Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân đái tháo đường và bệnh thận quan tâm điều gì?

“Vì sao khi đi khám có bác sĩ cho thuốc này nhưng lần sau bác sĩ khác lại cho thuốc khác? Đối với người bệnh thận giai đoạn 3b phải kiêng cữ rất nhiều thứ, vậy khi ăn rau, trái cây cần chú ý nồng độ Kali như thế nào?” - là một trong những câu hỏi của người bệnh khi tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh đái tháo đường và bệnh thận, tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Nhằm nâng cao kiến thức, giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn nguyên nhân đái tháo đường, biểu hiện, cách phòng ngừa, điều trị và những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường, trong đó có thể dẫn đến suy thận. Sáng Chủ nhật, 23/07/2023, khoa Nội tiết - Thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh đái tháo đường và bệnh thận.

Tại đây, người tham dự được đo huyết áp và thử đường huyết trước khi đến với chương trình giao lưu cùng bác sĩ. BS.CK2 Đặng Trúc Lan Trinh, Phó trưởng khoa Nội tiết - Thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: “Buổi sinh hoạt có khoảng 110 cô chú tham gia Câu lạc bộ người bệnh đái tháo đường và bệnh thận. Trong số đó, có đến 80 người đạt đúng mục tiêu đường huyết (chỉ số từ 80 - 130 lúc đói) và 12 người có chỉ số trên 130. Đây là điều khích lệ đối với các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định”.

Người tham dự được đo huyết áp và thử đường huyết

Chương trình diễn ra với 2 chủ đề là “Tuân thủ điều trị ở người bệnh đái tháo đường: Giải pháp và lợi ích”“Thời điểm và các phương pháp điều trị thay thế thận”.

Tuân thủ điều trị đái tháo đường, đem lại lợi ích gì cho người bệnh? 

Với chủ đề 1, “Tuân thủ điều trị ở người bệnh đái tháo đường: Giải pháp và lợi ích” - ThS.BS Cao Mạnh Tuấn chia sẻ, theo Tổ chức Y tế Thế giới 2015, tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường là sự kết hợp của 4 biện pháp. Đầu tiên, người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng, vận động và dùng thuốc đúng như lời khuyên và toa thuốc của bác sĩ đưa ra. Hai là duy trì chế độ hoạt động thể lực trong cường độ phù hợp đối với từng người bệnh, thời gian vận động ít nhất 30 phút/ngày và 7 ngày/tuần. Ba là chế độ dùng thuốc có khoa học, tránh việc quên hoặc dùng sai liều thuốc. Bốn là tự theo dõi đường huyết tại nhà, sử dụng máy đo đường huyết mao mạch (đầu ngón tay) và ghi lại trong sổ tay cá nhân, khám sức khoẻ và kiểm tra định kỳ để có thể kiểm soát được tình trạng bệnh.

Có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng người bệnh gặp phải các vấn đề về kém tuân thủ trong điều trị bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân đầu tiên là do người bệnh chưa hiểu rõ về bệnh. Nguyên nhân thứ hai là cảm nhận chưa đúng về tiến trình điều trị. Ba là chưa biết rõ về các biến chứng khi đường huyết kiểm soát không tốt. Cuối cùng là nguyên nhân do chưa có niềm tin vào điều trị bệnh, chưa có niềm tin vào cơ sở y tế, vào các xét nghiệm, các bác sĩ khám bệnh và vào các loại thuốc đang uống.

ThS.BS Cao Mạnh Tuấn, khoa Nội tiết - Thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Theo lời khuyên của bác sĩ Tuấn, nên tuân thủ chế độ kiểm soát đường huyết - khám sức khoẻ định kỳ và chế độ dùng thuốc, điều này giúp các bác sĩ có thể theo dõi sát bệnh lý của người bệnh, phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng những bất thường xảy ra. Tránh được việc hạ đường huyết và tăng đường huyết cấp tính do uống thuốc quá liều hoặc bỏ thuốc, dùng thuốc không đúng.

Ngoài ra, việc tuân thủ chế độ hoạt động thể lực còn góp phần làm giảm trọng lượng cơ thể ở người thừa cân hoặc béo phì, giúp tăng cường thể lực, tạo cảm giác hưng phấn, thoải mái, giảm bớt sự căng thẳng của tâm lý, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Khi nào người bệnh thận bắt buộc điều trị thay thế thận và có những phương pháp nào?

Trong chủ đề 2, “Thời điểm và các phương pháp điều trị thay thế thận” - ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến cho biết: “Thời điểm bắt đầu chạy thận nhân tạo là lúc bệnh nhân không còn chịu đựng được nữa và khi đó bác sĩ mới có thể thuyết phục được. Không phải tất cả bệnh nhân độ lọc cầu thận dưới 15 đều chạy thận ngay. Có những bệnh nhân độ lọc cầu thận xuống mức 2 mới bắt đầu có triệu chứng. Vì vậy khi bệnh nhân có triệu chứng của hội chứng ure huyết cao như buồn nôn, nôn, chán ăn, thở mệt, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, khó ngủ,… thận không còn đảm nhận được chức năng, triệu chứng của chất độc đã quá cao, bệnh nhân phải điều trị thay thế thận ngay. Nếu không điều trị thay thế thận, sẽ rơi vào biến chứng nặng hơn như rối loạn nhịp tim, biến chứng não, co giật, động kinh, hôn mê,… khi đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính mạng của bệnh nhân”.

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến, khoa Nội tiết - Thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Có 3 phương pháp thay thế thận hiện nay gồm: lọc máu (chạy thận nhân tạo), lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc), ghép thận.

Phương pháp thứ nhất, bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ được lấy máu từ đường lấy máu sau đó qua thận nhân tạo loại bỏ chất độc, chất dư thừa, nước,… và chảy máu sạch về cho bệnh nhân. Mỗi tuần bệnh nhân sẽ đến trung tâm chạy thận nhân tạo thuận tiện nhất để chạy thận. Mỗi lần như vậy sẽ kéo dài 3 - 3,5 tiếng hoặc 4 - 4,5 tiếng tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. 

Phương pháp thứ 2 là thẩm phân phúc mạc. Quy trình này, người bệnh và người nhà bệnh nhân sẽ được huấn luyện 2 tuần cho đến khi thực hiện đúng 10 bước, để hạn chế tối đa việc nhiễm trùng. Bên cạnh đó người bệnh sẽ có số điện thoại của đội ngũ hướng dẫn để khi dịch đục hay có vấn đề nào đó xảy ra có thể liên hệ và đến bệnh viện để được chăm sóc.

Thẩm phân phúc mạc có 2 loại. Một là thẩm phân phúc mạc bằng tay, người bệnh sẽ tự thực hiện tại nhà. 1 tháng đến bệnh viện 1 lần để nhận túi dịch về sử dụng trong tháng. 1 ngày sẽ thay 4 lần (sáng, trưa, chiều, tối) mỗi lần 30 phút, người bệnh có thể tự thay hoặc nhờ sự hỗ trợ của người nhà.

Ngoài ra, còn có phương pháp thẩm phân phúc mạc bằng máy thực hiện lọc vào buổi tối. Tuy nhiên giá thành khá cao, khoảng 200 triệu/máy. Để tiết kiệm chi phí người bệnh có thể mua lại máy cũ của những bệnh nhân đã từng sử dụng máy thẩm phân phúc mạc và sau đó chuyển sang phương pháp khác.

Phương pháp thứ ba là ghép thận, đây là phương pháp cho điều kiện cuộc sống tốt nhất. Ghép thận được thực hiện trên bệnh nhân có đủ điều kiện và có nguồn thận ghép, cũng như tuân thủ sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trước khi ghép, sau khi ghép và đến suốt đời. Lưu ý, ghép thận thường không thực hiện ở bệnh nhân trên 60 tuổi. 

Người bệnh cần dựa vào điều kiện thực tế, sở thích và thói quen để lựa chọn phương pháp phù hợp. Nếu không đồng ý hoặc đổi ý không muốn lọc màng bụng nữa vẫn có thể chuyển sang phương pháp khác" - là thông tin ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến đem đến trong buổi sinh hoạt.

Bệnh nhân đái tháo đường và bệnh thận cần gì lưu ý gì về cân nặng, chế độ ăn và sử dụng thuốc?

Tại phần giao lưu, các bác sĩ và các cô chú tham dự đã đặt rất nhiều câu hỏi thực tế liên quan đến chủ đề suy thận và đái tháo đường. Với câu hỏi: “Vì sao khi đi khám có bác sĩ cho thuốc này nhưng lần sau bác sĩ khác lại cho thuốc khác?”. BS.CK2 Đặng Trúc Lan Trinh giải đáp: “Nên tái khám vào đúng ngày bác sĩ hẹn để gặp lại bác sĩ đã khám. Tuy nhiên, đôi lúc bệnh nhân hoặc bác sĩ bận và đến khám khác ngày vẫn có thể an tâm. Tất cả bác sĩ đều lấy bệnh nhân làm trung tâm, không phải cho thuốc theo sở thích của bác sĩ hay muốn đổi thuốc bác sĩ trước đã cho. Có thể lần khám này, người bệnh gặp vấn đề nào đó như đường huyết cao quá cao hoặc quá thấp, buộc bác sĩ (người tiếp nhận mới) phải điều chỉnh cho phù hợp. Nếu đường tốt, bác sĩ vẫn sẽ duy trì toa thuốc trước đó của đồng nghiệp.

BS.CK2 Đặng Trúc Lan Trinh, Phó trưởng khoa Nội tiết - Thận Bệnh viện Nhân dân Gia Định

“Hiện nay, trên mạng quảng cáo nhiều loại thuốc chữa hết bệnh tiểu đường, vậy bác sĩ có lời khuyên nào cho vấn đề này không?” Với câu hỏi này ThS.BS Cao Mạnh Tuấn khẳng định: “Tất cả các thuốc điều trị đái tháo đường đều đã có nghiên cứu, kiểm chứng mới được cấp phép sử dụng. Đối với những loại thuốc được bán trên mạng xã hội, chúng ta không biết được các thành phần bên trong. 

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định có một số người bệnh lớn tuổi uống thuốc đông dược và đến bệnh viện với tình trạng rất nặng, phải lọc máu khẩn cấp mới có thể rút được các chất độc. Chính vì vậy, người bệnh không nên uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc được quảng cáo trên mạng xã hội, vì sẽ vừa tốn tiền, vừa mất thời gian nhưng không đem lại hiệu quả. Để biết loại thuốc nào uống được, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ”.

“Vì sao người bệnh đái tháo đường lại sụt cân nhanh chóng?”, BS.CK2 Đặng Trúc Lan Trinh trả lời: “Nếu người bệnh đái tháo đường sụt cân nhanh chóng, đó có thể là do các bệnh lý khác như bệnh lý ác tính, lao phổi, ung thư,… Để biết có thuộc nhóm thừa cân béo phì hay không, người bệnh có thể tính chỉ số khối cơ thể (BMI) bằng cách lấy cân nặng (kilogram) chia cho bình phương chiều cao (mét). 

Nếu BMI trên 23, tùy theo mức cân nặng của mỗi người mục tiêu là giảm 2 - 5% so với cân nặng hiện tại. Hiện nay có những nhóm thuốc dành cho bệnh nhân thừa cân, béo phì, ngoài việc kiểm soát đường huyết sẽ có lợi ích về tim mạch, thận và một phần lợi ích về giảm cân như Metformin,… Nếu cân nặng giảm quá nhanh, người bệnh cần tầm soát vì có thể mắc ung thư dạ dày, ung thư trực tràng”.

Người tham dự sau khi lắng nghe nội dung và trả lời câu hỏi chính xác sẽ nhận được một phần quà từ chương trình

Để giải đáp cho câu hỏi: “Đối với người bệnh thận giai đoạn 3b phải kiêng cử rất nhiều thứ. Vậy khi ăn rau, trái cây cần chú ý nồng độ Kali như thế nào?” - ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến có những chia sẻ như sau: “Đối với người bệnh thận mạn giai đoạn 3b nếu có tiểu đường, không nên ăn trái cây vì có thể làm tăng đường huyết. Do dó, lượng trái cây sẽ giới hạn từ 100 - 150g/ngày và là những loại trái cây không ngọt.

Với rau xanh, sẽ có sự khác biệt nhỏ giữa các bệnh nhân, nhìn chung, có thể ăn khoảng 300g/ngày. Để giảm sự tăng Kali máu trong rau, nên cắt nhỏ và ngâm rau với nước, luộc nhiều nước (1 lượng rau - 5 lượng nước), luộc kỹ và bỏ nước chỉ ăn phần cái.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ dựa vào sự thay đổi Kali máu giữa các lần khám để hướng dẫn cụ thể cho người bệnh. Kali máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thuốc tim mạch, thuốc cao huyết áp, thuốc thận.

Đối với thịt cá, người bệnh giai đoạn 3b cần tiết chế. Nếu người bệnh khoảng 50kg, lượng đạm mỗi ngày (trong 3 bữa) khoảng 250g. Bên cạnh đó, chỉ nêm nửa muỗng cà phê muối cho 3 bữa ăn trong ngày và không chấm thêm các loại gia vị khác.

Ngoài ra, các loại trứng, phô mai, sữa cũng cần tiết chế. Về lượng nước, nếu bệnh nhân không phù, lượng nước sẽ tương đương với lượng nước tiểu mỗi ngày cộng với 500ml; nếu bệnh nhân có phù phải giảm đi và khô sẽ tăng thêm”.

>>> 6 sai lầm phổ biến nhất thường gặp ở người bệnh đái tháo đường

>>> Suy thận thời điểm nào cần ghép thận - chạy thận - lọc màng bụng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X