Hotline 24/7
08983-08983

6 sai lầm phổ biến nhất thường gặp ở người bệnh đái tháo đường

Việc kiểm soát đường huyết là rất quan trọng trong điều trị người bệnh đái tháo đường. Đường huyết đạt mục tiêu và ổn định lâu dài sẽ giúp giảm các biến chứng, nguy cơ nhập viện hay tử vong do đái tháo đường.

Người bệnh đái tháo đường thường mắc những sai lầm như tự ý ngưng thuốc hoặc gia tăng liều lượng, chưa thực hiện đúng các thao tác đo đường huyết, tiêm insulin không đúng cách, nhịn ăn hoặc thực hiện chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, bỏ tái khám,… Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị, làm gia tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Những sai lầm trên đã được ThS.BS Cao Mạnh Tuấn - Khoa Nội tiết - Thận đề cập và chia sẻ tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh đái tháo đường và bệnh thận với chuyên đề "Tuân thủ điều trị ở người bệnh đái tháo đường: Giải pháp và lợi ích". Buổi sinh hoạt diễn ra vào Chủ nhật ngày 23/7 tại Hội trường B, bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhằm nâng cao kiến thức cho người bệnh về bệnh lý đái tháo đường.

Tại buổi sinh hoạt đã diễn ra các hoạt động bổ ích như đo đường huyết, kiểm tra huyết áp miễn phí trước khi vào hội trường lắng nghe những chia sẻ về kiến thức, thông tin hữu ích trong việc phòng và điều trị các bệnh lý về đái tháo đường. 

Nguy cơ khi không tuân thủ điều trị

ThS.BS Cao Mạnh Tuấn dẫn chứng theo Tổ chức Y tế Thế giới 2015, tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường là sự kết hợp của 4 biện pháp. Đầu tiên là chế độ dinh dưỡng. Hai là chế độ hoạt động thể lực. Ba là chế độ dùng thuốc. Bốn là chế độ kiểm soát đường huyết và khám sức khoẻ định kỳ.

ThS.BS Cao Mạnh Tuấn cho biết thêm, có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng người bệnh gặp phải các vấn đề về kém tuân thủ trong điều trị bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân đầu tiên là do người bệnh chưa hiểu rõ về bệnh (chưa biết đái tháo đường là gì, tại sao mắc bệnh, tại sao phải điều trị?). Nguyên nhân thứ hai là cảm nhận chưa đúng về tiến trình điều trị (chưa biết điều trị có hết bệnh không? Uống thuốc đến một thời điểm có ngưng được không?). Ba là nguyên nhân chưa biết rõ về các biến chứng khi đường huyết kiểm soát không tốt. Cuối cùng là nguyên nhân do chưa có niềm tin vào điều trị bệnh, chưa có niềm tin vào cơ sở y tế, vào các xét nghiệm, vào bác sĩ khám bệnh và vào các loại thuốc đang uống.

“Việc tuân thủ kém các biện pháp điều trị bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến tình trạng khó kiểm soát đường huyết. Tăng nguy cơ hạ đường huyết hoặc đường huyết tăng quá cao dẫn đến tình trạng hôn mê, nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,… có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Gia tăng các biến chứng mạn tính về sau, ví dụ tổn thương lâu dài ở các cơ quan mắt, thận, thần kinh, tim mạch,… Tăng gánh nặng tài chính cho bệnh nhân và hệ thống chăm sóc sức khoẻ. Gia tăng các bệnh lý đồng mắc như béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu,…” - ThS.BS Cao Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

Giải pháp và lợi ích khi tuân thủ các biện pháp điều trị 

Người bệnh đái tháo đường cần có kiến thức đúng về bệnh, các biến chứng, chế độ dinh dưỡng, vận động và tái khám định kỳ. Nên trang bị cho mình một sổ tay kiến thức và tham gia các câu lạc bộ hỗ trợ, giáo dục về bệnh lý đái tháo đường. Tìm hiểu những nguồn thông tin chính thống trên những trang web/kênh truyền thông uy tính của hiệp hội nội tiết hoặc của các bệnh viện.

Chuyên gia cho rằng việc tuân thủ theo 4 chế độ điều trị là giải pháp tốt nhất giúp người bệnh đái tháo đường giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng. Đầu tiên, người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng, vận động và dùng thuốc đúng như lời khuyên và toa thuốc của bác sĩ đưa ra. Hai là duy trì chế độ hoạt động thể lực trong cường độ phù hợp đối với từng người bệnh, thời gian vận động ít nhất 30 phút/ngày và 7 ngày/tuần. Ba là chế độ dùng thuốc có khoa học, tránh việc quên hoặc dùng sai liều thuốc. Bốn là tự theo dõi đường huyết tại nhà, sử dụng máy đo đường huyết mao mạch (đầu ngón tay) và ghi lại trong sổ tay cá nhân, khám sức khoẻ và kiểm tra định kỳ để có thể kiểm soát được tình trạng bệnh.

ThS.BS Cao Mạnh Tuấn thông tin, có hai giải pháp giúp bệnh nhân dễ dàng tuân thủ điều trị bệnh. Giải pháp một chiều, các hành vi của người bệnh hoàn toàn đúng như lời khuyên và toa thuốc của bác sĩ. Giải pháp hai chiều là có sự chủ động tương tác qua lại của chính người bệnh với bác sĩ để cả hai cùng thảo luận, bàn bạc và đưa ra phương án điều trị hợp lý nhất.

Khi người bệnh tuân thủ các biện pháp điều trị sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong quá trình theo dõi và kiểm soát bệnh đái tháo đường. Việc người bệnh tuân thủ chế độ dinh dưỡng, đường huyết sẽ được kiểm soát tốt, làm chậm diễn tiến đến các biến chứng mạn tính, ổn định các bệnh lý đồng mắc (tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh lý thận, tim mạch,…). 

Theo lời khuyên của chuyên gia, nên tuân thủ chế độ kiểm soát đường huyết - khám sức khoẻ định kỳ và chế độ dùng thuốc, điều này giúp các bác sĩ có thể theo dõi sát bệnh lý của người bệnh, phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng những bất thường xảy ra. Tránh được việc hạ đường huyết và tăng đường huyết cấp tính do uống thuốc quá liều hoặc bỏ thuốc, dùng thuốc không đúng.

“Ngoài ra, việc tuân thủ chế độ hoạt động thể lực còn góp phần làm giảm trọng lượng cơ thể ở người thừa cân hoặc béo phì, giúp tăng cường thể lực, tạo cảm giác hưng phấn , thoải mái, giảm bớt sự căng thẳng của tâm lý, cải thiện chất lượng cuộc sống”. ThS.BS Cao Mạnh Tuấn chia sẻ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X