Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh phổi mô kẽ tiến triển âm thầm, chẩn đoán khó khăn nhưng chưa được quan tâm đúng mức

Theo TS.BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM), những yếu tố nêu trên đã góp phần làm cho bệnh phổi mô kẽ trở thành một bệnh vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

1. Nhóm bệnh phổi kẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Thưa BS, bệnh phổi kẽ là gì? Tỷ lệ và tuần suất mắc bệnh phổi kẽ tại Việt Nam như thế nào?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Bệnh phổi kẽ, hay phổi mô kẽ, là một nhóm rối loạn bệnh lý liên quan đến nhu mô phổi - thành phần chính để trao đổi khí của phổi. Đây là nhóm bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể về tần suất người dân mắc bệnh phổi kẽ. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm lâm sàng cũng như một số nghiên cứu đã thực hiện, chúng tôi ước tính một tỷ lệ khá nhiều, khá phổ biến, liên quan đến nhiều nhóm bệnh lý khác nhau có thể gây ra bệnh phổi mô kẽ.

Những yếu tố có thể kể đến là tiếp xúc, phơi nhiễm với ô nhiễm môi trường; các bệnh lý tự miễn; sử dụng thuốc điều trị không đúng, quá mức, lạm dụng thuốc và cả những căn nguyên vô căn. Gia đình có người măc bệnh phổi kẽ thì các thành viên khác cũng có nguy cơ.

TS.BS Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM)

2. Bệnh phổi mô kẽ nguy hiểm như thế nào?

Căn bệnh phổi kẽ thường được ví như “chết đuối trên cạn” vì tỷ lệ tử vong cao, thậm chí tiên lượng xấu hơn cả ung thư phổi. Theo BS, đặc điểm nào của bệnh phổi kẽ sẽ khiến căn bệnh này trở nên nguy hiểm? Sự quan tâm của cộng đồng dành cho căn bệnh này như thế nào?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Sự ví von “chết đuối trên cạn” diễn tả sự thiếu oxy, không thể thở được dù đang ở trên cạn. Đây là cảm giác của ngươif bệnh phổi mô kẽ, đặc biệt ở những nhóm bệnh nặng, giai đoạn cuối.

Như đã chia sẻ, bệnh phổi mô kẽ là một nhóm các rối loạn bệnh lý khác nhau. Do đó, tùy vào nguyên nhân, giai đoạn mà bệnh nhân có cảm giác “chết đuối trên cạn”. Bệnh phổi mô kẽ được cảnh báo nguy hiểm vì nhiều lý do.

- Chẩn đoán khó khăn: Triệu chứng của bệnh phổi mô kẽ dễ nhầm lẫn, trùng lắp với các bệnh hô hấp khác, chẳn hạn ho khan, khó thở khi gắng sức. Cảm giác khó thở có thể tăng lên ở các giai đoạn sau. Điều này gây khó khăn trong việc chẩn đoán sớm và dẫn đến hậu quả nặng nề về sau.

- Sự phức tạp: Bệnh phổi mô kẽ liên quan đến gần 200 rối loạn bệnh lý của phổi và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cần phải có nghi ngờ mới không bỏ sót. Hiện nay, nhiều trường hợp người bệnh phổi kẽ bị bỏ soát hoặc chỉ phát hiện ở những giai đoạn trễ, khi những can thiệp không còn hiệu quả.

Vì có quá nhiều nguyên nhân, thông thường trong khi chẩn đoán phải kết hợp đa chuyên khoa. Ví dụ, trong hội chẩn bệnh phổi kẽ liên quan đến bệnh mô liên kết cần bác sĩ chuyên về phổi và bác sĩ về cơ xương khớp, chẩn đoán hình ảnh. Thậm chí có trường hợp cần đến bác sĩ giải phẫu bệnh.

- Điều trị: Việc điều trị bệnh phổi mô kẽ khá phức tạp, đặc biệt là bệnh phổi mô kẽ liên quan đến các nguyên nhân về miễn dịch, tự miễn vì cần nhiều phương pháp. Thuốc điều trị luôn có 2 mặt lợi và hại, phải kiểm soát được các tác dụng phụ.

- Theo dõi và tuân thủ điều trị của người bệnh cũng là một vấn đề nan giải. Với một căn bệnh kéo dài, người bệnh và người nhà đều mệt mỏi, bỏ dở điều trị.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên còn phải kể đến việc bệnh tiến triển âm thầm, triệu chứng không đặc hiệu và dễ bị bỏ qua. Nếu không được điều trị, quá trình viêm tại phổi, xơ hóa sẽ dẫn đến xơ phổi, thậm chí là xơ phổi tiến triển, bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp.

Những biến chứng kèm theo nếu không điều trị là suy tim phải, tăng áp động mạch phổi. Bệnh nhân bệnh phổi kẽ còn dễ bị nhiễm trùng hô hấp, suy hô hấp và nặng nhất là tử vong.

Một lý do khác không kém phần quan trọng là bệnh phổi kẽ chưa nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Bệnh nhân có thể thường xuyên kiểm tra mỡ máu, huyết áp, đường huyết... nhưng hầu như chưa thực sự quan tâm đến các bệnh lý hô hấp nói chung và bệnh phổi mô kẽ nói riêng.

3. Những nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi mô kẽ

Xin hỏi BS, nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi kẽ là gì? Lối sống, môi trường sống tại Việt Nam có phải là yếu tố tác động trực tiếp đến nguy cơ mắc bệnh không, thưa BS?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Yếu tố nguy cơ của bệnh phổi kẽ khá đa dạng.

- Đầu tiên là vấn đề tuổi tác, tuổi càng lớn thì nguy cơ càng cao do quá trình tích tụ các rối loạn của cơ thể.

- Giới tính: Một số bệnh phổi mô kẽ xuất hiện ở nam giới nhiều hơn và ngược lại.

- Ô nhiễm không khí, ô nhiễm trong môi trường làm việc hoặc sinh hoạt: Có những nhóm bệnh phổi kẽ liên quan đến nghề nghiệp, có thể kể đến những công việc ở công trường xây dựng, thường xuyên tiếp xúc với gạch ngói, cát, đá...

- Thuốc: Các nhóm thuốc điều trị có thể ảnh hưởng đến bệnh phổi kẽ, gọi là nhóm phơi nhiễm. Thuốc điều trị ung thư, kháng sinh, kháng viêm, tim mạch... có thể gây ra bệnh phổi mô kẽ.

- Bệnh lý tự miễn: Cơ thể tự sản sinh ra những kháng thể chống lại chính nó, thường gặp như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm da cơ địa, viêm đa cơ, viêm khớp dạng thấp...

- Tiền sử gia đình.

- Vô căn.

4. Triệu chứng của bệnh phổi kẽ đa dạng và không đặc hiệu

Xin hỏi BS, bệnh phổi mô kẽ có triệu chứng nào để cảnh báo cho người bệnh? Bệnh phổi mô kẽ tác động đến những cơ quan nào khác của cơ thể, ngoài phổi?

TS.BS Lê Thị Thu Hương trả lời: Mỗi người cần trang bị kiến thức, hiểu biết để tự nhận thức được yếu tố nguy cơ của bản thân. Nếu trong gia đình có nhiều người mắc bệnh phổi kẽ, chúng ta rất có thể thuộc nhóm nguy cơ.

Những người làm việc trong môi trường ô nhiễm cũng có nguy cơ rất cao. Bệnh nhân đang mắc bệnh tự miễn, đặc biệt là người bệnh xơ cứng bì thể lan tỏa có tỷ lệ mắc bệnh phổi kẽ khá nhiều. Bệnh phổi kẽ cũng là nguyên nhân chính gây tử vong cho bệnh nhân xơ cứng bì toàn thể.

Đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh phổi kẽ có phần ít hơn, nhưng có 30 - 40% trường hợp có thể phát triển bệnh phổi mô kẽ.

Bác sĩ luôn khuyến cáo người dân phải trang bị kiến thức đầy đủ về việc đưa thuốc hay thực phẩm chức năng vào cơ thể. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Dùng thuốc sai, lạm dụng thuốc có thể dẫn đến một số bệnh, trong đó có bệnh phổi kẽ.

Người hút thuốc lá, thói quen không tốt, môi trường ô nhiễm có thể gây nguy cơ cho người bệnh. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, bệnh nhân có hút thuốc lá và phơi nhiễm với môi trường ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ.

Triệu chứng của bệnh phổi mô kẽ rất đa dạng nhưng thường dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Bệnh nhân có thể có ho khan, mệt nhọc, khó thở khi gắng sức, hụt hơi. Ở những giai đoạn về sau, triệu chứng khó thở xuất hiện nhiều hơn, liên tục.

Khi dùng ống nghe, bác sĩ có thể phát hiện những tiếng rang nổ ở phổi. Tại những cơ quan khác, triệu chứng sẽ liên quan đến nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi kẽ. Bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ liên quan đến bệnh mô liên kết biểu hiện ra các triệu chứng của bệnh nền, ví dụ người bệnh xơ cứng bì biểu hiện dày da mặt, da tay.

Bệnh nhân suy hô hấp mãn tính lâu dài có thể bị ngón tay dùi trống (đầu ngón tay to ra và ngón tay cong lên).

Vì triệu chứng của bệnh phổi kẽ đa dạng và không đặc hiệu, người bệnh phải tự nhận thức trường hợp mình thuộc nhóm nguy cơ. Bác sĩ cũng nên đặt nghi ngờ trong quá trình thăm khám nếu bệnh nhân có những dấu hiệu nêu trên, chỉ định các xét nghiệm tầm soát.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X