Bệnh phổi kẽ không còn là căn bệnh vô phương cứu chữa
Đó là nhận định của TS.BS Hoàng Thị Triều Nghi - Trưởng Đơn vị Chẩn đoán hình ảnh, Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh trong buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân với chủ đề “7 điều cần nắm về bệnh phổi kẽ”. Bác sĩ nhấn mạnh, với sự tiến bộ của các phương tiện chẩn đoán và những loại thuốc điều trị, bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ đã có chất lượng sống tốt hơn rất nhiều so với trước đây.
1. Bệnh phổi kẽ là gì và những nguyên nhân phổ biến gây bệnh phổi kẽ
Mở đầu buổi sinh hoạt CLB bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh vào ngày 22/9/2024 vừa qua, TS.BS Hoàng Thị Triều Nghi trình bày: “Bệnh phổi kẽ là một khái niệm rất rộng, có thể bao quát 20% bệnh lý gây ra bởi quá trình viêm và xơ hóa trong khoảng kẽ, là nơi xảy ra trao đổi khí oxygen và carbon dioxide”.
Khi màng trao đổi khí bị tổn thương, cơ thể sẽ đáp ứng bằng cách tạo nên các mô sợi. Các mô sợi dày lên theo thời gian, làm giảm chức năng thông khí của phổi. Bệnh nhân sẽ dễ cảm thấy mệt và gây nên những triệu chứng thường thấy của bệnh phổi kẽ.
Bệnh phổi kẽ có thể xuất phát từ những nguyên nhân đến từ môi trường như khí thải công nghiệp, hút thuốc lá hay từ các bệnh lý phổ biến như trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra còn có các tác nhân vi khuẩn, virus mà gần đây nhất là đại dịch COVID-19. Bức xạ trong điều trị y khoa cũng là một nguyên nhân gây bệnh.
“Ngoài ra, có những thuốc điều trị có thể gây bệnh phổi kẽ, chẳng hạn như thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng viêm, thuốc tim mạch và một số thuốc kháng sinh” - TS.BS Hoàng Thị Triều Nghi cho biết thêm.
Bệnh lý toàn thân cũng có thể gây bệnh phổi kẽ, ví dụ các bệnh tự miễn, viêm khớp dạng thấp, lupus, viêm đa cơ, xơ cứng bì. Các bệnh phổi quá mẫn và hậu COVID cũng gây tổn thương ở mô kẽ của phổi.
Một yếu tố khá quan trọng nhưng thường bị bỏ qua là những thay đổi về di truyền. “Các xét nghiệm về di truyền nên được nghĩ đến và thực hiện đối với những trường hợp xơ phổi xuất hiện sớm, xơ phổi có tính gia đình, các hội chứng hiếm gặp” - chuyên gia khuyến cáo.
2. Bệnh phổi kẽ phổ biến như thế nào?
Tại Hoa Kỳ, có khoảng 650.000 nguời mắc bệnh phổi kẽ, tỷ lệ trong dân số khoảng 50 - 55/100.000 người, ở cả hai giới. Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức nhưng ước tính khoảng 70.000 người mắc bệnh phổi kẽ.
Từ năm 1990 - 2030, các chuyên gia nhận định tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tàn tật và tỷ lệ tử vong do bệnh phổi kẽ đều có xu hướng tăng dần.
Thống kê các bệnh phổi kẽ thấy được qua cắt lớp vi tính thực hiện tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, có khoảng 150 bệnh nhân có tổn thương phổi kẽ. 34% trong số đó có kiểu hình của bệnh phổi quá mẫn và 52% bệnh phổi kẽ không đặc hiệu. Hậu COVID chiếm 1/10 trong các bệnh nhân vừa nêu.
Theo nghiên cứu tại Ấn Độ, 47% bệnh phổi quá mẫn có thể đến từ thói quen sử dụng máy điều hòa không khí, máy lạnh. 42% bệnh phổi kẽ ở Ý có kiểu hình không đặc hiệu.
3. Cuộc sống của người mắc bệnh phổi kẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Triệu chứng thường gặp của bệnh phổi kẽ là cảm giác hụt hơi, mệt mỏi, ho khan dai dẳng, sụt cân không rõ lý do, nặng ngực, đau cơ, viêm khớp. “Triệu chứng bệnh phổi kẽ thường không đặc hiệu, khiến bệnh nhân chậm trễ trong việc đi khám và điều trị” - TS.BS Hoàng Thị Triều Nghi nhấn mạnh.
Đồng thời, Trưởng Đơn vị Chẩn đoán hình ảnh của Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh thông tin, bệnh phổi kẽ không còn là căn bệnh vô phương cứu chữa. HRCT (Chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao) đã giúp phát hiện khá nhiều trường hợp mắc bệnh.
Hiện nay đã có những loại thuốc đã được FDA (Cụ quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) công nhận tác dụng điều trị hoặc làm chậm bệnh phổi kẽ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh một cách đáng kể.
Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh có các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực bệnh phổi kẽ, đây cũng là yếu tố làm nên sự khác biệt cho cơ sở:
- Các phương tiện chẩn đoán từ chức năng hô hấp, chẩn đoán hình ảnh đến huyết thanh miễn dịch nhằm phát hiện sớm vấn đề;
- Hội chẩn liên chuyên khoa;
- Kế hoạch chăm sóc toàn diện với chi phí hợp lý.
TS.BS Hoàng Thị Triều Nghi nhận định: “Bệnh phổi kẽ không chỉ nằm ở phổi mà đây là một bệnh lý toàn thân. Tim mạch là cơ quan cần được quan tâm nhiều hơn”.
Ngoài điều trị bằng thuốc, cần phối hợp thêm chăm sóc tâm lý, dinh dưỡng cho bệnh nhân và hướng dẫn các hoạt động thể chất phục hồi chức năng hô hấp.
Thuốc điều trị bệnh phổi kẽ có thể làm chậm tiến triển bệnh, tuy nhiên chúng không giúp người bệnh cảm thấy vui hơn. TS.BS Hoàng Thị Triều Nghi kết luận: “Tập luyện thể dục cũng là một “phương thuốc” đối với bệnh phổi kẽ”. Việc tập luyện dưới hình thức đơn giản nhất như đi bộ cũng có thể làm người bệnh cảm thấy thoải mái”.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình