Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh zona thần kinh: Nhận biết và cách xử trí

Bệnh zona thần kinh là một bệnh viêm da do virut. Virut gây bệnh là virut Varicella zoster. Bệnh thường gặp vào mùa thu - đông hay đông - xuân.

Nguyên nhân và biểu hiện bệnh

Mặc dù virut là nguyên nhân gây bệnh nhưng không phải lúc nào virut cũng có thể xâm nhập và gây bệnh. Virut chỉ có thể gây bệnh khi chúng ta bị suy yếu về miễn dịch, giảm đột ngột số lượng các tế bào miễn dịch trên da.
 
Các tình huống cụ thể là trời rét, chuyển mùa, cơ thể ốm yếu, mệt mỏi, suy nhược, mất ngủ, căng thẳng, ức chế, suy nghĩ lo toan nhiều chuyện quá sức được cho là những nguyên nhân gây ra bệnh.

Bệnh zona rất dễ nhận biết, có thể tự khám và phát hiện tại nhà. Bệnh biểu hiện rõ bằng bộ ba triệu chứng: sốt, đau rát da và mụn nước.

Sốt trong bệnh zona có thể là đột ngột sốt cao như ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể sốt từ từ như ở người lớn, sau đó thì sốt tương đối cao nhưng ít khi lên đến 40 độ. Kèm theo sốt là biểu hiện da đau rát. Đau rát ngay từ khi cơ thể mới sốt, cũng có thể sốt trước rồi mới đau rát nhưng thường là đau rát và sốt hay xảy ra đồng thời.

Đau rát da rất rõ rệt và rất điển hình. Da tại chỗ bị virut xâm nhập đau và rát như phải bỏng. Sau một thời gian ngắn khoảng vài tiếng, da bắt đầu có biểu hiện ửng đỏ. Lúc này da càng đau rát hơn. Đau đến mức người bệnh không dám chạm vào da, thậm chí còn không dám để quần áo cọ vào vùng da này.

Khoảng 1 - 2 ngày tính từ khi bị sốt, tại các chỗ da đỏ, mụn nước bắt đầu xuất hiện. Mụn nước có đặc điểm là khu trú, không lan ra vùng da khác có màng da che phủ dày và có nước trong ở bên trong, có kích thước khoảng 3 - 5mm, nổi gồ, tập trung, tụ lại thành đám như một chùm nho. Tổn thương xuất hiện thành một vệt dài theo đường đi của dây thần kinh. Có lẽ vì lý do này mà nó được gọi là bệnh zona thần kinh.

Người bệnh thấy mệt mỏi một phần vì sốt, một phần vì đau rát da, phần nữa là vì đau nhức toàn thân.

Một khi thấy trên cơ thể chúng ta có bộ ba dấu hiệu: sốt, đau rát da và mụn nước thì gần như là chắc chắn bị zona thần kinh. Nếu để ý thêm là vùng bị tổn thương chỉ khu trú một bên và không sang bên đối diện, cũng không lan ra vùng da bên cạnh ở cùng một phía cơ thể thì chúng ta càng thêm khẳng định đó là bệnh này.

Tổn thương do zona thần kinh

Cách xử trí như thế nào?

Việc điều trị bệnh zona cũng khá đơn giản. Hầu hết các trường hợp có thể điều trị tại nhà. Liệu pháp đầy đủ của bệnh zona thần kinh bao gồm: dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm; thuốc làm dịu da; thuốc chống nhiễm khuẩn và thuốc ức chế virut.

Vì cơ thể chúng ta sốt và đau mỏi cơ khớp nên thuốc giảm đau, hạ sốt chống viêm non-steroid rất hiệu quả. Thuốc thông thường là paracetmol dạng sủi kết hợp với codein khá tốt trong bệnh này. Người bệnh sẽ cảm thấy đỡ đau, giảm sốt và xương khớp không còn nhức mỏi nữa. Nếu không đỡ, có thể người bệnh phải tham khảo ý kiến bác sĩ dùng thuốc giảm đau thần kinh.

Tiếp theo là thuốc làm dịu da. Nó không phải là thuốc phức tạp hay đắt tiền mà chỉ là hồ nước y tế. Cách dùng đơn giản: lắc đều trước khi dùng, dùng tăm bông thấm đẫm hồ rồi bôi nhẹ lên bề mặt da tổn thương. Ngày bôi 2 lần, bôi một lớp mỏng.
 
Hồ nước có tác dụng làm mát da rất tốt, có thể ngay tức thì làm giảm cảm giác rát da. Hồ nước chỉ sử dụng trong 2 - 3 ngày đầu của bệnh. Sau đó, phải chuyển sang dùng dung dịch sát khuẩn. Thông dụng là xanh methylen, hoặc dung dịch khác như tím gentan, iốt hữu cơ. Dung dịch này được bôi nhẹ nhàng lên tổn thương có tác dụng chống nhiễm khuẩn cho các mụn nước. Như thế da sẽ không bị tổn thương sâu và không có nguy cơ để lại sẹo.

Thuốc cuối cùng có thể dùng là acyclovia. Đây là thuốc ức chế virut. Thuốc dùng trong bệnh này rất tốt. Nhưng chỉ được dùng khi có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Trong một vài trường hợp, thuốc corticoid có thể có tác dụng phụ.

Varicella zoster virus

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thường thì bệnh zona có thể điều trị tại nhà, chỉ sau 7 - 10 ngày là bệnh có dấu hiệu lui và tiến tới khỏi. Chúng ta sẽ không phải đến bệnh viện điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, có thể phải cần tới nhân viên y tế can thiệp. Cụ thể, khi ở một trong các trường hợp sau:

- Bị zona thần kinh gần mắt và tai thì phải đi khám. Nếu không để zona thần kinh chạy vào tai hoặc thuốc điều trị rơi vào mắt hay tai thì rất nguy hiểm.

- Bệnh zona thần kinh không chỉ khu trú một bên mà lan sang cả bên đối diện. Nhất là zona vùng ngực, lưng, cổ, gáy khi bị nặng có thể lan sang bên kia.

- Bệnh zona thần kinh thể hoại tử. Da tổn thương có biểu hiện loét và hoại tử.

- Bệnh zona thần kinh bị trên một diện rộng như bị cả nửa thân mình từ bụng đến lưng, bệnh zona thần kinh bị nhiễm khuẩn, có mủ toàn bộ các nốt tổn thương.

- Bệnh zona thần kinh xảy ra khi người bệnh đang điều trị một số bệnh khác như bệnh AIDS, bệnh viêm gan, bệnh ung thư, bệnh tự miễn…
 
Trong tất cả các trường hợp này, đi khám sớm sẽ giúp chúng ta ngăn chặn không cho zona phát triển, ngăn chặn các biến chứng xảy ra.
     
Theo BS Lê Hồng Minh - Sức khỏe & Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X