắng (mặt + cẳng tay + bàn tay) 80% và ăn thực phẩm chứa vitamin D (20%).
3 yếu tố then chốt khi giảm cân: Dinh dưỡng, vận động kết hợp dùng thuốc khi có chỉ định
Song song với chế độ dinh dưỡng, BS Quỳnh Thư cũng đề cập đến việc giảm cân khoa học bằng vận động và các loại thuốc. Trong hoạt động thể chất cần tiến tới > 150 phút/ tuần, 3-5 ngày/tuần (tập thể hình, bơi lội, cầu lông, chạy bộ, đi bộ nhanh, aerobic…), bài tập đề kháng lặp lại các nhóm cơ chính, 2-3 lần/ tuần.
Về các thuốc giảm cân, tại Việt Nam hiện có 2 loại được Bộ Y tế chấp thuận đó là Orlistat và Liraglutide. Trong đó, Liraglutide giảm cảm giác đói và tăng cảm giác no, khiến người ta ăn ít hơn. Hồ sơ hiệu quả và an toàn lâu dài của Liraglutide được xác nhận qua các nghiên cứu. Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là về đường tiêu hóa, hầu hết đều ở mức độ nhẹ đến trung bình và thoáng qua.
Liraglutide chỉ định khi BMI ≥ 30kg/m2 (béo phì) hoặc ≥ 27kg/m2 đến < 30 kg/m2 (thừa cân) khi có ít nhất 1 bệnh đi kèm liên quan đến cân nặng như rối loạn đường huyết (tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường type 2), tăng huyết áp, tối loạn lipid máu hoặc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Nên ngừng điều trị bằng Liraglutide sau 12 tuần với liều 3,0mg/ngày nếu bệnh nhân không giảm ít nhất 5% trọng lượng cơ thể ban đầu.
BS Quỳnh Thư dẫn chứng nghiên cứu cho thấy, việc kết hợp dùng thuốc với chế độ ăn kiêng và tập thể dục có thể giúp bệnh nhân giảm cân có ý nghĩa lâm sàng. Cụ thể, nhóm kết hợp thuốc và lối sống giảm trung bình 12kg, trong khi chỉ dùng sibutramine giảm khoảng 5kg, thay đổi lối sống đơn thuần giảm khoảng 6kg.
Cuối cùng, chuyên gia nhấn mạnh: “Dinh dưỡng đóng vai trò then chốt trong việc điều trị giảm cân cho bệnh nhân tim mạch. Chế độ ăn kiêng hợp lý, giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất, nhưng hạn chế chất béo bão hòa và đường tinh luyện, có thể giúp giảm cân hiệu quả mà không làm tăng nguy cơ tim mạch.
Việc thiết lập một chế độ ăn uống cân bằng và theo dõi thường xuyên là cần thiết để đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng. Đồng thời, chế độ dinh dưỡng cần phối hợp với các biện pháp điều trị khác như tập thể dục đều đặn và quản lý stress để tăng cường hiệu quả giảm cân”.
>>> Hội nghị Khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam: Mốc son trong đại lộ hội nhập quốc tế
>>> Phân hội Xơ vữa động mạch Việt Nam chính thức là thành viên của Hội Xơ vữa động mạch Quốc tế
>>> Áp dụng phương pháp tích hợp trong dự phòng xơ vữa động mạch vành
>>> Bệnh nhân ung thư có thể tử vong do biến cố tim mạch trước khi ung thư tái phát
>>> Bác sĩ có thể làm gì trước người bệnh tim mạch nghiện thuốc lá mà chưa chịu từ bỏ?
>>> Thay đổi lối sống giúp ngăn chặn 3/4 số ca tử vong do các bệnh tim mạch
>>> Thuần chay ở người châu Á và bệnh lý tim mạch do xơ vữa
Hội nghị khoa học Xơ vữa động mạch năm 2024 với chủ đề “Quản lý xơ vữa động mạch: Mở rộng chân trời mới trong kỷ nguyên hiện đại” do Hội nghị khoa học Xơ vữa động mạch Việt Nam lần thứ II, diễn ra tại Thành phố biển Nha Trang vào 2 ngày 9/8 và 10/8/2024. Chương trình bao gồm 25 phiên với 25 chủ đề, gần 130 bài báo cáo, đón nhận hơn 80 báo cáo viên từ thế giới đến Việt Nam và 800 đại biểu về tham dự. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình