Bệnh viện Thống Nhất nhận giải thưởng Kim Cương của Hội Đột quỵ Thế giới
Sáng 6/6/2024, Bệnh viện Thống Nhất vinh dự được Hội đột quỵ Thế giới (WSO) trao tặng “Giải thưởng Kim Cương” trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ.
Bệnh viện Thống Nhất nhận giải thưởng Kim Cương của Hội Đột quỵ Thế giới
Sáng 6/6/2024, Bệnh viện Thống Nhất vinh dự được Hội đột quỵ Thế giới (WSO) trao tặng “Giải thưởng Kim Cương” trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ.
WSO Angels Awards là giải thưởng mà Hội Đột quỵ Thế giới (W.S.O) dành cho các đơn vị và trung tâm điều trị đột quỵ có hoạt động chăm sóc đột quỵ xuất sắc trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, Diamond là giải thưởng cao nhất dành cho các đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ thỏa mãn các tiêu chí khắt khe về rút ngắn thời gian cấp cứu tái thông mạch máu não, đồng thời thực hiện tầm soát nguyên nhân và điều trị dự phòng đột quỵ phù hợp.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM cho biết: “Một trung tâm đạt được tiêu chí càng cao, điều đó chứng tỏ rằng phương pháp điều trị, quy trình điều trị tại trung tâm đang tiệm cận với y học hiện đại cũng như nền y tế chuyên nghiệp trên thế giới.
Để đạt được tiêu chí cao, việc áp dụng các khuyến cáo trên bệnh nhân phải được tuân thủ cao. Trong đó có những phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay như điều trị tái thông. Không chỉ vậy, chế độ điều trị phòng ngừa cho các bệnh nhân đột quỵ sau khi xuất viện cũng được xem là tiêu chí quan trọng”.
Thời gian là một trong những tiêu chí khó đạt nhất trong chuẩn Kim Cương. Tiêu chí này yêu cầu 75% bệnh nhân đột quỵ từ khi nhập viện phải được điều trị tiêu sợi huyết dưới 60 phút và ở mức dưới 45 phút (từ khi nhập viện đến khi điều trị) đạt từ 50%. Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân được can thiệp lấy huyết khối từ khi nhập viện ở mức dưới 120 phút đạt từ 75% và ở mức dưới 90 phút đạt từ 50%.
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thống nhất bày tỏ: “Giải thưởng này là vinh dự rất lớn cho ê-kíp điều trị đột quỵ của Bệnh viện Thống Nhất, là sự cố gắng trong hơn 10 năm kể từ khi đơn vị đột quỵ được thành lập. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện chất lượng để theo kịp những tiến bộ trong điều trị đột quỵ trên thế giới. Mục đích cuối cùng là càng nhiều bệnh nhân được hưởng lợi từ những tiến bộ này càng tốt”.
Trong khuôn khổ Lễ đón nhận “Giải thưởng Kim Cương của Hội đột quỵ thế giới”, Bệnh viện Thống Nhất đã có quyết định khen thưởng cho các tập thể khoa có đóng góp trong việc điều trị đột quỵ như Nội Thần kinh, Ngoại Thần kinh, Đơn vị can thiệp thần kinh, Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh,...
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất khẳng định, trong thời gian tới, Bệnh viện Thống Nhất sẽ tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng điều trị, trở thành địa chỉ đáng tin cậy đối với bệnh nhân đột quỵ.
Việt Nam có hơn 100 Trung tâm đột quỵ trên cả nướcSau khoảng 8 năm xây dựng các trung tâm đột quỵ, Việt Nam đã có hơn 100 trung tâm đột quỵ trên khắp cả nước, đảm bảo được lợi ích cho bệnh nhân với những phương pháp điều trị tốt nhất trên thế giới. Trong hơn 100 trung tâm đột quỵ, có trên 30 trung tâm đã nhận được chứng chỉ chuẩn điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới, bao gồm: Kim Cương, Bạch Kim và Vàng. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Việt Nam có thể tự hào vì những gì có thể làm được cho bệnh nhân đột quỵ so với các nước lân cận có cùng nền kinh tế, hoặc thậm chí hơn. “Chúng ta làm rất tốt các khâu điều trị cấp, điều trị tái thông” - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM nói. Tuy nhiên, số lượng trung tâm đột quỵ dù đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đủ. Theo ước tính, mỗi năm, nước ta có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ mới mắc. Như vậy, phải cần hơn 200 trung tâm đột quỵ mới đủ để chăm sóc cho số lượng bệnh nhân đột quỵ hàng năm. Khó khăn thứ hai là số lượng bác sĩ chuyên khoa còn hạn chế, chưa đủ để đáp ứng với số lượng bệnh nhân đột quỵ mỗi năm. Ngoài ra, ý thức cộng đồng vẫn còn thấp. Dù đã nhiều lần cảnh báo trên phương tiện truyền thông, khá nhiều bệnh nhân vẫn chưa nhận ra được triệu chứng đột quỵ. Điều này dẫn đến một tỉ lệ rất thấp bệnh nhân có thể đến trung tâm đột quỵ trong những giờ vàng, gây cản trở trong việc điều trị. Đồng thời, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhận xét: “Sự tuân thủ điều trị phòng ngừa của bệnh nhân vẫn còn hạn chế. Nhiều bệnh nhân chỉ uống thuốc trong một vài tháng hoặc vài năm, sau đó ngưng thuốc. Việc này khiến cho tỷ lệ tái phát của bệnh nhân sẽ cao hơn”. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình