Bệnh nhân suy thận cấp vì tin lời trên mạng, sắc nước cây me đất hoa tím để uống
Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một trường hợp ngộ độc đáng tiếc liên quan đến việc tự ý sử dụng cây cỏ làm thuốc. Nữ bệnh nhân 62 tuổi, trú tại Hà Nội, bị tổn thương thận và suy thận cấp sau khi uống nước sắc từ cây me đất hoa tím mọc trong vườn nhà.
Theo lời kể, bệnh nhân thấy trên mạng xã hội lan truyền thông tin cây me đất có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ điều trị sỏi thận và tiểu đường. Đồng thời, người cô ruột của bệnh nhân cũng thường xuyên dùng loại cây này đun uống. Tin tưởng vào những thông tin này, khi thấy vườn nhà mọc sẵn nhiều cây, bệnh nhân đã nhổ khoảng nửa ký cây me đất, bao gồm cả rễ và củ, đem rửa sạch rồi đun cô đặc lấy nước uống.
Sau khi uống khoảng 2 cốc nước có vị chát, chua và mặn, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy khó chịu, buồn nôn và nôn ra dịch. Dù hôm sau vẫn có thể sinh hoạt, nhưng bệnh nhân liên tục mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, ăn uống kém và phải nhập viện sau 2 ngày.

Tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, không sốt, không đau bụng, nhưng xét nghiệm cho thấy chỉ số creatinine máu tăng cao bất thường - dấu hiệu của tổn thương thận cấp tính. Qua phân tích mẫu cây do bệnh nhân mang đến, các chuyên gia xác định đây là me đất hóa đỏ (tên khoa học Oxalis corymbosa DC). Xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy mẫu cây chứa hàm lượng cao axit oxalic - chất độc có thể gây suy thận nếu dung nạp với lượng lớn.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết: “Axit oxalic là chất có thể gây tổn thương thận, suy thận, thậm chí tử vong khi tích lũy với liều lượng lớn trong cơ thể. Trường hợp bệnh nhân này là lần đầu tiên Trung tâm ghi nhận ngộ độc do uống nước sắc từ cây me đất chứa axit oxalic”.
Cũng theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, axit oxalic có mặt tự nhiên trong nhiều loại rau quả như khế, chanh, nho, me, củ cải đường, cải bó xôi... nhưng với chế độ ăn uống thông thường, hàm lượng này không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức, nhất là qua nước sắc cô đặc, có thể gây nguy hiểm.

Các bác sĩ cảnh báo, không nên tự ý sử dụng các loại cây cỏ làm thuốc theo thông tin trên mạng hoặc truyền miệng, kể cả với những cây vốn được coi là “thảo dược” hay “lành tính”. Mọi vấn đề liên quan đến điều trị bệnh lý cần được khám, tư vấn và kê đơn bởi nhân viên y tế có chuyên môn và được cấp phép hành nghề.
“Thuốc, dù có nguồn gốc từ thảo dược, cũng cần được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng, dưới sự giám sát y tế. Người dân không nên tự ý hái cây, sắc uống theo kinh nghiệm dân gian hay thông tin trôi nổi trên mạng, tránh những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Axit oxalic (muối oxalat) là axit hữu cơ với tính axit khá mạnh, gấp khoảng 10.000 lần axit acetic. Ở điều kiện thường, axit oxalic tồn tại ở dạng tinh thể, dễ tan trong nước tạo dung dịch không màu, có vị chua. Ở liều cao, axit oxalic dễ làm kích thích niêm mạc ruột và ở liều nguyên chất với hàm lượng 4-5g có thể có khả năng gây ngộ độc cấp tính, thậm chí dẫn đến tử vong. Liều ngộ độc (LD50) của axit oxalic nguyên chất được ước khoảng 378 mg/kg thể trọng (khoảng 22,68 g/người 60 kg). Sự kết hợp của axit oxalic với canxi tạo ra canxi oxalat, có thể gây kết tủa lắng đọng tạo thành sỏi ở các cơ quan tiết niệu, gan, mật, tụy… hoặc đọng lại ở các khớp xương. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình